(ĐHXIII) - Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã nêu một vấn đề mới, đó là ngoài việc “dân biết – dân làm – dân kiểm tra”, trong văn kiện Đảng bổ sung thêm “dân giám sát và dân thụ hưởng”. Đó là một đánh giá đúng đắn để phát huy sức mạnh của toàn dân tộc trong thực hiện Nghị quyết của Đảng đề ra.
Xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức
Theo ông Võ Tấn Tài, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Đắk Lắk, nguyên Vụ trưởng Vụ Dân tộc – Tôn giáo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong các vấn đề cần phải tập trung, ông quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Ông Tài lý giải, thắng lợi của cách mạng Việt Nam, của nhân dân Việt Nam giành được thì đường lối đúng đắn của Đảng là nhân tố có ý nghĩa quyết định. Do đó, bên cạnh những thành tựu về xây dựng Đảng, Đại hội XIII cần phải xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức.
Ông Võ Tấn Tài, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Đắk Lắk, nguyên Vụ trưởng Vụ Dân tộc-Tôn giáo, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên góp ý các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. (Ảnh: TTXVN)
Trong công tác xây dựng Đảng, ông Võ Tấn Tài đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ. Nhiệm kỳ XII vừa qua với quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng, quyết tâm xây dựng nội bộ trong sạch vững mạnh, Đảng đã xử lý nhiều cán bộ sai phạm, trong đó có hàng trăm cán bộ cao cấp. Đây là một tổn thất, nhưng đồng thời là một kinh nghiệm xương máu để Đại hội XIII làm thế nào chọn được những cán bộ tiêu biểu đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, chăm lo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao sức chiến đấu của Đảng để đủ tầm lãnh đạo công cuộc đổi mới của đất nước đi đến thắng lợi. Nói cách khác, Đại hội XIII của Đảng phải xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đạo đức, đủ phẩm chất và tài năng, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Quá trình xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ luôn luôn đi đôi với việc kiểm tra, giám sát, khắc phục những thiếu sót, những hạn chế, đặc biệt là xử lý nghiêm những người sai phạm, vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật nhà nước.
Nhất trí với đánh giá trong dự thảo chính trị, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: Dự thảo lần này có một số điểm mới, không chỉ xây dựng chỉnh đốn Đảng mà cả hệ thống chính trị; khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước để thực hiện mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc. Trong nhiệm kỳ tới, việc xây dựng, chỉnh đốn cả hệ thống chính trị phải là điều rất quan trọng để mang lại niềm tin cho dân, tránh những nhũng nhiễu, phiền hà cho dân. Bên cạnh đó, trong xây dựng Đảng phải nói thẳng, nói thật, không tránh né như vậy mới giúp đồng chí của mình tiến bộ.
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc
Cũng theo ông Võ Tấn Tài, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Đắk Lắk, nguyên Vụ trưởng Vụ Dân tộc – Tôn giáo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng, ông đắc nhất với vấn đề về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Theo ông Tài, mọi thành tựu công cuộc đổi mới chính là do nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã xây dựng nên. Văn kiện đã đề cập đến phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bao gồm đoàn kết trong nước, đoàn kết kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng đã nêu một vấn đề mới, đó là ngoài việc “dân biết – dân làm – dân kiểm tra” đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, trong văn kiện Đảng bổ sung thêm “dân giám sát và dân thụ hưởng”. Đó là một đánh giá đúng đắn để phát huy sức mạnh của toàn dân tộc trong thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới cũng như thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng đề ra.
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các thời kỳ vào các dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Nguồn ảnh: TTXVN
Tiến sĩ Đỗ Văn Dương, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá đúng vai trò của công tác xây dựng Đảng là “nhiệm vụ then chốt”. Ngoài 10 nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng được trình bày rõ trong Dự thảo Báo cáo chính trị, Đại hội còn có báo cáo chuyên đề về công tác xây dựng Đảng và vấn đề thi hành Điều lệ Đảng. Hơn nữa, văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung yếu tố rất quan trọng, đó là hệ thống chính trị với chủ đề “Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị toàn diện”. Đây là điều rất đúng đắn, bởi vì Đảng vừa là thành viên vừa là hạt nhân lãnh đạo cao nhất trong hệ thống chính trị. Công tác xây dựng Đảng không chỉ là nội bộ Đảng mà còn phải làm tốt các khâu, các yếu tố để làm trong sạch, vững mạnh bộ máy chính trị.
Theo Tiến sĩ Đỗ Văn Dương, Đại hội XIII của Đảng cần tạo ra cơ chế chính sách một cách đồng bộ, thống nhất, thực hiện đổi mới mạnh mẽ hơn nữa và có những chính sách đặc thù để kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế xã hội ở các vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng, miền núi, biên giới. Ngoài ra, cần nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, người đứng đầu, hệ thống chính trị trong việc xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Cơ quan nhà nước, đảng viên phải thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe quần chúng nhân dân và phát huy, thực hiện tốt vai trò giám sát của nhân dân, cương quyết đấu tranh chống thế lực thù địch để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.
(Daihoi13.dangcongsan.vn)