5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII: Từ "chiếc gương soi" đến những dấu ấn đột phá In trang
05/05/2022 01:49 CH

Loạt bài "5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII: Từ "chiếc gương soi" đến những dấu ấn đột phá" của nhóm tác giả Tấn Tuân - Hoàng Tiến - Bá Hiên - Hồng Thạnh (Báo Quân đội nhân dân) đoạt Giải B - Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng). Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả  đoạt giải B.

Việc ban hành, thực hiện Nghị quyết Trung ương (NQTƯ) 4, khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” là dấu ấn lớn, thể hiện tư duy và quyết tâm chính trị của Đảng trong tiến hành công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sau 5 năm (2016-2021) triển khai thực hiện, bên cạnh kết quả và chuyển động mạnh mẽ, có tính đột phá trong thực tiễn, tổ chức đảng các cấp còn đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Báo Quân đội nhân dân đã tiến hành khảo sát, trao đổi thông tin đa chiều với gần 20 Đảng bộ địa phương trực thuộc Trung ương và nhiều lãnh đạo, cơ quan chức năng thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước để thực hiện loạt bài này. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc!

Bài 1: "Chiếc gương" chiếu khuyết tật

Từ khi bắt đầu đổi mới đến trước Đại hội lần thứ XII của Đảng, vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên liên tục được Đảng ta cảnh báo. Thế nhưng dư luận vẫn băn khoăn không biết rõ hình hài của “một bộ phận không nhỏ” nằm ở đâu, làm thế nào để “chỉ mặt điểm tên” bộ phận ấy? Và NQTƯ 4, khóa XII được ban hành với việc xác định 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” được ví như một "chiếc gương soi chiếu" giúp nhìn rõ hơn về “một bộ phận không nhỏ” ấy.

Rõ hình hài “một bộ phận không nhỏ”

Việc cảnh báo về tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở đội ngũ cán bộ, đảng viên được Đảng ta thẳng thắn nhận diện từ rất sớm. Từ Đại hội VI đến Đại hội X, Trung ương đã chỉ ra với không ít biểu hiện tiêu cực ở cán bộ, như: Lối sống thực dụng, dối trá, ích kỷ, ăn bám, chạy theo đồng tiền; giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, dao động, mất lòng tin, tha hóa về phẩm chất đạo đức... Thế nhưng, những biểu hiện này chưa được xướng tên một cách hệ thống.

Đến Đại hội XI, Đảng ta khẳng định: Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt, NQTƯ 4, khóa XII là sự tiếp nối những thách thức đã đặt ra từ rất nhiều đại hội, hội nghị Trung ương trước đây, nhưng có sự phát triển đột phá là xác định rõ những biểu hiện suy thoái. Điều này cho thấy, đây là nguy cơ đeo đẳng suốt tiến trình xây dựng, phát triển của Đảng, là vấn đề sống còn, buộc Đảng phải thường xuyên tu sửa, chỉnh đốn. Cái mới là Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách hệ thống 27 biểu hiện cụ thể của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đây là căn cứ quan trọng để Đảng ta tiến hành một cuộc tầm soát, chẩn đoán những yếu kém, khuyết tật; làm cơ sở đánh giá đúng cán bộ, giúp thanh lọc đội ngũ, chỉnh đốn lại tổ chức ở quy mô lớn, từ Trung ương tới cơ sở. Chính sự ra đời của NQTƯ 4, khóa XII giúp việc nhận diện các biểu hiện tiêu cực, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không còn là vấn đề hóc búa như trước, mà cơ bản đã rõ hình hài cả về mặt định dạng, định hình, định lượng, cả diện mạo lẫn bản chất của “giặc nội xâm” đặc biệt nguy hại này!

Còn nhớ, tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã rơi nước mắt, nghẹn ngào khi thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân về "một số khuyết điểm lớn" cả hiện tại lẫn ở các nhiệm kỳ trước. Đến Hội nghị Trung ương 4, khóa XII, việc thẳng thắn chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái là minh chứng sinh động cho cách nhìn toàn diện hơn hẳn của Đảng ta. Cũng từ đây, “một bộ phận không nhỏ” lần lượt bị lôi ra ánh sáng. 

Thực tiễn đã chứng minh, không chỉ ở Trung ương, mà từ đảng bộ cấp tỉnh, thành phố đến cơ sở, việc thực hiện NQTƯ 4, khóa XII được tiến hành nghiêm túc, quyết liệt, bài bản, hệ thống; nhất là việc nhận diện, đấu tranh, loại trừ “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái đã trở thành việc làm thường xuyên, quyết tâm chính trị của cả hệ thống. "Chiếc gương soi chiếu" những khuyết tật được các đảng bộ vận dụng triệt để, góp phần làm trong sạch đội ngũ, vững mạnh tổ chức. Đơn cử như ở Cao Bằng, Ban Thường vụ tỉnh ủy đã cụ thể hóa 27 biểu hiện thành 82 dấu hiệu dễ nhận biết để các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thuận lợi trong việc soi chiếu, nhận diện; chỉ đạo chặt chẽ việc tầm soát và xác định rõ những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong 5 năm, Ban Thường vụ tỉnh ủy gợi ý kiểm điểm đối với 18 tập thể, 33 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành và tương đương, yêu cầu 4 đơn vị báo cáo kết quả khắc phục những hạn chế đã được chỉ ra trong kỳ kiểm điểm. Các cấp có thẩm quyền xem xét, kết luận có biểu hiện suy thoái về tư tưởng đối với 1 đồng chí; có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống là 182 đồng chí; có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là 3 đồng chí. Trong xử lý, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thi hành kỷ luật hai đảng viên bằng hình thức khiển trách và cảnh cáo; Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 15 đảng viên, trong đó có 9 đảng viên vi phạm phải xử lý kỷ luật.

