Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu In trang
10/11/2020 10:54 SA

Trong dự thảo Báo cáo Chính trị sẽ trình Đại hội XIII của Đảng vấn đề “bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu” được đề cập không nhiều. Phần đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII được ghép chung vào mục đánh giá: “Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, phát triển con người; quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu…” cả mặt thành tựu và hạn chế. Trong 5 quan điểm chỉ đạo và mục tiêu phát triển không đề cập đến vấn đề “bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu”; trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 có định hướng thứ sáu đề cập đến vấn đề này: “(6) Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.” Nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn tới vấn đề “bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu” được ghép trong mục: “IX- Quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu” và có đoạn nêu là: “Xây dựng hệ thống và cơ chế giám sát tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo thiên tai, ô nhiễm và thảm họa môi trường, dịch bệnh…phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.”Như vậy, có thể khẳng định vấn đề “bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu” đã được quan tâm trình bày trong dự thảo Báo cáo Chính trị sẽ trình Đại hội XIII cả trong đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, 1 trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 và trong nhiệm vụ, giải pháp thứ IX. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy vấn đề “bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu” chưa thực sự được chú trọng, chưa có những chủ trương, quan điểm, chính sách, nhiệm vụ và giải pháp thật quyết liệt với quyết tâm chính trị cao để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện trong thực tiễn để chủ động, tích cực bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm tăng cường cải thiện môi trường; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân.

(Ảnh minh họa. Nguồn: baochinhphu.vn)

Chúng tôi xin kiến nghị: trong dự thảo Báo cáo Chính trị sẽ trình Đại hội XIII của Đảng cần xác định bảo vệ môi trường, ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn trong phát triển nhanh và bền vững đất nước, là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị trong việc chủ động thích ứng có hiệu quả nhằm giảm thiểu và chống chịu với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Phải đặt vấn đề bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu ngang hàng với phát triển kinh tế và phát triển văn hóa – xã hội. Phát triển bền vững đất nước là phải phát triển hài hòa, hợp lý, bền vững trên ba trụ cột là: phát triển kinh tế bền vững, phát triển xã hội bền vững và bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng có hiệu quả bền vững với biến đổi khí hậu. Phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu của nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng không nằm ngoài quỹ đạo chung đó. Phát triển bền vững được hiểu là phát triển ngày hôm nay không làm tổn hại đến phát triển trong tương lai, trong đó có vấn đề quản lý chặt chẽ, khai thác hợp lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường bền vững và ứng phó tốt, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu…Phát triển bền vững mang lại lợi ích tối ưu cho con người, vì con người. Nội hàm phát triển bền vững đất nước là phát triển bền vững cả ba trụ cột như kiềng ba chân, không được xem nhẹ bất kỳ trụ cột nào của phát triển, ba trụ cột đều phải có vị trí quan trọng như nhau, bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh, bền vững lâu dài vì mục tiêu con người phát triển toàn diện… Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực, nguồn lực cho phát triển bền vững; phát triển bền vững là do con người, vì con người… Sớm nhận thức được yêu cầu cấp bách, sống còn này, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã lựa chọn chiến lược phát triển bền vững làm mô hình phát triển đất nước. Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế bền vững với phát triển xã hội bền vững và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu.Phát triển bền vững là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, các cấp chính quyền, các bộ, ngành và địa phương; của các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, các cộng đồng dân cư và mỗi người dân. Huy động mọi nguồn lực xã hội; tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và các bên liên quan nhằm đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Từ đó cần có những chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn với quyết tâm chính trị cao hơn để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả hơn. Bởi vì, vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu đã và đang đặt ra những thách thức rất to lớn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, mà Việt Nam là một trong năm nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất (hạn hán, nước biển dâng xâm nhập mặn, bão, lũ, lụt, thiên tai xảy ra liên tiếp là minh chứng cho điều đó).“Với tốc độ gia tăng nhanh chóng, biến đổi khí hậu không những ngày càng tác động sâu rộng đến kinh tế, chính trị và mọi khía cạnh của đời sống xã hội, mà còn trở thành mối đe dọa cấp số nhân, làm trầm trọng thêm các nhân tố có thể ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh quốc tế. Để hạn chế và ngăn ngừa những nguy cơ liên quan đến biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh quốc tế, giới chuyên gia cho rằng các quốc gia cần chung tay, hợp lực hơn vì một thế giới hòa bình và thịnh vượng.

