Một số vấn đề đặt ra khi hợp nhất Đảng bộ Khối doanh nghiệp Hà Nội với Khối công nghiệp Hà Nội In trang
20/11/2019 08:10 SA

(ĐCSVN) - Việc hợp nhất Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Hà Nội và Đảng bộ Khối Công nghiệp Hà Nội theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII nhằm phù hợp với điều kiện tình hình mới và nâng cao tính thực chất, hiệu quả hoạt động của công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao Quyết định hợp nhất Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Hà Nội với Khối Công nghiệp Hà Nội ngày 15/11. (Ảnh: NK). 

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2016 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII : Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hà Nội đã xây dựng và phê duyệt Phương án sắp xếp, tổ chức lại mô hình tổ chức các Tổng Công ty thuộc Đảng bộ Thành phố Hà Nội; xây dựng Đề án Hợp nhất Đảng bộ khối Doanh nghiệp, Khối Công nghiệp Hà Nội để tiến hành triển khai thực hiện theo tinh thần Nghị quyết Trung ương, với những nội dung chính như sau:

1. Thực trạng của 02 đảng bộ trước khi sắp xếp, hợp nhất

Đảng bộ Khối Công nghiệp Hà Nội tiền thân là Đảng bộ Khối Công nghiệp nhẹ và Đảng bộ Khối Năng lượng được thành lập từ năm 1993. Năm 1996, Thành ủy Hà Nội Quyết định thành lập Đảng bộ Khối Công nghiệp Hà Nội trên cơ sở hợp nhất 02 đảng bộ trên và nâng cấp thành Đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy. Thí điểm hiện tại, Đảng bộ có 121 tổ chức cơ sở đảng với 96 đảng bộ và 25 chi bộ cơ sở; tổng số đảng viên có 10817 đảng viên; trong đó có 90 tổ chức cơ sở đảng là các dpanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp trực thuộc 3 tập đoàn và 15 Tổng Công ty 90 thuộc Bộ Công thương (có 5 Tông công ty đã cổ phần hóa. Nhiều tổ chức cơ sở đảng là công ty thành viên thuộc Tổng Công ty có cùng cấp bộ đảng với Đảng bộ Tổng Công ty cùng trực thuộc Đảng bộ Khối Công nghiệp Hà Nội. Ban Chấp hành Đảng bộ khối có 24 ủy viên, Ban Thường vụ có 04 đồng chí; cơ quan tham mưu giúp việc chuyên trách có Văn phòng, Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo và Cơ quan Ủy ban Kiểm tra. Số biên chế là cán bộ chuyên trách là 20 người.

Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Hà Nội được thành lập từ năm 2009, đến năm 2006 Thành ủy đã ra quyết định hợp nhất Đảng bộ KHối Du lịch vào Đảng bộ Khối Doangh nghiệp. Thời điểm hiện tại Đảng bộ có 129 tổ chức cơ sở đảng với 90 đảng bộ và 39 chi bộ cơ sở. Tổng số đảng viên của đảng là 10391 đảng viên. Hiện nay, Ban Chấp hành Đảng bộ có 35 đồng chí, Ban Thường vụ có 9 đồng chí. Số lượng cán bộ chuyên trách có 29 biên chế.

Đề án phân tích và chỉ ra: Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước, nhiều doanh nghiêp trực thuộc cả 02 khối đã hoàn thành việc thoái vốn Nhà nước, mô hình quản trị có nhiều thay đổi, không còn phụ thuộc vào các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế, các bộ, ngành chủ quản. Hoạt động của tổ chức đảng trực thuộc 02 khối có nhiều biến động; số lượng, chất lượng, cơ cấu bộ máy lãnh đạo của doanh nghiệp có nhiều thay đổi, đòi hỏi công tác xây dựng đảng trong 02 khối này cũng phải thay đổi cho phù hợp nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng công tác đảng trong các doanh nghiệp. Điều dễ thấy là cả 02 đảng ủy khối đều có cùng đối tượng quản lý là các doanh nghiệp. Tổ chức đảng và số lượng đảng viên trong mỗi khối đều rất lớn, mô hình lại không đồng nhất, đan xen nhiều loại hình khác nhau, nhất là ở Khối Công nghiệp (bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu… là các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn đều nằm trong khối này). Số lượng đảng viên đông nhưng không tương đồng, đảng viên hoạt động phân tán, trình độ không đồng đều… việc quản lý đảng viên gặp nhiều khó khăn, nhất là ở những tổ chức đảng không nằm trong địa bàn thành phố.

