NGÀY LÀM VIỆC THỨ 12, KỲ HỌP THỨ TÁM, QUỐC HỘI KHÓA XIV In trang
06/11/2019 09:04 SA

Hôm qua ngày 5-11, buổi sáng, các đại biểu Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận ở Hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao năm 2019; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019. Buổi chiều, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thư viện và thảo luận về việc phân bổ 4.069 tỷ đồng trong tổng số 10 nghìn tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Ðại biểu Quốc hội tỉnh Ðắk Lắk phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường

Ðại biểu Quốc hội tỉnh Ðắk Lắk phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường

Quốc hội chia buồn sâu sắc với gia đình các nạn nhân tại Anh

Sáng 5-11, trước khi tiếp tục phiên thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm, tham nhũng và công tác tư pháp, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc thay mặt Ủy ban Thường vụ QH báo cáo trước QH việc giải quyết bước đầu vụ 39 người chết ở Anh.

Theo đó, ngày 23-10, cảnh sát Anh nhận được thông tin có 39 người được tìm thấy đã chết trong xe tải đông lạnh ở Anh… Ngay sau khi nhận tin về việc có người Việt Nam, ngày 26-10, Bộ Ngoại giao ra thông cáo khẳng định sẵn sàng bảo hộ công dân. Ngày 29-10, phía Anh đã chuyển cho phía Việt Nam hồ sơ vân tay toàn bộ 39 nạn nhân để đối chiếu chéo, xác định danh tính, quốc tịch nạn nhân. Ngày 2 và 3-11, đoàn công tác của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đã sang Anh phối hợp nhà chức trách nước sở tại xử lý công việc liên quan.

Theo Tổng Thư ký QH, hiện nay tại Anh, các thủ tục đang được tiến hành, lập hồ sơ, báo cáo lên tòa án phê duyệt, sau đó mới có thể công bố danh tính các nạn nhân. Trong nước, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Ngoại giao sớm xác định danh tính các nạn nhân theo đề xuất của phía Anh, điều tra phát hiện các đường dây đưa công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân, thành lập tổ công tác liên ngành sang Anh phối hợp chính quyền sở tại giải quyết vụ việc, thông báo, tư vấn cho gia đình các nạn nhân để lo hậu sự cho các nạn nhân.

Tiếp đó, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu phát biểu ý kiến nêu rõ: QH xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân. QH đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương phối hợp các nước liên quan xác minh làm rõ, có biện pháp bảo hộ công dân; đề nghị Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương điều tra làm rõ các đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật; đồng thời, có biện pháp phòng ngừa hiệu quả tình trạng này.

Quyết tâm cao trong phòng, chống tham nhũng

Trong phiên thảo luận sáng hôm qua, công tác phòng, chống và xử lý tội phạm tham ô, tham nhũng tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đại biểu QH. Hầu hết các ý kiến đều khẳng định những kết quả nổi bật và nêu rõ: Quyết tâm của Ðảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng với những kết quả cụ thể, không có vùng cấm… đã tiếp tục củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân, đồng thời tạo ra một khí thế mới trong đời sống xã hội. Các đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận), Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng là quá trình lâu dài, không được chủ quan, không nóng vội và rất cần sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị cũng như các tầng lớp nhân dân. Nhiều cử tri rất vui mừng khi ngọn lửa chống tham nhũng đang lan tỏa rất rộng và sâu trong xã hội. Tuy nhiên, để công tác này thật sự có hiệu quả cao vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, một trong những yếu tố quan trọng nhất là ngăn chặn tham nhũng từ gốc, từ trong tư tưởng, suy nghĩ của mỗi người. Cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc công khai, minh bạch tài sản của cá nhân; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, viện kiểm sát, tòa án các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án, tội phạm tham nhũng đang được dư luận quan tâm, bức xúc.

Phòng, chống tội phạm và xử lý những hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường được nhiều đại biểu QH đề cập. Khẳng định những kết quả tốt trong thời gian qua nhưng các đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Ngô Sách Thực (Bắc Giang) cho rằng, các hình thức xử lý, các hoạt động điều tra, khám phá các vụ án, tội phạm trong lĩnh vực này chưa đủ sức răn đe.

Ðề cập về những hạn chế, khó khăn trong kết quả thi hành án dân sự, một số đại biểu cho rằng, những quy định pháp luật trong lĩnh vực còn những bất cập, nhất là việc quá cầu toàn trong quá trình triển khai cụ thể các công việc. Ðiều này được thể hiện qua việc có rất nhiều nội dung, hồ sơ, quy định mà chấp hành viên phải thực hiện sau khi có phán quyết của tòa án, từ đó gây ra áp lực cho chấp hành viên, nhưng lại tạo điều kiện cho đương sự kéo dài thời gian bằng việc khiếu nại, khiếu kiện; một số quy định pháp luật trong thi hành án dân sự chưa thống nhất và chồng chéo với một số luật khác, dẫn đến việc thực hiện không thuận lợi, thậm chí không thực hiện được… Thực trạng này đã làm giảm hiệu quả của việc thi hành án dân sự, đồng thời chưa bảo đảm sự nghiêm minh và tuân thủ các quy định của pháp luật trong đời sống.

