Bài 3: Chọn sai cán bộ ảnh hưởng tới sự tồn vong của Đảng In trang
25/10/2019 08:33 SA

(ĐCSVN) – Chạy chức, chạy quyền dẫn tới nguy cơ chọn sai cán bộ, không đặt họ vào đúng vị trí, không phát huy được năng lực, sở trường, thậm chí, còn “đẩy” họ vào vòng lao lý. Mất cán bộ là một tổn thất lớn của Đảng, là mối nguy hại ảnh hưởng tới sự tồn vong của Đảng, giảm sút niềm tin của Nhân dân….


Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Nếu chọn sai cán bộ thì rất nguy hiểm, có thể dẫn tới thất bại, thậm chí đổ vỡ (Ảnh: HH)

Chọn sai cán bộ thì rất nguy hiểm

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng “chạy” trong công tác cán bộ là hiện tượng đã diễn ra trên thực tế và thời gian qua chúng ta đã phải xử lý nhiều vụ vi phạm. Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị là để ngăn chặn những hiện tượng đã có, hướng tới phòng chống chạy chức chạy quyền, và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Nếu như đường lối, chính sách sai có thể sửa được, nhưng nếu chọn sai cán bộ thì rất nguy hiểm, có thể dẫn tới thất bại, thậm chí đổ vỡ. 

Qua các thời kỳ cách mạng, sở dĩ chúng ta thành công thắng lợi lớn đều do sự lựa chọn, bố trí, sắp xếp cán bộ đúng đã phát huy được vai trò của cán bộ trong mọi thời kỳ. Đó là bài học cho ngày nay về công tác lựa chọn cán bộ. Từ nhiều nhiệm kỳ nay, công tác cán bộ đã bắt đầu xuất hiện những tiêu cực cho nên Quy định lần này của Bộ Chính trị chính là để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, đặc biệt là hiện tượng chạy chức, chạy quyền, rồi sử dụng quyền lực trong công tác cán bộ.

Quy định 205 của Bộ Chính trị nêu rất cụ thể việc kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, nghiêm cấm thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị để vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình nhằm thao túng, can thiệp công tác cán bộ.

Đồng chí Nguyễn Trọng Phúc cũng cho rằng, công tác cán bộ có vai trò vô cùng quan trọng và ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ. Tất cả những sai phạm trong công tác này vừa qua ở một số nơi đã làm xói mòn lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chọn cán bộ sai vì lợi ích riêng của một vài cá nhân nào đó thì không chỉ xảy ra nguy cơ rất lớn với Đảng đó là tiếp tục suy giảm niềm tin với dân, mà những kẻ xấu lọt vào hàng ngũ cán bộ còn có thể gây nguy hại cho đất nước.

Còn nhớ năm 2018, phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Công thương – nơi đã có một số cán bộ lãnh đạo vi phạm và  bị xử lý kỷ luật, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh: “Xây dựng Đảng đâu phải chỉ là Nghị quyết mà là xây dựng con người, xây dựng cơ chế chính sách, xây dựng tổ chức trong sạch vững mạnh thì không sợ gì cả. Nếu làm tốt công tác về con người thì chuyên môn sẽ tốt. Công tác cán bộ là then chốt của then chốt, nguyên nhân của nguyên nhân, bố trí người đúng là sẽ khác, bố trí người sai thì bộ máy đông mà vẫn hỏng việc… chỉ sơ sảy một chút, sai một ly đi một dặm, hậu quả sẽ khôn lường”.

Bài học sâu sắc và đắt giá trong công tác cán bộ

Theo số liệu tại Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 1 đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị và 4 đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XII, 14 đồng chí nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 1 đồng chí nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, 5 đồng chí Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 2 đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, 5 đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy và 17 đồng chí là tướng lĩnh; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kỷ luật 7 tổ chức đảng (Ban cán sự đảng Bộ Công Thương, Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải, Ban Thường vụ Đảng uỷ Ngoài nước, Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc).