Việt Nam vẫn đang là nước lấy kinh tế nông nghiệp làm trụ đỡ (nông nghiệp đóng góp khoảng 20% GDP), có bờ biển dài 3.260km, đạt mức thu nhập trung bình thấp của thế giới, phần đông người nghèo sống dựa vào nông nghiệp và đánh bắt thủy sản, nên Việt Nam, theo đánh giá của Tổ chức Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), là một trong năm nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất và tổn thương trực tiếp do quá trình biến đổi khí hậu. Các chuyên gia dự báo, đến năm 2100, Việt Nam sẽ mất khoảng 10% GDP do hậu quả của biến đổi khí hậu. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Đại học Cô-pen-ha-ghen của Đan Mạch (năm 2012) cho biết, nếu GDP vào năm 2050 của Việt Nam đạt trên 500 tỷ USD thì thiệt hại do biến đổi khí hậu khi đó có thể lên đến khoảng 40 tỷ USD…Nhận thức được điều đó, Việt Nam luôn tham gia và thực hiện nghiêm túc các công ước, thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu, như UNFCCC, Nghị định thư Ki-ô-tô (năm 2002 và 2015); Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu (năm 2016). Năm 2015, với việc hoàn thành trước hạn báo cáo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC), Việt Nam đã chính thức trở thành Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cho UNFCCC. Tại Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam luôn chủ động, tham gia, đóng góp ý kiến trong các cuộc thảo luận của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu nói chung và các nguy cơ đối với hòa bình, an ninh quốc tế liên quan đến khí hậu...

Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đề ra chủ trương, ban hành nhiều chính sách bảo vệ môi trường, như Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15-11-2004, của Bộ Chính trị, về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 21-1-2009, của Ban Bí thư, về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX; Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 3-6-2013, của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 24-NQ/TW khóa XI, ngày 3-6-2013, của Ban Chấp hành Trung ương, về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 28-NQ/TW khóa XI, ngày 25-10-2013, của Ban Chấp hành Trung ương, về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Kết luận số 56-KL/TW, ngày 23-8-2019, của Bộ Chính trị, về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI, về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường…

Để có thể tiếp tục đưa các chủ trương, chính sách nêu trên của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống và đối phó, ngăn chặn các nguy cơ, rủi ro từ biến đổi khí hậu đối với hòa bình, an ninh quốc tế và khu vực, xin nêu một số nội dung cần được quan tâm nhiều hơn. Cụ thể:

Ở cấp độ toàn cầu, tiếp tục tích cực tham gia triển khai thực hiện các Thỏa thuận quốc tế nêu trên và NDC của Việt Nam cho UNFCCC; chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương, tổ chức quốc tế, nhất là Liên hợp quốc; chủ động tham gia, đóng góp vào quá trình thảo luận những tác động của biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh thế giới tại Hội đồng Bảo an trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, góp phần triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8-8-2018, của Ban Bí thư,về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; tham gia, đóng góp vào các nghiên cứu, đề xuất giải pháp cho các phái bộ Liên hợp quốc (nhất là các phái bộ mà Việt Nam cử quân tham gia) tại các khu vực có rủi ro cao vì những bất ổn về an ninh liên quan đến biến đổi khí hậu và bạo lực, xung đột triền miên; tham gia, đóng góp vào việc thúc đẩy “ngoại giao khí hậu” ở cấp độ toàn cầu, qua đó lồng ghép lợi ích của Việt Nam, góp phần bảo vệ các lợi ích chiến lược của quốc gia - dân tộc phù hợp với luật pháp quốc tế.

