Công tác nhân sự Đại hội Đảng: Chặt chẽ, kỹ lưỡng, góp phần chuẩn bị tốt Đại hội XIII In trang
12/11/2020 02:51 CH

VTV.vn - Những bài học quý trong công tác tổ chức nhân sự Đại hội Đảng các cấp sẽ góp phần chuẩn bị tốt, mang lại những thành công trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII.

Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng - đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trên phạm vi cả nước trong năm 2020 đã thành công tốt đẹp. Mặc dù gặp phải rất nhiều khó khăn do dịch bệnh và thiên tai nhưng các đại hội diễn ra theo đúng tiến độ, phát huy dân chủ, chú trọng đến chất lượng, hiệu quả; bảo đảm an toàn, thiết thực, trang trọng mà tiết kiệm.

Đây là những tiền đề rất quan trọng cho công tác chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội XIII của Đảng. Qua đó, củng cố, tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Tọa đàm Công tác nhân sự Đại hội Đảng do Ban Thời sự, Đài THVN thực hiện được phát sóng ngày 11/11 đã giúp khán giả nhìn lại những kết quả quan trọng về công tác nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp qua những phân tích, đánh giá của các vị khách mời: Ông Nguyễn Quang Dương, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và ông Nguyễn Ngọc Lâm, Nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương.

Công tác nhân sự Đại hội Đảng: Chặt chẽ, kỹ lưỡng, góp phần chuẩn bị tốt Đại hội XIII - Ảnh 1.

Những điểm nổi bật trong công tác nhân sự

Không chỉ có cơ cấu cấp ủy được đảm bảo, chất lượng được nâng cao mà kết quả bầu cử tại đại hội đảng các cấp vừa qua còn cho thấy: nhiều chủ trương lớn của Đảng như bố trí bí thư cấp ủy không phải là người địa phương hay trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo đã được đẩy mạnh hơn, làm quyết liệt hơn trong nhiệm kỳ này. Đó là những tín hiệu mang đến nhiều sự kỳ vọng!

Kết quả Đại hội đại biểu tại các Đảng bộ trực thuộc Trung ương vừa qua cho thấy:

Có tới 27 Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy không phải là người địa phương, chiếm tới 41%, con số này cao hơn nhiều so với nhiệm kỳ trước, chỉ là 23%.

Ở Đại hội Đảng bộ cấp huyện và tương đương, tỷ lệ Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương cũng tương tự. Chiếm trên 40%

Đặc biệt, Đắk Lắk, Đắk Nông, Thành phố Hồ Chí Minh là những địa phương có tới trên 70% cấp ủy viên không phải là người địa phương.

Đây có thể xem là một bước tiến lớn trong công tác cán bộ.

vlcsnap-2020-11-11-23h53m19s264

Kết quả công tác nhân sự cũng cho thấy, các đại hội vừa qua cũng là thời điểm đánh dấu sự chuyển giao của thế hệ.

Đó là sự chuyển giao trọng trách lãnh đạo các nhiệm vụ chính trị từ những cán bộ sinh ra, lớn lên và được rèn luyện, thử thách trong những năm tháng kháng chiến, được đào tạo chủ yếu ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Sang cho lớp cán bộ sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong hòa bình.

Chỉ riêng số Bí thư tỉnh ủy, Thành ủy vừa được bầu, đã có tới gần 1 nửa thuộc thế hệ 7X, dưới 50 tuổi. Đây cũng là những cán bộ được đào tạo bài bản, từ nhiều nguồn, ở nhiều thể chế chính trị khác nhau.

Quy trình 5 bước lựa chọn nhân sự thay thế quy trình 3 bước

Qua việc tổ chức đại hội các cấp cho thấy, công tác nhân sự nhiệm kỳ này có nhiều đổi mới. Trong đó, quy trình 5 bước lựa chọn nhân sự được Bộ Chính trị quy định cụ thể, chặt chẽ với những người tái cử và lần đầu tham gia cấp uỷ.

Việc thực hiện quy trình "5 bước" đã khắc phục được những hạn chế của quy trình "3 bước" trước đây. Dân chủ được phát huy mạnh mẽ, đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch và khoa học hơn, nhằm giúp cấp có thẩm quyền có những lựa chọn, quyết định chuẩn xác hơn trong bổ nhiệm, lựa chọn cán bộ.

Theo Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, nhân sự tham gia cấp uỷ nhiệm kỳ 2020 – 2025, cả tái cử và tham gia lần đầu đều phải được giới thiệu theo quy trình 5 bước, qua 5 hội nghị.

Công tác nhân sự Đại hội Đảng: Chặt chẽ, kỹ lưỡng, góp phần chuẩn bị tốt Đại hội XIII - Ảnh 4.

Quy trình 5 bước lựa chọn nhân sự được Bộ Chính trị quy định

Nếu như theo quy trình 3 bước trước đây, Ban Thường vụ quyết định chốt danh sách nhân sự giới thiệu ra Đại hội, thì lần này, quyết định danh sách là Ban Chấp hành.

