Chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Đơn Dương lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025: Đổi thay trên những cánh đồng In trang
19/08/2020 02:09 CH

Những cánh đồng lúa, bắp một vụ ở Đơn Dương đã dần đi vào dĩ vãng. Thay vào đó là đồng rau, hoa, những nhà kính, nhà lưới ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế, góp phần thúc đẩy nền canh nông của huyện phát triển nhanh, hướng tới bền vững. 

Thu hoạch nông sản ở Đơn Dương. Ảnh: Hà Hữu Nết

Thu hoạch nông sản ở Đơn Dương. Ảnh: Hà Hữu Nết

 

Nhà kính quanh vườn 

Đưa chúng tôi đến hộp điều khiển mắc trên một trụ điện lớn phía sau sân nhà, ông Đinh Ngọc Quang, 65 tuổi, người thôn Quảng Thuận, xã Quảng Lập, Đơn Dương bảo với tôi rằng, chỉ cần ấn nút nước sẽ tự động tưới cho cả nhà kính quanh nhà. “Rất thuận tiện, chỉ cần đặt thời gian nước sẽ bơm vào hệ thống tưới nhỏ giọt, khi cần cũng có thể tưới phun bằng “béc” trên giàn” - ông Quang chỉ tay.

 

Nhà kính này rộng trên 3.000 m2, được ông Quang đầu tư trên 660 triệu đồng, vừa mới hoàn thành đầu năm nay để thay thế cho nhà lưới cũ trước đây. Khung sắt, mái cao, lợp ni lông, nhà kính của ông trông rất đẹp, nếu không nói là đẹp nhất trong vùng so với những nhà kính khác làm đã lâu trước đó. “Càng làm sau càng rút kinh nghiệm nên họ làm nhà kính đẹp và hiệu quả hơn” - ông Quang cười.

 

Ngay trong vườn nhà, lâu nay ông đã khoan giếng để lấy nước tưới, nước từ giếng khoan hút lên đưa vào hồ chứa có chống thấm để giữ nước lại, sau đó bơm vào tưới vườn. Gần đây, khi làm nhà kính, ông đã cho đào thêm một hồ chứa bên cạnh mà ông gọi là hồ “rút”, vì đáy hồ để nền đất tự nhiên; nước mưa từ mái nhà kính được thu hồi để đưa về hồ rút này, ngấm dần xuống đất trong vườn, nhằm cung cấp nước cho tầng nước ngầm. 

 

Hệ thống tưới nhỏ giọt trong vườn của ông Quang được hỗ trợ bởi nguồn vốn Nhà nước. Tại xã Quảng Lập, có 20 hộ dân như thế khi làm nhà kính mới trong năm nay và mỗi gia đình được hỗ trợ 20 triệu đồng. “Tất nhiên, tôi cũng đầu tư thêm chút ít cho hệ thống tưới này. Nó rất thuận tiện, vừa tưới, vừa bón phân và rất tiết kiệm nước” - ông Quang nói. 

 

Một nhà kính khác mà chúng tôi đến thăm là của ông Nguyễn Ngọc Bình, 59 tuổi, cũng tại thôn Quảng Thuận, xã Quảng Lập. Nhà kính này rộng trên 3.000 m2, được ông Bình đầu tư khoảng 600 triệu đồng làm cách đây 3 năm. Cũng khung sắt rất chắc chắn, có lắp hệ thống tưới nhỏ giọt lẫn tưới phun tự động, nước lấy từ giếng khoan trong vườn lên hồ chứa để sử dụng tưới hằng ngày; hiện ông Bình đang trồng dưa chuột trái nhỏ và đã cho thu hoạch. 

 

Như ông Quang, ông Bình cho biết, giờ nông dân ở xã Quảng Lập và các xã lân cận như Ka Đô, P’Ró... mọi người đều thi nhau làm nhà lưới, nhà kính, bắc hệ thống tưới tự động, mua máy móc cơ giới. “Rất dễ dàng, chỉ cần một cú điện thoại, nếu có tiền đầu tư là có người đến xem xét và làm rất nhanh” - ông Bình cho biết. Còn theo ông Quang, nhà kính, nhà lưới đã giúp những người nông dân như ông làm nông thuận lợi hơn rất nhiều, công tốn ít hơn, năng suất cao hơn, mùa nào cũng canh tác được, không sợ ảnh hưởng mưa gió. “Vấn đề bây giờ là làm có trúng giá không thôi” - ông Quang nói.