Thực hiện NQTƯ 4, khóa XII, hầu hết các cấp ủy cụ thể hóa 27 biểu hiện được Trung ương chỉ rõ thành các biểu hiện cụ thể để dễ nhận diện ở thực tiễn cơ sở. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn cụ thể hóa thành 135 biểu hiện cụ thể suy thoái và phổ biến, triển khai thực hiện trong toàn đảng bộ. Tỉnh ủy Trà Vinh vận dụng thành 82 nội dung biểu hiện nhỏ để các tập thể và cá nhân dễ đánh giá, nhận diện; đồng thời phân tích, làm rõ từng nội dung biểu hiện suy thoái để tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên. Tỉnh ủy Vĩnh Long cụ thể hóa 27 biểu hiện thông qua 2 phiếu tự đánh giá: Phiếu 1 gồm 12 biểu hiện nhưng chưa nghiêm trọng và 63 biểu hiện suy thoái; phiếu 2 chia ra 13 dấu hiệu vi phạm nhưng chưa nghiêm trọng và 29 dấu hiệu vi phạm. Tỉnh ủy Hậu Giang cụ thể hóa thành 71 dấu hiệu nhận biết với 3 mức độ khác nhau là không suy thoái, có lúc hay thường xuyên...

Qua 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết, việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, tăng cường kiểm tra, giám sát trên cơ sở 27 biểu hiện suy thoái đã giúp ban thường vụ, cấp ủy các cấp và đội ngũ cán bộ, đảng viên phát hiện, đấu tranh loại trừ và ngăn ngừa vi phạm. Trong 5 năm, Đảng thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó hơn 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng và nhiều cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Việc xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm đã tạo được niềm tin vững chắc trong nhân dân. Sự hoài nghi về “một bộ phận không nhỏ” được làm sáng tỏ, là cơ sở vững chắc để toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục quét sạch chủ nghĩa cá nhân, làm trong sạch đội ngũ, vững mạnh tổ chức.

Chẩn đoán đúng để có phác đồ chuẩn

Bài học từ câu chuyện của ông Nguyễn Xuân Anh ở TP Đà Nẵng 4 năm trước là một trong những dẫn chứng điển hình của biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Ở thời điểm Nguyễn Xuân Anh là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trong dư luận người dân thành phố xuất hiện tâm tư cho rằng, thành phố thời điểm ấy không còn được sự hào sảng, thân thiện như trước đây; nội bộ lãnh đạo biểu hiện nghi kỵ, mất đoàn kết, khiến nhân dân bất an, thiếu tin tưởng vào đội ngũ lãnh đạo thành phố. Người dân đặt câu hỏi cho việc chỉ trong khoảng thời gian ngắn, mặc dù chưa thể hiện tài năng, chưa có dấu ấn gì rõ rệt ở những vị trí công tác mà ông Nguyễn Xuân Anh đảm nhận, nhưng lại liên tục được cất nhắc, đặt vào vị trí quan trọng, vị trí sau cao hơn vị trí trước. Khi ông Nguyễn Xuân Anh bị kỷ luật cách chức, dư luận bày tỏ sự đồng tình cao với Trung ương, bởi một cán bộ cấp cao, thuộc tầng lớp "hậu duệ", tuổi đời còn trẻ, đã sa vào cám dỗ vật chất, nhận nhà, nhận xe của doanh nghiệp; khai khống bằng cấp, tác động vào cơ chế chính sách có lợi cho một nhóm người. Quả thực, nếu Trung ương không rốt ráo vào cuộc, nghiêm túc xem xét để kịp xử lý kỷ luật thì hậu quả thật khôn lường!

Năm 2016, dư luận xôn xao việc ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang sử dụng xe cá nhân Lexus trị giá hơn 5 tỷ đồng có gắn biển xanh sai quy định. “Bắt bệnh” từ biểu hiện suy thoái đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí Trung ương đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra, phát hiện nhiều sai phạm khác của ông Thanh. Cũng từ vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, các cơ quan chức năng phát hiện ra nhiều sai phạm trong công tác bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng cán bộ của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ. Ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương bị cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016, xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Kết quả từ việc chẩn đoán đúng “căn bệnh” suy thoái để chữa trị dứt điểm, xử lý đến tận cùng những sai phạm, nhất là cán bộ cấp cao, được dư luận hoan nghênh là minh chứng sinh động cho tính đúng đắn, kịp thời từ những chủ trương, giải pháp quyết liệt mà NQTƯ 4, khóa XII vạch định. Từ ánh sáng của nghị quyết, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cụ thể hóa ở cấp mình bằng kế hoạch, chương trình hành động sát thực tiễn cơ sở, đặc biệt trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, tự phê bình và phê bình; từ đó tạo bước chuyển biến đột phá mạnh mẽ trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Có thể thấy, qua 5 năm thực hiện NQTƯ 4, khóa XII đã có tác động mạnh mẽ làm chuyển biến sâu sắc nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và mỗi cá nhân phụ trách trong công tác xây dựng Đảng; tích cực đổi mới phương pháp lãnh đạo, lề lối tác phong làm việc, sâu sát cơ sở, nói đi đôi với làm, gương mẫu thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng và chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của mỗi đảng viên, cấp ủy viên, góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu nghị quyết đại hội đảng.

Theo đánh giá của Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng đã nghiêm túc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả NQTƯ 4, khóa XII. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã gương mẫu, nghiêm túc thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình; đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, chú trọng gợi ý kiểm điểm đối với những tập thể, cá nhân có biểu hiện vi phạm. Các ban Đảng, trực tiếp là Ban Tổ chức Trung ương làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn quán triệt, triển khai, sớm đưa NQTƯ 4, khóa XII vào cuộc sống. Các cấp ủy, tổ chức đảng dành thời gian thỏa đáng để kiểm điểm ở cấp mình, trực tiếp dự, chỉ đạo, gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý; coi trọng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với tổ chức đảng, đảng viên đạt kết quả khá toàn diện.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy các cấp kiểm tra hơn 264.000 tổ chức đảng và hơn 1,1 triệu đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với hơn 15.900 tổ chức đảng và hơn 47.700 đảng viên. Qua kiểm tra, cấp ủy các cấp thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 17.610 đảng viên.

