Chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng Bộ huyện Lạc Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025: Quyết tâm xây dựng Lạc Dương trở thành huyện phát triển khá In trang
06/08/2020 10:08 SA

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, tuy có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân huyện Lạc Dương đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực để đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ X. Nhân Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lạc Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, phóng viên Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn đồng chí Phạm Triều - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Lạc Dương về những thành tựu nổi bật của Đảng bộ huyện trong nhiệm kỳ vừa qua và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ tới. 

 

Đồng chí Phạm Triều - TUV, Bí thư Huyện ủy Lạc Dương
Đồng chí Phạm Triều - TUV, Bí thư Huyện ủy Lạc Dương

PV: Nhiệm kỳ 2015 - 2020, cùng với những thuận lợi và khó khăn, nhưng huyện Lạc Dương đã hoàn thành thắng lợi nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ X. Xin đồng chí Bí thư cho biết những kết quả nổi bật của Đảng bộ huyện trong nhiệm kỳ vừa qua?

 

Đồng chí PHẠM TRIỀU: Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lạc Dương lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020, địa phương có một số thuận lợi như: Thế và lực của đất nước, sự phát triển đi lên của tỉnh đã và đang giúp cho huyện Lạc Dương có thêm nhiều nguồn lực để phát triển. Cùng với đó là huyện có nhiều tiềm năng, lợi thế so sánh về đất đai, khí hậu, cảnh quan, vị trí địa lý là vùng phụ cận thành phố Đà Lạt..., tạo ra động lực khuyến khích nhà đầu tư và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là trên các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, du lịch… Bên cạnh những thuận lợi còn một số khó khăn như địa bàn rộng, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tình hình dịch bệnh, thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của một bộ phận Nhân dân... Tuy nhiên, huyện Lạc Dương luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự quan tâm, phối hợp, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của các sở, ban, ngành của tỉnh và các địa phương giáp ranh với huyện; cùng với sự nỗ lực, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện, Lạc Dương đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần vào sự phát triển ngày càng bền vững của địa phương.

 

Trước hết, phải kể đến kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực, phát triển đảm bảo theo yêu cầu nghị quyết đề ra. Trên cơ sở Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại, Huyện ủy Lạc Dương đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HU về phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2017 - 2020. Qua đó, nông nghiệp của huyện đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao như rau, hoa, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện Lạc Dương đã tập trung, quan tâm phát triển ngành nông nghiệp bền vững theo hướng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng bình quân hằng năm 18,81%/năm (vượt 2,91% so với nghị quyết). Giá trị sản xuất bình quân trên một đơn vị diện tích đạt 290 triệu đồng/ha/năm (cao hơn mức bình quân chung của tỉnh và vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra 220 - 250 triệu đồng/ha/năm). Toàn huyện hiện có trên 30% diện tích canh tác có ứng dụng công nghệ cao, chiếm 70% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp, trong đó có 280 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic.

 

Trong lĩnh vực du lịch, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, đa dạng hóa sản phẩm truyền thống để phát triển du lịch. Trong 5 năm qua, địa phương đã thu hút được trên 6,3 triệu khách du lịch với lượng khách tăng bình quân từ 10 - 12%/năm và doanh thu tăng bình quân 15%/năm. 

 

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được quan tâm và huy động được các nguồn lực đầu tư. Trong 5 năm, đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để xây dựng kết cấu hạ tầng. Tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; hệ thống giao thông nông thôn gắn với hạ tầng đô thị phục vụ xây dựng NTM và đô thị văn minh; đồng thời, quan tâm phát triển hạ tầng năng lượng, thủy lợi, viễn thông, thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục… nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu xã hội. Việc triển khai thực hiện các chương trình trọng tâm, công trình trọng điểm đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, cải thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao đời sống Nhân dân.

 

Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Trong đó, công tác quản lý, bảo vệ rừng thường xuyên được tăng cường, duy trì được độ che phủ rừng trên 85%. 

 

Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng đạt được nhiều kết quả. Chú trọng phát triển giáo dục và đào tạo; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS… 

 

Kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động tại địa phương. Việc học tập và làm theo Bác đã tạo sức lan tỏa, chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, các ngành và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần tích cực vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đề ra.

 

Một góc đô thị mở và đầy tiềm năng của huyện Lạc Dương. Ảnh: Minh Đạo
Một góc đô thị mở và đầy tiềm năng của huyện Lạc Dương. Ảnh: Minh Đạo

 

PV: Lạc Dương có gần 70% dân số là đồng bào DTTS, huyện đã quan tâm đến đội ngũ cán bộ và phát triển đảng viên trong đồng bào DTTS như thế nào, thưa đồng chí?

 

Đồng chí PHẠM TRIỀU: Công tác đào tạo, quy hoạch và bố trí, bổ nhiệm cán bộ là người địa phương được xác định là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Công tác cán bộ là người DTTS thường xuyên được quan tâm, trên cơ sở rà soát hàng năm đều bố trí, sắp xếp cho cán bộ đồng bào DTTS được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ cho công tác tốt hơn. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ vừa qua, Huyện ủy Lạc Dương đã có Nghị quyết chuyên đề về phát triển đảng viên trong đồng bào DTTS. Chính vì vậy, công tác phát triển đảng viên mới trên địa bàn huyện đạt được những kết quả quan trọng, trong đó, đảng viên là đồng bào DTTS chiếm 40% trong tổng số đảng viên mới được phát triển trong 5 năm qua. Tới thời điểm này, có thể khẳng định rằng: cán bộ là người DTTS ở cơ sở đã đáp ứng được về số lượng, chất lượng, năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức để thực hiện nhiệm vụ. 

 

PV: Trên cơ sở những kết quả đạt được, Đảng bộ huyện Lạc Dương đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp gì trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, thưa đồng chí?

 

Đồng chí PHẠM TRIỀU: Với những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực đạt được trong các nhiệm kỳ vừa qua sẽ là nền tảng vững chắc để huyện Lạc Dương tin tưởng sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. 

 

Mục tiêu tổng quát là phát huy mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội; duy trì tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý. Tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đầu tư phát triển nông nghiệp thông minh gắn với du lịch, điểm đến chất lượng cao. Tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đảm bảo huyện Lạc Dương là vùng phụ cận và thị trấn Lạc Dương là đô thị vệ tinh của thành phố Đà Lạt theo quy hoạch chung. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Giữ vững quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh và hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy dân chủ, giữ vững đoàn kết thống nhất trong Đảng, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội. Xây dựng huyện Lạc Dương phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2025 đưa huyện Lạc Dương trở thành huyện phát triển khá của tỉnh. 

 

Các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trong đó, xác định tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, liên kết với các doanh nghiệp trong việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm để sản xuất hàng hóa ổn định; Tiếp tục tập trung phát triển du lịch để du lịch trở thành ngành kinh tế động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương; Tập trung cho công tác quản lý, bảo vệ rừng để giữ rừng của huyện Lạc Dương là một khu du lịch của thế giới; Tiếp tục huy động, kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu sản xuất, đi lại và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

 

PV: Xin cảm ơn đồng chí đã dành thời gian trả lời phỏng vấn và chúc Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Lạc Dương lần thứ XI thành công tốt đẹp!

 

Lạc Dương ngày mới. Ảnh: Nguyễn Nghĩa
Lạc Dương ngày mới. Ảnh: Nguyễn Nghĩa


TUẤN HƯƠNG (Thực hiện)

Lượt xem: 1.342
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003884836
  •  Đang online: 114
  •  Trong tuần: 17.313
  •  Trong tháng: 99.555
  •  Trong năm: 1.186.211