Bài 2: “Chạy chức chạy quyền” thực chất là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ In trang
24/10/2019 09:33 SA

Bài 2: “Chạy chức chạy quyền” thực chất là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ

(ĐCSVN) – Chạy chức, chạy quyền cần xác định rõ vấn đề “chạy ai, ai chạy?”. Đây cũng là nội dung được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “đặt hàng” các chuyên gia và các cơ quan chức năng trong nhiều hội nghị để đi tìm rõ nguyên nhân “trị bệnh”.

 Ngăn chặn mối nguy hại lớn cho Đảng trước kỳ Đại hội

Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS,TS Nguyễn Văn Giang, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) xung quanh vấn đề này.

PGS.TS Nguyễn Văn Giang trao đổi với phóng viên. 

Bản chất vẫn là tham nhũng

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ đã và đang gây ra nhiều hiện tượng tiêu cực, ảnh hưởng xấu tới công tác cán bộ. Từ những nghiên cứu của mình, đồng chí có nhận định gì về vấn đề này?

PGS.TS Nguyễn Văn Giang: Vấn nạn chạy chức, chạy quyền đã được đề cập từ rất lâu. Đến nhiệm kỳ Đại hội XI và Đại hội XII, Đảng ta rất chú trọng đến các biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng đã xem tình trạng “Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội”, “sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi” là những biểu hiện cụ thể phản ánh suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Phát biểu tại nhiều Hội nghị chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng và các hội nghị về công tác xây dựng Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần đề cập tới tệ nạn này. Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 7, khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nêu rõ: “Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ; thiếu gương mẫu, chưa thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân; vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ, quản lý doanh nghiệp thiếu ý chí tu dưỡng, rèn luyện, thậm chí lợi dụng sơ hở, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi”.

Kết thúc Hội nghị Trung ương 7, khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Trong đó, nêu rõ: “Nhận thức sâu sắc về tác hại nghiêm trọng của tệ chạy chức, chạy quyền, coi đây là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ. Nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền. Coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và danh dự của cán bộ để hình thành văn hoá không chạy chức, chạy quyền”.

Nghị quyết cũng yêu cầu cần phải nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các đối tượng có biểu hiện, hành vi này.

PV: Vậy thưa đồng chí, chạy chức, chạy quyền thực chất là một biểu hiện của tham nhũng trong công tác cán bộ?

PGS.TS Nguyễn Văn Giang: Chạy chức, chạy quyền thực chất là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ như Nghị quyết Trung ương 7 đã nhận định. Tham nhũng trong công tác cán bộ vừa có những điểm chung của tham nhũng nói chung, vừa có những đặc thù về hành vi, về “vụ lợi” so với tham nhũng trong các lĩnh vực khác, nhất là so với tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế.

Nếu như tham nhũng trong các lĩnh vực khác thường là những hành vi vụ lợi vật chất, tiền bạc, được luật pháp quy định rõ thành những hành vi cấu thành tội phạm, thì tham nhũng trong công tác cán bộ nhiều khi thuộc loại “tham nhũng quyền lực”, “tham nhũng quan hệ”, vụ lợi tinh thần, rất khó kết luận là tham nhũng, lại càng khó khởi tố, xét xử, như những chuyện “cả họ làm quan”, “cả nhà làm quan”, “nâng đỡ không trong sáng”...

Cái lợi người ta nhận được ở đây suy cho cùng vẫn là lợi ích vật chất, nhưng biểu hiện ra lại là lợi ích phi vật chất. Tuy nhiên, về bản chất, những hành vi, hiện tượng đó vẫn là tham nhũng vì đều là “hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”, vi phạm kỷ luật của Đảng, gây hại cho Đảng, Nhà nước, nhân dân, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, cần phải kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn.

Thực tế cho thấy tham nhũng trong công tác cán bộ diễn ra ở nhiều khâu của công tác cán bộ với rất nhiều cách thức từ đơn giản, trắng trợn đến tinh vi; từ dễ nhận thấy đến mập mờ tốt xấu, đúng sai không dễ nhận ra.

Khó nhận diện, nhưng tác hại vô cùng lớn

PV: “Chạy” trong công tác cán bộ dẫn tới những nguy hại gì cho tổ chức, cho Đảng, thưa đồng chí?

PGS.TS Nguyễn Văn Giang: Bây giờ người ta, đã phải “chạy” từ chức trưởng phòng lên đến chức phó giám đốc và giám đốc sở, rồi lên đến bí thư, chủ tịch tỉnh, xong rồi lên đến Trung ương. Tức là từ chức bé đã phải chạy. Cứ như thế này sẽ làm hỏng công tác cán bộ. Nếu mà lên đến Trung ương vẫn còn tư duy chạy thì rất nguy hại.