Ở cấp độ khu vực, tích cực triển khai thực hiện “Tuyên bố ASEAN về Một ASEAN - Một phản ứng chung: Phản ứng chung của ASEAN trước thảm họa trong và ngoài khu vực” năm 2016; chủ động tích cực tham gia, xây dựng nội dung, chương trình nghị sự các Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN (AMME) và thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) để thảo luận, đưa ra giải pháp cho vấn đề giữa an ninh và khí hậu; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm trong ASEAN trong việc  nâng cao nhận thức của cộng đồng về các nguy cơ của biến đổi khí hậu đối với khu vực và từng nước, đe dọa đến sự ổn định của khu vực; chủ động, tích cực thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với Liên hợp quốc nhằm thu hút nguồn lực hỗ trợ giúp ASEAN và các nước thành viên ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng các cơ chế chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và tăng cường nghiên cứu, trao đổi về mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và an ninh…

Ở cấp độ quốc gia, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong cộng đồng về những nguy cơ gây bất ổn đến an ninh từ biến đổi khí hậu đối với Việt Nam; rà soát, bổ sung, cập nhật nội dung nguy cơ an ninh có liên quan đến khí hậu trong các văn bản của Đảng và Nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn tài trợ quốc tế, gồm song phương và đa phương; nghiên cứu, cân nhắc xây dựng Chiến lược ngoại giao khí hậu, phục vụ hiệu quả trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp vào sự phát triển bền vững của quốc gia, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; nghiên cứu, triển khai áp dụng công nghệ, thiết bị hiện đại trong ứng phó với biến đổi khí hậu và thiết lập cơ chế cảnh báo sớm đối với nguy cơ an ninh, bất ổn liên quan đến khí hậu; nâng cao năng lực của nền kinh tế để tăng sức chịu đựng đối với biến đổi khí hậu qua việc đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, hướng tới tăng trưởng xanh, đầu tư xanh...

Có thể tham khảo về vấn đề biến đổi khí hậu trên thế giới và những vấn đề đặt ra hiện nay:

Theo báo cáo năm 2019 của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), bốn năm qua là bốn năm nóng nhất mà thế giới loài người từng trải qua. Con người đang ở mức ít nhất 10C trên ngưỡng thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (mức tăng thấp nhất mà thế giới có thể phải đối mặt) và đang tiến rất gần đến những cảnh báo của các nhà khoa học về “một nguy cơ không thể chấp nhận”. Hiệp định Pa-ri về biến đổi khí hậu được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-21), diễn ra ở Pháp (tháng 12-2015), đã kêu gọi các quốc gia giữ nhiệt độ ấm lên toàn cầu không tăng quá 20C và thực hiện các nỗ lực hạn chế việc tăng nhiệt độ chỉ ở mức 1,50C. Để thực hiện được điều này, đến năm 2030, các quốc gia cần giảm 50% lượng khí phát thải so với năm 2010. Tuy nhiên, nếu các quốc gia không có các biện pháp làm chậm quá trình tiêu thụ các-bon thì nhiệt độ có thể lên đến mức trên 30C vào năm 2100 và điều này sẽ gây ra những tác hại không thể đảo ngược cho hệ sinh thái của con người([1]). Như vậy, thế giới chỉ còn 10 năm để cắt giảm 50% lượng khí thải nhà kính nhằm đạt mục tiêu duy trì mức tăng nhiệt độ dưới 1,50C. Theo báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), trong giai đoạn 1998-2017, kinh tế thế giới bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai là 3 nghìn tỷ USD. Thiên tai liên quan đến khí hậu và địa vật lý đã cướp đi sinh mạng của 1,3 triệu người([2]). Hiện nay, 90% thiên tai xảy ra đều có liên quan đến khí hậu, và hằng năm gây thiệt hại cho kinh tế thế giới khoảng 520 triệu USD, khiến 26 triệu người rơi vào tình trạng đói nghèo([3]).Tháng 9-2019, tại sự kiện Ngày Quốc tế hòa bình, Tổng Thư ký Liên hợp quốc An-tô-ni-ô Gu-tơ-rết nhấn mạnh: “Tình trạng khẩn cấp của biến đổi khí hậu toàn cầu là mối đe dọa đối với an ninh và ổn định”, “các hình thái thời tiết cực đoan và thảm họa tự nhiên trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn, châm ngòi cho các tranh chấp và xung đột đối với nguồn tài nguyên đang cạn kiệt”([4]).

Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu đã và đang có những tác động tiêu cực đến hòa bình, an ninh thế giới([5]):

Thứ nhất, biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn tài nguyên sẵn có, đến khả năng tiếp cận tài nguyên và là nguyên nhân góp phần tạo ra sự tranh giành tài nguyên tại nhiều khu vực trên thế giới. Việc tranh giành tài nguyên gia tăng khi nguồn cung không đáp ứng cầu, dẫn đến bất ổn và thậm chí là xung đột tại những khu vực không có sự quản lý thích hợp hoặc không có cơ chế giải quyết xung đột. Đơn cử như, cuộc đảo chính ở Ni-giê-ri-a năm 1974, các cuộc xung đột dân sự ở châu Phi từ năm 1990 - 2009([6])…

Thứ hai, biến đổi khí hậu gây ra tình trạng đảo lộn sinh kế; gia tăng dòng người tị nạn môi trường do bị mất nơi cư trú, mất phương thức sống truyền thống gắn với thiên nhiên, phải chuyển đổi nghề nghiệp; gia tăng sức ép và xung đột giữa các quốc gia, khu vực trên thế giới. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu không có hành động kịp thời, đến năm 2050 sẽ có khoảng hơn 140 triệu người ở khu vực tiểu Xa-ha-ra (châu Phi), Mỹ La-tinh và Nam Á buộc phải di cư do hạn hán, bất ổn chính trị và bạo lực([7]).

Thứ ba, biến đổi khí hậu gây ra nhiều thảm họa tự nhiên đe dọa nghiêm trọng đến các yếu tố an ninh phi truyền thống, như an ninh con người, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, năng lượng, y tế...Biến đổi khí hậu khiến những nhóm người dễ bị tổn thương dễ trở thành nạn nhân, làm thay đổi cấu trúc gen của các vi-rút bệnh truyền nhiễm và tác động đến vấn đề an ninh lương thực, nước sạch, không khí trong lành([8]). Đại dịch COVID-19 và những biến thể của vi-rút cô-rô-na mới đây càng củng cố thêm những cảnh báo từ lâu về nguy cơ vi-rút bệnh truyền nhiễm do tác động của biến đổi khí hậu, đe dọa đến hòa bình và an ninh trên toàn thế giới. Các chuyên gia cảnh báo, nếu sự nóng lên toàn cầu tăng thêm 3°C, số người đói nghèo sẽ tăng từ 250 - 550 triệu người do mất an ninh lương thực. Điều này có thể làm gia tăng sự xáo trộn, kéo theo sự sụp đổ của các hệ thống xã hội và sự bùng nổ các xung đột tại những quốc gia yếu kém trong quản lý.

Thứ tư, hiện tượng nước biển dâng và sự xói mòn, xuống cấp của đất ở các vùng duyên hải gây ra nguy cơ mất nhà cửa; lãnh thổ quốc gia bị mất đi trong tương lai, từ đó tạo ra những thách thức trong xử lý tranh chấp lãnh thổ. Theo báo cáo của WMO năm 2019, gần 2/3 các thành phố trên thế giới với dân số hơn 5 triệu người đang phải đối mặt với nguy cơ nước biển dâng do hiện tượng băng ở hai cực Trái đất tan nhanh. Nếu không có những hành động, toàn bộ khu vực trung tâm của các thành phố Niu-Oóc (Mỹ), Thượng Hải (Trung Quốc), A-bu Đa-bi (Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất), Ô-xa-ca (Nhật Bản), Ri-ô Đơ Gia-nê-rô (Bra-xin) và nhiều thành phố khác được dự báo sẽ bị nhấn chìm dưới nước, khiến hàng triệu người mất nhà cửa([9]).Nước biển dâng khiến nhiều quốc đảo nhỏ có nguy cơ biến mất hay làm dịch chuyển đường cơ sở các nước ven biển, tạo ra những thách thức trong áp dụng các quy tắc của luật quốc tế, đặc biệt là Luật Biển đối với việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và biên giới quốc gia.