Bài 2: Không còn “trên nóng, dưới lạnh”

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII như một “cú huých” để cả hệ thống chuyển động mạnh mẽ hơn, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, tạo thành phong trào toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia xây dựng Đảng.

Bước chuyển đồng bộ, rộng khắp

Nhiều năm trước, ở Đảng bộ xã Song Phụng (Long Phú, Sóc Trăng) tồn tại thực trạng một số cán bộ, đảng viên có tác phong làm việc xuề xòa, đùn đẩy trách nhiệm, đi muộn về sớm, đến cơ quan làm việc riêng... Theo đồng chí Huỳnh Văn Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Song Phụng, triển khai NQTƯ 4, khóa XII, Đảng bộ xã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện; phát huy tinh thần “tự soi, tự sửa” của cán bộ, đảng viên trong các kỳ họp chi bộ, cơ quan, đơn vị để khắc phục khuyết điểm; đăng ký, cam kết không có biểu hiện suy thoái. Qua 5 năm thực hiện, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có những chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét, cơ bản khắc phục được những khuyết điểm. Nhiều cán bộ, đảng viên phát huy tốt trách nhiệm, vai trò nêu gương, được nhân dân tin tưởng làm theo. Điển hình như đồng chí Nguyễn Văn Dễ, Phó bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác mặt trận ấp Phụng Sơn kiên trì tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp nâng cấp tuyến đường giao thông dài hơn 2.000m, rộng 4m, trị giá hơn 2 tỷ đồng. Đồng chí Bí thư Chi bộ ấp Phụng Tường 2 vận động bà con hiến hơn 1.300m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, trị giá gần 3 tỷ đồng.

Ngay sau khi NQTƯ 4, khóa XII được ban hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Lạc (Hòa Bình) tổ chức học tập, quán triệt, xây dựng triển khai kế hoạch thực hiện đến đội ngũ cán bộ chủ chốt. Trong đó, xác định rõ cấp ủy, người đứng đầu phải tiên phong, gương mẫu trong lối sống, có trách nhiệm, năng lực và tác phong chuẩn mực, nói đi đôi với làm để cán bộ, đảng viên và nhân dân noi theo. Đồng thời, yêu cầu các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành đảng bộ, bí thư cấp ủy, người đứng đầu địa phương, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn phải xây dựng kế hoạch hành động của cá nhân trong nhận diện, đấu tranh, đẩy lùi 27 biểu hiện suy thoái. Các cấp ủy đảng đều phải xác định trọng tâm, trọng điểm tập trung chỉ đạo; những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận bức xúc, có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" thì cấp trên gợi ý kiểm điểm, yêu cầu báo cáo giải trình và trực tiếp dự, chỉ đạo. Nội dung kiểm điểm tập trung làm rõ những hạn chế, yếu kém; liên hệ với những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; chỉ rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp và thời gian khắc phục.

Đồng chí Đinh Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy Tân Lạc cho biết: Cùng với đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, Ban Thường vụ huyện ủy chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền theo hướng "quyền hạn đến đâu, trách nhiệm đến đó"; phân định thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những biểu hiện, hành vi tiêu cực. Đặc biệt, để thực hiện hiệu quả nghị quyết, Ban Thường vụ huyện ủy chú trọng lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát, làm cho các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. 5 năm qua, các cấp ủy đảng đã xem xét và quyết định thi hành kỷ luật 13 đồng chí theo thẩm quyền.

Trong 5 năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh ban hành 18 văn bản; cấp huyện ban hành 382 văn bản; cấp xã ban hành 1.942 văn bản liên quan để triển khai, tổ chức thực hiện NQTƯ 4, khóa XII một cách đồng bộ, toàn diện. Công tác kiểm tra, giám sát được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, lấy phòng ngừa là chính, kiên quyết xử lý nghiêm tập thể, cá nhân thực hiện không đúng, không nghiêm, vi phạm các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Qua kiểm điểm, đánh giá, xếp loại đảng viên hằng năm; hướng dẫn nhận diện suy thoái của cơ quan tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, kết quả xử lý kỷ luật đảng viên, trong đảng bộ có 323 đảng viên suy thoái, trong đó, 147 đảng viên biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 123 đảng viên biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 53 đảng viên biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Đồng chí Phạm Hùng Thái, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Tây Ninh cho rằng, đối chiếu với 27 biểu hiện mà NQTƯ 4, khóa XII nêu, trong Đảng bộ tỉnh nổi lên những biểu hiện suy thoái, như: Nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng, lười học tập lý luận chính trị; không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; chưa chấp hành nghiêm quy định về những điều đảng viên không được làm; tự phê bình và phê bình còn biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, bỏ sinh hoạt đảng nhiều lần; tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi... Ban thường vụ và cấp ủy các cấp trong Đảng bộ tỉnh đã thi hành kỷ luật 23 tổ chức đảng; tổng số đảng viên bị thi hành kỷ luật là 466, trong đó, cấp ủy viên các cấp là 157.

Với cách làm quyết liệt, thận trọng nhưng có trọng tâm, trọng điểm đột phá, 17/17 đảng bộ cấp tỉnh, thành phố (trực thuộc Trung ương) mà chúng tôi tiến hành khảo sát đều thể hiện quyết tâm rất cao, cách làm rất quyết liệt, mạnh mẽ, không khoan nhượng, không có vùng cấm, không thỏa mãn dừng lại trong quá trình quán triệt, thực hiện NQTƯ 4, khóa XII suốt 5 năm qua.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII (tháng 6-2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Thời gian qua, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện NQTƯ 4, khóa XII đã đạt nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực, có sức lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng và toàn xã hội, được Đại hội XIII của Đảng đánh giá cao. Những kết quả tích cực đó góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị; xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, tiên phong, gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tạo ra những đột phá trong việc phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhiều vấn đề khó, hết sức phức tạp trong công tác xây dựng Đảng, nhất là việc chỉnh đốn Đảng, đã được đề cập nhưng chưa xử lý dứt điểm, hiệu quả thấp trong nhiều nhiệm kỳ trước thì đến nhiệm kỳ Đại hội XII được giải quyết có kết quả rõ rệt.

