Thực hiện phát huy dân chủ ở nước ta hiện nay: Thực trạng và giải pháp In trang
05/11/2019 03:49 CH

TCCS - Sau hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta đã nhận thức ngày càng sâu sắc hơn tầm quan trọng và vai trò của xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, khẳng định dân chủ là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; đồng thời, nhận thức đầy đủ hơn về tính khách quan thực hiện dân chủ, nhất là các hình thức dân chủ trực tiếp trong tình hình mới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ (Hà Nội)_Ảnh: TTXVN

Kết quả thực hiện phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa

Đại hội VI của Đảng (năm 1986) đã nêu lên bốn bài học lớn, trong đó có bài học: “Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân  dân  lao  động”(1).  Văn  kiện Đại  hội nhấn mạnh “xóa bỏ nhận thức sai lầm coi công tác quần chúng chỉ là biện pháp để tổ chức, động viên nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách. Đối với những chủ trương có quan hệ trực tiếp tới đời sống nhân dân trên phạm vi cả nước cũng như ở các địa phương phải trưng cầu ý kiến nhân dân trước khi quyết định”. Nội dung phát huy dân chủ tiếp tục được Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng từ khóa VII đến khóa X đề cập rõ nét.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (tháng 1-2011) chỉ rõ: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân; cán bộ, công chức phải hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân... Có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp... Phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm công dân, kỷ luật, kỷ cương xã hội; phê phán và nghiêm trị những hành vi vi phạm quyền làm chủ của nhân dân...”(2). Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (tháng 1-2016), vấn đề phát huy dân chủ được khẳng định trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: “Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đảng cầm quyền, xác định rõ mục đích cầm quyền, phương thức cầm quyền, nội dung cầm quyền, điều kiện cầm quyền; vấn đề phát huy dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền; các nguy cơ cần phải phòng ngừa đối với đảng cầm quyền”(3).

Về phát huy dân chủ trong Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) xác định: Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm cho Đảng làm tròn trách nhiệm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo. Giữ vững truyền thống đoàn kết thống nhất trong Đảng, bảo đảm đầy đủ dân chủ và kỷ luật trong sinh hoạt đảng.

Đảng ta và Bác Hồ luôn xác định thực hành dân chủ trong Đảng có ý nghĩa quyết định đối với phát triển dân chủ trong tổ chức và hoạt động của cả hệ thống chính trị gắn với dân chủ hóa toàn bộ đời sống xã hội, có dân chủ mới có đồng thuận xã hội, có đồng thuận xã hội mới tạo ra sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Nội dung phát huy dân chủ được Đảng ta quy định rất rõ, bảo đảm thật sự tự do tư tưởng trong sinh hoạt đảng, khuyến khích và tôn trọng sự suy nghĩ độc lập, sáng tạo, thảo luận, tranh luận dân chủ nhằm phát huy trí tuệ của toàn Đảng, của từng cán bộ, đảng viên trong việc chuẩn bị các nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết. Trong đại hội đảng các cấp, trong các hội nghị của Đảng, mỗi đảng viên đều có quyền thảo luận, bàn bạc, tham gia các công việc của Đảng, phê bình, chất vấn các cán bộ, đảng viên khác, được trình bày hết ý kiến của mình, có quyền bảo lưu ý kiến hoặc đề xuất ý kiến lên các cơ quan cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng. Các nghị quyết, quyết định của tổ chức đảng được thảo luận tập thể và biểu quyết theo đa số. Việc bầu cử trong Đảng đều được tiến hành dân chủ theo nguyên tắc bỏ phiếu kín, không gò ép, áp đặt... Đặc biệt, trong các nhiệm kỳ gần đây, việc thực hành dân chủ trong Đảng tiếp tục được bổ sung bằng những quy chế, quy định chặt chẽ hơn, như quy định Bộ Chính trị báo cáo công việc và hoạt động của mình trước mỗi kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương, ban thường vụ báo cáo công việc và hoạt động của mình trước mỗi kỳ họp cấp ủy, cấp ủy báo cáo trước tổ chức đảng hoặc cơ quan bầu ra mình; quy định thời gian tiến hành tự phê bình và phê bình, tổ chức quần chúng phê bình và bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ, đảng viên từ cơ quan cao nhất đến tổ chức cơ sở.

