Nâng cao năng lực đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ In trang
05/11/2020 08:58 SA

(ĐHXIII) - Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các cấp Hội phụ nữ, từ đó giúp phụ nữ nhận thức rõ vị thế, vai trò, đóng góp tích cực vào xây dựng Đảng, chính quyền, đường lối phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngày 02/11, Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với chủ đề “Nâng cao năng lực đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ - Những nội dung liên quan trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng” tại điểm cầu Hà Nội và 55 điểm cầu cấp tỉnh/thành, 323 điểm cầu cấp huyện.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Hà Thị Nga, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, dự Hội thảo trực tuyến có 6.822 đồng chí là Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành và cán bộ chuyên trách Hội LHPN cấp tỉnh, huyện; đại diện các đơn vị lực lượng vũ trang, nữ công Liên đoàn Lao động cấp tỉnh; đại diện nữ doanh nhân, nữ trí thức các địa phương. Các tỉnh/thành phố miền Trung do đang tập trung khắc phục hậu quả của thiên tai không tham dự hội thảo trực tuyến sẽ gửi ý kiến bằng văn bản theo kế hoạch.

Quang cảnh Hội thảo trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội 


Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó có Hội LHPN Việt Nam trong phát huy quyền làm chủ của Nhân dân thông qua cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ”. Nội dung này không chỉ là giải pháp nhằm phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nói chung, mà còn là định hướng để hoàn thiện thể chế thực hiện quyền công dân theo Hiến pháp 2013.Đây cũng là hội thảo thứ 3 trong 4 hội thảo Hội LHPN Việt Nam tổ chức để lấy ý kiến các nhóm: nữ doanh nhân, nữ trí thức, các chuyên gia và hội viên phụ nữ; làm cơ sở để tập hợp các ý kiến đóng góp vào dự thảo văn kiện qua đó, thể hiện trách nhiệm của Hội với Đảng, với phụ nữ, với Nhân dân.

Tại hội thảo, đại diện hội LHPN các tỉnh, thành phố đã tập trung cho ý kiến về hai chủ đề: Vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của Nhân dân; Tiếng nói của các tầng lớp phụ nữ đối với Đảng.

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hồ Chí Minh Trần Thị Huyền Thanh, trong dự thảo Báo cáo chính trị nhiều lần khẳng định vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện quyền làm chủ của Nhân dân, tuy nhiên trong phần phương hướng chiến lược lại ít đề cập đến các giải pháp phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội. Vì vậy, cần bổ sung thêm định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách nhằm phát huy vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đặc biệt là trong việc giám sát, phản biện xã hội.

Việc góp ý dự thảo văn kiện là là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các cấp Hội phụ nữ


Bày tỏ sự nhất trí cao khi dự thảo văn kiện chỉ rõ: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp, vận động Nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” thực hành dân chủ, xây dựng đồng thuận xã hội”, bà Nguyễn Thị Tuyến Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hậu Giang phân tích, các văn kiện trước đây thường dùng chữ “nòng cốt” nay lại bổ sung thêm từ “chính trị” để thấy rõ điểm khác biệt với tổ chức xã hội, nghề nghiệp về tôn chỉ mục đích, nhiệm vụ, phương thức hoạt động, tổ chức bộ máy, về mối quan hệ trong hệ thống chính trị được Hiến pháp, pháp luật và các văn bản của Đảng quy định.Cùng với đó, dự thảo đã mở rộng phương châm “Dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, như vậy là đã nhấn mạnh hai quyền rất quan trọng của Nhân dân là quyền giám sát, quyền thụ hưởng theo tinh thần Hiến pháp 2013 và một số quyết định của Bộ Chính trị, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của Nhân dân nhưng cần tiếp tục thể chế hóa phương châm này thành những chính sách quy chế, quy định cụ thể để Nhân dân phát huy quyền làm chủ trên thực tế và thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội.

Đề cập tới việc phát huy vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển đất nước, bà Rơ Chăm H'Hồng, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Gia Lai đồng tình với hạn chế đã được dự thảo văn kiện chỉ ra ở vùng dân tộc thiểu số như “chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền còn lớn, đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn…” từ đó kiến nghị, dự thảo văn kiện cần bổ sung cơ chế để phụ nữ dân tộc tiếp cận tốt hơn với dịch vụ công, dịch vụ xã hội thiết yếu./.

(Daihoi13.dangcongsan.vn)

Lượt xem: 1.591
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003910709
  •  Đang online: 42
  •  Trong tuần: 11.276
  •  Trong tháng: 125.428
  •  Trong năm: 1.212.084