Cả hệ thống chính trị và toàn dân “xung trận”

Hội nghị Trung ương 4, khóa XII nhấn mạnh: Muốn nghị quyết này đi vào cuộc sống, tạo ra chuyển biến rõ rệt thì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng để tự giác thực hiện. Quán triệt sâu sắc tinh thần đó, cả hệ thống chính trị và nhân dân đã tích cực vào cuộc, tạo thành phong trào toàn dân tham gia xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Năm 2006, người dân xã Canh Nậu (Thạch Thất, Hà Nội) bức xúc trước những khuất tất trong việc triển khai cấp đất giãn dân của chính quyền. Gần 200 lô đất thuộc diện đất giãn dân đã được giao không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không đúng đối tượng. Không thể đứng nhìn sự dối trá của một số cán bộ đang ăn mòn niềm tin trong dân, gây thất thoát thuế của Nhà nước, bằng nghiệp vụ được tôi rèn trong quá trình công tác, sau một thời gian thu thập chứng cứ, tháng 10-2007, cựu chiến binh Nguyễn Trung Dật viết đơn báo cáo chi ủy Chi bộ thôn 1 và được chi ủy cho thông qua Chi bộ thôn 1 về việc vạch trần những sai phạm nêu trên. Hàng trăm lần, ông Dật đạp chiếc xe cà tàng đi hết lên xã, lên huyện rồi cả UBND tỉnh Hà Tây (trước đây), sau này đến UBND TP Hà Nội. Trải qua 10 năm với biết bao khó khăn, tủi cực, thậm chí cả sự trù dập, đe dọa, nhưng với niềm tin vào công lý, vào sự nghiêm minh của pháp luật, trong sạch của Đảng, cuộc đấu tranh của ông với những cán bộ biến chất đã có kết quả. Năm 2017, Văn phòng Chính phủ có chỉ đạo, yêu cầu Công an TP Hà Nội và các cơ quan có trách nhiệm giải quyết nghiêm nội dung tố cáo của cựu chiến binh Nguyễn Trung Dật. Một thời gian ngắn sau đó, cơ quan chức năng xác định: Những tố cáo, khiếu nại của đồng chí Nguyễn Trung Dật là có cơ sở; đồng thời ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đưa các đối tượng liên quan đến sai phạm trong việc cấp đất giãn dân tại xã Canh Nậu ra xét xử. Những cán bộ, đảng viên vi phạm đã phải nhận hình thức xử lý thích đáng.

Có một thực tế dễ thấy là các vụ việc tiêu cực, tham nhũng lớn thời gian qua hầu hết đều xảy ra ở các ngành, địa phương, nhưng lại không phải do người của ngành hoặc các cơ quan nơi đó phát hiện, càng không phải thông qua sinh hoạt Ðảng mà hầu hết là do quần chúng nhân dân và báo chí phát hiện, vào cuộc. Đã có những quyết định hết sức quan trọng được đưa ra xuất phát từ thông tin phản ánh ban đầu của một bài báo. Điển hình như từ chiếc xe ô tô cá nhân gắn biển xanh mà ông Trịnh Xuân Thanh sử dụng, cả một vụ án lớn về tham nhũng được phanh phui. Dù là lĩnh vực khó nhưng chủ đề về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí rất hấp dẫn đối với người cầm bút. Những tác phẩm báo chí trong lĩnh vực này như là sản phẩm tất yếu từ chủ trương đúng đắn của Đảng.

Theo lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện NQTƯ 4, khóa XII, những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã đồng hành cùng báo chí theo dõi, phát hiện và đấu tranh với những hành vi tham nhũng. Từ những bài báo điều tra chống tham nhũng, tiêu cực, Mặt trận Tổ quốc đứng ra kiến nghị với các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết những vấn đề, vụ việc mà báo chí nêu để có kết quả cuối cùng; tham gia giám sát, phản biện xã hội góp ý xây dựng Đảng, chính quyền, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong các nghị quyết của Đảng, chưa có nghị quyết nào đề cập việc phát huy vai trò của báo chí trong xây dựng Đảng nhiều và rõ như NQTƯ 4, khóa XII. Cũng chưa khi nào có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc chung tay cùng báo chí trong công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng như thời gian 5 năm gần đây, đóng góp đặc biệt quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng.

Có thể khẳng định, NQTƯ 4, khóa XII là kết tinh trí tuệ của Đảng và nhân dân ta, được xây dựng công phu, hoàn chỉnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với mục tiêu trọng tâm là “ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trở thành phong trào và xu thế chủ yếu, nghị quyết đã hội tụ được ý Đảng với lòng dân, huy động được sức mạnh của nhân dân. Quan điểm này được thể hiện rõ trong nghị quyết, đó là: Kiên quyết, kiên trì thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn; phát huy sự chủ động, sáng tạo và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân. Thực tiễn 5 năm qua đã chứng minh: Ở đâu trong hệ thống chính trị cũng quyết liệt, đề cao tinh thần đấu tranh mạnh mẽ, không khoan nhượng với những biểu hiện suy thoái, tiêu cực. Đó chính là một trong nhiều nguyên nhân giúp nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; vai trò, vị trí, uy tín của Đảng cũng vì thế được nâng lên rõ rệt, thể hiện ở cả trong nước và trên trường quốc tế.

Giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức 10 chương trình giám sát về các vấn đề, lĩnh vực có ý nghĩa cấp bách với toàn xã hội; phản biện một số văn bản quan trọng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức 721 cuộc giám sát, 784 hoạt động phản biện; cấp huyện tổ chức 6.404 cuộc giám sát, 4.403 hoạt động phản biện và cấp xã tổ chức 49.564 cuộc giám sát, 25.834 hoạt động phản biện. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp và nhân dân đã có 32.064 ý kiến góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Bài 3: “Bảo bối” giúp Đảng trong sạch, đội ngũ vững mạnh

Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương (NQTƯ) 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã góp phần quan trọng tạo bước chuyển biến toàn diện đối với công tác hệ trọng bậc nhất của Đảng. Đó có thể ví như “bảo bối” để giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức và đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng như niềm tin vững bền của nhân dân với Đảng.


Không có vùng cấm, không có ngoại lệ

 

NQTƯ 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ rõ tồn tại: “Việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật của Đảng chưa nghiêm, còn có biểu hiện “nhẹ trên, nặng dưới". Công tác quản lý cán bộ, đảng viên còn thiếu chặt chẽ. Nguyên tắc tập trung dân chủ ở nhiều nơi bị buông lỏng; nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm... Sự phối hợp giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử chưa chặt chẽ, xử lý chưa đủ nghiêm minh”. Trên cơ sở nhận diện rõ, tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, thực tiễn triển khai thực hiện nghị quyết 5 năm qua đã minh chứng sự quyết tâm, quyết liệt của Đảng ta trong việc chấn chỉnh đội ngũ và làm cho tổ chức đảng thêm trong sạch vững mạnh.

Có thể khẳng định, chưa bao giờ có số lượng lớn cán bộ bị xử lý kỷ luật như nhiệm kỳ qua. Hàng loạt cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước như bí thư, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, thứ trưởng, bộ trưởng, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, đến Ủy viên Bộ Chính trị vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước đã bị xử lý nghiêm minh. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng. Cụ thể, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự). Có cả những người trước kia được phong danh hiệu anh hùng, nhưng khi vi phạm vẫn bị Đảng ta xử lý nghiêm khắc, đúng như lời răn dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Đồng chí ta nhiều người đã làm được nhưng vẫn còn những người hủ hóa. Đảng có trách nhiệm gột rửa cho các đồng chí đó”.

Không chỉ có cán bộ cấp cao đương chức, mà cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu cũng bị truy tố trách nhiệm, xử lý nghiêm khắc khi vi phạm kỷ luật, nguyên tắc Đảng trong thời gian công tác. Chính bởi cách làm nghiêm minh này đã loại bỏ được “tư duy nhiệm kỳ” của một bộ phận cán bộ-một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị mà nghị quyết chỉ ra: Vướng vào "tư duy nhiệm kỳ", chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích.

Trong xử lý cán bộ vi phạm, Đảng ta nhất quán và quyết liệt thực hiện phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào; càng trên cao, càng giữ trọng trách thì càng phải xử lý nghiêm để nêu gương. Kết quả đó đã góp phần dập tan dư luận, cũng như khắc phục tồn tại “nhẹ trên, nặng dưới” trong xử lý cán bộ vi phạm mà NQTƯ 4, khóa XII chỉ rõ. Sự hoài nghi về “một bộ phận không nhỏ” được làm sáng tỏ, là cơ sở vững chắc để toàn Đảng, toàn dân tiếp tục quét sạch chủ nghĩa cá nhân, làm trong sạch đội ngũ, vững mạnh tổ chức.

Tại Phiên họp thứ 20 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (tháng 8-2021), các đại biểu bày tỏ sự đồng thuận rất cao, khẳng định: Công tác xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về xây dựng Đảng, quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được đẩy mạnh, góp phần tạo cơ sở chính trị-pháp lý đồng bộ, khả thi để phòng, chống tiêu cực một cách đồng bộ, hiệu quả.

Đánh giá đó là hết sức đúng đắn, sát thực tiễn và hợp lòng dân. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) thực hiện tháng 8-2020, có 93% người dân bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch đều trở nên trơ trẽn, nực cười. Qua kết quả khảo sát của Báo Quân đội nhân dân tại 16 đảng bộ cấp huyện thuộc đảng bộ 5 tỉnh, thành phố (Cần Thơ, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Điện Biên, Quảng Ngãi), cũng cho thấy, niềm tin của nhân dân dành cho tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ cơ sở được tăng cường theo hướng tích cực sau 5 năm thực hiện NQTƯ 4, khóa XII. Đó là một thành công lớn, một dấu ấn quan trọng, khẳng định uy tín lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng trong điều kiện mới.

Phá điểm yếu ở “khâu then chốt”