Vấn đề cấp bách đặt ra đối với thế giới hiện nay là làm sao hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất chỉ ở mức 1,50C vào cuối thế kỷ XXI, cắt giảm được 50% lượng khí phát thải so với mức năm 2010 vào năm 2030 và đạt trung tính về khí hậu vào năm 2050. Mặc dù Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thừa nhận những tác động nghịch của biến đổi khí hậu đối với sự ổn định tại một vài khu vực nhưng vẫn cần có thêm nghiên cứu và đánh giá cụ thể đối với từng khu vực để có cơ sở đưa ra những giải pháp căn cơ cho những hệ lụy do biến đổi khí hậu gây ra đối với hòa bình, an ninh quốc tế. Hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ngày càng trở nên khó khăn hơn tại một số khu vực ở châu Phi do biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến sự biến thiên của các cuộc xung đột hiện nay và làm tăng nguy cơ xung đột bạo lực. Hệ thống đa phương cũng gặp khó khăn nếu cộng đồng quốc tế không thành công trong việc giải quyết các thách thức nêu trên. Thách thức về huy động tối thiểu 100 tỷ USD/năm để hỗ trợ các nước đang phát triển tiến hành các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng là vấn đề cấp bách đặt ra đối với thế giới. Đại dịch COVID-19 có thể tạo ra bức tranh giảm phát thải khí nhà kính trong ngắn hạn, song về lâu dài cùng với giá dầu giảm, kinh tế suy thoái,... được dự báo sẽ làm triệt thoái các nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu.

Khó có thể phủ nhận biến đổi khí hậu đang len lỏi đến khắp mọi nơi, kéo theo nhiều mối đe dọa đối với hòa bình, an ninh thế giới hơn bất kỳ mối đe dọa nào. Chính vì vậy, theo giới chuyên gia, những thách thức đến từ biến đổi khí hậu nên được đặt trong các mối quan tâm về an ninh trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Và chỉ có hợp tác quốc tế hiệu quả giữa các quốc gia, các khu vực mới có thể từng bước ngăn chặn, đẩy lùi được biến đổi khí hậu và những tác động mang tính hủy diệt của nó.

Tham khảo thế giới thảo luận và xử lý các nguy cơ từ biến đổi khí hậu đối với hòa bình, an ninh quốc tế hiện nay

Tại Hội nghị Liên hợp quốc về môi trường và phát triển (UNCED), thường được gọi là Hội nghị Thượng đỉnh Trái Đất, diễn ra tại thành phố Ri-ô Đơ Gia-nê-rô (Bra-xin, tháng 6-1992), các nhà lãnh đạo thế giới đã tiến hành bàn thảo về vấn đề biến đổi khí hậu và thông qua Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), với mục tiêu là “ổn định các nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ở mức có thể ngăn ngừa được sự can thiệp nguy hiểm của con người đối với hệ thống khí hậu”. Đến nay, đã có 197 thành viên trên toàn cầu tham gia UNFCCC. Tiếp đó, tháng 12-2015, tại Hội nghị COP-21 diễn ra ở Thủ đô Pa-ri (Pháp), các nhà lãnh đạo đã thông qua Hiệp định Pa-ri về biến đổi khí hậu, với sự tham gia của 187 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trước đó, trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua tại kỳ họp lần thứ 70 được tổ chức tại thành phố Niu Oóc (Mỹ, tháng 9-2015), các nước thành viên cũng cam kết bảo vệ Trái đất khỏi sự suy thoái và nhất trí cần có hành động cấp thiết về ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như đẩy mạnh triển khai Mục tiêu phát triển bền vững số 13 về việc “đưa ra hành động chống lại biến đổi khí hậu và tác động của nó”([10]).

Về các nguy cơ của biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh quốc tế, tháng 4-2008, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần đầu tiên thảo luận về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và an ninh. Ba năm sau (tháng 7-2011), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiếp tục tổ chức thảo luận mở về tác động của biến đổi khí hậu trong đề mục “duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” và ban hành Tuyên bố Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Bảo an về vấn đề này([11]), trong đó thể hiện sự quan ngại của Hội đồng Bảo an trước vấn đề nước biển dâng do tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến lãnh thổ của một số quốc gia bị biến mất; đồng thời, yêu cầu Tổng Thư ký Liên hợp quốc có báo cáo Hội đồng Bảo an về những tác động của biến đổi khí hậu đối với an ninh quốc tế và nguyên nhân xảy ra các cuộc xung đột([12]).

Năm 2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc ban hành Nghị quyết số 63/2081, lần đầu tiên công nhận hệ lụy của biến đổi khí hậu đối với các vấn đề an ninh, trong đó ghi nhận trách nhiệm của các cơ quan Liên hợp quốc, bao gồm Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chịu trách nhiệm về vấn đề hòa bình và an ninh, Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) chịu trách nhiệm về các vấn đề phát triển, kể cả biến đổi khí hậu. Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống Liên hợp quốc đang tích cực nghiên cứu, triển khai các sáng kiến giải quyết những nguy cơ liên quan đến biến đổi khí hậu đối với hòa bình, an ninh quốc tế.

