Chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Lâm Hà lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025: Chú trọng phát triển nông nghiệp bền vững In trang
05/08/2020 10:25 SA

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 05/NQ-TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện Lâm Hà, bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

 

Lâm Hà đang tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao đối với các sản phẩm chủ lực của huyện như cà phê, rau, hoa, chè, cây đặc sản... Ảnh: Duy Danh
Lâm Hà đang tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao đối với các sản phẩm chủ lực của huyện như cà phê, rau, hoa, chè, cây đặc sản... Ảnh: Duy Danh

 

Theo Huyện ủy Lâm Hà, thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, huyện Lâm Hà cũng đang trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Theo đó, vào năm 2016, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Lâm Hà đã đạt một số kết quả nhất định: Diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao đạt 8.800 ha, chiếm 19,13% diện tích canh tác, tăng 5,02% so với năm 2010; chăn nuôi từng bước chuyển sang quy mô trang trại, công nghiệp, giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán; mức độ cơ giới hóa trong sản xuất, chăn nuôi ngày càng tăng, đã ứng dụng một số công nghệ tiên tiến vào sản xuất, từ đó hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng đó, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tạo được bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; phát triển hạ tầng, làm thay đổi bộ mặt nông thôn của huyện. Lúc bấy giờ, huyện Lâm Hà có 5 xã gồm Tân Văn, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà và xã Đạ Đờn đạt chuẩn NTM , đạt tỷ lệ 35,71% . Trong giai đoạn 2011-2015, đã đầu tư khoảng 728.039 triệu đồng từ các nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là đầu tư xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi phục vụ dân sinh, sản xuất trong chương trình xây dựng NTM.

 

Để thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy, Huyện ủy Lâm Hà cũng ban hành nghị quyết, chương trình, đề án hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các dự án hỗ trợ như: Chương trình tái canh, cải tạo giống cà phê, hỗ trợ các hợp tác xã và tổ hợp tác; đề án vốn quay vòng cho các hội viên của các đoàn thể vay phát triển sản xuất, chương trình đa sinh kế hỗ trợ cho người nghèo phát triển sản xuất và hình thành các vùng sản xuất tập trung, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 

 

Sau 5 năm triển khai thực hiện các nghị quyết, các chỉ tiêu nhiệm vụ về tổ chức sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, toàn diện, hiện đại hầu hết đều đạt kế hoạch đề ra; đã từng bước bố trí, sắp xếp cơ cấu cây trồng một cách hợp lý, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng sinh thái; nâng cao tỷ trọng của ngành chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp; khai thác có hiệu quả mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản. Kết quả cụ thể: Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017-2019 và dự kiến năm 2020 của ngành nông nghiệp đạt trên 5% (kế hoạch là 4%); giá trị sản xuất bình quân năm 2019 ước đạt 128 triệu đồng/ha/năm, năm 2020 ước đạt 138 triệu đồng/ha/năm; có 11.500 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 25% diện tích đất canh tác, ước đến năm 2020 đạt 12.500 ha; (tổng diện tích nhà lưới, nhà kính đạt khoảng 186,04 ha, đạt 115% so với kế hoạch); đảm bảo cung cấp nước tưới cho khoảng 41% diện tích canh tác. 5 năm qua, đã thu hút 9 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, bước đầu đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm cho người dân tại khu vực dự án, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài ra, tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2019 đạt khoảng 54,29%, dự kiến năm 2020 đạt 60,41%.

 

Từ nay đến năm 2025, huyện Lâm Hà đặt ra mục tiêu cụ thể đó là: phát triển ngành nông nghiệp Lâm Hà theo hướng tiếp cận đa ngành, là vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa có giá trị cao trên địa bàn tỉnh và trong khu vực. 

 

Các chỉ tiêu cụ thể bao gồm: Tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành đạt khoảng 3,5%/năm; tổng đàn gia súc, gia cầm tăng bình quân ít nhất từ 6%/năm; đến năm 2025, tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm trên 25% trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp. Đồng thời, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tăng 25% so với năm 2020. Mặt khác, xây dựng và phát triển hệ thống các công trình thủy lợi, hồ nhỏ để đảm bảo diện tích được tưới chủ động trên 60% diện tích canh tác, phấn đấu có khoảng 20-30% diện tích gieo trồng được áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm; có khoảng 65% số lao động được đào tạo nghề thuộc nhóm ngành nông nghiệp... Để hiện thực hóa các chỉ tiêu này, Lâm Hà đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung nguồn lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao đối với các sản phẩm chủ lực của huyện như cà phê, rau, hoa, chè, cây đặc sản, dược liệu, bò sữa, bò thịt; chuyển giao ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất một cách đồng bộ, gắn với bảo đảm môi trường sinh thái. Mặt khác, phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn phải gắn với xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững; thực hiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh liên doanh, liên kết; khuyến khích tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân đầu tư vào nông nghiệp...

 

THY VŨ

Lượt xem: 1.245
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003884906
  •  Đang online: 137
  •  Trong tuần: 17.383
  •  Trong tháng: 99.625
  •  Trong năm: 1.186.281