Cái lợi ích thu được từ mua bán quyền được nhiều khi không phải là tiền, tất nhiên có một bộ phận nhận tiền thế nhưng trong quan hệ gia đình anh em, thân quen tạo điều kiện cho nhau thì không phải là tiền. Nhưng sau đó, người ta vẫn thu được lợi từ các mối quan hệ từ sự giúp đỡ nhau kiểu như “hôm nay tôi giúp anh, lần sau anh giúp lại tôi”, những trường hợp đó khó nhận diện và cũng không kết tội.

Đặc điểm tham nhũng trong công tác cán bộ khác hẳn với tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế xã hội. Đây là dạng tham nhũng quyền lực. Tham nhũng trong công tác cán bộ có nhiều biến dạng, khi đã phát hiện ra thì cũng rất khó kết tội.

Tuy khó nhận diện nhưng việc chạy chức chạy quyền có tác hại vô cùng lớn, làm băng hoại toàn bộ hệ thống, mà nguy hiểm nhất là làm hỏng toàn bộ đội ngũ cán bộ.

PV: Phân tích của đồng chí cho thấy, “chạy” có lẽ là biểu hiện rõ nhất của tham nhũng trong công tác cán bộ. Đồng chí có thể cho biết những hình thức “chạy” phổ biến hiện nay là gì?

PGS.TS Nguyễn Văn Giang: Đúng vậy, “chạy” là biểu hiện rõ nhất của tham nhũng trong công tác cán bộ hiện nay. “Chạy” gắn liền với nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ trong công tác cán bộ, dẫn đến tình trạng “mua quan, bán chức”. Trong các khâu của công tác cán bộ đều có hiện tượng “chạy”, như: Chạy quy hoạch, chạy đi học, chạy luân chuyển; chạy phiếu bầu, phiếu tín nhiệm, chạy bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử; chạy nhận xét, đánh giá; chạy nâng ngạch, nâng lương; chạy bằng cấp; chạy huân chương...

“Chạy” dường như đã thành luật ngầm ai cũng biết nhưng ngại nói ra. Đối tượng trực tiếp của các hành vi tham nhũng này là “người được chạy”, “người chạy” và các “đối tác” liên quan. “Người được chạy” là thủ trưởng trực tiếp có thẩm quyền quyết định các khâu của công tác cán bộ; là tập thể cấp ủy hoặc tập thể lãnh đạo có thẩm quyền quyết định công tác cán bộ; là cá nhân hoặc cơ quan tham mưu công tác tổ chức cán bộ, đặc biệt là người ở các vị trí then chốt nắm thông tin về nhân sự. “Người chạy” cũng vì mục đích vụ lợi cho bản thân, có thể là hành vi cá nhân hoặc hành vi tập thể kiểu “chạy theo dây”.

Chạy ai, ai chạy?

PV: Thưa đồng chí, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhiều lần nêu câu hỏi: chạy ai, ai chạy? Từ góc độ nghiên cứu, đồng chí có những nhận diện gì về vấn đề này?

PGS.TS Nguyễn Văn Giang: Chạy ai, ai chạy thì trong thực tế đã có câu trả lời. Chạy ai thì phải chạy người có quyền quyết định trong công tác cán bộ. Hiện nay, người có quyền quyết định trong công tác cán bộ của ta, về mặt chung là Ban chấp hành, nhưng thực chất quyền lực là do ban thường vụ. Nhưng phải nói thật, trong ban thường vụ cũng chưa phải là cuối cùng, chốt lại là phải chạy đồng chí đứng đầu, tức là đồng chí bí thư.

Theo tôi, người đứng đầu có nghĩa là đồng chí bí thư có thể quyết định được 95%. Bởi vì bí thư là người chủ trì. Chủ trì tức là có quyền đề xuất nhân sự. Thứ hai là bí thư có quyền đi vận động. Ba là bí thư có quyền quyết định thời điểm. Một Ban thường vụ của một tỉnh ủy, huyện uỷ biết nhau hết, cho nên nhân sự của bí thư đưa ra là “chúng em” ủng hộ thôi.

Tóm lại, chạy ai thì phải chạy người có quyền quyết định. Còn ai chạy đó là người có nhu cầu. Đó là những phần tử cơ hội, ngoài ra cũng có những người không cơ hội tí nào, nhưng họ có nhu cầu, họ muốn cống hiến, thậm chí có những anh cảm thấy mình có đủ năng lực, đủ tiêu chuẩn đấy, nhưng bây giờ cả làng chạy, mình không chạy cũng không yên tâm. Giờ đây, việc “chạy” đã kéo cả những người nghiêm túc và như vậy là rất nguy hiểm. Nạn “chạy” góp phần làm hình thành, nuôi dưỡng một loại cán bộ cơ hội, thăng tiến bằng “chạy” và cũng làm xuất hiện một bộ phận cán bộ không lo làm tốt chức trách nhiệm vụ mà chỉ lo “đầu tư” xây dựng các “quan hệ” để “chạy” khi cần.