Tháng 3-2017, Hội đồng Bảo an chính thức thông qua Nghị quyết số 2349 về sự cần thiết đối với việc giải quyết các nguy cơ liên quan đến biến đổi khí hậu để giải quyết xung đột ở khu vực châu thổ hồ Sát tại châu Phi; nhấn mạnh các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sự ổn định khu vực; sự cần thiết nâng cao chất lượng các đánh giá về nguy cơ an ninh liên quan đến biến đổi khí hậu, nhất là ở Xô-ma-li, Tây Phi và Xa-hen, Đa-phua (Xu-đăng). Tháng 7-2018, Hội đồng Bảo an tổ chức thảo luận mở về chủ đề “Hiểu và giải quyết các nguy cơ liên quan đến khí hậu”, với sự tham gia của hơn 70 quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Tháng 1-2019, Hội đồng Bảo an tiếp tục tổ chức thảo luận mở về các vấn đề khí hậu và thời tiết khắc nghiệt. Lần đầu tiên đại diện Tổ chức WMO đã tham gia báo cáo trước Hội đồng Bảo an về vấn đề này. Tại phiên thảo luận, tất cả các nước đều cho rằng, biến đổi khí hậu đang tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường ở nhiều nơi trên thế giới; khẳng định mối liên hệ chặt chẽ của vấn đề này đối với hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế. Bên cạnh những nghị quyết nêu trên, Hội đồng Bảo an cũng ban hành 6 nghị quyết về các khu vực: Hồ Lớn, Tây Phi và Xa-hen, Xô-ma-li, Đa-phua (Xu-đăng) và châu Phi, nhấn mạnh tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đồng thời yêu cầu triển khai nghiên cứu, xây dựng chiến lược đánh giá của Liên hợp quốc đối với vấn đề này([13]).

Ngoài những cuộc họp chính thức, hình thức họp theo thể thức Arria([14]) cũng được các thành viên Hội đồng Bảo an sử dụng tối đa trong tổ chức họp trao đổi về những mối đe dọa của biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Mới đây nhất, ngày 22-4-2020, tại cuộc họp trực tuyến theo thể thức Arria của Hội đồng Bảo an về “khí hậu và các nguy cơ an ninh: số liệu mới nhất”([15]), Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách hòa bình và an ninh Rô-xơ Ma-ri Đi-ca-lô, nhấn mạnh: “Biến đổi khí hậu làm suy yếu các mục tiêu cốt lõi của chúng ta về ngăn ngừa xung đột và duy trì hòa bình”([16])và “không có gì là ngẫu nhiên khi mà trong số 20 quốc gia dễ bị tổn thương nhất đối với biến đổi khí hậu thì một nửa trong số đó đang phải giải quyết với xung đột bạo lực”([17]). Bà R.Đi-ca-lô cho biết, Liên hợp quốc và các đối tác hiện đang tập trung nghiên cứu, triển khai nhiều biện pháp xử lý vấn đề này: Một là, tăng cường năng lực phân tích, tổng hợp các yếu tố cộng hưởng (có yếu tố giới) đối với những rủi ro an ninh liên quan đến khí hậu; thành lập Nhóm Bạn bè về an ninh khí hậu, bao gồm các thành viên Liên hợp quốc, Cơ chế An ninh khí hậu (CSM) nhằm cung cấp những đánh giá toàn diện về các nguy cơ khí hậu cho Hội đồng Bảo an, các cơ quan của Liên hợp quốc và mạng lưới độc lập của các chuyên viên về an ninh khí hậu. Hai là, lồng ghép khía cạnh khí hậu vào các nỗ lực ngoại giao phòng ngừa, hòa giải xung đột. Ba là, xây dựng các chương trình kiến tạo hòa bình, hướng tới tăng cường sức chống chịu của cộng đồng dân cư, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của phụ nữ và thanh niên. Bốn là, triển khai đánh giá nguy cơ an ninh từ biến đổi khí hậu trong ngắn hạn, thay vì trong dài hạn 10-15 năm như báo cáo của IPCC.