Việc phát huy dân chủ trong các tổ chức nhà nước có nhiều chuyển biến, tiến bộ. Quốc hội có những đổi mới quan trọng, từ bầu cử đại biểu Quốc hội đến hoàn thiện về cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động, làm tốt hơn chức năng lập pháp, công tác giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Quốc hội hoạt động ngày càng dân chủ, hiệu quả. Để nâng cao chất lượng các văn bản pháp luật, Quốc hội đã có nhiều hình thức để lấy ý kiến góp ý, như tổ chức hội thảo, tọa đàm, phát phiếu...

Trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội đều tổ chức tiếp xúc cử tri để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri cả nước. Sau tiếp xúc đều tổng hợp, phân tích những kiến nghị xác đáng để yêu cầu Chính phủ chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền. Nhiều khóa gần đây, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp của Quốc hội, hội đồng nhân dân thật sự sôi nổi, dân chủ, phát huy được trách nhiệm của đại biểu, được nhân dân cả nước ghi nhận. Định kỳ, Quốc hội, hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín. Phát huy dân chủ của Chính phủ tiếp tục có những đổi mới trong hoạch định chính sách, quản lý vĩ mô, chỉ đạo điều hành tổ chức thực hiện. Ý thức, trách nhiệm thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng thành các văn bản pháp luật được đề cao. Đặc biệt, chính quyền các cấp đã có nhiều tiến bộ trong tổ chức tiếp dân, đối thoại với công dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Đối với công tác tổ chức cán bộ diện quản lý theo phân cấp của Đảng đều được tập thể ban cán sự đảng thảo luận dân chủ, bỏ phiếu kín và quyết định theo đa số. Các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp đều tạo điều kiện và phát huy chức năng tuyên truyền, định hướng dư luận của các phương tiện truyền thông, như báo viết, báo nói, báo hình, báo mạng...

Phát huy dân chủ trong các tổ chức chính trị - xã hội cũng có nhiều tiến bộ rõ, thể chế thực thi các quyền dân chủ của nhân dân từng bước được xác lập và cụ thể hóa. Nhiều văn bản tạo cơ sở pháp lý phát huy quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân được Quốc hội thông qua, như Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên, Luật Trưng cầu ý dân... Những bảo đảm dân chủ về quyền và nghĩa vụ, lợi ích, trách nhiệm của các chủ thể trong xã hội được luật hóa cụ thể hơn và từng bước thực hiện có kết quả; nhiều chủ trương, biện pháp đã phát huy vai trò tích cực, chủ động của nhân dân, đẩy mạnh quá trình dân chủ hóa xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 34/PT/UBTVQH, ngày 20-4-2007, “Về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn”, Nghị định số 04/NĐ/CP, ngày 24-1-2013, “Về thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập”, Nghị định số 60/NĐ-CP, ngày 19-6-2013, “Quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật Lao động về thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc” đã góp phần tích cực vào quá trình phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đang tích cực thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Trước các kỳ họp Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tập hợp khá đầy đủ các kiến nghị của các tổ chức thành viên, ý kiến của cử tri cả nước để phản ánh đến Quốc hội; hội đồng nhân dân các cấp đã thường xuyên giám sát chính quyền trong việc tiếp thu và giải quyết các kiến nghị chính đáng của đoàn viên, hội viên, cử tri.