NQTƯ 4, khóa XII đã khẳng định hiệu lực, hiệu quả từ việc hàng loạt cán bộ, đảng viên vi phạm bị xử lý nghiêm minh. Nhưng cần khẳng định rằng, Đảng ta không lấy kỷ luật cán bộ là mục tiêu hàng đầu, mà thông qua đó để răn đe, giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn ngừa sai phạm. Việc kết hợp giữa “xây” và “chống” trên tinh thần lấy “xây” là nhiệm vụ cơ bản, lấy “chống” là nhiệm vụ thường xuyên thông qua kết hợp chặt chẽ giữa thực hiện NQTƯ 4, khóa XII với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong 5 năm qua tạo ra những thay đổi tích cực trong toàn hệ thống chính trị. Việc xây dựng cam kết, kế hoạch rèn luyện, tu dưỡng theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với trách nhiệm nêu gương được triển khai đồng bộ, sâu rộng, ngày càng trở thành việc làm chủ động, thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương tâm đắc: Điểm mới là trong tự phê bình và phê bình gắn với NQTƯ 4, khóa XII, chúng ta không làm từ trên xuống, không làm từ dưới lên, cũng không làm từ giữa ra mà tiến hành đồng thời ở các cấp, nghĩa là các cấp cùng tiến hành nhưng ở cấp nào cũng lựa chọn những trọng tâm, trọng điểm. Khi các cấp ủy chọn được trọng tâm, trọng điểm thì nhất thiết phải có gợi ý kiểm điểm sâu và cấp ủy phải chỉ đạo theo dõi sát sao. Ví dụ, Bộ Chính trị gợi ý kiểm điểm cho một số ban thường vụ tỉnh ủy. Tất cả những nơi được Bộ Chính trị gợi ý đều phân công một đồng chí ủy viên Bộ Chính trị về dự chỉ đạo, theo dõi và có các cơ quan Đảng chỉ đạo, giám sát. Ở các địa phương, tất cả vấn đề lớn, vấn đề nổi cộm, vấn đề được báo chí, dư luận công luận bức xúc, lên án đều được đưa vào chương trình kiểm điểm gắn với việc thực hiện NQTƯ 4, khóa XII. Các tỉnh ủy, thành ủy có quy định rõ, hằng tháng chi bộ sinh hoạt thì các đảng viên phải đối chiếu với 27 biểu hiện để tự phê bình và phê bình. Đến nay, 27 biểu hiện được hầu hết cán bộ, đảng viên nắm chắc để tự soi chiếu vào mình, từ đó phòng tránh, ngăn ngừa, đấu tranh.

Nhận định về sự chuyển biến tích cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương từng nhiều lần tâm huyết: Việc thực hiện NQTƯ 4, khóa XII không chỉ giúp tầm soát, thanh lọc đội ngũ, mà còn là dấu ấn rõ nét, tạo bước đột phá về nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên, thực hành đạo đức công vụ, từng bước xóa bỏ tình trạng nhũng nhiễu, hành dân, tham nhũng vặt... Về tổng thể, đội ngũ cán bộ đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cùng với phòng, chống các biểu hiện suy thoái, Đảng ta đặc biệt chú trọng công tác bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ. Thực tiễn cho thấy, nhiều nhiệm kỳ, Đảng nhận thức rất rõ vai trò của cán bộ và công tác cán bộ, nhưng vấn đề cán bộ luôn phức tạp, nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực và khó phát hiện, xử lý. Công tác cán bộ vẫn là khâu yếu và luôn là một trong những vấn đề bức xúc nhất mà dư luận xã hội quan tâm. Tại nhiều hội nghị, diễn đàn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Phải coi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc thường xuyên của Đảng.

Từ những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ đã được NQTƯ 4, khóa XII nêu ra, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tập trung rất cao để lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện việc rà soát, bổ sung, sửa đổi, ban hành hệ thống quy định, quy chuẩn, nguyên tắc, cách thức chấn chỉnh và đổi mới toàn diện về công tác cán bộ, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm số một, là nhiệm vụ thường xuyên của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành gần 130 văn bản quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có nhiều nghị quyết, quy định, quy chế, quy trình, hướng dẫn... về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Để cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của Trung ương, các cấp ủy cấp tỉnh ban hành hơn 6.200 văn bản các loại, trong đó có nhiều văn bản về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Việc ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết của Trung ương và cấp ủy các cấp đã từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ để thực hiện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao trong thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Nhìn lại kết quả lựa chọn cán bộ từ đại hội đảng các cấp vừa qua cho thấy, trong công tác cán bộ, nhân sự, Đảng ta áp dụng rất nhiều điểm mới quan trọng so với các nhiệm kỳ trước, trong đó có quy định tiêu chuẩn nhân sự tham gia cấp ủy, quy trình công tác nhân sự và đặc biệt là thực hiện giảm 5% số lượng cấp ủy viên cấp tỉnh, cấp huyện. Qua thực hiện cho thấy cấp tỉnh giảm 6,2%, cấp huyện giảm 11,6%, cấp cơ sở giảm 12,5% và qua đó góp phần giảm chi ngân sách hàng trăm tỷ đồng/năm. Điểm đáng chú ý, dù giảm số lượng cấp ủy nhưng chất lượng, hiệu quả lãnh đạo lại tăng lên nhiều. Bởi chúng ta mở rộng dân chủ, tăng cường trách nhiệm của các cá nhân, tập thể trong lựa chọn giới thiệu người tham gia cấp ủy, có sự thẩm định, giám sát của nhiều bên.

Rút kinh nghiệm từ những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ, việc chuẩn bị, giới thiệu nhân sự tham gia vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII được tiến hành chặt chẽ hơn. Qua nhiều lần quy hoạch, bổ sung, điều chỉnh, Trung ương đã bỏ phiếu kín giới thiệu và đưa vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành từng bước thận trọng theo quy trình chặt chẽ, dân chủ. Đây là kết quả của cả quá trình đổi mới công tác cán bộ một cách bài bản, đúng hướng trên tinh thần bám sát cương lĩnh, nghị quyết, Điều lệ Đảng. Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy các cấp những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, phẩm chất năng lực kém, thiếu gương mẫu, mất đoàn kết nội bộ, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, chạy chức chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

"Cán bộ lãnh đạo các cấp phải ghi nhớ, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật, bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và tự giác chịu sự giám sát của nhân dân" (Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG).

Bài 4: Vướng mắc, hạn chế - Nhận diện và khắc phục

Cùng với những thành quả to lớn sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương (NQTƯ) 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vẫn còn đó không ít hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và cả hiệu quả thực hiện nghị quyết trên một số phương diện, lĩnh vực, rất cần được các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị tập trung nhận diện, khắc phục triệt để.