Các nước thành viên Hội đồng Bảo an, đại diện EU, Liên minh châu Phi (AU), Tổ chức khủng hoảng toàn cầu và Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Xtốc-khôm(SIPRI, Thụy Điển) cùng nhiều quốc gia trên thế giới cũng chia sẻ quan điểm biến đổi khí hậu là thách thức sống còn đối với nhân loại, không thể đánh giá thấp tác động của biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh; biến đổi khí hậu đã và đang tham gia định hình xung đột trong tương lai, do đó kêu gọi các cơ quan liên quan cần tiếp tục tăng cường những nỗ lực chung để bảo đảm duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác quốc tế. Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc cho rằng cần tăng cường năng lực dự báo về rủi ro an ninh liên quan đến khí hậu, xây dựng cơ chế cảnh báo sớm, gắn liền cảnh báo sớm với các nỗ lực ngăn ngừa xung đột([18]). Anh, Đức nhấn mạnh Hội đồng Bảo an nên đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào chương trình nghị sự, thảo luận thường xuyên; các phái bộ Liên hợp quốc cần lồng ghép nguy cơ an ninh khí hậu vào hoạt động, báo cáo của phái bộ. Tuy-ni-di, Đô-mi-ni-ca, Ni-giê-ri-a kêu gọi tăng cường thông tin khoa học, xây dựng cơ sở dữ liệu của Liên hợp quốc; đưa biến đổi khí hậu vào chiến lược quốc gia. Nga cho rằng biến đổi khí hậu chỉ là một yếu tố dẫn đến tính dễ tổn thương từ đó dẫn đến bất ổn; do đó, Nga đề nghị tập trung nguồn lực cho vấn đề này từ các báo cáo quốc gia, không nên làm phân tán nguồn lực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trung Quốc ghi nhận các quan điểm khác nhau về nguy cơ an ninh khí hậu, yêu cầu cần tiếp tục phân tích, đánh giá về nguy cơ an ninh trong từng trường hợp; cho rằng các nước kém phát triển cũng như các quốc đảo nhỏ đang phát triển dễ bị tổn thương nhất, do đó cần thực hiện nguyên tắc nghĩa vụ chung nhưng có phân biệt([19]). Chia sẻ khó khăn của các nước đảo nhỏ đang phát triển([20]) đang phải ứng phó với các tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, Việt Nam kêu gọi Hội đồng Bảo an tiếp tục theo dõi và tăng cường cơ chế cung cấp thông tin về nguy cơ từ biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh quốc tế, nhất là thông qua báo cáo thông tin từ các phái bộ Liên hợp quốc về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sứ mệnh gìn giữ hòa bình của các phái bộ; đề nghị Hội đồng Bảo an tiếp tục thảo luận, hoàn thiện khuôn khổ thể chế về vấn đề biến đổi khí hậu([21]).”([22])

 

(Daihoi13.dangcongsan.vn)

 


([1]) The Climate Crisis - A Race We Can Win, https://www.un.org/en/un75/climate-crisis-race-we-can-win

([2]) Sustainable Development Goal, Progress of Goal 13 in 2019, Take urgent action to combat climate change and its impacts, https://sustainabledevelopment.un.org/sdg13

([3]) The Climate Crisis - A Race We Can Win:Tlđd

([4]) Remarks to the International Day of Peace student observance,

https://www.un.org/sg/en/content/sg/speeches/2019-09-20/international-day-of-peace-student-observance-remarks

([5]) Sách trắng Trung Quốc năm 2010 đề cập biến đổi khí hậu là “thách thức an ninh” bên cạnh các thách thức an ninh phi truyền thống khác; Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản năm 2011 xác định biến đổi khí hậu có thể tạo ra các nguyên nhân gây xung đột; Sách trắng Hàn Quốc năm 2012 cũng xác định biến đổi khí hậu là một dạng thách thức an ninh mới, và nguyên nhân gây gia tăng thiên tai ở khu vực châu Á những năm gần đây chính là do biến đổi khí hậu. Xem thêm:Andrew Holland và Xander Vagg: “The Global Security Defense Index on Climate Change: Preliminary Results”, National Security Perspectives on Climate Change from Around the World,American Security Project,  2013, http://www.AmericanSecurityProject.org, ngày 21-3-2013, p. 4

