Xây dựng Đảng vững mạnh từ mỗi đảng viên  In trang
31/01/2020 10:41 SA

Tổ chức đảng với từng đảng viên là một thực thể thống nhất. Đảng viên mạnh là yếu tố cơ bản làm cho tổ chức đảng vững mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Do vậy, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, không thể tách rời việc nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.

Hội nghị lần thứ bảy khoá XII, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận về Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

 

Đảng viên là thành tố cơ bản cấu thành các tổ chức đảng và toàn Đảng. Chất lượng đội ngũ đảng viên quy định chất lượng các tổ chức đảng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng. Vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng đối với xã hội do phẩm chất, năng lực và trình độ của mỗi đảng viên tạo thành. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đảng là gồm các đảng viên mà tổ chức nên. Mọi công việc của Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết của Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện”. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7. Nxb. Chính trị quốc gia, H. 2000, tr. 235-236)

Cùng với sự phát triển của sự nghiệp cách mạng, tuyệt đại đa số đảng viên của Đảng được rèn luyện, thử thách trong trường kỳ cách mạng gian khổ, tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu và con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; năng động, sáng tạo, hăng hái thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trình độ kiến thức và năng lực quản lý kinh tế, quản lý xã hội ngày càng được nâng cao. Số đông cán bộ, đảng viên luôn tu dưỡng đạo đức, phẩm chất cách mạng, giữ gìn lối sống lành mạnh, giản dị, gắn bó với nhân dân. Công tác quản lý, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên luôn được coi trọng và chỉ đạo chặt chẽ.

Tuy nhiên, một tình trạng, một nguy cơ đã và đang nảy sinh, như Đảng chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp” (Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr 173), “Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng chưa làm tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, chất lượng và hiệu quả kiểm tra, giám sát chưa cao...; nhiều khuyết điểm, sai lầm của đảng viên và tổ chức đảng chậm được phát hiện. Tình trạng thiếu trách nhiệm, cơ hội, suy thoái đạo đức, lối sống vẫn diễn ra khá phổ biến trong một bộ phận cán bộ, đảng viên” (Sách đã dẫn, tr 175). Một số ít đảng viên do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, bị cuốn theo lối sống thực dụng nên đã phai nhạt về lý tưởng, tha hóa về phẩm chất đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Họ lo vun vén lợi ích cá nhân, làm giàu bất chính, nói không đi đôi với làm, ngại học tập, thiếu ý thức đoàn kết trong Đảng.

Điều nguy hiểm hơn là họ lợi dụng chức quyền, vị trí công việc để tham nhũng, làm giàu bất chính, sách nhiễu, ức hiếp nhân dân, gia trưởng, độc đoán, kèn cựa địa vị, ý thức kỷ luật kém, thiếu tinh thần trách nhiệm, gây mất đoàn kết nội bộ… Thậm chí họ kéo bè, kéo cánh, hình thành "liên minh" theo kiểu cánh hẩu khép kín, phe phái, rất khó kiểm soát. Họ vừa kết bè với nhau nhưng lại vừa giành giật, kèn cựa lẫn nhau, bới móc gièm pha, kích động người này chống lại người khác… làm cho cơ quan, đơn vị bị phân hóa, lâm vào cảnh phe phái, hoạt động sản xuất, kinh doanh và công việc bị đình trệ.

Đáng lưu ý hiện nay, tình trạng đó diễn ra tinh vi hơn, nghiêm trọng hơn. Thậm chí những hiện tượng ấy có mặt tiếp tục lây lan nghiêm trọng hơn, gây hậu quả xấu; làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch thực hiện "diễn biến hòa bình" chống phá Đảng ta và chế độ ta.

Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo từ mỗi đảng viên. Vì vậy, việc cấp thiết là Đảng chăm lo xây dựng từng tổ chức đảng, từ mỗi đảng viên mà trước hết là dành sự tập trung vào chỉnh đốn những trường hợp đảng viên yếu kém.

Trước yêu cầu mới hiện nay, để đường lối, chủ trương của Đảng trở thành hành động cách mạng của quần chúng, mỗi tổ chức đảng phải không ngừng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, có phẩm chất, năng lực, có sức chiến đấu cao. Mỗi đảng viên không chỉ là chiến sĩ tiên phong mà còn phải biết tổ chức vận động quần chúng. Vấn đề nóng bỏng nhất, thiết thực nhất trong tình hình hiện nay khi ta muốn nói đến niềm tin của quần chúng đối với Đảng: đó là những người đảng viên, cả với tư cách là một đội ngũ và những cá nhân riêng lẻ.

