Ngày làm việc thứ tư, kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV Tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc, cống hiến  In trang
25/10/2019 08:23 SA
Hôm qua, buổi sáng, các đại biểu Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Buổi chiều, QH nghe Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và nghe Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; thảo luận ở tổ về hai nội dung nêu trên.

Ðại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường

Tìm kiếm người tài cho đất nước

Trong phiên làm việc sáng hôm qua, các đại biểu QH đã nghe giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau về luật này.

Chính sách đối với người có tài năng là một trong những nội dung thu hút nhiều đại biểu QH quan tâm, góp ý. Các đại biểu Ðàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), Tống Thanh Bình (Lai Châu) và nhiều đại biểu khác cho rằng, chính sách đối với người tài giỏi là rất quan trọng và nếu được thực hiện tốt sẽ thu hút được người tài về làm việc, nâng cao chất lượng thực thi công vụ, qua đó tạo niềm tin đối với người dân. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là cần có quy định, khái niệm thống nhất, đầy đủ về thế nào là người tài? Ðây là nội dung cần được quan tâm, nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo để tránh việc lạm dụng khái niệm chưa rõ ràng, dễ dẫn đến những cách làm sai trong đào tạo cán bộ hoặc tùy tiện áp dụng, khiến không tìm kiếm được người tài thật sự phục vụ đất nước. Bên cạnh đó, để phát hiện, tuyển dụng, sử dụng người có tài năng trong hoạt động công vụ một cách có hiệu quả, có đại biểu đề nghị: Chính phủ cần có quy định khung chính sách chung áp dụng đối với người có tài năng, trong đó quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc rà soát, phát hiện người có tài năng trong hoạt động công vụ, quy định về chế độ đào tạo, bồi dưỡng, môi trường làm việc của người có tài năng, chế độ phúc lợi…

Ðại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) nêu ý kiến: Nếu quy định như hiện nay, Ðiều 6 của dự thảo luật đang hướng về những người đã được đưa vào trong bộ máy nhà nước làm việc và trong đó các cơ quan sẽ tìm kiếm, phát hiện ra những người có năng lực, là nhân tài vượt trội trong lĩnh vực công vụ. Nhưng điều quan trọng hơn là cần tìm được nhân tài hiện đang ở trong nhân dân, đang ở ngoài xã hội và mời vào làm việc, trọng dụng vào bộ máy nhà nước. Nếu đi theo hướng này thì cần thiết kế lại Ðiều 6 hợp lý hơn. Ðại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) và một số đại biểu khác cho rằng, trong thực tế, rất khó để có một định nghĩa chính xác về tài năng làm hài lòng tất cả mọi lĩnh vực, mọi người. Mặt khác, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức nhằm mục đích nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, giảm bớt số lượng những người hưởng lương nhà nước nhưng làm việc không hiệu quả, tạo thuận lợi cho cơ quan tuyển dụng đúng người, đúng vị trí. Chính vì vậy, có thể nghiên cứu bỏ định nghĩa tài năng, thay vào đó là điều khác để thuận lợi cho các cơ sở công lập bố trí vị trí việc làm đúng vị trí, đúng năng lực và sở trường.

Những quy định về đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và việc liên thông trong đội ngũ cán bộ, công chức được nhiều đại biểu quan tâm. Một số ý kiến cho rằng, bộ máy cơ quan nhà nước ở nước ta được tổ chức theo những nguyên tắc chung, thống nhất từ T.Ư đến địa phương, tạo thành một cơ chế đồng bộ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà nước. Tương ứng với bộ máy này là lực lượng công chức làm việc trong các cơ quan đó. Vì vậy, không nên tách công chức cấp xã thành một thiết kế riêng, trong khi cấp xã là một cấp không thể thiếu trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước. Ðồng thời, cán bộ cấp xã đang đảm nhiệm những nhiệm vụ quan trọng đối với điều hành, quản lý của Nhà nước và đời sống xã hội. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để có những quy định phù hợp, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ xã làm việc, cống hiến.

Bảo đảm hiệu quả khai thác khi xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Buổi chiều, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này.

Tiếp đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư nêu trên.

Sau đó, QH tiến hành thảo luận ở tổ về Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Nhiều ý kiến nhất trí các chỉ tiêu cơ bản của Báo cáo nghiên cứu khả thi, cụ thể: dự án được triển khai tại huyện Long Thành (Ðồng Nai), có tổng mức đầu tư là 111.689 tỷ đồng (tương đương 4,779 tỷ USD), thời gian thực hiện từ năm 2020 đến 2025. Công trình được đầu tư xây dựng một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm và các hạng mục phụ trợ. Mục tiêu dự án là xây dựng cảng đạt cấp 4F, là cảng cửa ngõ lớn và quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực ở giai đoạn 2, giai đoạn 3.

