(ĐHXIII) – Các ý kiến đóng góp đều tâm huyết, trách nhiệm, cho rằng việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một chủ trương sáng suốt của Đảng ta, thể hiện tinh thần cởi mở, để phát huy trí tuệ, sự đoàn kết, quyền làm chủ của nhân dân trong hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước.
Cộng đồng người Việt ở nước ngoài đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết với Dự thảo các văn kiện
Thực hiện Hướng dẫn số 151-HD/BTGTW ngày 10/9/2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc công bố, thảo luận, lấy ý kiến Nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức lấy ý kiến của người Việt Nam ở nước ngoài góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Căn cứ đặc thù ngoài nước, các cơ quan đại diện đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn, các cá nhân tiêu biểu người Việt Nam nghiên cứu các dự thảo văn kiện và đóng góp ý kiến trực tiếp tại các hội nghị, hoặc đóng góp ý kiến bằng đường thư từ gửi đến cơ quan đại diện.
Các ý kiến đóng góp đều tâm huyết, trách nhiệm, cho rằng việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, trong đó có cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một chủ trương sáng suốt của Đảng ta, thể hiện tinh thần cởi mở, để phát huy trí tuệ, sự đoàn kết, quyền làm chủ của nhân dân trong hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước; góp phần củng cố niềm tin đối với Đảng; tạo thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài. Đây cũng là dịp để các tầng lớp nhân dân nắm được tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian tới.
Đa số các ý kiến nhất trí với các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng từ ngày 20/10/2020 để thảo luận, lấy ý kiến của nhân dân. Các ý kiến đều cho rằng các dự thảo đã được chuẩn bị một cách công phu, nghiêm túc; bố cục chặt chẽ, khoa học; nội dung ngắn gọn, súc tích, thể hiện tính toàn diện và khái quát cao, cơ bản kết tinh được trí tuệ của Đảng, vừa kế thừa thành tựu của nhiệm kỳ trước, vừa có nhiều phát triển phù hợp với thực tiễn.
Đối với Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng:
Đa số ý kiến đồng ý với đánh giá của Trung ương về kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội XII và cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới. Đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ toàn diện. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Những thành tựu của quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam từng bước khẳng định hình ảnh, vị thế của một quốc gia tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Những thành tựu đó đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc bổ sung thêm nội dung Trung ương đã thường xuyên đánh giá kịp thời, dự báo tình hình trong nước và trên thế giới để điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng từ tăng trưởng nhanh sang tăng trưởng hợp lí, nhờ đó đảm bảo được mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển bền vững.
Có ý kiến đề nghị cần đề cập đến các kết quả đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với điều kiện nền nông nghiệp nhiệt đới, gió mùa nhờ đó nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của khu vực nông thôn. Trong phần phương hướng cũng chưa thấy dự thảo đề cập đến nội dung tập trung, ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, điều kiện và nguồn lực của đất nước.
Về một số mặt bất cập trong lĩnh vực đối ngoại, có ý kiến đề nghị nêu như trong dự thảo hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế có mặt, có lúc chưa theo kịp diễn biến tình hình, chưa lường hết tác động bất lợi, chưa khai thác tốt và phát huy hiệu quả các quan hệ lợi ích đan xen với các đối tác quan trọng… cần được cân nhắc thêm cho tương xứng với thành tựu nổi bật mà công tác đối ngoại đã đạt được cũng như đóng góp của công tác đối ngoại với phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biên giới đất nước. Trên thực tế, công tác đối ngoại đã được triển khai chủ động, hiệu quả, đạt nhiều thành quả quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động phức tạp những năm qua; công tác dự báo, ứng phó trước các thách thức mới liên quan đến an ninh phát triển, biên giới lãnh thổ được triển khai bài bản, nhạy bén, góp phần giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển kinh tế.
Về dự báo tình hình thế giới và đất nước những năm sắp tới, đa số ý kiến đồng ý như dự thảo. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần cân bằng hơn nội dung về cơ hội và thách thức, dự thảo đang tập trung nhiều hơn vào phần thách thức trong khi một số mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra lại có phần cao.