Những hạn chế, bất cập cần khắc phục

Bên cạnh những ưu điểm, việc thực hiện phát huy dân chủ cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Nhận thức về dân chủ và xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa còn hạn chế, chưa đầy đủ và hệ thống, chưa lý giải và làm sáng tỏ kịp thời nhiều vấn đề do thực tiễn đặt ra, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa dân chủ và kỷ luật, kỷ cương; chưa coi trọng đúng mức phát triển các hình thức dân chủ trực tiếp. Hiện nay, vẫn có một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức về dân chủ còn phiến diện, nhất là thực hành dân chủ trong Đảng. Có người cho rằng dân chủ trong Đảng thì đảng viên được tự do phát ngôn và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng quan điểm riêng của mình. Cá biệt, có người còn muốn tổ chức đảng chỉ như “câu lạc bộ”, được tranh luận, bàn cãi bất kỳ vấn đề gì, không tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ. Ngược lại, có một bộ phận đảng viên lại hiểu dân chủ trong Đảng một cách cứng nhắc, coi dân chủ như là phương tiện để đạt đến sự tập trung, không muốn đảng viên và tổ chức đảng cấp dưới độc lập suy nghĩ, tìm tòi khoa học, đồng nhất khoa học với chính trị, đồng nhất ý kiến nghiên cứu, trao đổi với quan điểm, đường lối của Đảng. Một số người đối lập dân chủ với tập trung, tách rời việc phát huy sáng kiến, sáng tạo của đảng viên với việc thực hiện kỷ luật, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, để phát huy sáng kiến và tư duy độc lập của cán bộ, đảng viên cần có quy định về chế độ cung cấp, cập nhật thông tin thường xuyên cho cán bộ, đảng viên, bảo đảm quyền được thông tin của đảng viên. Là Đảng duy nhất cầm quyền, một số cán bộ, đảng viên không nhận thức đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ đã dẫn đến lạm quyền, bao biện, làm thay, độc đoán, gia trưởng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Đã có nhiều hình thức, phương pháp tổ chức lấy ý kiến nhân dân, nhất là ý kiến của đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học khi xây dựng văn bản pháp luật và một số đề án quan trọng khác, nhưng có một số đề án chưa làm tốt việc đó dẫn đến chất lượng văn bản pháp luật không cao, chưa được Quốc hội thông qua, như Đề án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam, ba đặc khu kinh tế... Một số văn bản pháp luật tạo cơ sở pháp lý phát huy tốt hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân chưa được xây dựng kịp thời, như Luật Giám sát và phản biện xã hội. Một số luật đã được ban hành, như Luật Trưng cầu ý dân là văn bản pháp luật quan trọng để nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tăng cường đoàn kết và đồng thuận xã hội có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, nhưng đến nay vẫn chưa được tổ chức triển khai thực hiện rộng rãi. Một số cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật chưa tốt, như trên các lĩnh vực quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đền bù, giải phóng mặt bằng, tổ chức tái định cư...

Việc phát huy dân chủ ngoài xã hội còn nhiều hạn chế, một bộ phận nhân dân còn bức xúc, khiếu kiện phức tạp. Số lượng đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến các cơ quan chức năng, như Ban Dân nguyện của Quốc hội, Thanh tra Chính phủ còn rất cao, nhưng tỷ lệ đơn, thư được giải quyết chưa được như mong muốn. Theo số liệu của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, tỷ lệ chính quyền không đối thoại với công dân và không dự các phiên tòa đều tăng qua từng năm. Từ năm 2015 đến 2017, kể từ khi Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực, cả nước có 11.180 quyết định hành chính và hành vi hành chính bị tòa án hủy toàn bộ hoặc một phần. Các nghị định và pháp lệnh về thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở tại một số nơi chưa được tổ chức thực hiện tốt. Những hạn chế, bất cập trên đây có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Về khách quan: Đổi mới là sự nghiệp to lớn, toàn diện, lâu dài và khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ trong lịch sử. Tình hình thế giới, khu vực và sự chống phá của các thế lực thù địch tác động khá lớn vào quá trình phát huy dân chủ. Về chủ quan: Công tác nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về thực hiện dân chủ trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và ngoài xã hội chưa được quan tâm đúng mức, chậm được lý giải và thể chế hóa đầy đủ về mặt nhà nước.

NGUYỄN THẾ TRUNG Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

Lượt xem: 19.434
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003991556
  •  Đang online: 39
  •  Trong tuần: 39
  •  Trong tháng: 41.931
  •  Trong năm: 41.931