PSG.TS Nguyễn Văn Giang

Muốn được bố trí, bổ nhiệm vào chỗ này, chỗ kia có nhiều lợi lộc, danh giá, nhưng thiếu tiêu chuẩn, điều kiện để bố trí, bổ nhiệm thì phải “chạy”. Nhưng tệ hại là cái “lệ” này còn làm cho cả những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện, rất nghiêm túc cũng phải “chạy” mới yên tâm.

Từ những cán bộ “chạy” để có quyền lực, còn dẫn đến hệ lụy tệ hại là làm vô hiệu hóa đường lối, chủ trương, chính sách và các quy định đúng đắn trong công tác cán bộ của Đảng; gây nhức nhối dư luận; làm hư hỏng đội ngũ cán bộ; làm mất niềm tin của nhân dân và của chính đội ngũ cán bộ, gây hậu họa khôn lường cả trước mắt và lâu dài.

Có những trường hợp chạy ngay trong hội nghị, tất cả những người dự họp mỗi người có một phong bì. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm lại có hai đối thủ, dẫn đến cái chuyện người ta nhận được hai cái phong bì, và khi mở ra thì không bị nào nặng hơn thì tôi bỏ phiếu cho ông.

Trong khi đó, cơ chế và quan hệ của chúng ta hiện nay rất khó có ai dũng cảm đứng ra tố cáo. Bởi tố cáo cũng không được gì, thậm chí còn đem hại vào thân. Do đó, rất hiếm trường hợp đứng ra tố cáo. Họ sẽ cân đối các mối quan hệ và lại thấy im lặng sẽ là hơn, do đó người “chạy” lại “thắng”.

Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ theo hướng đa chiều 

PV: Vậy theo đồng chí, để ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực như trên, chúng ta cần có những giải pháp nào để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền?

PGS.TS Nguyễn Văn Giang: Để ngăn chặn các hành vi, hiện tượng tiêu cực trong công tác cán bộ, Đảng ta đã ban hành nhiều quy định như: Quy định những điều đảng viên không được làm; Quy trình 5 bước về luân chuyển cán bộ…; gần đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Đó là những cơ sở để chúng ta quản lý chặt chẽ công tác cán bộ và cũng là cơ sở để xử lý khi cán bộ vi phạm. Quy định 205 ban hành thời điểm này là rất kịp thời để ngăn chặn nạn chạy chức, chạy quyền đang gây nhức nhối trong xã hội.

Tuy nhiên, theo tôi, phải kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ theo hướng đa chiều. Đó là kiểm soát bằng thể chế kết hợp với kiểm soát bằng đạo đức, trách nhiệm; kiểm soát bên trong của tổ chức kết hợp với kiểm soát bên ngoài của nhân dân, xã hội; kiểm soát của bên trên đối với bên dưới kết hợp với kiểm soát của bên dưới đối với bên trên; kiểm soát trong Đảng đồng bộ với kiểm soát của mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị, trong mọi tổ chức của xã hội. Trong đó, cần chú trọng kiểm soát quyền lực của cấp ủy, thường trực cấp ủy.

Đó còn là kiểm soát của tổ chức kết hợp với thúc đẩy tự kiểm soát của cá nhân cán bộ; kiểm soát của cơ quan chuyên trách việc kiểm soát quyền lực kết hợp với cơ quan không chuyên trách; kiểm soát của cơ quan quyền lực kết hợp với kiểm soát của báo chí, dư luận xã hội.

Một giải pháp rất cần thiết nữa để kiểm soát quyền lực là phải đổi mới cơ quan kiểm tra Đảng và Thanh tra Nhà nước để thiết lập cơ chế kiểm soát quyền lực mạnh nói chung, trong công tác cán bộ nói riêng. Vấn đề ở đây là thiết lập cơ quan kiểm tra, thanh tra đủ thẩm quyền để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, độc lập tương đối với cấp ủy, cơ quan hành chính.

Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát phải độc lập và tăng quyền. Hiện nay, ở chúng ta Ủy ban Kiểm tra do cấp ủy bầu ra, nhân sự ủy viên ủy ban do cấp ủy thông qua, rồi Ủy ban Kiểm tra lại kiểm tra lại cấp ủy thì tính khách quan sẽ như thế nào? Cơ quan thanh tra cần chuyển thành Thanh tra Nhà nước trực thuộc Quốc hội, Hội đồng nhân dân để có tính độc lập và phát huy được vai trò kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu cơ quan hành chính…

PV: Xin cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn!

Hiền Hòa (thực hiện)

Lượt xem: 2.015
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003977219
  •  Đang online: 80
  •  Trong tuần: 12.900
  •  Trong tháng: 56.443
  •  Trong năm: 1.278.594