Về mục tiêu phát triển, nhiều ý kiến đồng ý với mục tiêu cụ thể như trong dự thảo. Về mục tiêu tổng quát, có ý kiến đề nghị bổ sung thêm mục tiêu gấp rút hoàn thành xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vì đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Đảng ta đã đề ra, đồng thời là cơ sở, hành lang quan trọng cho xây dựng, phát triển đất nước.
Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người, nhiều ý kiến đồng ý chủ trương “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”, đề nghị cần đặc biệt coi trọng hơn nữa vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo hướng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; chú trọng học đi đôi với hành, gắn lý luận với thực tiễn. Chú trọng rà soát, quy hoạch, tổ chức lại hệ thống các trường đại học để hình thành các đại học lớn, có chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế; hướng đến sắp xếp hoặc giải thể các trường đại học, cao đẳng có chất lượng thấp. Cùng với phát triển trí tuệ, cần chú trọng đến việc phát triển thể lực, thể hình, tư duy thẩm mỹ con người Việt; đồng thời sớm có biện pháp kiểm soát sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, ảnh hưởng xấu đến truyền thống, thuần phong, mỹ tục, đạo đức xã hội.
Có ý kiến đề nghị đối với giáo dục đào tạo, cần đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt. Từng bước thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Nhiều ý kiến nhận định chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt, do đó cân nhắc nhấn mạnh hơn việc tạo nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng, ngoại ngữ; đề xuất tăng cường liên kết giữa các trường đại học trong nước với đại học và trí thức ở ngoài nước. Một số ý kiến đề nghị Đảng cần trực tiếp lãnh đạo sâu sát cuộc cải cách giáo dục; coi trọng giáo dục đào tạo nhân cách con người, nhân cách giáo viên; kiên quyết đấu tranh xoá bỏ chủ nghĩa thành tích trong giáo dục từ nhà trường tới xã hội và giới phụ huynh học sinh.
Về đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ, một số ý kiến cho rằng cần khuyến khích hợp tác nghiên cứu giữa các chuyên gia, trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc phát triển công nghệ mới nhằm nâng cao tính thực tiễn của các công trình nghiên cứu, tạo bước đột phá về khoa học công nghệ trong thời đại CMCN 4.0
Một số ý kiến đề nghị cần đề cập sâu sắc hơn các chủ trương, chính sách đối với người Việt nam ở nước ngoài, chú trọng đến việc chủ động xây dựng, phát triển cộng đồng người Việt Nam hội nhập tốt với sở tại, thành đạt, có liên hệ chặt chẽ với quê hương, đất nước và góp phần quan trọng vào việc mở rộng đầu tư, phát triển kinh tế và mở rộng không gian sinh tồn cho người Việt Nam trên thế giới, đặc biệt là tại những nước còn nhiều dư địa không gian sinh tồn và có điều kiện phù hợp. Có ý kiến đề nghị cân nhắc bổ sung thêm ý hỗ trợ xây dựng, phát triển cộng đồng về mọi mặt, người việt Nam hội nhập mọi mặt vào xã hội nước sở tại. Tạo điều kiện và hỗ trợ để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hoá dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
Về định hướng, nhiệm vụ giải pháp tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nhiều ý kiến cho rằng trong thời gian tới cần làm tốt hơn nữa công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, nhất là chủ quyền biển đảo; ngoài việc xây dựng quân đội, công an chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đề nghị cần quan tâm xây dựng lực lượng y tế dự phòng nhằm chủ động ứng phó với tình huống khi các thế lực thù địch sử dụng vũ khí sinh học. Có ý kiến cho rằng cần tiếp tục kiện toàn và củng cố, xây dựng các cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài tinh gọn, chất lượng và hiệu quả; quản lý chặt và hạn chế các đoàn cán bộ đi công tác nước ngoài với mục đích không rõ ràng, tránh tình trạng trùng lặp về mục đích, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.../. (Còn tiếp)
(daihoi13.dangcongsan.vn)