Một số đại biểu cho rằng, nhiều hạng mục mới tính toán ở mức thiết kế sơ bộ, chưa bảo đảm tính chính xác, trong khi đây là dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, quy mô phức tạp, cho nên cần thẩm định cụ thể trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Ðại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) và một số đại biểu không tán thành kiến nghị của Chính phủ bổ sung hai tuyến giao thông kết nối vào dự án đầu tư xây dựng mà tách thành dự án độc lập, do đây là hai tuyến đường bộ nằm ngoài ranh giới dự án, nhất là tuyến số hai không kết nối trực tiếp với cảng, để tránh phát sinh sự phức tạp trong quá trình thực hiện, gây chậm trễ tiến độ triển khai. Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án có thể hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025, nhưng nhiều ý kiến băn khoăn vì thời gian cần thiết để hoàn thành các bước trước khi khởi công còn khá dài. Hơn nữa, việc giải ngân trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng do UBND tỉnh Ðồng Nai thực hiện đến tháng 8-2019 mới chỉ đạt 1,07% (khoảng 123 tỷ đồng) mức vốn được giao và dự kiến hết năm 2019 chỉ đạt 15,75%. Do vậy, đề nghị Chính phủ có các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt tiến hành công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để bàn giao kịp tiến độ phục vụ công tác thi công dự án.

Giai đoạn 1 được phân thành bốn nhóm hạng mục đầu tư, theo đề nghị của Chính phủ, các hạng mục được giao Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp, hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Ðại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) và nhiều đại biểu nhấn mạnh, đây là công trình quan trọng quốc gia, liên quan quốc phòng, an ninh quốc gia, cho nên việc lựa chọn nhà đầu tư cần thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm cơ sở pháp lý. Bên cạnh đó, việc sử dụng vốn đầu tư cần không được gây nợ xấu, không làm tác động đến nợ công, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ đối với các khoản vay của doanh nghiệp, bảo đảm vai trò chủ đạo của Nhà nước trong việc đầu tư, quản lý khai thác cảng.

Chiều qua, QH thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Phần lớn ý kiến đại biểu nhất trí với chủ trương đầu tư, đồng thời nhấn mạnh: Việc xây dựng hồ chứa nước lớn, sử dụng lâu dài trên địa bàn thường xuyên chịu khô hạn như huyện Hàm Thuận Nam để đạt các mục tiêu mà Chính phủ dự kiến, sẽ tạo bước chuyển biến quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận trong bối cảnh biến đổi khí hậu rất phức tạp hiện nay. Ðại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) và nhiều đại biểu nhấn mạnh, diện tích rừng đặc dụng cần chuyển đổi khi triển khai dự án là 162,55 ha, nhưng chỉ chiếm 0,6% diện tích lâm phần, thuộc ranh giới phía ngoài của khu bảo tồn. Mặt khác, chất lượng rừng ở mức trung bình, ít có loài thực vật, động vật nguy cấp, quý hiếm sinh sống thường xuyên. Khu vực xây dựng lòng hồ cũng không có tài nguyên khoáng sản hay di tích lịch sử văn hóa, công trình kiến trúc phải bảo vệ, bảo tồn; điều kiện về địa hình, địa chất khu vực này thuận lợi cho việc xây dựng hồ chứa nước. Tuy nhiên, quá trình xây dựng dự án cần hạn chế tác động đến môi trường, hệ sinh thái, bảo đảm phù hợp về điều kiện lâm sinh và đa dạng sinh học đối với diện tích rừng trồng mới, bảo đảm an toàn và hiệu quả kinh tế.

Trong dự thảo luật quy định người có tài năng trong hoạt động công vụ là cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn vượt trội, có đóng góp lớn, hiệu quả cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lĩnh vực công tác mà ít người đạt được. Tôi cho rằng quy định như vậy còn rất chung chung, không có định lượng và khó tổ chức thực hiện, chắc chắn khó có sự thống nhất khi xem xét người có tài năng trong hoạt động công vụ ở mỗi cơ quan, địa phương khác nhau.

Ðại biểu Huỳnh Cao Nhất (Bình Ðịnh)

Liên quan những quy định về công tác tuyển dụng, tôi thấy gần như không có gì mới, dự thảo luật chưa giải quyết được những vướng mắc hiện nay. Qua tham khảo quy định của nước ngoài, cho thấy việc tuyển dụng đơn giản, nhưng hiệu quả. Trong quá trình làm việc, nếu người được tuyển không thực hiện được nhiệm vụ thì phải nghỉ việc. Ở nước ta, việc tuyển dụng rất hoành tráng, tổ chức kỳ thi, ca-mê-ra lắp khắp nơi, an ninh canh gác chặt chẽ, việc ra đề thi cũng bảo vệ rất nghiêm ngặt nhưng tiêu cực vẫn xuất hiện. Tất cả các khâu có thể làm rất nghiêm nhưng chỉ một khâu là chấm thi có tiêu cực sẽ làm sai lệch tất cả.

 

Ðại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận)

 
Baolamdong.vn 
Lượt xem: 1.688
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003895157
  •  Đang online: 59
  •  Trong tuần: 59
  •  Trong tháng: 109.876
  •  Trong năm: 1.196.532