 

Nâng cao công tác giáo dục và ý thức tự giáo dục của đảng viên

Mỗi tổ chức đảng tiếp tục định hướng cho mỗi đảng viên suy nghĩ và hành động vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa; giúp đảng viên nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cần thiết để hoàn thành công việc được giao. Trước hết, xây dựng môi trường và tạo điều kiện để mỗi đảng viên tự mình phấn đấu, vươn lên, tự giác tôn trọng mình và tôn trọng tổ chức.

Bởi vậy, tổ chức đảng, nhất là những người đứng đầu cấp ủy phải là một tấm gương, nhất là có phương pháp khoa học để làm sao cho thể thức tỉnh, khơi dậy và cổ vũ những mặt tốt, tích cực. Thực tế cho thấy khi cấp ủy quan tâm, nếu người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị có uy tín, gần gũi, chân tình, nêu gương tốt... có sự động viên rất to lớn đối với việc tu dưỡng của đội ngũ đảng viên.

Một trong những nhiệm vụ của chi bộ, của đảng bộ cơ sở là phải thường xuyên giáo dục, rèn luyện và quản lý cán bộ, đảng viên, nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng, tính chiến đấu, trình độ kiến thức và năng lực công tác. Ở những chi bộ có tính chiến đấu cao, thường ít hoặc không có đảng viên yếu kém. Nếu có đảng viên yếu kém, chi bộ phải tập trung giúp đảng viên ấy vươn lên. Các đảng viên phải có cam kết phấn đấu là người đảng viên gương mẫu. Cam kết đó luôn luôn nhắc nhở mỗi đảng viên phải cân nhắc, thận trọng trong từng hoạt động của mình. Chi bộ và đảng viên luôn luôn có sự gắn kết chặt chẽ trong việc thực thi nhiệm vụ chính trị cũng như trong sinh hoạt đời thường. Tổ chức đảng, thủ trưởng đơn vị cần thấu triệt và nhìn nhận một cách công tâm và khách quan trong việc giáo dục các đảng viên, nhất là những đảng viên yếu kém. Trong công tác giáo dục họ cần phải có những giải pháp, cách làm thích hợp để giúp họ nhận ra khuyết điểm, gột bỏ tật xấu, trở lại với bản chất tốt đẹp của người đảng viên chân chính.

 

Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ

Bất cứ người đảng viên nào cũng phải sinh hoạt trong một tổ chức cơ sở đảng nhất định. Mọi đảng viên đều phải tham gia sinh hoạt chi bộ đều đặn, thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả những nhiệm vụ do chi bộ phân công; phải quán triệt sinh hoạt chi bộ là nơi cần thiết để khẳng định những mặt mạnh của mình để phát huy, đồng thời chỉ ra, phân tích, phê bình những mặt yếu để đảng viên có hướng khắc phục.

 

Thực tế cho thấy đảng viên "có vấn đề" càng xa rời sinh hoạt chi bộ, càng dễ mắc phải hoặc càng lún sâu vào khuyết điểm vì không được góp ý phê bình, nhắc nhở, động viên kịp thời. Trong sinh hoạt chi bộ, nhiều khi nhận được một lời nhắc nhở nhỏ nhẹ, chân tình của đồng chí trong chi bộ, tự mỗi đảng viên ý thức được rằng mình không được làm điều gì xấu để bản thân và đơn vị bị ảnh hưởng. Mỗi tổ chức đảng và từng đảng viên phải xây dựng phương hướng, kế hoạch, nội dung, biện pháp khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém trong một lộ trình cụ thể.

Trong sinh hoạt phải bảo đảm thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Cấp ủy cần lắng nghe ý kiến của đảng viên, không thành kiến, hay phân biệt đối xử; khắc phục tình trạng cấp ủy độc đoán, vi phạm quyền dân chủ trong Đảng, và tính thụ động, ỷ lại của đảng viên; kiên quyết khắc phục và kịp thời xử lý những biểu hiện tiêu cực, nhất là sự suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên.