([6]) How does climate change impact global peace and security?, https://blog.oup.com/2017/06/climate-change-global-peace-security/

([7]) The Climate Crisis - A Race We Can Win:TLđd

([8]) The 2018 report of the Lancet Countdown on health and climate change: shaping the health of nations for centuries to come, Watts, Nick et al.The Lancet, Volume 392, Issue 10163, 2479 - 2514

([9]) The Climate Crisis - A Race We Can Win: Tlđd

([10]) Sustainable Development Goal, Progress of Goal 13 in 2019, Take urgent action to combat climate change and its impacts:Tlđd

([11]) Statement by the President of the Security Council, https://undocs.org/S/PRST/2011/15

([12]) Statement by the President of the Security Council:Tlđd

([13]) Thông tin cụ thể các Nghị quyết: Hồ Sát (S/Res/2349), Tây Phi và Xa-hen (S/PRST/2018/3) (S/PRST/2019/7), Xô-ma-li (S/Res/2408), Ma-li (S/Res/2423), Đa-phua (Xu-đăng) (S/Res/2429), châu Phi (S/Res/2457). Chẳng hạn như về Đa-phua (Xu-đăng), Hội đồng Bảo an yêu cầu Tổng Thư ký Liên hợp quốc cung cấp thông tin về các đánh giá trong báo cáo hoạt động của Phái bộ Liên hợp quốc ở Đa-phua một cách phù hợp. Về Tây Phi, trong Tuyên bố Chủ tịch Hội đồng Bảo an ngày 7-8-2019 về đề mục Củng cố hòa bình tại Tây Phi, Hội đồng Bảo an kết luận rằng căng thẳng khu vực là do sự tranh giành tài nguyên thiên nhiên, tăng trưởng dân số nhanh, quản trị yếu và các áp lực liên quan đến các nhân tố khí hậu và hệ sinh thái. Hội đồng Bảo an công nhận rằng các tác động nghịch của biến đổi khí hậu, thay đổi hệ sinh thái, thiên tai gồm hạn hán, sa mạc hóa, sói mòn đất, an ninh lương thực là một trong số các nguyên nhân gây ra sự bất ổn ở khu vực Tây Phi và Xa-hen

([14]) là một hình thức họp của Hội đồng Bảo an thường được tổ chức với sự tham gia rộng rãi của các nước thành viên Hội đồng Bảo an và cả các nước không phải thành viên

([15]) Đây là cuộc họp theo thể thức Arria lần thứ năm của Hội đồng Bảo an về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và an ninh. Bốn cuộc họp trước đó bàn về: 1- Ảnh hưởng đối với an ninh của biến đổi khí hậu (tháng 2-2013); 2- Biến đổi khí hậu: Mối đe dọa cấp số nhân đến an ninh toàn cầu (tháng 6-2015); 3- Hệ quả an ninh của biến đổi khí hậu: Nước biển dâng (tháng 4-2017); Biến đổi khí hậu: Chuẩn bị cho hệ quả an ninh của việc nhiệt độ ngày càng tăng (tháng 12-2017)

([16]) Climate change multiplying factors that lead to insecurity for millions, Rosemary DiCarlo tells “Arria Formula” meeting, xem thêm tại: https://dppa.un.org/en/climate-change-multiplying-factors-lead-to-insecurity-millions-rosemary-dicarlo-tells-arria-formula

([17]) Climate change multiplying factors that lead to insecurity for millions, Rosemary DiCarlo tells “Arria Formula” meeting:Tlđd

([18]) Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc tại Niu Oóc (Mỹ), Công điện số NYR/CĐ/181/PĐ, ngày 22-4-2020, về báo cáo kết quả cuộc họp thể thức Arria về biến đổi khí hậu và nguy cơ an ninh

([19]) Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc tại Niu Oóc:Tlđd

([20]) các nước Tây Phi, Xa-hen, khu vực hồ Sát…

([21]) Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc tại Niu Oóc:Tlđd

([22]) Xem: Tạp chí Cộng sản số 945 (7-2020)  tr 91 – tr 98

Lượt xem: 2.150
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003980730
  •  Đang online: 66
  •  Trong tuần: 8.918
  •  Trong tháng: 31.105
  •  Trong năm: 31.105