Nghị quyết số 18-NQ/TW chỉ rõ:  Cần nghiên cứu, tổ chức lại các đảng ủy khối doanh nghiệp cho phù hợp với điều kiện mới ở cả Trung ương và địa phương nhằm nâng cao tính thực chất và hiệu quả hoạt động của công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp.

2. Những nội dung chủ yếu của việc sắp xếp, hợp nhất Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Hà Nội và Đảng bộ Khối Công nghiệp Hà Nội

- Thứ nhất, về tên gọi: Đảng bộ sau khi hợp nhất có tên là Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Hà Nội để đảm bảo phù hợp với quy định thi hành Điều lệ Đảng và tính thống nhất của hệ thống tổ chức đảng giữa các địa phương.

- Thứ hai, về các cơ quan tham mưu, giúp việc: 02 Đảng ủy hiện có 10 cơ quan tham mưu, giúp việc có tên gọi và nhiệm vụ giống nhau; sau khi hợp nhất sẽ còn 5 cơ quan tham mưu, giúp việc (giảm 05 cơ quan). Rà soát lại chức năng, nhiệm vụ để loại bỏ những yếu tố trùng lắp, chồng chéo, đồng thời bổ sung nhiệm vụ bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy sau khi hợp nhất. Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của 02 đảng ủy để nâng cao chất lượng tham mưu, giúp việc, tinh giản biên chế.

- Thứ ba, về chức năng, nhiệm vụ: Đảng ủy hoạt động theo Quy định số 294-QĐ/TW, ngày 23/3/2010 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Thứ tư, về hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội: Sắp xếp các tổ chức chính trị-xã hội đồng bộ với tổ chức đảng để bảo đảm vai trò lãnh đạo của đảng đối với các tổ chức chính trị-xã hội trong các doanh nghiệp.

3. Một số vấn đề đặt ra để triển khai sau khi hợp nhất

Để Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Hà Nội tiếp tục phát huy những thành quả của 02 Đảng ủy Khối trước đây đã đạt được, đồng thời khắc phục, loại bỏ những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình hoạt động, một số nội dung, nhiệm vụ trọng tâm cần chú ý là:

Một là, thực hiện việc chuyển giao tổ chức cơ sở đảng về trực thuộc các quận, huyện, thị nơi doanh nghiệp có trụ sở, hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn nhiều với địa phương; chuyển giao về Đảng ủy khối các trường Đại học các tổ chức cơ sở đảng ở các trường Đại học, Viện nghiên cứu… để phù hợp với việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; chuyển giao về các tỉnh ủy, thành ủy hoặc các cấp ủy đảng nơi có cơ quan chủ quản của doanh nghiệp để bảo đảm gắn kết giữa công tác đảng và công tác chuyên môn.

Hai là, chỉ giữ lại các tổ chức đảng là các doanh nghiệp có trụ sở chính tại Thành phố Hà Nội, có phạm vi hoạt động sản xuất, kinh doanh rộng, chi phối và tác động đến nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.

Ba là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương của Trung ương về sự cần thiết phải sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị; trong đó có việc sắp xếp các tổ chức đảng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Bốn là, có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình chuyển giao các tổ chức đảng để không bị gián đoạn về quá trình hoạt động; sớm kiện toàn tổ chức bộ máy, nhất là cơ quan lãnh đạo chuẩn bị các điều kiện để tổ chức đại hội cấp cơ sở theo đúng kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương./.

TS. Nguyễn Văn Tùng - Ban Tổ chức Trung ương

Lượt xem: 1.535
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003990553
  •  Đang online: 53
  •  Trong tuần: 53
  •  Trong tháng: 40.928
  •  Trong năm: 40.928