Chào mừng Đại Hội Đại Biểu Đảng Bộ huyện Bảo Lâm lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 – 2025: Bảo Lâm sẽ thực sự trở thành vùng kinh tế trọng điểm như kỳ vọng In trang
24/08/2020 07:21 SA

Đầy tự hào khi nhắc về những thành công, đồng thời cũng không ngại ngần khi đề cập đến những điều chưa làm được của Bảo Lâm trong nhiệm kỳ vừa qua; thẳng thắn và cởi mở, đồng chí Hoàng Trọng Hiền - TUV, Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm đã dành cho phóng viên (PV) Báo Lâm Đồng những chia sẻ tốt đẹp và cả những trăn trở, kỳ vọng trên con đường phát triển phía trước của địa phương. 

 

Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm - Hoàng Trọng Hiền
Bí thư Huyện ủy Bảo Lâm - Hoàng Trọng Hiền

PV: Dù không phải là địa phương có vị trí đắc địa về đầu mối giao thông cũng như là trung tâm thương mại lớn của tỉnh; thời gian vừa qua, Bảo Lâm đã lựa chọn những thế mạnh gì để phát triển xứng tầm với vị thế là 1 trong 4 vùng kinh tế trọng điểm lớn của tỉnh, xin đồng chí Bí thư chia sẻ?

 

BÍ THƯ HOÀNG TRỌNG HIỀN: Thành công lớn nhất trong 5 năm qua, đó là sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển khá toàn diện, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp được quan tâm, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, đặc biệt phải nhắc tới chương trình tái canh cà phê, chuyển đổi giống chè và tăng mạnh diện tích cây ăn quả. Hiện tại, diện tích ghép cải tạo cà phê giống mới năng suất cao đạt trên 79% tổng diện tích với 26.500 ha; chuyển đổi giống chè mới chất lượng cao trên 5.800 ha, đạt 75% tổng diện tích; diện tích cây ăn quả đạt 4.000 ha với các loại cây có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, bơ, măng cụt...

 

Cùng với đó, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất có bước tiến mạnh mẽ, nhiều mô hình sản xuất đã được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao ngày càng tăng với 7.000 ha. Nhiều mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao và được nhân rộng; các chuỗi liên kết giá trị từng bước được hình thành và phát triển; huyện đã xúc tiến xây dựng hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa Bơ Bảo Lâm và Cà phê Bảo Lâm; công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp ngày càng có hiệu quả đáp ứng được yêu cầu sản xuất; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt 140 triệu đồng/năm, tăng 30 triệu đồng so với năm 2015.

 

Lĩnh vực chăn nuôi thời gian qua tuy gặp nhiều khó khăn, nhất là do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng huyện đã tập trung định hướng tiếp tục phát triển theo mô hình trang trại tập trung, đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh môi trường. Toàn huyện có 37 trang trại với đàn gia súc gần 45.000 con; gia cầm, thủy cầm đạt khoảng 480.000 con; diện tích nuôi trồng thủy sản ước khoảng 228 ha, sản lượng trên 4.000 tấn. Các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện đã tích cực hợp tác xây dựng chuỗi liên kết giá trị sản xuất và tiêu thụ, do vậy hiệu quả trong chăn nuôi ngày càng được nâng cao; tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp ước đạt 9,4%.

 

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá, giá trị sản xuất bình quân đạt trên 5.000 tỷ đồng/năm; tỷ lệ tăng trưởng bình quân đạt 110%/năm. Toàn huyện có 48 doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp; cụm công nghiệp Lộc Thắng có 4 doanh nghiệp với tổng diện tích gần 9,5 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 40,34%. Nhìn chung, các ngành công nghiệp của huyện trong 5 năm qua đạt được nhiều kết quả tích cực; Công ty Bauxít nhôm sản xuất ổn định và vượt mức công suất trên 700.000 tấn/năm; các nhà máy thủy điện Đồng Nai 3, 4, 5, nhà máy thủy điện nhỏ hoạt động có hiệu quả, đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

5 cá nhân vinh dự được Tỉnh ủy Lâm Đồng tặng Bằng khen có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền. Ảnh: K.P

5 cá nhân vinh dự được Tỉnh ủy Lâm Đồng tặng Bằng khen có thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền. Ảnh: K.P

 

PV: Thành công và dấu ấn trong nhiệm kỳ vừa qua là không thể phủ nhận. Vậy còn đâu là những mong muốn chưa được thực hiện trọn vẹn, đồng chí Bí thư có thể trao đổi với chúng tôi về điều này?