Bài học đau xót của Đảng ta rút ra từ những vụ việc xử lý vi phạm kỷ luật cán bộ cho thấy, mất cán bộ là tổn thất lớn nhất cho Đảng. Nhiều chuyên gia cho rằng, mỗi cán bộ chỉ có thể phát huy năng lực, sở trường ở 1 hoặc hơn 1 lĩnh vực nhất định, do đó phải thử thách, phải luân chuyển. Nhưng không có nghĩa luân chuyển là phải được lên cao hơn, mà luân chuyển là để rèn luyện, để học hỏi, để bồi đắp thực tiễn, hoàn chỉnh lý luận. Từ đó để cho tổ chức biết được mặt mạnh, sự nổi trội của cán bộ để bố trí, sử dụng cán bộ tốt nhất, đóng góp tốt nhất cho Đảng và cho đất nước, dân tộc.

Những cán bộ bị kỷ luật chủ yếu do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; ban hành chủ trương, nghị quyết về đầu tư; góp vốn, chỉ định thầu, cổ phần hóa; thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát, tham nhũng, lợi ích nhóm; vụ lợi, ưu ái, vun vén cho gia đình, không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực...

Vụ việc liên quan đến những cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước ta bị kỷ luật trong thời gian qua cho thấy, việc kiểm soát quyền lực rất quan trọng. Khi có quyền lực, có điều kiện mà không bị giám sát, kiểm tra chặt chẽ thì lòng tham nổi lên. Thao túng quyền lực trong kinh tế mà không kiểm soát kịp thời gây ra hậu quả nghiêm trọng làm thất thoát, thua lỗ, tư túi, dẫn tới tham nhũng hàng tỷ, hàng chục tỷ và hàng ngàn tỷ đồng. Thao túng quyền lực trong công tác cán bộ, sẽ dẫn tới bộ máy đông nhưng không mạnh, bố trí cán bộ sai dẫn tới hậu quả khôn lường kéo theo nhiều thế hệ sau đó.

Nguy cơ này cũng đã được Đảng ta nhận định và nêu rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII: “Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội”, “sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi” là những biểu hiện cụ thể phản ánh suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Theo Nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Quy định 205-QĐ/TW nêu rõ trách nhiệm của tổ chức, của cá nhân trong công tác cán bộ. Trách nhiệm là vấn đề then chốt nhất. Vấn nạn chạy chức, chạy quyền ở xã hội nào cũng có, thời nào cũng có. Vì thế, qua bài học rút ra sau những sự việc “để mất” cán bộ vừa rồi làm ảnh hưởng tới sự ổn định của bộ máy Nhà nước, khiến dư luận bức xúc. “Tôi đã nhiều lần đề cập tới việc là trách nhiệm của người tiến cử cán bộ, không phải giới thiệu xong rồi, bầu trúng rồi thì đã là xong việc. Bố trí cán bộ sai vị trí cũng là một nguy cơ lớn cho Đảng, việc “mất” một số cán bộ vừa qua cho ta thấy rõ bài học này” – Nhà báo Nhị Lê nhấn mạnh.

Vì thế, qua bài học rút ra sau những sự việc “để mất” cán bộ vừa rồi làm ảnh hưởng tới sự ổn định của bộ máy Nhà nước, khiến dư luận bức xúc, tôi kiến nghị là Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cần chú ý công tác cán bộ từ cấp cơ sở. Tại các cấp, phải kiên quyết đấu tranh làm trong sạch bộ máy, loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất, những người cơ hội luồn lách vào trong bộ máy.

Để xảy ra những câu chuyện nhức nhối trong công tác cán bộ vừa qua chính là sự buông lỏng các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, buông lỏng kỷ cương trong công tác cán bộ. Từ tất cả những câu chuyện nhức nhối nêu trên đã đến lúc các cơ quan có trách nhiệm cần xem xét lại tất cả các quy định, quy trình về công tác cán bộ hiện nay.

Theo đồng chí Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Đảng đã nhiều lần cảnh báo về vấn nạn chạy chức, chạy quyền. Trong Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII, Bộ Chính trị đã chỉ ra 5 loại “chạy”: chạy chức trước khi bầu cử; chạy quyền trước khi phân công công tác; chạy lợi trước khi phân bổ ngân sách, đấu thầu, cấp quota; chạy chỗ trước khi bổ nhiệm; chạy tội trước khi điều tra, xét xử.

