Nâng cao chất lượng công tác cán bộ In trang
26/11/2020 08:59 SA

(ĐHXIII) - Bước vào nhiệm kỳ 2020-2025 và các năm tiếp theo, Gia Lai sẽ tiếp tục cải tiến, đổi mới phương pháp, quy trình bổ nhiệm cán bộ, giới thiệu cán bộ ứng cử và bố trí, sử dụng cán bộ.

Công tác cán bộ tại Gia Lai được thực hiện theo phương châm “động” và “mở”.

Công tác cán bộ tại Gia Lai được thực hiện theo phương châm “động” và “mở”.

Triển khai theo đúng phương châm “động” và “mở” 

Theo đồng chí Huỳnh Quang Thái, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai, để đảm bảo công tác cán bộ tại địa phương được thực hiện có chất lượng, hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có nhiều chỉ đạo cụ thể cho công tác này. Theo đó, đến nay hệ thống các văn bản về công tác cán bộ của tỉnh luôn được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, đầy đủ và cụ thể, chặt chẽ, phù hợp, sát đúng với thực tế địa phương.

Đồng thời, công tác đánh giá cán bộ luôn được các cấp ủy đổi mới cả về nội dung và phương pháp. Việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ, trọng tâm là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được nghiêm túc thực hiện theo đúng nguyên tắc và hướng dẫn của Trung ương.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch cán bộ cũng được các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị chú ý, triển khai theo đúng phương châm “động” và “mở”, tạo nguồn chủ động bố trí cán bộ, nhờ đó bước đầu khắc phục tình trạng thiếu hụt, cục bộ trong ngành, đơn vị, địa phương.

“Gia Lai cũng rất quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với vị trí việc làm, chức danh cán bộ đang đảm nhận và quy hoạch kế hoạch sử dụng cán bộ. Đặc biệt, việc quản lý, bố trí, sử dụng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử được Tỉnh ủy và các cấp ủy, địa phương thực hiện công khai, dân chủ, khách quan, đúng nguyên tắc, quy trình quy định, đáp ứng được yêu cầu công tác cán bộ ở địa phương. Vì vậy, đến nay đội ngũ cán bộ trên địa bàn tỉnh thường xuyên được kiện toàn, củng cố, đảm bảo tinh gọn, chất lượng ngày càng tăng cao”- đồng chí Huỳnh Quang Thái cho biết.

Theo số liệu tổng hợp của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai, hiện toàn tỉnh có hơn 33.500 cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, ở cấp tỉnh có 161 người (chiếm tỷ lệ 27,27%), cấp huyện có 19.919 người (chiếm tỷ lệ 59,30%), cấp xã có 4.507 người (chiếm tỷ lệ 13,41%); cán bộ nữ có 21.095 người (chiếm tỷ lệ 62,80%), cán bộ dân tộc thiểu số có 5.301 người (chiếm tỷ lệ 15,78%).

Về chuyên môn, nghiệp vụ, hiện toàn tỉnh có 1.356 cán bộ có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ;  21.876 người có trình độ đại học (chiếm tỷ lệ 65,13%).

Trong khi đó, về lý luận chính trị có 6.480 người trình độ trung cấp (chiếm tỷ lệ 19,29%); 1.597 người trình độ cao cấp, cử nhân (chiếm tỷ lệ 4,75%).

“So với năm 2015, đội ngũ cán bộ của tỉnh giảm 2.353 người, trong đó cán bộ nữ giảm 738 người, cán bộ người dân tộc thiểu số giảm 276 người (do thực hiện tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị); song về chuyên môn, nghiệp vụ thì được nâng lên. Cụ thể, cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sỹ tăng 352 người, trình độ đại học tăng 3.743 người; về lý luận chính trị, số cán bộ có trình độ trung cấp tăng 1.660 người, trình độ cao cấp, cử nhân tăng 364 người”- Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai Huỳnh Quang Thái khẳng định.

 Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ

Mặc dù thu được nhiều kết quả đáng kể trên, thế nhưng trước yêu cầu, nhiệm vụ mới hiện nay, công tác cán bộ của tỉnh Gia Lai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai, công tác nhận xét, đánh giá cán bộ hiện vẫn còn bất cập, chưa lượng hóa cụ thể và lấy kết quả công tác làm thước đo để đánh giá. Cạnh đó, công tác quy hoạch cán bộ ở một số đơn vị, địa phương chưa bảo đảm phương châm “động” và “mở”, vẫn còn biểu hiện khép kín, cục bộ.

Bên cạnh những tồn tại, hạn chế trên, theo  đồng chí Huỳnh Quang Thái, công tác luân chuyển cán bộ tại Gia Lai thời gian qua triển khai chưa thật sự chủ động, còn nhầm lẫn giữa luân chuyển với điều động, bố trí cán bộ. Mặt khác, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh hiện vẫn còn dàn trải, chưa thực sự gắn với yêu cầu, tiêu chuẩn và quy hoạch cán bộ. Ngoài ra, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý vẫn còn thấp.