 

Nâng cao tính thiết thực trong đánh giá, phân loại đảng viên

Đánh giá chất lượng đảng viên phải căn cứ vào kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của mỗi đảng viên. Đây là dịp để mỗi đảng viên tự đánh giá về mình sau một năm làm việc, sinh hoạt. Việc đánh giá, phân loại chất lượng đảng viên là để đảng viên phát huy những ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, thiếu sót. Vì vậy việc đánh giá, phân tích phải khách quan, công khai, khắc phục cách làm hình thức, chiếu lệ, “dĩ hòa vi quý”, vì thành tích mà hạ thấp yêu cầu, tiêu chuẩn.

Nếu phân loại theo kiểu qua loa, hời hợt, cả nể, chẳng những không có tính thiết thực mà còn làm cho tổ chức cơ sở đảng yếu và mất tính chiến đấu. Người xấu được "dán mác" là tốt, người tốt nếu không kiên định thì cũng có lúc nản lòng. Đây cũng là một trong những lý do để lý giải vì sao có chi bộ được công nhận là "trong sạch, vững mạnh" mà thực chất thì không vững mà cũng chẳng mạnh.

Để việc đánh giá, phân loại đảng viên bảo đảm chất lượng, cần thực hiện những biện pháp đồng bộ, như: tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy và các cơ quan chức năng; sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy cấp trên; thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình trong tổ chức đảng. Thông qua các biện pháp đó, cấp ủy và tổ chức đảng nắm chắc tình hình hoạt động của mỗi đảng viên, kịp thời biểu dương những mặt tốt, chủ động góp ý để đảng viên đó kiểm điểm, làm rõ những vấn đề cần khắc phục, tu dưỡng phấn đấu. Việc đánh giá chất lượng đảng viên phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ đảng viên do Điều lệ Đảng quy định và chức trách, nhiệm vụ được giao

Thường xuyên tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và mọi hành động chia rẽ, bè phái

Tự phê bình và phê bình là một nội dung quan trọng trong sinh hoạt đảng, là một biện pháp hữu hiệu để giáo dục, rèn luyện đảng viên. Mỗi đảng viên phải thường xuyên, nghiêm túc kiểm điểm nhận thức của bản thân mình về các vấn đề trong cuộc sống, công tác với mục tiêu vì sự hoàn thiện của cá nhân và tổ chức. Xây dựng nền nếp tự phê bình và phê bình với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, làm rõ đúng sai, tăng cường đoàn kết, nhất trí trong chi bộ, trong Đảng; tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ đảng viên rèn luyện tinh thần dân chủ, tính tự giác, ý thức trách nhiệm trong công việc. Trong tự phê bình và phê bình phải nắm vững phương châm coi trọng cả hai mặt xây và chống, trong đó coi xây là hướng cơ bản; cần khẳng định những mặt tích cực, ưu điểm của người đảng viên để tin tưởng và động viên họ phát huy.

 

Thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát đảng viên

Quản lý đảng viên không chỉ ở nơi làm việc, công tác mà còn phải xem xét cả việc đảng viên trong mối liên hệ với cấp ủy, đoàn thể và nhân dân nơi họ cư trú. Quản lý, giám sát tốt sẽ nâng cao tính chủ động trong quản lý, phát hiện, cảnh báo nhằm giúp người đảng viên kịp thời khắc phục khuyết điểm không để xảy ra vi phạm; đồng thời, tạo ra môi trường tốt để từng đảng viên nâng cao ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện, chấp hành kỷ luật.

Kinh nghiệm và thực tế cho thấy, ở những nơi làm tốt công tác này thì việc quản lý đảng viên chặt chẽ hơn, đánh giá đảng viên công bằng và khách quan hơn, đảng viên ít mắc sai lầm, khuyết điểm hơn. Cấp ủy có kế hoạch quản lý đảng viên một cách toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, trình độ và năng lực công tác, về sinh hoạt gia đình và quan hệ xã hội gắn với quản lý về số lượng, chất lượng, cơ cấu đội ngũ đảng viên. Thực hiện công tác kiểm tra thường xuyên, kịp thời nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của đảng viên để có biện pháp giải quyết kịp thời, uốn nắn những lệch lạc, sai trái, thiếu gương mẫu của đảng viên.

Lượt xem: 1.568
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003962836
  •  Đang online: 214
  •  Trong tuần: 13.211
  •  Trong tháng: 13.211
  •  Trong năm: 13.211