Quy định lần này nêu chi tiết về “chạy ai, ai chạy” và các biểu hiện của chạy chức, chạy quyền. Tuy nhiên, để Quy định thật sự được thực hiện nghiêm túc, đồng thời không làm ảnh hưởng đến công tác bổ nhiệm cán bộ thì cần có sự công khai, minh bạch, đánh giá khách quan, công tâm, cả trình độ, năng lực, thực tiễn công tác của người cán bộ. Nếu áp dụng quyết định một cách quá cứng nhắc, máy móc sẽ tạo ra mặt trái là tâm lý e dè, sợ hãi, không đề bạt, bổ nhiệm vào bộ máy những người hiền tài và đó là nguy cơ dẫn đến “cháy máu chất xám”.

Không để lọt vào bộ máy những phần tử cơ hội

Trong bài viết “Cần loại bỏ những kẻ cơ hội”, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã từng nêu rõ, chúng ta đã có những bài học đau xót về việc giới thiệu cán bộ không đủ phẩm chất và năng lực nhưng là cánh hẩu, là họ hàng, là đổi chác (tôi nâng đỡ con anh thì anh nâng đỡ con tôi, hoặc tôi nâng đỡ người của anh thì anh nâng đỡ người của tôi...) và cũng không loại trừ việc đút lót tiền bạc, của cải để được vào các vị trí trọng yếu.

Đến nay, dù công tác cán bộ đã đổi mới nhiều, nhưng thực tế vẫn không tránh khỏi còn những sai sót nghiêm trọng, là kẽ hở để những kẻ tham lam, cơ hội, kém đức kém tài chui vào bộ máy, tạo dựng bè cánh, gây nên những tác hại nghiêm trọng, dẫn đến sự bất bình to lớn trong nhân dân và đặt sinh mệnh chính trị của Đảng, của chế độ vào thế bất lợi.

Hội nghị Trung ương 4, khóa XII xác định nhiều biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. (Ảnh: HH)

Không thể để những kẻ kém đức kém tài, vô liêm sỉ, "chạy chức chạy quyền", có nguồn tài sản bất minh, nâng đỡ người thân, gia đình, họ hàng, là cánh hẩu, bị xã hội và báo chí lên án, lại vẫn có thể biện bạch thách thức dư luận hay lên giọng rao giảng đạo đức. Không thể để một ông cán bộ cấp cao phát ngôn bừa bãi, đề ra những chính sách gây thiệt hại cho đất nước và nhân dân có thể tiếp tục nhơn nhơn tại vị. Lại càng không để cho những quan tham, dù ở cấp nào, có thể trốn tránh trách nhiệm và "hạ cánh an toàn".

“Càng là người của tổ chức, của Đảng, lại càng phải chịu trách nhiệm nặng nề hơn trước sự nghiêm minh của pháp luật, sự giám sát của nhân dân” – nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ.

Ngăn chặn các hiện tượng trên, Quy định 205-QĐ/TW nêu rõ: “cấm xen ghép ý đồ cá nhân, đề ra tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự thật nhằm vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình tham mưu thực hiện quy trình công tác cán bộ. Để người khác, nhất là vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để thao túng, can thiệp công tác cán bộ. Gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi với nhân sự trái quy định trong quá trình thực hiện công tác cán bộ”.

Quy định cũng nêu rõ 6 hành vi chạy chức, chạy quyền, 8 hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền và đó cũng là những nội dung cần thực hiện.

Với tinh thần được quán triệt là kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những phần tử cơ hội, chạy chức chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực… Không để sót người có đức, có tài; có cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới vì lợi ích chung. Chúng ta có quyền tin tưởng và hy vọng, trong cấp ủy, trong bộ máy của nhiệm kỳ khóa mới, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược sẽ thực sự chọn được người xứng đáng với yêu cầu của tổ chức và kỳ vọng của Nhân dân./.

Nhóm PV

Lượt xem: 1.861
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003901298
  •  Đang online: 74
  •  Trong tuần: 1.865
  •  Trong tháng: 116.017
  •  Trong năm: 1.202.673