Bước vào nhiệm kỳ mới 2020-2025 và các năm tiếp theo, Gia Lai sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp, cải tiến quy trình bổ nhiệm cán bộ.

Bước vào nhiệm kỳ mới 2020-2025 và các năm tiếp theo, Gia Lai sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp, cải tiến quy trình bổ nhiệm cán bộ.

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, trong thời gian tới, các cấp ủy tại Gia Lai sẽ tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác cán bộ. Trước mắt, tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, các tổ chức trong hệ thống chính trị về các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy định, quy chế về công tác cán bộ ở địa phương để triển khai thực hiện cho phù hợp theo đúng quy định; đồng thời chú trọng việc chỉ đạo, kiểm tra tổ chức thực hiện của các cấp ủy Đảng, các ban, ngành, đoàn thể về quản lý đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ.

“Tỉnh ủy đang tiếp tục bổ sung xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí đánh giá, lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước do chủ yếu để đánh giá cán bộ. Trong hệ thống tiêu chí đánh giá cán bộ, cùng với tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, cần chú trọng, nhấn mạnh tiêu chí về năng lực và kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao”- đồng chí Huỳnh Quang Thái nhấn mạnh và cho biết thêm: Hiện Tỉnh ủy cũng chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng quy trình đánh giá cán bộ theo hướng đổi mới, mở rộng dân chủ, xác định rõ trách nhiệm của tập thể cấp có thẩm quyền và người đứng đầu; yêu cầu các cấp ủy khi tiến hành thực hiện công tác cán bộ phải bám sát các bước phù hợp đối với việc đánh giá cán bộ theo định kỳ hằng năm, đánh giá cán bộ trước khi hết nhiệm kỳ; đánh giá cán bộ trước khi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, quy hoạch, điều động luân chuyển...

Đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt, theo đồng chí Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai, việc đánh giá cán bộ phải gắn trách nhiệm cá nhân với tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương, đơn vị.

Tỉnh cũng sẽ tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm “động” và “mở” trong xây dựng quy hoạch cán bộ; mở rộng phạm vi, đối tượng để chọn nguồn cán bộ đưa vào quy hoạch.

“Yêu cầu đặt ra là phải thực hiện đảm bảo mỗi chức danh cán bộ chuẩn bị ít nhất 3 cán bộ để quy hoạch, mỗi cán bộ có thể được quy hoạch từ 2 đến 3 chức danh và đảm bảo cơ cấu 3 độ tuổi ở từng chức danh, có tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số phù hợp. Đồng thời chú trọng tính khả thi của quy hoạch, thực hiện quản lý cán bộ trong quy hoạch như đối với cán bộ cấp ủy quản lý và căn cứ quy hoạch cán bộ để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ một cách có hiệu quả”- đồng chí Huỳnh Quang Thái thông tin.

Cùng với những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản trên, trong những năm tới, Tỉnh ủy Gia Lai cũng sẽ đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ. Đồng thời xây dựng và thực hiện kế hoạch luân chuyển cán bộ, trong đó quy định rõ mục tiêu, quan điểm, phạm vi, đối tượng, độ tuổi, thời gian luân chuyển, chế độ chính sách, quy trình luân chuyển, định hướng sắp xếp sau luân chuyển...

Ngoài các nhiệm vụ kể trên, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Gia Lai, bước vào nhiệm kỳ 2020-2025 và các năm tiếp theo, Gia Lai sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp, cải tiến quy trình bổ nhiệm cán bộ, giới thiệu cán bộ ứng cử và bố trí, sử dụng cán bộ. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu cán bộ ứng cử phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị; đồng thời căn cứ tiêu chuẩn, quy hoạch cán bộ, năng lực cán bộ và kết quả đánh giá cán bộ của cơ quan có thẩm quyền.

Cán bộ được giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm nhất thiết phải trong quy hoạch chức danh đó hoặc chức danh tương đương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải đảm bảo tiêu chuẩn cán bộ theo quy định. Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ theo yêu cầu tăng cường chất lượng, tinh giản biên chế, đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa các chức danh lãnh đạo, quản lý, các ngạch, bậc công chức trong từng cơ quan đơn vị; khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ. Đồng thời, Tỉnh ủy Gia Lai sẽ quan tâm thực hiện tốt chính sách đối với đội ngũ cán bộ; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác tổ chức, cán bộ./.

(Daihoi13.dangcongsan.vn)

 

Lượt xem: 1.745
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003858294
  •  Đang online: 59
  •  Trong tuần: 24.727
  •  Trong tháng: 73.013
  •  Trong năm: 1.159.669