Siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng In trang
10/11/2021 01:56 CH

(ĐCSVN) – Quy định về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ do Bộ Chính trị mới ban hành đã nhận được nhiều sự quan tâm, ủng hộ trong Đảng và trong Nhân dân và một lần nữa cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

Hình ảnh tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII. 

Quy định 41-QĐ/TW lần này cơ bản vẫn kế thừa và tiếp nối tinh thần của Quy định 260-QĐ/TW nhưng trong nội hàm có sự điều chỉnh cụ thể, rõ ràng hơn, sát với thực tiễn, yêu cầu và nhiệm vụ mới, đồng nhất quan điểm với các nghị quyết và quy định mới nhất của Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Theo Quy định, việc miễn nhiệm đối với cán bộ là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức. Quy định nêu rõ 6 căn cứ cụ thể để xem xét miễn nhiệm cán bộ. Còn từ chức là việc cán bộ tự nguyện xin thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm và được cấp có thẩm quyền chấp thuận, dựa trên 4 căn cứ cụ thể.

Một trong những điểm mới của Quy định 41-QĐ/TW là căn cứ để xem xét miễn nhiệm, từ chức rất chi tiết, cụ thể. Theo đó, Điều 5 ghi rõ, căn cứ để xem xét miễn nhiệm các trường hợp: Nếu cán bộ, lãnh đạo có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm…

Tại Điều 6 của Quy định cũng nêu rõ, việc xem xét đối với cán bộ xin từ chức được căn cứ vào một trong các trường hợp: Do hạn chế về năng lực hoặc không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng. Đặc biệt, nếu cán bộ có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định sẽ xếp vào diện xem xét cho xin từ chức…

Quy định lần này của Bộ Chính trị đã xác định các căn cứ và các quy trình về việc cho miễn nhiễm và từ chức đối với cán bộ đã sát hơn với thực tiễn hiện nay, hiệu quả hơn trong thực hiện công tác cán bộ. Yêu cầu đặt ra lần này là phải kiên quyết, kịp thời cho cán bộ miễn nhiệm và từ chức khi đủ căn cứ theo quy định của Bộ Chính trị, và không được cho cán bộ từ chức trong trường hợp cán bộ đó là thuộc diện phải miễn nhiệm

Thực hiện Quy định 41 lần này gắn với việc thực hiện các Chỉ thị, Kết luận và những Quy định trước đó. Trong căn cứ miễn nhiệm nêu rõ là những trường hợp: “bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác. Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm”. Qua đó thể hiện sự quyết tâm của Đảng ta trong việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ lãnh đạo, quản lý nói chung. Những biểu hiện được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần trong các Nghị quyết, Quy định gần đây của Đảng.

Đặc biệt, Quy định 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và tổ chức khi cán bộ có những sa sút về năng lực, ý chí, vi phạm những Quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; nhưng đồng thời, cũng tạo điều kiện cho cán bộ có tinh thần tự giác, đủ bản lĩnh để từ chối những công việc, chức tước, địa vị khi cảm thấy mình còn hạn chế về năng lực, để ơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng, hoặc vì lý do chính đáng khác của cá nhân.

Quy định một lần nữa cho thấy quyết tâm của Đảng ta trong việc bảo vệ những người dám làm, dám chịu trách nhiệm khi nêu rõ việc bố trí công tác đối với cán bộ sau khi từ chức. Cán bộ sau khi từ chức nếu có nguyện vọng tiếp tục công tác thì cấp có thẩm quyền có thể căn cứ vào năng lực, đạo đức, kinh nghiệm để xem xét, bố trí công tác phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Với những cán bộ đã từ chức và bố trí công tác khác, nếu được cấp có thẩm quyền đánh giá tốt, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và khắc phục được những yếu kém, sai phạm, khuyết điểm thì có thể được xem xét để quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định.

Nội dung trên là một bước tiến vượt bậc trong việc tạo điều kiện để cán bộ được có cơ hội sửa chữa khuyết điểm, sai lầm; tạo tiền đề cho việc từ chức thành việc làm tự giác và tiến dần tới văn hóa từ chức.

Thực tế trên thế giới, việc từ chức được áp dụng ở nhiều nước và cho thấy từ chức có thể do chưa hoàn thành một công việc, việc làm cụ thể chứ không hẳn do cá nhân đó không làm được việc. Điều đó rất quan trọng để giữ được người thực sự có tài nhưng chưa làm đúng việc. Do đó, người từ chức hoàn toàn có thể tái cử hoặc tranh cử ở những lần tiếp theo nếu cá nhân đã có những chỉnh sửa và thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Dựa trên những kinh nghiệm trong và ngoài nước, Bộ Chính trị cũng đã đưa ra những quy định này từ hơn 10 năm nay, tuy nhiên, qua thực tiễn tiếp tục đúc kết, rút kinh nghiệm và tiếp tục hoàn thiện. Đây là một bước tiến mới, đã kế thừa những bài học tốt đạt được trong việc thực hiện Quy định 260-QĐ/TW trước đây.

Cùng với Quy định 41, liên tiếp trong thời gian gần đây, Đảng ta đã ban hành nhiều Quy định mới hoặc bổ sung những Quy định trước đó nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, góp phần lấp đầy kẽ hở về chính sách và thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng ta, là bước đột phá để siết chặt kỷ luật, kỷ cương.

Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua có nhiều cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, năng lực hạn chế, để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí đã bị xử lý kỷ luật, nhưng người đứng đầu cơ quan, đơn vị chỉ bị nhắc nhở, chức vụ vẫn giữ nguyên là không phù hợp. Thậm chí, có cán bộ sau khi bị cảnh cáo lại được điều chuyển sang vị trí quản lý khác, lên cao hơn khiến dư luận rất tâm tư. Do đó, cán bộ vi phạm nếu không tự nguyện từ chức thì dứt khoát phải bị miễn nhiệm theo để đưa ra khỏi tổ chức, đưa ra khỏi Đảng những cán bộ không đủ uy tín và năng lực.

Từ những Quy định mới hoặc bổ sung gần đây do Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành cho thấy sự quyết tâm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đang được cụ thể hóa bằng các Nghị quyết, quy định, kết luận của Đảng như: Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm; Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"…Quyết tâm và nỗ lực ấy của Đảng cần sớm được luật hóa để những quyết sách sớm được thực thi trong cuộc sống.

Quy định càng cụ thể bao nhiêu thì càng rõ căn cứ bấy nhiêu. Quy định đã rõ, điều quan trọng là việc áp dụng trong thực tiễn như thế nào để tạo được uy tín cho Đảng, niềm tin trong Nhân dân là điều quan trọng nhất. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện Quy định cũng cần phải khéo léo trong việc áp dụng để tránh có sự lợi dụng hoặc triển khai một cách máy móc, nguyên tắc, vừa đảm bảo tính nghiêm minh, đủ sức răn đe, nhưng cũng tạo điều kiện để cán bộ tự giác thực hiện. Điều mà cán bộ, đảng viên và Nhân dân đều mong chờ, đó là việc nêu gương của cán bộ và người đứng đầu. Miễn nhiệm, từ chức hay là danh dự mới là điều quan trọng nhất?

(Dangcongsan.vn)

Lượt xem: 1.558
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003900931
  •  Đang online: 100
  •  Trong tuần: 1.498
  •  Trong tháng: 115.650
  •  Trong năm: 1.202.306