“Tham bát bỏ mâm” và “đẽo cày giữa đường”

Xác định thực hiện hiệu quả NQTƯ 4, khóa XII là phải khắc phục cho được những hạn chế, khuyết điểm đã được Trung ương chỉ ra, nhiều tỉnh ủy, thành ủy rất coi trọng việc kiểm tra, đánh giá mức độ hoàn thành việc đẩy lùi các biểu hiện suy thoái, biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở đội ngũ trong từng giai đoạn cụ thể để có giải pháp tháo gỡ, đốc thúc, định hướng. Tại Đảng bộ tỉnh Trà Vinh, liên tục trong nhiều năm, tỉnh ủy ban hành nhiều công văn, gửi các tỉnh ủy viên, bí thư huyện ủy, bí thư các ban cán sự đảng, đảng đoàn, nêu rõ kết quả khắc phục, đẩy lùi những hạn chế, khuyết điểm. Các công văn này chỉ rõ việc đã khắc phục được bao nhiêu biểu hiện, còn bao nhiêu hạn chế, khuyết điểm chưa được xử lý hiệu quả... Nhờ vậy, Tỉnh ủy Trà Vinh đã kịp thời đôn đốc, yêu cầu các cấp, ngành, địa phương chủ động rà soát, tầm soát về kết quả, hiệu quả thực hiện NQTƯ 4, khóa XII; giúp các cấp vận hành việc ngăn chặn, đẩy lùi “tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ một cách nghiêm túc, bài bản, có kế hoạch, bảo đảm lộ trình và những bước đi phù hợp.

Với cách làm tương tự, phần nhiều đảng bộ cấp huyện, xã (thuộc 17 đảng bộ cấp tỉnh, thành phố) chúng tôi tiến hành khảo sát cho thấy: Cấp ủy, chính quyền đều xác định rõ mục tiêu, lộ trình đẩy lùi đối với từng biểu hiện cụ thể trong số 27 biểu hiện được Trung ương chỉ rõ. Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện NQTƯ 4, khóa XII ở các địa phương: Hà Nội, Cần Thơ, Đồng Tháp, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, An Giang, Hậu Giang, Quảng Ngãi, Đắc Lắc, Ninh Bình, Tây Ninh... cho thấy sự phân tầng rất rõ về mức độ kết quả đạt được trong thực hiện đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện cụ thể; điểm mặt rõ ràng và lượng hóa kết quả thực hiện bằng những con số: Đã đẩy lùi được bao nhiêu biểu hiện; những biểu hiện còn tiếp diễn có khả năng hoàn thành; biểu hiện cần tập trung sức lãnh đạo cao nhất mới đẩy lùi dứt điểm; biểu hiện diễn tiến phức tạp, khó giải quyết triệt để... Đây là cách đánh giá khá toàn diện, khoa học, tôn trọng sự thật, giúp cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng nắm chắc thực-hư, tiến độ ngăn chặn, đẩy lùi để có giải pháp, kế hoạch sát đúng.

Thế nhưng vẫn còn không ít đảng bộ địa phương chưa làm được như thế. Có nơi đã chọn đúng trọng tâm cần tập trung đẩy lùi biểu hiện, xác định cơ bản được lộ trình, giải pháp đẩy lùi nhưng lại thiếu tính kiên định và quyết tâm giải quyết đến cùng. Khi phát hiện các biểu hiện mới có chiều hướng diễn tiến tiêu cực, phức tạp lại ngả sang “chống đỡ”, xử lý thụ động, thiếu tính kế hoạch. Bởi thế, vô hình trung, những nơi này rơi vào cảnh “tham bát bỏ mâm” và diễn ra câu chuyện “đẽo cày giữa đường”. Có nghĩa là, bất kỳ biểu hiện nào cũng ra sức đấu tranh khắc phục nhưng không xác định được trọng tâm, trọng điểm; thành thử kết quả đạt được không thể lượng hóa cụ thể; cũng chưa có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nào được giải quyết triệt để. Thậm chí, nhiều cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã... lại tuyệt đối “vâng theo” định hướng của cấp trên và cơ quan chức năng mà không hề có ý kiến phản hồi, phản biện. Nhiều cấp ủy, người đứng đầu thiếu lập trường, quan điểm bảo vệ kế hoạch phòng, chống “tự diễn biến”,  “tự chuyển hóa” ngay từ đầu của cấp ủy, tổ chức đảng cấp mình... nên rơi vào lúng túng, rối rắm, không biết chọn việc nào làm trước, việc nào cần ưu tiên, việc nào là trọng tâm khi triển khai, tổ chức thực hiện.

Thế mới có câu chuyện rằng, lãnh đạo các cấp về chỉ đạo, thẳng thắn nêu lên hàng loạt dấu hiệu nhận diện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở cơ sở khiến cấp dưới vỡ lẽ ra nhiều điều. Nhưng việc chỉ đạo nào đâu phải chỉ một vài “thượng cấp” mà có quá nhiều cán bộ cấp trên về định hướng, chỉ đạo như thế nên cộng gộp một cách đơn thuần về mặt số lượng thì các dấu hiệu nhận diện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở địa phương bỗng trở thành “con số khổng lồ”. Các cấp ở cơ sở vì yếu năng lực, thiếu chính kiến nên không biết tháo gỡ, giải quyết từ đâu. Nhiều nơi gồng mình lên nhưng kết quả đạt được chỉ nặng định tính, thiếu thực chất, thậm chí là sáo ngữ trong báo cáo, quy chụp các kết quả trên nhiều lĩnh vực, nhiệm vụ khác thành kết quả thực hiện NQTƯ 4, khóa XII.

NQTƯ 4, khóa XII đã chỉ rõ 4 nhóm mục tiêu, giải pháp chính cần lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trong đó yêu cầu từng cấp ủy quán triệt sâu sắc chủ trương của Trung ương, nắm chắc định hướng của trên nhưng phải vận dụng linh hoạt, sát đúng với thực tế ở cấp mình. Bí thư cấp ủy mỗi cấp phải là người chủ trì và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện ở cấp mình. Đó là quan điểm bất biến, có tính chất mấu chốt khi lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện NQTƯ 4, khóa XII ở tất cả các cấp; cũng là phương cách đi đến đáp án đúng cho bài toán phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiện nay.