Sau khi lắng nghe, tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu QH, lãnh đạo các cơ quan, ngành trình Báo cáo đã phát biểu trao đổi, giải trình với những ý kiến, vấn đề được các đại biểu QH nêu ra.

Ðiều chỉnh nguồn vốn bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia

Buổi chiều, thảo luận về Luật Thư viện, đa số các đại biểu cho rằng, sau kỳ họp thứ bảy, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu QH để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ thêm một số nội dung. Cụ thể, có đại biểu đề nghị làm rõ mạng lưới thư viện Việt Nam, nhất là mạng lưới thư viện công lập và mối quan hệ giữa các loại thư viện để có chính sách phát triển thư viện phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện. Ðại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) và một số đại biểu khác đề nghị làm rõ các chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện (Ðiều 4), trong đó việc đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm, quan tâm đầu tư phát triển thư viện công lập tại các vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, hải đảo. Ðồng thời, phải có các chính sách khuyến khích phát triển các thư viện ngoài công lập...

Về thư viện cơ sở giáo dục, một số đại biểu cho rằng, cần tập trung đầu tư các thư viện cơ sở, từ thư viện mầm non, thư viện tiểu học đến các cấp học cao hơn... Tuy nhiên, các quy định liên quan nội dung này còn chung chung, nằm rải rác, chưa đủ mạnh để thúc đẩy loại hình thư viện cơ sở phát triển.

Trong phiên làm việc chiều qua, QH nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về việc phân bổ 4.069 tỷ đồng trong tổng số 10 nghìn tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và một số nội dung liên quan kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2020.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị QH xem xét, quyết định đưa vào Nghị quyết của QH về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 các nội dung: Hòa chung số vốn 4.069 tỷ đồng còn lại chưa phân bổ trong tổng số 10 nghìn tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 với nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; giao Chính phủ thực hiện theo đúng quy định tại Nghị quyết số 84/2019/QH14 ngày 14-6-2019 của QH; điều chỉnh cơ cấu vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của hai Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó, tăng vốn ngoài nước và giảm tương ứng vốn trong nước là 3.580,2 tỷ đồng; bổ sung 241,021 tỷ đồng cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và bố trí số vốn tương ứng trong dự toán chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách T.Ư năm 2020 để thu hồi vốn ứng trước…

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu QH cơ bản tán thành với những nội dung Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH. Ðồng thời cho rằng, cần xem xét, nghiên cứu để cắt giảm thủ tục, trình tự giao vốn, từ đó tạo cơ sở thuận lợi cho việc bố trí, phân bổ nguồn vốn kịp thời, hợp lý. Bên cạnh đó, đề nghị QH xem xét thực hiện việc giao vốn theo Luật Ðầu tư công, có hiệu lực từ ngày 1-1-2020.

Chúng ta đã đề ra các mục tiêu, yêu cầu rất cao trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, các nguồn lực để bảo đảm vẫn rất khó khăn. Nguồn lực về con người cả chất lượng và số lượng, nguồn lực về cơ sở vật chất, vũ khí, trang bị phương tiện với nhiều dự án quan trọng chưa thể triển khai do khó khăn về kinh phí. Những vấn đề tồn tại, vướng mắc nêu trên, có những việc có thể khắc phục được ngay, có những vấn đề cần thời gian. Chính phủ và Bộ Công an xin tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các vị đại biểu Quốc hội để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật…

TÔ LÂM, Bộ trưởng Công an

Áp lực công việc đối với ngành tòa án hiện nay là không nhỏ. Trung bình hằng năm, số lượng công việc tăng lên khoảng 10%, riêng năm 2019 tăng 12%, tương đương gần 70 nghìn vụ. Hiện nay, chúng tôi đang thụ lý hơn 600 nghìn vụ của năm 2019. Số lượng và quy mô các vụ án tăng tỷ lệ thuận với quy mô dân số và quy mô nền kinh tế. Ðiều này đang đặt ra những thách thức mà hệ thống tòa án phải đối mặt, đồng thời phải có giải pháp để làm tốt các nhiệm vụ của mình.

NGUYỄN HÒA BÌNH, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao

Từ năm 2012 đến nay, Quốc hội đã ban hành 10 nghị quyết liên quan công tác tư pháp. Các nghị quyết này đã đề ra những chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể của Chính phủ và các cơ quan tư pháp. Tuy nhiên đến nay, sau bảy năm thực hiện, một số chỉ tiêu của các nghị quyết không còn phù hợp và việc tồn tại nhiều chỉ tiêu trong nhiều nghị quyết cũng dẫn đến những khó khăn nhất định trong tổ chức thực hiện. Vì vậy, các cơ quan tư pháp và các đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực tư pháp đã nhiều lần đề xuất và Ủy ban Tư pháp tán thành với việc xây dựng và trình Quốc hội xem xét ban hành một nghị quyết mới về công tác tư pháp…

LÊ THỊ NGA, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp

(Theo nhandan.com.vn)

Lượt xem: 1.552
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003991277
  •  Đang online: 67
  •  Trong tuần: 67
  •  Trong tháng: 41.652
  •  Trong năm: 41.652