Kinh tế có thể đi trước nhưng văn hóa phải đi liền theo In trang
03/11/2020 10:51 SA

(ĐHXIII) – TS Nguyễn Viết Chức đặt vấn đề: Kinh tế đi trước nhưng không có nghĩa là “quên” đi văn hóa, kinh tế có thể đi trước nhưng văn hóa phải đi liền theo, không để tình trạng đầu tư cho văn hóa không tương xướng với đầu tư cho kinh tế, như nhiều ý kiến nhận xét hiện nay.

Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.

Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam.


Góp ý vào Dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII, các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là hai nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý xây dựng, tâm huyết của nhiều chuyên gia, nhà khoa học.


Để đổi mới tư duy, cách làm thì công tác cán bộ phải là khâu quan trọng nhất

Góp ý trong lĩnh vực kinh tế, Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam cho rằng, vừa rồi chúng ta nói nhiều đến việc cổ phần hóa. Trong mô hình phát triển kinh tế có nhiều thành phần gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể. Những thành phần kinh tế này rất cần thiết nhưng đề nghị phải quản lý chặt chẽ.

“Tôi nói ví dụ, tại sao nhiều vị trí đất vàng của Hà Nội vào tay tư nhân? Hoặc trong quản lý xây dựng hệ thống đường cao tốc bị lỗ rất nhiều vì do quản lý của chúng ta không chặt chẽ mà điển hình là vụ đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Việc tăng cường sức mạnh cho kinh tế tư nhân là cần thiết nhưng công tác quản lý phải chặt chẽ. Đặc biệt, kiên quyết không để họ chi phối. Hoặc chưa đến mức chi phối nhưng có tác động rất lớn. Ở Trung ương thì chưa nói, nhưng ở các địa phương đã xảy ra rồi. Tác động của kinh tế tư nhân đối với lãnh đạo của nhiều địa phương, dẫn đến sai sót đã có rồi. Do đó, chúng ta phải hết sức chú ý và lưu tâm” –  Thiếu tướng Võ Sở phân tích.

Cùng với đó, trong đổi mới kinh tế, đổi mới tư duy là cần thiết, nhưng cần phải có chương trình đổi mới một cách thiết thực, thích hợp với nền kinh tế của nước ta. Việc đổi mới tư duy trước hết phải được thể hiện trên các mặt như: Nâng cao hiệu quả của các ngành công nghiệp nặng, nâng cao hiệu lực chế biến, nâng cao chất lượng của sản phẩm… Bên cạnh đó, phải thực hiện tốt nền kinh tế vùng, nâng cao sức mạnh cạnh tranh của từng địa phương. Nơi nào có những đặc biệt riêng, những lợi thế riêng thì phải phát huy.

“Tôi lấy một ví dụ rất nhỏ về mô hình tăng trưởng kinh tế của Singapore. Với một nước mà diện tích chưa bằng một huyện, dân số không bằng Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh nhưng họ lại phát triển rực rỡ. Kinh tế họ phát triển vì họ đã làm rất tốt các hoạt động dịch vụ một cách thực chất. Bản chất kinh tế của Singapore là kinh tế dịch vụ. Nhìn nước bạn mới thấy Việt Nam chúng ta có rất nhiều lợi thế nhưng không phát huy được” – Thiếu tướng Võ Sở cho biết.

Cũng đề cập đến vấn đề này, GS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới cho rằng, sự nghiệp đổi mới được tiến hành từ năm 1986, đến nay đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt là những thành tựu trong phát triển kinh tế, đồng thời thực tiễn cũng đặt ra những vấn đề mới, đòi hỏi mới cần điều chỉnh về tư duy, giải pháp, mục tiêu.

"Nhưng tôi đọc dự thảo thì thấy ít cái mới. Nếu chúng ta vẫn duy trì tư duy cũ, ví dụ như  đất đai vẫn sở hữu toàn dân, kinh tế nhà nước vẫn chủ đạo... Chúng ta đã thấy thực trạng vừa qua tranh chấp, kiện cáo trong lĩnh vực đất đai rất phức tạp; những sai phạm trong doanh nghiệp nhà nước thì hậu quả cũng rất lớn, lãnh đạo các tập đoàn, công ty nhà nước vi phạm khá nhiều" - GS  Võ Đại Lược phân tích.

Từ đó, GS Võ Đại Lược đề nghị cần nghiên cứu, xem xét tư duy về nền kinh tế thị trường lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo, đây là sáng tạo của Việt Nam vì Mác, Lênin cũng không nói khái niệm này. "Trên thực tế, bây giờ chúng ta hội nhập rất sâu, ký mười mấy Hiệp định FTA rồi, nếu giữ cái khái niệm này thì nó ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của chúng ta" - GS Võ Đại Lược phát biểu.
 

GS.TS Trần Ngọc Đường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

GS.TS Trần Ngọc Đường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Dưới góc nhìn của mình, GS.TS Trần Ngọc Đường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhìn nhận việc phân cấp, phân quyền đã được nhấn mạnh rất rõ trong Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, trên thực tế, việc phân cấp, phân quyền thực hiện trong thời gian qua chưa tốt, thể hiện một việc vẫn do 2-3 cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Điều này dẫn đến việc “cha chung không ai khóc” và khi xảy ra hậu quả không biết quy trách nhiệm cho ai.