 

Tái cơ cấu nông nghiệp 

 

Đầu năm 2016, Đơn Dương đã ban hành kế hoạch cụ thể về tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp gắn với sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và kế hoạch phát triển đàn bò sữa trên địa bàn huyện cho giai đoạn 2016 - 2020, đến nay từng bước hiện thực hóa kế hoạch này.

 

Cho đến nay, theo ngành chức trách huyện, Đơn Dương đã hình thành những vùng chuyên canh rau thương phẩm ứng dụng công nghệ cao và chăn nuôi bò sữa trên địa bàn. Hằng năm, từ các nguồn kinh phí sự nghiệp của huyện, các chương trình, đề án của tỉnh, huyện đã tăng cường hỗ trợ người dân trong huyện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất. 

 

Rau, trong nhiều năm nay vẫn được huyện xác định là cây trồng chủ lực trong tái cơ cấu cây trồng. Huyện do đó đã tích cực vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng lúa và các loại cây trồng khác kém hiệu quả kinh tế sang trồng rau thương phẩm có giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều. Chỉ tính trong 5 năm, từ 2015 đến 2020, tại huyện đã có trên 700 ha đất trồng lúa và các cây trồng kém giá trị chuyển sang canh tác rau thương phẩm.

 

Thống kê huyện cho biết, năm 2015 toàn huyện có khoảng 23.880 ha trồng rau thương phẩm, trong đó diện tích rau ứng dụng công nghệ cao chỉ 6.845 ha thì đến năm 2020 này, diện tích gieo trồng rau đã tăng lên nhanh với 27.060 ha, tăng 11,3%, trong đó diện tích ứng dụng công nghệ cao chiếm 10.512 ha trong tổng số 11.763 ha đất canh tác rau toàn huyện với 89,4%.

 

Diện tích trồng hoa hiện nay cũng tăng nhanh với khoảng 160 ha, tăng 16% so với năm 2105. Các loại hoa được trồng nhiều ở huyện là lan, lay-ơn, cúc, cát tường, lily, hồng môn, có giá trị khá cao so với rau. 

 

Cùng đó, Đơn Dương cũng có cây dược liệu với khoảng 25 ha; có cà phê với 1.568 ha, hầu hết đã ứng dụng giống mới cho năng suất ổn định; có diện tích cây ăn quả 1.493 ha, chủ yếu là cây hồng, bơ, cam, quýt, chuối, dứa với thị trường tiêu thụ khá ổn định.

 

Huyện cũng khuyến khích vận động nông dân cơ giới hóa, ứng dụng các biện pháp canh tác tiên tiến trong sản xuất. Đến nay, diện tích nhà kính, nhà lưới toàn huyện trên 2.330 ha; diện tích sử dụng tưới tự động, nhỏ giọt trên 8.100 ha. Đã có khoảng 45 ha nhà kính sử dụng hệ thống tự động điều khiển nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm tiên tiến; có khoảng 29 ha canh tác nông nghiệp hữu cơ; trên 8 ha đất canh tác không dùng đất. 

 

Một ước tính cho thấy, năng suất cây trồng tại Đơn Dương tăng 3-5% hằng năm những năm gần đây; bình quân diện tích rau, hoa ứng dụng công nghệ cao đạt bình quân 250 triệu - 300 triệu đồng/ha/năm; có những mô hình rau, hoa đạt đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Không ít hộ dân đầu tư kho lạnh bảo quản rau, hoa sau thu hoạch; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý tưới và pha dưỡng chất tưới tự động trên rau; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc điều khiển tưới tự động; ứng dụng hệ thống cảm biến kết nối vạn vật IOT.

 

Huyện cũng khuyến khích thành lập các hợp tác xã và tổ hợp tác nông nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ trên địa bàn; vận động người dân sản xuất rau, hoa theo tiêu chuẩn VietGAP, đăng ký sử dụng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, phát triển diện tích rau hữu cơ sạch, cung ứng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. 

 

Trong chăn nuôi bò sữa, tổng đàn bò sữa toàn huyện hiện nay trên 1.500 con, tăng 41,5% so với năm 2015, trong đó có khoảng 47% tổng đàn bò sữa đang cho khai thác sữa, bình quân 160 tấn/ngày; tổng doanh thu từ nguồn sữa tươi ước đạt 2 tỷ đồng/ngày.

 

Theo Phòng Nông nghiệp Đơn Dương, trong thời gian đến, huyện vẫn tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp, gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ các mô hình ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả để nhân rộng tại địa phương.

 

GIA KHÁNH 

Lượt xem: 1.514
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003909067
  •  Đang online: 116
  •  Trong tuần: 9.634
  •  Trong tháng: 123.786
  •  Trong năm: 1.210.442