 

BÍ THƯ HOÀNG TRỌNG HIỀN: Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn ở các năm 2015, 2016, 2017 nhưng huyện đã có rất nhiều giải pháp tích cực trong quản lý chống thất thu thuế, với tổng thu ngân sách nhà nước 5 năm qua đạt 3.434 tỷ đồng. Tuy chưa đạt so với kế hoạch đề ra, bởi sự biến động về các nguồn thu, nhưng trên bình diện chung, nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện những năm gần đây đã được cải thiện hơn. Công tác chi ngân sách được thực hiện chặt chẽ, thực hành triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; tăng tỷ trọng trong chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên. Tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2016 - 2020 đạt 3.649 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 12%.

 

Bảo Lâm là một trong 4 địa bàn trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng, tuy nhiên sự phát triển của huyện trong nhiệm kỳ vừa qua chưa đạt được như kỳ vọng. Kinh tế phát triển nhưng chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa cao, chưa bền vững. Việc phát triển đô thị, kết nối để phát triển kinh tế vùng còn hạn chế; thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn, công nghiệp chế biến nông sản phát triển chậm; hệ thống thương mại dịch vụ phát triển thiếu đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như: tài nguyên, môi trường, khoáng sản, bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều bất cập, còn xảy ra một số vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

 

Việc học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng có lúc, có nơi chưa đầy đủ, kịp thời; vai trò lãnh đạo của một số cấp ủy, chi bộ còn mờ nhạt; công tác quản lý đảng viên ở một số tổ chức Đảng còn thiếu chặt chẽ; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên; hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể hiệu quả chưa cao. 

 

Quang cảnh trung tâm thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm . Ảnh: Nguyễn Nghĩa

Quang cảnh trung tâm thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm. Ảnh: Nguyễn Nghĩa

 

PV: Với rất nhiều tiềm năng, Bảo Lâm sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để sớm đạt được mục tiêu phát triển của mình. Với riêng cá nhân, đâu là những trăn trở, kỳ vọng mà đồng chí Bí thư muốn gửi gắm?

 

BÍ THƯ HOÀNG TRỌNG HIỀN: Sẽ không thể khác, đó là vẫn tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững và hiện đại. Trọng tâm là chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, đầu tư thâm canh, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế trang trại với quy mô phù hợp, đảm bảo quy hoạch, vệ sinh môi trường. Chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Tập trung phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác trên cơ sở triển khai tốt Nghị quyết 07 của Huyện ủy về phát triển kinh tế vườn - hộ để làm hạt nhân trong việc hình thành, phát triển các chuỗi liên kết giá trị.

 

Xác định công tác quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài, vì vậy, huyện sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt, đặc biệt là trong thời điểm dự án Bauxit triển khai giai đoạn 2, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp, nhu cầu đất sản xuất tăng cao dẫn tới nguy cơ lấn chiếm đất lâm nghiệp ngày càng nhiều.

 

Trong những năm tiếp theo, cần khuyến khích, hỗ trợ và thu hút đầu tư cho phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Mặc dù Chính phủ đã có Nghị quyết 53 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững, nhưng vì nhiều lý do, trên địa bàn huyện chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Điều này vô tình dẫn tới nông sản của Bảo Lâm chưa có đầu ra thực sự ổn định và xứng tầm với chất lượng hiện có. Hy vọng với phương châm “Doanh nghiệp là trung tâm, nhà nông là chủ thể, Nhà nước là cầu nối” cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn Bảo Lâm, từ đó tạo cú hích, trở thành động lực, góp phần tăng giá trị sản xuất trong nông nghiệp.

 

Khuyến khích phát triển các cơ sở chế biến nông sản, nhất là chế biến trà và cà phê. Quan tâm phát triển các loại hình dịch vụ, chú trọng các dịch vụ phục vụ sản xuất của Nhân dân. Tập trung xây dựng thương hiệu Bảo Lâm cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

 

Đặc biệt, để làm được những điều đó, Bảo Lâm cần phải thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và của cả hệ thống chính trị, chú trọng vai trò của người đứng đầu, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị và công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Để đảm bảo được các mục tiêu đột phá của Bảo Lâm trong thời gian tới cần phải chú trọng chất lượng nguồn nhân lực trong bộ máy tổ chức, trong lao động, trong sản xuất, được đào tạo bài bản và có kinh qua thực tiễn.

 

Với những tiềm năng lớn như: rừng, năng lượng, cây ăn trái, đặc biệt là bauxit, hy vọng Bảo Lâm sẽ tự chủ được ngân sách trong những nhiệm kỳ tiếp theo và sẽ thực sự trở thành một trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh như kỳ vọng.

 

PV: Cảm ơn đồng chí Bí thư Huyện ủy đã dành cho Báo Lâm Đồng những chia sẻ chân thành. Xin chúc Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Bảo Lâm lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thành công tốt đẹp!

 

TUẤN LINH (thực hiện)

Lượt xem: 1.443
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003909358
  •  Đang online: 95
  •  Trong tuần: 9.925
  •  Trong tháng: 124.077
  •  Trong năm: 1.210.733