Thành tựu và những bài học kinh nghiệm trước Đại hội Đảng XIII In trang
27/02/2020 10:36 SA

Năm 2019 vừa qua là một năm có ý nghĩa quan trọng, đó là 'bậc thềm' mà chúng ta phải đi qua để bước vào năm 2020 - năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Công tác phòng, chống tham nhũng ở nhiệm kỳ Đại hội khóa XII đã đem lại nguồn động viên to lớn cho toàn xã hội 	  /// Ảnh: TTXVN

Công tác phòng, chống tham nhũng ở nhiệm kỳ Đại hội khóa XII đã đem lại nguồn động viên to lớn cho toàn xã hội Ảnh: TTXVN

Chúng ta đã bước vào năm 2020, năm cuối cùng để hoàn thành các chương trình, mục tiêu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng. Nếu đánh giá giai đoạn 10 năm của hai nhiệm kỳ vừa qua bằng các số liệu và sự kiện, có thể nhận thấy sự tương phản rõ ràng của những gam màu sáng - tối, qua đó cũng thấy sáng rõ những bài học kinh nghiệm quý báu...

Những thành tựu nổi bật

Năm 2019 vừa qua là một năm có ý nghĩa quan trọng; nói một cách hình ảnh, đó là “bậc thềm” mà chúng ta phải đi qua để bước vào năm 2020 - năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Chúng ta đứng trên “bậc thềm” cao thì thành công của Đại hội Đảng toàn quốc sẽ càng cao.

Bằng nỗ lực to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, 2019 là một năm ghi dấu thành tích vượt bậc kể từ đầu nhiệm kỳ cả về chính trị, kinh tế, đối ngoại, văn hóa, thể dục thể thao... Về kinh tế, số liệu của Tổng cục Thống kê và của các tổ chức nước ngoài cho thấy chúng ta đều vượt các chỉ tiêu do Quốc hội đề ra. Đặc biệt là các chỉ tiêu về mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 7,02%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt 2,79%, kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 500 tỉ USD, nợ công, nợ nước ngoài đều nằm dưới ngưỡng an toàn và ngưỡng cho phép của Quốc hội...

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV này, Chính phủ luôn khẳng định rõ mục tiêu “ổn định kinh tế vĩ mô song song với đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế”, khác với sự dè dặt trước đây “mục tiêu hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý”.

Không chỉ có các con số mà chất lượng và chiều sâu của tăng trưởng giai đoạn hiện nay có chuyển biến rất rõ nét. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP, thể hiện sự gia tăng hiệu quả của nền kinh tế) giai đoạn 2016 - 2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011 - 2015. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) cải thiện dần, bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 6,14 so với 6,25 của giai đoạn 2011 - 2015. Năm 2019, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) xếp năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc trong Báo cáo xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI)...

Trong lời chúc tết đồng bào, đồng chí và chiến sĩ nhân dịp năm mới Canh Tý 2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh năm 2019 vừa qua đã để lại những ấn tượng tốt đẹp và cho chúng ta thêm nhiều bài học quý.

Nhớ lại giai đoạn 5 năm trước, để đạt con số tăng trưởng, chúng ta phải bơm vào nền kinh tế một lượng lớn vốn đầu tư công và vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng. Những gì nhận được là con số tăng trưởng cao không như mong muốn, trong khi lạm phát tăng cao, lãi suất ngân hàng ở mức nhiều doanh nghiệp không chịu nổi, nợ xấu của ngân hàng trầm trọng, sản xuất đình đốn, nợ công, nợ nước ngoài tăng cao, khả năng trả nợ yếu kém, chỉ số tín nhiệm quốc gia ở mức thấp…

Riêng nạn tham nhũng, lãng phí gia tăng ở mức nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ gây đổ vỡ cho nền kinh tế. Trầm trọng hơn, có những nhóm người vẽ ra các kịch bản vơ vét tiền nhà nước (cũng là của nhân dân) hết sức tinh vi, kín kẽ đến mức tưởng chừng không thể bóc gỡ, vì được ẩn mình dưới sự cấu kết mang tính “lợi ích nhóm” giữa những quyền lực chính trị và kinh tế, mà thiếu sự kiểm soát và giám sát có hiệu quả một thời gian dài trong nền kinh tế thị trường.

Muốn phòng, chống tham nhũng phải có cán bộ không tham nhũng

Nhìn lại gần 10 năm từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần XI đến nay đã gần cuối nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII, rõ ràng nhiệm kỳ này phải gánh vác một nhiệm vụ rất nặng nề là dọn dẹp những chướng ngại vật, những nhân tố cản trở con đường phát triển của quốc gia, cản trở sự lãnh đạo xuyên suốt, toàn diện của Đảng.

Để hoàn thành được nhiệm vụ đó, cần hành động quyết liệt trong việc sắp xếp đúng các vị trí công tác, những “mắt xích” nào yếu phải bị thay thế bằng những nhân tố tích cực hơn trong việc đương đầu và đấu tranh với tham nhũng. Những ai không muốn làm thì đứng sang một bên để người khác làm. Thái độ lừng chừng, viện lý do này khác phải được khắc phục triệt để.

Điều này có thể thấy rõ qua hoạt động của các cơ quan Đảng và chính quyền như Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (ngày 1.2.2013, Bộ Chính trị ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban), Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra, Kiểm toán, Công an, Kiểm sát, Tòa án...

Đó vẫn luôn là bài học về xây dựng, chỉnh đốn Đảng thông qua công tác cán bộ, như Bác Hồ kính yêu từng viết trong tác phẩm nổi tiếng Sửa đổi lối làm việc: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Đây là bài học thuộc lòng, nhưng đã có những lúc chúng ta làm chưa đúng; phải thành thật nhận thấy đây là khuyết điểm lớn, trong đó có cả của cá nhân tôi.

Lượt xem: 1.729
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003962871
  •  Đang online: 249
  •  Trong tuần: 13.246
  •  Trong tháng: 13.246
  •  Trong năm: 13.246