Đề cao vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu In trang
01/12/2021 03:49 CH

(ĐCSVN) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm 2022 là năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; đề cao vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu ở tất cả các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị.

 Quang cảnh Hội nghị.

Sau 1,5 ngày làm việc rất khẩn trương, tích cực và hiệu quả, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đã đề ra và thành công tốt đẹp.

Các đồng chí Thành ủy viên và các đại biểu tham dự đã phát huy tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, trí tuệ, tâm huyết vào các tờ trình, báo cáo của Ban Thường vụ Thành ủy và Ban cán sự đảng UBND Thành phố.

Đánh giá kỹ giải pháp phục hồi kinh tế trước diễn biến mới của dịch

Qua tổng hợp, đã có 89 lượt đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội nghị. Các ý kiến đều đánh giá cao công tác chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, nghiêm túc, có chất lượng và cơ bản đồng tình, nhất trí cao với các nội dung trình Hội nghị; đồng thời đã tập trung phân tích những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân, đề xuất các giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Theo đó, các đại biểu nhấn mạnh, dù tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu theo kế hoạch là 7,5%, song thành phố vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương, bảo đảm chính sách an sinh xã hội, thu chi ngân sách, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ sự lo lắng về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự đô thị và giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc…

Từ đó, các đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ 7 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục trong năm 2022. Các đại biểu thống nhất cao với chủ trương tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội gắn với phòng, chống dịch COVID-19; và cần đánh giá kỹ giải pháp phục hồi kinh tế trước diễn biến mới của dịch; quan tâm đến việc phân cấp, gắn với ủy quyền cho các địa phương triển khai nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và đầu tư công; tập trung các giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đầu tư phát triển tuyến y tế cơ sở và các bệnh viện; quan tâm các dự án đầu tư xây dựng chung cư cũ, phát triển các làng nghề, khu công nghiệp để thu hút lao động, tăng ngân sách cho các địa phương; rà soát các cơ sở sản xuất phải di dời khỏi nội đô và ưu tiên quỹ đất để xây dựng trường học; đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý rác thải…

Các đại biểu đề nghị cần hướng dẫn mua sắm vật tư y tế phòng, chống dịch để các địa phương chủ động trong triển khai thực hiện. Đồng thời tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới; phát triển hệ thống văn hóa cơ sở; có chính sách hiệu quả hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Đáng chú ý, các đại biểu cũng bày tỏ sự lo ngại về diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 với những biến chủng mới và đề nghị thành phố đẩy nhanh triển khai các giải pháp để có thể thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh…

Tại Hội nghị, các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đã báo cáo, giải trình, làm rõ những vấn đề các đại biểu quan tâm, có ý kiến về tình hình kết quả kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; về dự thảo Nghị quyết của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; về dự thảo 2 chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai, khoáng sản giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo; về Kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát năm 2022 của Thành ủy...

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tiếp thu, giải trình các ý kiến thảo luận.

Chủ đề công tác năm 2022 là năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nọi Định Tiến Dũng nhấn mạnh, năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp hơn so với dự báo. Song, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, bức tranh tổng thể về kinh tế - xã hội của thành phố năm 2021 vẫn có nhiều điểm sáng.

Trong đó, cân đối thu - chi ngân sách của Hà Nội vẫn được bảo đảm; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 241.896 tỷ đồng, vượt 2,7% so với dự toán Trung ương giao. Công tác cải cách hành chính; kỷ luật, kỷ cương hành chính từng bước được tăng cường, củng cố; công tác an sinh xã hội được bảo đảm. Các hoạt động quản lý và phát triển đô thị, văn hóa, giáo dục, y tế được duy trì….

Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới, đặc biệt là những chỉ tiêu chưa hoàn thành về lĩnh vực kinh tế, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị cấp ủy, người đứng đầu các cấp, các ngành có giải pháp khắc phục ngay trong thời gian tới.

Nhấn mạnh năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, đầu tư công 5 năm, giai đoạn 2021-2025, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, quan điểm chỉ đạo của Thành ủy năm 2022 là: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất; tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm 2022 là năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; đề cao vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu ở tất cả các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị; chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm, gắn với kiểm tra, giám sát thường xuyên. Xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, khả thi, tập trung thực hiện từng nhiệm vụ, chỉ tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và năm 2022.

Theo đó, về công tác phòng, chống dịch COVID-19, để ngăn chặn, kiểm soát kịp thời, hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn Thành phố trong tình hình mới, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố yêu cầu cả hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội từ Thành phố đến cơ sở, tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, các chỉ thị, thông báo kết luận, văn bản chỉ đạo của Thành ủy, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy và UBND Thành phố, chủ động sẵn sàng ứng phó nhanh, kịp thời, đáp ứng hiệu quả trước mọi diễn biến của dịch COVID-19.

