Bố trí bí thư cấp ủy không là người địa phương: Động lực cho những bứt phá, đổi mới In trang
14/06/2023 09:01 SA

Thành quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Thực hiện mục tiêu, yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, đến năm 2025 phải cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện, đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đạt nhiều kết quả quan trọng.

1. Chủ trương bố trí lãnh đạo cấp tỉnh, huyện không là người địa phương được Đảng ta nêu lên và triển khai thực hiện từ rất sớm. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, nhất là những vướng mắc về mặt tư duy của một bộ phận cán bộ, đảng viên và rào cản tâm lý xã hội, vô hình trung gây khó cho việc hiện thực hóa một chủ trương đúng đắn.

Trong nhiệm kỳ 2000-2005, cả nước chỉ có 16/63 đồng chí được Trung ương bố trí là bí thư tỉnh ủy, thành ủy không là người địa phương (chiếm 25,4%). Nhiệm kỳ 2005-2010, Trung ương luân chuyển 39 đồng chí, nhưng chỉ bố trí được 16/63 (25,4%) bí thư tỉnh ủy, thành ủy không là người địa phương. Nhiệm kỳ 2010-2015, Trung ương luân chuyển đến 57 đồng chí, nhưng cũng chỉ bố trí được 16/63 (25,4%) bí thư tỉnh ủy, thành ủy không là người địa phương... Như vậy, trong suốt nhiều nhiệm kỳ, dù đã được quan tâm lãnh đạo nhưng con số phần trăm bí thư tỉnh ủy, thành ủy không phải là người địa phương cũng chỉ dừng lại ở 25,4%.

Đến nhiệm kỳ 2015-2020, Bộ Chính trị bố trí bí thư tỉnh ủy, thành ủy không là người địa phương ở 23/63 tỉnh, thành ủy (chiếm 36,5%). Đặc biệt, trong 2,5 năm đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị đã phân công, điều động, bố trí được nhiều Ủy viên Trung ương Đảng không phải là người địa phương làm bí thư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo thống kê, đến tháng 8-2022, cả nước có 36/63 bí thư tỉnh ủy, thành ủy không là người địa phương. Đáng chú ý, số cán bộ thực hiện quyết định của Bộ Chính trị về phân công, chỉ định nhân sự tham gia ban chấp hành, ban thường vụ và giới thiệu để bầu giữ chức bí thư tỉnh ủy, thành ủy đều trúng cử với tỷ lệ phiếu 100%.

Rất đáng ghi nhận, việc bố trí, sắp xếp cán bộ sau Đại hội XIII của Đảng được tiến hành khẩn trương, bài bản, theo đúng chủ trương, phương hướng đề ra. Không chỉ ở cấp tỉnh, thành phố có bước chuyển lớn mà ở cấp huyện và tương đương cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Theo số liệu của Ban Tổ chức Trung ương, tính đến tháng 3-2022, cả nước có 555 bí thư cấp ủy cấp huyện (chiếm 78,9%) không là người địa phương.

Đến nay, một số tỉnh ủy, thành ủy đã hoàn thành bố trí 100% bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương, như: Quảng Ninh, Cao Bằng, Thái Bình, Hà Giang, Sơn La, Quảng Bình, Kon Tum, Đắk Nông, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Long An, Tây Ninh. Nhiều địa phương có tỷ lệ bí thư cấp ủy cấp huyện không là người địa phương rất cao, như: Hà Nội (28/30), Đà Nẵng (6/7),  Đắk Lắk (14/15), Lai Châu (7/8), Lạng Sơn (9/10), Hòa Bình (10/11), Điện Biên (9/10), Yên Bái (8/9), Lào Cai (8/9)...

Những số liệu trên cho thấy, dù chỉ trong một khoảng thời gian không dài nhưng Trung ương đã có những nỗ lực rất cao trong sắp xếp, bố trí cán bộ theo đúng tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Theo đó, số lượng bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không phải người địa phương ngày càng nhiều hơn về số lượng, bảo đảm tốt hơn về chất lượng do có sự lựa chọn kỹ lưỡng ngay từ đầu. Hầu hết nhân sự được quy hoạch, bố trí bí thư tỉnh ủy, thành ủy, bí thư huyện ủy đều được đào tạo bài bản, có học vị cao và trải qua nhiều cương vị công tác. Khi được điều động, luân chuyển về làm bí thư cấp ủy, họ thuận lợi trong việc nắm bắt tình hình cơ sở, có điều kiện tích lũy kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, điều hành; góp phần quan trọng vào việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy định về công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực, nâng cao chất lượng xây dựng và tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các cấp.

