Đưa nghị quyết vào cuộc sống: Đức Trọng sau 10 năm thực hiện Kết luận 61 của Ban Bí thư In trang
15/11/2019 08:39 SA

Qua 10 năm triển khai thực hiện Kết luận 61-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”, huyện Đức Trọng đã đạt được những kết quả đáng kể trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

 

Nông dân Đức Trọng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong ảnh: Trồng bơ 034 trong nhà kính đã mang lại năng suất và hiệu quả rõ rệt cho gia đình nông dân Phạm Văn Tĩnh (thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng). Ảnh: N.Minh

Nông dân Đức Trọng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong ảnh: Trồng bơ 034 trong nhà kính đã mang lại năng suất và hiệu quả rõ rệt cho gia đình nông dân Phạm Văn Tĩnh (thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng). Ảnh: N.Minh

Thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tích cực chủ động trong triển khai thực hiện những chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước. Và, các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên sớm đi vào cuộc sống đã góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam. 

Theo thống kê của Hội Nông dân Đức Trọng, toàn huyện có 15 tổ chức hội, 146 chi hội với trên 22 ngàn hội viên. Đến năm 2018 trên địa bàn huyện có 7.225 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tăng 3.514 hộ so với năm 2009.

Những năm qua, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy đảng, chính quyền huyện, Hội Nông dân chú trọng công tác vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo tái canh cây cà phê, phát triển trồng dâu nuôi tằm, chuyển đổi diện tích lúa 1 vụ và diện tích các cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao; vận động nông dân đầu tư phát triển sản xuất theo hướng công nghệ cao gắn với phát triển thương mại, dịch vụ và công nghiệp chế biến… Từ đó, diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tăng nhanh với 10.112 ha; trong đó, diện tích nhà kính trên 235 ha, nhà lưới trên 151 ha, tưới tự động trên 9,7 ha. Toàn huyện đã tái canh 4.186 ha cà phê; trong đó ghép cải tạo 2.861 ha, trồng mới 1.325 ha. Bình quân hàng năm có từ 30-50 ha diện tích lúa 1 vụ và các cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp được nông dân huyện nhà chuyển đổi sang trồng rau, hoa màu các loại có giá trị kinh tế cao. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, cụ thể: năm 2018 đạt 233 triệu đồng/ha/năm, tăng 176 triệu đồng so với năm 2009, cá biệt có mô hình lên đến 2,5 tỷ đồng/ha/năm.

Cùng đó, Hội Nông dân huyện cũng vận động nông dân tiếp tục đầu tư phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa; chăn nuôi chuyển biến khá nhanh từ chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, chăn nuôi gia công. Quy trình chăn nuôi tiên tiến ngày càng được nông dân áp dụng rộng rãi, đặc biệt là chăn nuôi heo, gia cầm, bò sữa...

Song song với các hoạt động trên, hoạt động tư vấn hỗ trợ nông dân được quan tâm; giai đoạn 2009-2018, huyện đã tổ chức 1.159 buổi hội thảo “Tư vấn, hỗ trợ nông dân”, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo về quy trình kỹ thuật trồng rau, hoa, củ quả, ghép cải tạo cà phê; quy trình chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, quy trình sản xuất theo VietGAP… cho 154.874 lượt nông dân. Đến nay đã có 3.645 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; 20 đơn vị sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP… tạo được uy tín chất lượng một số loại rau, hoa, củ quả của địa phương trên thị trường trong và ngoài nước. Mặt khác, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với Hội Nông dân huyện tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã xây dựng các thương hiệu nông sản có lợi thế của địa phương; thực hiện các chính sách khuyến khích hỗ trợ nông dân đầu tư sản xuất theo quy trình VietGAP; hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, hạn chế được tình trạng nông dân sản xuất chạy theo thị trường, được giá mất mùa, được mùa mất giá và bị tư thương ép giá... giúp sản xuất ổn định hơn. Tính đến nay, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn huyện đã tham gia vận động xây dựng 7 tổ liên kết sản xuất, 23 tổ hợp tác và phần lớn các tổ đều hoạt động có hiệu quả...

Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tích cực vận động nông dân chung tay, góp sức, thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Theo đó, 10 năm qua, nông dân huyện Đức Trọng đã đóng góp trên 98,94 tỷ đồng tiền đối ứng, 41.155 ngày công lao động, hiến trên 51 ha đất trị giá hàng chục tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn theo phương thức “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Đến nay 14/14 xã được công nhận danh hiệu “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”, thị trấn Liên Nghĩa được công nhận “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”.

NHẬT MINH

Lượt xem: 1.662
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003977282
  •  Đang online: 95
  •  Trong tuần: 12.963
  •  Trong tháng: 56.506
  •  Trong năm: 1.278.657