Bài 2: Học và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể In trang
23/10/2019 01:54 CH

(ĐCSVN) - Đi vào những việc cụ thể, đó là cách nhiều cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố Hà Nội thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Với mong muốn nâng cao chất lượng phục vụ và làm cho Nhân dân ngày càng hài lòng hơn nữa khi đến với chính quyền, Nam Từ Liêm là đơn vị đầu tiên triển khai thực hiện “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm”. (Ảnh: TH)

 

Người dân được hưởng lợi

Với mong muốn nâng cao chất lượng phục vụ và làm cho Nhân dân ngày càng hài lòng hơn nữa khi đến với chính quyền, năm 2016, quận Nam Từ Liêm là đơn vị đầu tiên trong số 30 quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội triển khai thực hiện “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm”. Theo đó, thời gian qua, quận và UBND các phường đã xây dựng và thực hiện phương châm hành động “5 biết” (biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi và biết cảm ơn); “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả); “3 không” (không chậm trễ giải quyết hồ sơ và công việc; không sách nhiễu, phiền hà nhân dân; không để tổ chức, công dân đi lại nhiều lần) và “10 nguyên tắc giao tiếp với công dân”.

Có lẽ một trong những việc làm ấn tượng nhất là những lá thư, như: "Thư xin lỗi" gửi đến các tổ chức, cá nhân khi chính quyền giải quyết còn chậm, chưa đúng với lịch hẹn, chưa giải quyết kịp thời công việc hành chính cho nhân dân; rồi gửi “Thư cảm ơn”, “Thư chúc mừng”, hay “Thư chia buồn”… Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Hải cho rằng, tất cả những việc làm đó tuy nhỏ nhưng đều mang một ý nghĩa lớn là thể hiện sự quan tâm của chính quyền, cơ quan đối với các tổ chức, cá nhân và người dân. Đây là một việc làm chưa có trong tiền lệ ở cấp chính quyền xưa nay. Nó thực sự đã mang lại những thiện cảm từ người dân, rút ngắn khoảng cách giữa những người thực thi công quyền với người dân.

Tại huyện Chương Mỹ, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định đổi mới phương thức lãnh đạo gắn với thực hiện Chỉ thị 05 phải bắt đầu từ những việc làm cụ thể, từ những người đứng đầu, mà trong đó Thường trực Huyện ủy và Ban Thường vụ Huyện ủy phải chủ động đổi mới, làm trước để nêu gương. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Chương Mỹ Trịnh Tiến Tường cho biết, việc đổi mới bắt đầu từ sự chủ động nắm bắt tình hình và giải quyết những vấn đề đặt ra ở cơ sở. Chiều thứ sáu hằng tuần, tất cả những vấn đề phát sinh trên địa bàn được tổng hợp và thủ trưởng các cơ quan liên quan báo cáo Thường trực Huyện ủy xem xét, chỉ đạo giải quyết vào thứ hai tuần kế tiếp. Tại buổi họp, lãnh đạo huyện trao đổi trực tiếp nhằm giải quyết từng vấn đề đặt ra, kết luận theo vụ việc. Ban Thường vụ Huyện ủy không chỉ đạo chung chung, mà đi vào từng việc cụ thể. Nhờ đó huyện đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, nổi bật là về xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện đã vượt chỉ tiêu 80% số xã trong huyện đạt chuẩn.

Tương tự, mô hình học tập, làm theo Bác của phường Trung Hòa cũng là một trong những điển hình về thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ở quận Cầu Giấy. Chủ tịch UBND phường Trung Hòa Lai Mạnh Tiến thông tin, hơn 1.200 cán bộ, đảng viên trong phường đã đăng ký nội dung phấn đấu làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua những việc làm cụ thể, gắn với nhiệm vụ chuyên môn được giao. Cán bộ, công chức UBND phường đều chủ động rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính từ một đến năm ngày, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp… Nhờ cải cách hành chính, những năm qua, số thu ngân sách của phường đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao.

Tại Quận ủy Long Biên, đồng chí Nguyễn Thế Thạch, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy cho biết, Ban Tuyên giáo đã chú trọng tham mưu việc thực hiện Chỉ thị 05 gắn với thực hiện Quy định 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Cụ thể, bằng việc công khai kế hoạch tu dưỡng để Nhân dân giám sát, góp ý; thực hiện chủ đề năm 2019 “Tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân”, người đứng đầu các cấp tích cực sâu sát cơ sở, nghiêm túc thực hiện quy định đối thoại, tiếp dân, nhất là tổ chức đối thoại chuyên đề; tăng cường công tác kiểm tra hiện trường, trực tiếp xác minh và giải quyết triệt để các vấn đề dân sinh bức xúc, dư luận xã hội phản ánh theo hướng ngành nào, cấp nào được dư luận Nhân dân phản ánh đều phải có văn bản trả lời cụ thể. Công việc này được kiểm soát hàng tháng. “Sau 3 năm triển khai Chỉ thị 05, những vấn đề xã hội được Ban Tuyên giáo Quận ủy tham mưu chỉ đạo với 439/502 nội dung được UBND quận, các ngành, các địa phương giải quyết đạt 98,2%”. đồng chí Nguyễn Thế Thạch chia sẻ.