Description:  Các đại biểu biểu quyết, thông qua Nghị quyết Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Các đại biểu biểu quyết, thông qua Nghị quyết Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: TTXVN

2. Qua việc thực hiện chủ trương bố trí bí thư tỉnh ủy, thành ủy không phải người địa phương thời gian qua đã góp phần tạo ra sự đổi mới mang tính đột phá, bứt phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp đổi mới ở từng địa phương. Vì là cán bộ ở nơi khác đến nên có tư duy mới, cách nghĩ mới, lề lối mới, cách làm mới, dễ đột phá, sáng tạo... và mang đến thành công. Khi bàn về vấn đề này, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương từng khẳng định: Cán bộ, đảng viên, nhân dân ở địa phương đó họ sẽ nhìn anh (tức cán bộ), người ta soi anh nên anh phải giữ gìn hơn. Anh đến nơi mới với chức vụ cao, yêu cầu, nhiệm vụ rất cao nên anh phải cố gắng khẳng định mình và rèn luyện trưởng thành, làm việc hiệu quả.

Bố trí bí thư tỉnh ủy, thành ủy, huyện ủy được gắn chặt với việc quy trách nhiệm nên đã triệt tiêu, xóa bỏ được các biểu hiện tâm lý "tráng men", "lướt ván", "dạo chơi"... Kết quả khảo sát cho thấy, những cán bộ nằm trong diện bố trí bí thư cấp ủy này đều có nhận thức đúng, động cơ lành mạnh, dành trọn tâm sức, trí tuệ, nhiệt huyết để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị chủ trì, chủ chốt.

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ở những nơi Trung ương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, tình hình kinh tế-xã hội, công tác xây dựng Đảng, các lĩnh vực xã hội đều có chuyển biến tích cực; nhất là tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên có những đổi mới theo hướng khoa học, quần chúng, sát dân, gần dân. Nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp tồn tại qua nhiều nhiệm kỳ ở địa phương thì nay đã được xử lý, giải quyết hiệu quả; khắc phục những hạn chế trong công tác cán bộ, tình trạng cục bộ địa phương, “một người làm quan cả họ được nhờ”, phát huy tính sáng tạo, năng động, chủ động và tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ; góp phần phòng ngừa quan liêu, tham nhũng, tiêu cực và giúp cán bộ trưởng thành vững chắc; kiểm soát quyền lực tốt hơn.

Từ thực tiễn cho thấy, rõ ràng, chủ trương bố trí bí thư tỉnh ủy, thành ủy không là người địa phương là chủ trương đúng đắn, nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của xã hội; nhất là mang đến nhiều bài học giá trị trong quá trình tổ chức thực hiện. Đặc biệt, chủ trương và cách vận hành chủ trương nêu trên góp phần khắc phục được những khuyết tật, yếu kém trong công tác luân chuyển cán bộ theo kiểu “đi nhanh, về nhanh”. 

Bài học thực tiễn trên đây đang cấp thiết đặt ra yêu cầu, cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu để hoàn thiện quy trình, các bước luân chuyển cán bộ với nhiều đối tượng. Nên hạn chế kiểu luân chuyển cán bộ trong thời gian ngắn, khiến cán bộ gặp khó trong tiếp cận, làm quen với nhiệm vụ và tình hình địa bàn cơ sở; thậm chí chưa kịp quen mặt đồng chí, đồng nghiệp, chưa thuộc tên người, tên đất đã phải trở về hoặc được bổ nhiệm ở vị trí cao hơn.