“Do vậy, lần này dự thảo văn kiện đã nhấn mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương; khắc phục triệt để chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất, đồng thời phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều đó thì phải triển khai cụ thể hóa trong việc xây dựng pháp luật. Điều quan trọng nữa, khi cấp trên phân quyền cho cấp dưới rồi thì phải kèm theo điều kiện cả về nguồn lực, nếu không sẽ khó phát huy được hiệu quả” – GS Trần Ngọc Đường góp ý.

Để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh

Cùng với đổi mới kinh tế, vấn đề phát triển văn hóa cũng được rất nhiều chuyên gia quan tâm. TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa-Xã hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là “Tăng cường xây dựng con người và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Tuy nhiên, Báo cáo Chính trị cũng nghiêm khắc chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót trong lĩnh vực xây dựng và phát huy nguồn lực con người. Đó là “vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm”, môi trường văn hóa xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, các hiện tượng tham nhũng, cực đoan.

“Tại sao Nghị quyết Trung ương đã chỉ rõ văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển… nhưng vẫn chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị?”, TS Nguyễn Viết Chức đặt vấn đề. Theo ông, kinh tế đi trước nhưng không có nghĩa là “quên” đi văn hóa, kinh tế có thể đi trước nhưng văn hóa phải đi liền theo, không để tình trạng đầu tư cho văn hóa không tương xướng với đầu tư cho kinh tế, như nhiều ý kiến nhận xét hiện nay.

“Nội dung tôi tâm đắc nhất là đặt vấn đề xây dựng con người Việt Nam lên hàng đầu và yêu cầu khá cụ thể việc xây dựng hệ chuẩn giá trị con người Việt Nam. Cái lớn nhất, cái bao trùm nhất của văn hóa là con người. Con người sáng tạo ra văn hóa và chính văn hóa lại tác động để hình thành nhân cách và phẩm giá con người. Môi trường thiên nhiên bị hủy hoại, lũ lụt miền Trung như vậy có phải do con người tác động không?...”, TS Nguyễn Viết Chức trăn trở.

Từ phân tích của mình, TS Nguyễn Viết Chức khẳng định: “Vấn đề xây dựng con người là vấn đề cốt lõi. Không có con người thì làm sao xây dựng được đất nước. Lý luận thì con người là nhân tố quyết định. Nhưng về mặt thực tiễn, con người mà ganh đua, tham nhũng… thì sao giải quyết được. Văn hóa ở đây chính là con người, xây dựng con người phải đặt lên hàng đầu. Rất tiếc dự thảo lần này không nói rõ, nói mờ nhạt so với dự thảo lần thứ XII của Đảng”.

Theo đó, TS Nguyễn Viết Chức góp ý, dự thảo phải nhấn mạnh hơn nữa việc xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển tài năng, trí tuệ, phẩm chất con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng của đất nước.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Cùng quan điểm, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp phát triển đất nước đã được đặt ra trong Báo cáo chính trị Đại hội XII. Tuy nhiên, theo tổng kết và nhận định của nhiều nhà nghiên cứu thì chúng ta chưa thực sự có những quyết sách chiến lược, những cơ chế cụ thể mở đường để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh phát triển đất nước. Chính vì vậy, để phát huy niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, khát vọng về một Việt Nam hùng cường thì nhân tố quyết định là ở xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.


Bên cạnh đó, xác định tôn giáo, tín ngưỡng là một thành tố của văn hóa; tín ngưỡng, tôn giáo góp phần làm nên những giá trị cốt lõi văn hóa truyền thống dân tộc, do đó, dự thảo Báo cáo cần nhấn mạnh tôn giáo không chỉ là thành tố văn hóa, mà thực sự còn là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước.

Đề cập đến con người và văn hóa, PGS.TS Lê Thị Lan, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề nghị nên viết gọn lại là “Phát triển con người toàn diện về thể lực, trí tuệ và đạo đức là trung tâm, mục tiêu, động lực quan trọng nhất của phát triển đất nước. Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc...”. Trong mục (5) về quản lý xã hội, nên chuyển cụm từ “Xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh” lên mục (4) về văn hóa và con người để tránh trùng lặp. “Đồng thời bổ sung cụm từ “văn hóa ứng xử” vào câu “Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa ứng xử trong các môi trường lãnh đạo quản lý, học đường, công sở, giao thông, kinh doanh, công cộng”; đưa cụm từ “Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế lên trước cụm từ “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, bởi khát vọng này luôn cháy bỏng và thường trực trong văn hóa Việt Nam. Thực hiện tốt nhiệm vụ phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng là đã hoàn thành việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước” - PGS.TS Lê Thị Lan góp ý.

Cùng quan điểm nhấn mạnh vào tầm quan trọng của văn hóa, nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, văn hóa và kinh tế phải được đặt trong tổng thể hữu cơ và hài hòa. Tốc độ tăng trưởng nhanh của kinh tế phải nhịp nhàng với sự phát triển của văn hóa, trực tiếp nhất là văn hóa sinh thái, đạo đức, xã hội. Sự thất bại của văn hóa, của đạo đức xã hội dù sớm hay muộn, nhất định dẫn tới thất bại về chính trị, kinh tế và bất ổn về xã hội…/.

(Daihoi13.dangcongsan.vn)

Lượt xem: 1.467
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003910776
  •  Đang online: 63
  •  Trong tuần: 11.343
  •  Trong tháng: 125.495
  •  Trong năm: 1.212.151