Lãnh đạo quận Long Biên trực tiếp tham gia vệ sinh môi trường cùng đội tình nguyện. (Ảnh: TH)

Cách làm của quận Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Long Biên,… có khác nhau, song đều có điểm chung là đưa việc học tập và làm theo gương Bác Hồ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trở thành thường xuyên, gắn bó mật thiết với công việc chuyên môn. Những việc làm thiết thực, ích nước, lợi dân, tạo chuyển biến mà chủ thể được hưởng lợi chính là Nhân dân đã tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, giúp các địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Qua đó, góp phần tăng cường kỷ luật, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, xây dựng hình ảnh người cán bộ chuẩn mực.

Góp phần làm đẹp hình ảnh Thủ đô

Không chỉ làm “đúng bài”, “tròn vai”, từ sự gương mẫu của những người đứng đầu cũng như những cán bộ, đảng viên đã thực sự lan tỏa xuống cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội. Vì vậy, nhiều địa phương, đơn vị đã chủ động sáng tạo, tìm ra nhiều mô hình mới đem lại hiệu quả thiết thực, tạo nên những hình ảnh đẹp cho Thủ đô.

Tiêu biểu như tại huyện Đan Phượng, huyện đầu tiên của Thủ đô đạt chuẩn nông thôn mới. Trước khi có bộ tiêu chí mới và hướng dẫn của thành phố, huyện đã triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại các xã: Song Phượng, Đan Phượng, Liên Trung với những điểm nhấn: Đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, Nhân dân đồng thuận.

Có dịp về Đan Phượng những ngày hè, chúng tôi như “lạc trôi” trước vẻ đẹp bình yên khi đi trên những “con đường bích họa” ở thôn Đông Khê, xã Đan Phượng. Hình ảnh con ngõ cũ nát, nham nhở quảng cáo đã được thay màu áo mới với những bức tranh bích họa đầy màu sắc với những gam màu tươi sáng của ký ức với mái đình, gốc đa, đầm sen, những hình ảnh về làng quê bình dị thân thuộc, những bức họa hướng đến việc tuyên truyền bảo vệ môi trường Xanh - Sạch - Đẹp được khắc họa bằng những nét vẽ chi tiết, tỉ mỉ đầy chân thực… Chúng tôi được người dân cho biết, từ khi có con đường mới, mỗi người dân lại ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, tạo cảnh sắc không gian xanh sạch cho khu phố, con ngõ…Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, nhờ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của Nhân dân, đến nay “Con đường bích họa” không chỉ có ở xã Đan Phượng mà nó đã được nhân rộng ra nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện và đã lan sang các địa phương khác, tạo nên những cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Những con đường bích họa bây giờ không chỉ có ở Đan Phượng mà đã lan rộng ra nhiều xã, phường ở Hà Nội. (Ảnh: TH)

Tại huyện Thanh Oai, Hội Liên hiệp Phụ nữ của huyện lại chọn việc tích cực tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh song hành với việc giúp nhau làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Đến nay, trên địa bàn huyện có 52 đoạn đường phụ nữ tự quản, trong đó, có 46 đoạn đường phụ nữ xanh, sạch, đẹp, 16 đoạn đường nở hoa. Mô hình “Sạch đồng ruộng” đã có 21 xã ký cam kết các tiêu chí thực hiện, thu gom 7,2 tấn rác thải, túi ni-lông, vỏ thuốc bảo vệ thực vật... góp phần giữ gìn, bảo vệ môi trường.

Ở quận Cầu Giấy, Bí thư Đảng ủy phường Mai Dịch Lê Xuân Thứ cho biết: Qua 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy phường, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã có nhiều hoạt động, các mô hình hay, việc làm tốt để thiết thực triển khai thực hiện đến toàn thể cán bộ, hội viên và Nhân dân. Cụ thể, mô hình 1 ban công tác mặt trận đảm nhận duy trì tổng vệ sinh môi trường đối với một tuyến ngõ, phố do mình phụ trách. Vận động cán bộ, hội viên và Nhân dân tham gia trang bị hệ thống camera từ đầu đến cuối ngõ để đảm bảo tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường của Nhân dân trong ngõ… Hội Liên hiệp phụ nữ với mô hình bảo vệ môi trường như “Góc xanh”, “tiết kiệm đồ tái chế trồng cây xanh bảo vệ môi trường”, mô hình 3T “Tận dụng – Tái chế - Thân thiện”, mô hình “Ngõ hoa” đã thu hút hàng nghìn cán bộ, hội viên tích cực tham gia, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội có các mô hình tiết kiệm, tham gia bảo vệ môi trường, chi hội phụ nữ văn minh trong việc cưới, việc tang; Thành đoàn Hà Nội có mô hình “điểm trông giữ xe đúng giá hoặc miễn phí”, mô hình “Sổ vàng làm theo lời Bác”, “Công trình thanh niên làm theo lời Bác”… phù hợp với từng khu vực, từng đối tượng; Đoàn Thanh niên quận Ba Đình xây dựng mô hình biến các “chân rác” thành vườn hoa;...

Có thể nói, bằng hành động thiết thực, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội đã cụ thể hóa nội dung Chỉ thị số 05-CT/TW bằng những công việc rất đời thường nhưng lại có sự lan tỏa, góp phần thôi thúc cán bộ, đảng viên, người lao động và mỗi người dân tự giác rèn luyện, hoàn thiện bản thân để làm được nhiều việc có ích cho cơ quan, đơn vị, Nhân dân và chính bản thân mỗi người./.

(Còn nữa)

Thu Hà

 

Lượt xem: 1.447
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003901247
  •  Đang online: 58
  •  Trong tuần: 1.814
  •  Trong tháng: 115.966
  •  Trong năm: 1.202.622