3. Để chủ trương của Đảng tiếp tục đi vào cuộc sống, đạt mục tiêu đến năm 2025 phải cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện, đòi hỏi có sự thống nhất nhận thức từ Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến cấp ủy, chính quyền các cấp. Trong đó, phải tiếp tục đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng về chủ trương để tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tạo thêm xung lực mới, quyết liệt chỉ đạo và quyết tâm thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, mục tiêu mà Nghị quyết Trung ương đề ra; nhất là đối với việc bố trí cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia xã hội học, việc thực hiện chủ trương bố trí bí thư tỉnh ủy, thành ủy không là người địa phương phải nằm trong tổng thể quy hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược; bảo đảm sự đồng bộ, liên thông, gắn kết giữa quy hoạch của cấp trên với cấp dưới, giữa Trung ương với địa phương, giữa các địa phương, bộ, ban, ngành với nhau, giữa cán bộ đảng, đoàn thể với cán bộ nhà nước.

Đặc biệt, cần phải làm tốt công tác đánh giá, quy hoạch, xây dựng kế hoạch tổng thể với lộ trình và bước đi cụ thể về bố trí cán bộ không là người địa phương làm bí thư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cũng như đối với cấp huyện. Các cấp ủy cần rà soát đội ngũ cán bộ; nắm chắc lý lịch cán bộ; đánh giá, lựa chọn những người thực sự có năng lực, phẩm chất tốt, có kết quả công tác nổi bật để đưa vào kế hoạch bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương.

Cùng với đó, cơ quan chức năng Trung ương cần tập trung chỉ đạo thống nhất, ban hành đầy đủ và vận hành hiệu quả các quy định cụ thể việc thực hiện chủ trương, tránh việc chồng chéo, tránh việc mỗi địa phương thực hiện một kiểu. Việc thực hiện chủ trương cần tránh mọi biểu hiện áp đặt nhân sự và cần nghiên cứu, làm rõ các khâu, các bước, cách thức, thời gian phù hợp bố trí cán bộ nơi khác về địa phương làm bí thư cấp ủy.

Đặc biệt, trong xem xét, bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương cần quan tâm đến yếu tố liên vùng, tương đồng văn hóa, chuyên môn đào tạo, sở trường của cán bộ. Cần sớm hoàn thiện, vận hành cơ chế theo dõi, nhận xét, đánh giá, khuyến khích và bảo vệ cán bộ được bố trí làm bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện. Phải đặc biệt coi trọng, ưu tiên bảo vệ người tài, bảo đảm điều kiện cho người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện bộc lộ hết khả năng, dám nghĩ, dám làm; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng cán bộ được điều động từ nơi khác đến bị cô lập, bị tập thể cấp ủy hoặc các chức danh chủ chốt khác là người địa phương vô hiệu hóa...

Cùng với đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát quyền lực đối với người đứng đầu. Phải có cơ chế và nhiều kênh khách quan để giám sát, đánh giá, xử lý, kiên quyết ngăn chặn “lợi ích nhóm”, “bè phái”; không để người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện lợi dụng, lạm dụng quyền lực, độc đoán, chuyên quyền; hoặc buông lỏng quản lý, rơi vào dĩ hòa vi quý, ngại va chạm, đấu tranh, phê bình...

Để chủ trương của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống, một việc hệ trọng cần quan tâm nữa là phải sớm khắc phục cho được tình trạng một số cán bộ chủ chốt địa phương còn biểu hiện tư tưởng không muốn tiếp nhận, không hợp tác, không giúp đỡ người ở nơi khác đến công tác; thậm chí còn có thái độ chống đối. Mặt khác, cũng quyết liệt phê bình, đấu tranh trước hiện tượng cán bộ còn nhận thức rằng đi luân chuyển để được đề bạt lên chức vụ cao hơn, việc giữ chức vụ này chỉ mang tính tạm thời hoặc chỉ là bước đệm, vì vậy mà sinh ra tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm, chỉ làm việc theo kiểu “tròn vai”, giữ mình chờ ngày về; chứ chưa tâm huyết, nỗ lực, phấn đấu khẳng định trình độ, năng lực của mình; không có những đóng góp thiết thực, xứng đáng vào công cuộc đổi mới, phát triển ở địa phương.

(qdnd.vn)

Lượt xem: 1.734
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003966034
  •  Đang online: 36
  •  Trong tuần: 1.715
  •  Trong tháng: 45.258
  •  Trong năm: 1.267.409