Trong đó, tiếp tục thực hiện cách ly F1 tại khu cách ly của Thành phố, tại khách sạn và tại các cơ sở lưu trú. Thực hiện cách ly F1 tại nhà trên địa bàn các quận/huyện/thị xã của Thành phố nếu đáp ứng các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh theo quy định của thành phố; củng cố, nâng cao năng lực khám chữa bệnh, năng lực y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc, vật tư y tế, thuốc chữa bệnh, hệ thống oxy tại các Trạm y tế xã/phường/thị trấn, trạm y tế lưu động… để tổ chức điều trị cho các ca F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại cơ sở; tiến tới tổ chức điều trị cho các ca F0 thể nhẹ và không triệu chứng ngay tại nhà nếu đáp ứng các điều kiện và phù hợp với diễn biến, tình hình dịch bệnh. Đồng thời khẩn trương rà soát để tiếp tục mở rộng các cơ sở thu dung điều trị các ca F0 thể nhẹ và không triệu chứng, đảm bảo chủ động trong mọi tình huống của dịch bệnh.

Làm tốt công tác phân luồng để tập trung điều trị các ca F0 theo tháp 3 tầng trên cơ sở thiết lập phần mềm quản lý theo dõi chuyển biến của các ca F0 và chủ động chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ thuốc men điều trị theo diễn biến của ca bệnh.

Đồng thời tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID- 19 cho người dân và trẻ em từ 12-18 tuổi, đảm bảo an toàn và hiệu quả. Xây dựng phương án cụ thể, chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện bảo đảm an toàn để sớm tổ chức cho các cháu học sinh cấp 3, cấp 2 tại các quận/huyện/thị xã đi học trở lại. Thường xuyên tầm soát xét nghiệm y tế, đảm bảo thực sự an toàn cho các thầy cô giáo và các cháu học sinh khi quay trở lại trường học.

“Thành ủy yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các quận/huyện/thị xã căn cứ tình hình thực tiễn dịch bệnh để quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho học sinh đi học trở lại trên địa bàn” Bí thư Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển các ngành kinh tế

Cùng với công tác phòng, chống dịch bệnh, Bí thư Đinh Tiến Dũng nêu rõ, phải tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp để duy trì sự ổn định kinh tế, bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước; đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển các ngành kinh tế, nhất là dịch vụ thương mại, du lịch, phục hồi các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, kênh phân phối; quyết liệt giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư ngay từ đầu năm. Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; thông tin và truyền thông; giáo dục và đào tạo; khoa học và công nghệ; đảm bảo sức khỏe cộng đồng và an sinh xã hội….

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận hội nghị. 

Thành phố cũng sẽ quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư, chú trọng đến các công trình lớn, trọng điểm, có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao; trong đó cần khẩn trương rà soát, tổng hợp và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của Thành phố một cách thực chất các dự án bất động sản đã giao từ thời Hà Tây và Mê Linh trước khi sáp nhập vào Hà Nội để từng bước khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Xây dựng kế hoạch nội dung công việc, tiến độ cụ thể để tập trung triển khai trong năm 2022 đối với các chủ trương lớn của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, gồm: chủ trương đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; lập Quy hoạch phát triển Thành phố giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); hoàn thành việc điều chuyển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về Thành phố quản lý và tập trung kêu gọi đầu tư tạo động lực phát triển cho Thành phố trong năm 2022.

Trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, thành phố sẽ đề ra những giải pháp quyết liệt trong việc thu hồi nợ đọng thuế, tăng cường các nguồn thu từ đất, từ tài sản công, từ các dự án chậm triển khai cần phải thu hồi; tăng cường kiểm tra, thanh tra tài chính, chống thất thu ngân sách... Cùng với đó sẽ triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nhằm nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu bền vững.

Đối với 5 huyện đang phát triển lên quận, căn cứ thực tiễn phát triển của các địa phương và khả năng cân đối ngân sách của thành phố, trước mắt tập trung hỗ trợ cho 2 huyện Đông Anh và Gia Lâm sớm hoàn thành các tiêu chí...

Nhấn mạnh thời gian còn lại của năm 2021 không còn nhiều, khối lượng công việc còn rất lớn, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các đồng chí Thành ủy viên, người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021, tạo tiền đề cho năm 2022.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ, với truyền thống đoàn kết, thống nhất, trách nhiệm, bản lĩnh, chủ động, sáng tạo của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ bắt tay ngay vào tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch đã đề ra; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để sớm phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của cả nhiệm kỳ đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội./.

(Dangcngsan.vn)

Lượt xem: 1.293
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003900994
  •  Đang online: 119
  •  Trong tuần: 1.561
  •  Trong tháng: 115.713
  •  Trong năm: 1.202.369