Theo ghi nhận, công tác nhân sự cho các đại hội vừa qua đã được các cấp uỷ chỉ đạo chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình. Quy trình qua nhiều khâu, nhiều bước càng giúp việc sàng lọc nhân sự kỹ càng hơn.

Dân chủ được mở rộng và đề cao giúp việc chọn người đúng hơn, trúng hơn.

Nhiều điểm mới trong công tác cán bộ

Trong nhiệm kỳ Ðại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã dành nhiều thời gian, công sức và lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng Ðảng, trong đó có công tác cán bộ.

Với tầm quan trọng đặc biệt, ngay từ đầu nhiệm kỳ, công tác này đã được tiến hành chặt chẽ, bài bản, kỹ lưỡng. Nhiều chủ trương, nguyên tắc, quan điểm, giải pháp lớn về công tác cán bộ được thể chế hóa, cụ thể hóa bằng các quy chế, quy định, quy trình bảo đảm dân chủ, chặt chẽ hơn, gắn với thanh tra, kiểm tra giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Tháng 3/2016, 2 tháng sau Đại hội XII của Đảng, tại hội nghị đầu tiên của ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ mới, Người đứng đầu của Đảng đã day dứt đặt câu hỏi:

Ai chạy? Chạy ai? Sau cái chạy đó là cái gì?

Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG (Tháng 3/2016)

Câu hỏi nhức nhối của Người đứng đầu của Đảng cũng chính là nỗi bức xúc của xã hội. Theo kết quả thăm dò dư luận, chạy chức, chạy quyền luôn nằm trong nhóm vấn đề bức xúc nhất của xã hội.

Để chấn chỉnh những bất cập trong công tác cán bộ, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung chỉ đạo, rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện và ban hành nhiều quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ. Trong đó, Quy định số 205 của Bộ Chính trị về Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ được dư luận ủng hộ cao.

Với qui định này, lần đầu tiên, quyền lực trong công tác cán bộ đã được kiểm soát trong một văn bản mang tính pháp quy của Đảng.

Trước đó, để khắc phục tình trạng "sửa tuổi", " chạy tuổi" của nhiều năm trước đây, Ban Bí thư đã ban hành Thông báo số 13 về xác định tuổi của đảng viên, căn cứ vào ngày, tháng, năm sinh ghi trong hồ sơ kết nạp Ðảng là hồ sơ gốc.

Hay để khắc phục tình trạng "chạy luân chuyển", Bộ Chính trị ban hành Quy định 98. Theo đó, các cán bộ được điều động, luân chuyển vẫn giữ chức vụ tương đương.

Công tác điều động, luân chuyển nhiệm kỳ này được tiến hành theo hướng thận trọng, kỹ lưỡng hơn, "làm đến đâu, chắc đến đó".

Nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, tổng thể, toàn diện, liên tục đã góp phần đổi mới, và tạo ra những chuyển biến về chất trong công tác cán bộ. Đây cũng là tiền đề quan trọng để các cấp ủy lựa chọn, chuẩn bị tốt hơn nhân sự cho Đại hội nhiệm kỳ này.

Sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của Bộ Chính trị

Để có được những thành công trong công tác nhân sự đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ này, trước hết có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao, chặt chẽ của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mà đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Trung ương, Bộ Chính trị đã kịp thời ban hành các Chỉ thị, kết luận và các quy định, hướng dẫn về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có 3 bài viết quan trọng về công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nghiệm kỳ 2020-2025, nhất là về chuẩn bị văn kiện và nhân sự.

Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu: "Phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp để góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng". Người đứng đầu Đảng còn liên tục chỉ đạo nội dung này trong các cuộc họp, hội nghị trong suốt 2 năm qua.

Công tác nhân sự Đại hội Đảng: Chặt chẽ, kỹ lưỡng, góp phần chuẩn bị tốt Đại hội XIII - Ảnh 6.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (Ảnh: TTXVN)

Cùng với sự quan tâm đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Ban Bí thư đã tổ chức 12 đoàn kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị 35 tại các đảng bộ trực thuộc Trung ương.

Bộ Chính trị đã làm việc với 67/67 đảng bộ trực thuộc Trung ương để chỉ đạo, cho ý kiến về dự thảo các văn kiện và phương án nhân sự đại hội đảng bộ; phân công các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư dự, theo dõi và chỉ đạo đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương. Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu ban hành nhiều văn bản hướng dẫn; đồng thời, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuẩn bị và tổ chức đại hội.

Những kinh nghiệm, bài học quý trong công tác tổ chức nhân sự Đại hội Đảng các cấp chắc chắn sẽ góp phần chuẩn bị tốt hơn, để mang lại những thành công trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng.

(Vtv.vn)

Lượt xem: 1.621
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003980566
  •  Đang online: 44
  •  Trong tuần: 8.754
  •  Trong tháng: 30.941
  •  Trong năm: 30.941