(LĐ online) - Ngày 6/7, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội – Chính phủ - Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại các điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tham dự và chủ trì phía đầu cầu Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng có đồng chí Phạm Triều - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, đại diện các tổ chức thành viên, các cơ quan, đơn vị liên quan, MTTQ các huyện, thành phố trong toàn tỉnh.
Thông qua quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết liên tịch 403, nhận thức của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị và nhân dân về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ được nâng lên. Góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã nhận thức đầy đủ, rõ ràng hơn về vị trí, vai trò giám sát, phản biện của MTTQ trong hệ thống chính trị đó là: đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật; phát huy quyền làm chủ của nhân dân…
Việc thực hiện các hình thức giám sát được thực hiện theo hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Giám sát thông qua hình thức tổ chức đoàn giám sát. Giám sát thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. 5 năm qua, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng trong cả nước đã tổ chức được 149.200 cuộc giám sát, qua đó đã kiến nghị, phản ánh đến nhà thầu, chủ đầu tư xử lý, giải quyết giúp cơ quan quản lý nhà nước các cấp phát hiện những sai sót, bất cập và kịp thời điều chỉnh, góp phần nâng cao chất lượng công trình, dự án.
Các địa phương trong cả nước đã tổ chức được 23.869 hội nghị phản biện; tham gia góp ý kiến phản biện cho 42.051 văn bản dự thảo. Nhiều văn bản phản biện của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và có ý kiến phản hồi.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu tại Trung ương và các địa phương đã tham gia góp ý, thảo luận, kiến nghị về nhiều nội dung còn khó khăn, bất cập và hạn chế như kinh phí hoạt động của MTTQ cấp cơ sở còn rất hạn chế; lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát; chất lượng một số cuộc giám sát còn hạn chế; tham luận về những kinh nghiệm và đổi mới, sáng tạo trong hoạt động giám sát và phản biện…
(Baolamdong.vn)