Biến cán bộ thành “ma-nơ-canh”

Cũng có một phần nguyên nhân từ câu chuyện “tham bát bỏ mâm” và “đẽo cày giữa đường” nên ở giai đoạn đầu triển khai nghị quyết, không ít cấp ủy, cơ quan, đơn vị tỏ ra lúng túng, trong khi đội ngũ cán bộ bỗng trở thành nạn nhân của “chiếc vòng kim cô” được kết nên từ quá nhiều quy định cần phải tránh hoặc không được phạm phải.

Có một thực tế rằng, để NQTƯ 4, khóa XII sớm đi vào cuộc sống, nhiều đảng bộ cấp tỉnh, thành phố đã rất chủ động nghiên cứu từ 27 biểu hiện (do Trung ương xác định) được các cấp phát triển, phân chia ra hàng chục, hàng trăm dấu hiệu dễ nhận biết, nhận diện. Đây là cách làm phù hợp, sáng tạo, giúp cho tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, quần chúng sớm phát hiện những dấu hiệu ngay từ sớm để ngăn chặn, phòng ngừa. Thế nhưng, do thiếu tính thống nhất trong nhận thức ngay từ đầu, nhiều người nhầm tưởng hoặc đánh đồng các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ với các dấu hiệu nhận diện, nhận biết nhỏ lẻ... thành thử, cán bộ nhìn đâu cũng thấy các nguy cơ dấu hiệu phải phòng bị, né tránh; trong khi quần chúng thì cứng nhắc trong đánh giá, phê bình gay gắt cán bộ từ những dấu hiệu nhỏ lẻ trong đời sống và công tác, dù rằng những dấu hiệu ấy chỉ mới manh nha và chưa cấu thành nên biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Để “né tránh” những dấu hiệu nhận diện nêu trên, cán bộ trở nên khép mình vào khuôn khổ một cách thái quá. Nhiều người đứng đầu trở nên nhút nhát, thiếu quyết đoán, quyết liệt trong triển khai, vì ngại đang có tổ chức và “hàng triệu tai, mắt” của nhân dân theo dõi, giám sát. Nhiều nội dung chưa phân định rõ giữa các biểu hiện của quyết đoán với độc đoán, giữa uy quyền và quyền uy cùng hàng loạt khái niệm, quan niệm khác trong hệ thống 27 biểu hiện... Ở một số nơi, lợi dụng vào những dấu hiệu chưa rõ ràng này, một số thành phần cá biệt cố tình gây mất đoàn kết, đấu đá, kèn cựa, hạ bệ lẫn nhau. Trong khi ở một số nơi khác, nhất là ở cơ sở lại vận hành khá cứng nhắc, chặt chẽ, triệt để nên vô hình trung biến cán bộ thành hình mẫu “ma-nơ-canh” - đó là những hình mẫu tròn trịa, toàn diện về mọi mặt, mẫu mực tuyệt đối về nhân cách để cấp dưới và quần chúng soi vào đó mà học tập, làm theo. Nhưng cách làm đó có mặt tiêu cực là tạo ra gánh nặng tâm lý quá lớn cho đội ngũ cán bộ, khiến không ít anh em thật sự mệt mỏi hoặc nảy sinh căn bệnh hình thức, đối phó, tự gây dựng cho mình hình ảnh mực thước một cách phi thực tế, rồi rơi vào căn bệnh háo danh, thành tích ảo.

Hay ngay trong câu chuyện nêu gương cam kết phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ khi triển khai trên thực tế cũng nảy sinh nhiều vấn đề đáng bàn và đáng buồn. Do nhận thức về các quy định nêu gương chưa thật đầy đủ nên không ít nơi duy trì cứng nhắc, nặng giấy tờ, hình thức. Thậm chí ngay trong phần việc những tưởng là “tự giác” và là “nhu cầu tự thân” của cán bộ, đảng viên thì chính sự gò ép về mặt văn bản, giấy tờ, thủ tục hành chính khiến cho công tác tổ chức, vận hành trở nên rườm rà mà hiệu quả thu về chỉ khiến cho căn bệnh hình thức càng trở nên trầm kha, nghiêm trọng hơn. Thậm chí có nơi xem công việc hình thức nêu trên là một trong những kết quả quan trọng khi thực hiện NQTƯ 4, khóa XII và khẳng định rõ trong các báo cáo, ví như: 100% cán bộ, đảng viên đăng ký nội dung “tự soi, tự sửa”; 100% cán bộ cam kết nêu gương; 100% cán bộ, đảng viên chịu sự giám sát của chi bộ và các tổ chức quần chúng...

Vẫn biết đó là kết quả của cách... phải làm, nhưng xét về mặt bản chất thì rõ ràng đây cũng là một biểu hiện của bệnh thành tích và chắc chắn, căn bệnh này cũng là một trong 27 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chỉ mặt, điểm tên!

Ít phần trách nhiệm, nặng phần tung hô

Trong số 17 báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện NQTƯ 4, khóa XII của đảng bộ các tỉnh, thành phố (trực thuộc Trung ương) mà chúng tôi có dịp tiếp cận, nghiên cứu đều có chung một đánh giá về mặt hạn chế, đại ý là: Một bộ phận cán bộ còn biểu hiện né tránh trách nhiệm; nhiều cán bộ, quần chúng bàng quan, thiếu tâm huyết trong quán triệt, triển khai NQTƯ 4, khóa XII.

Có một điều mâu thuẫn là: Né tránh trách nhiệm là một trong 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị đã được NQTƯ 4, khóa XII chỉ ra và cần phải loại bỏ triệt để. Thế nhưng chính trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, đặc biệt là sau những vụ việc sai phạm được xử lý nghiêm khắc thì ở một số cấp ủy, cán bộ, đảng viên lại xuất hiện tư tưởng sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, dẫn đến an phận thủ thường, không dám làm, không dám đột phá. Đáng nói là ở nhiều nơi để xảy ra các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” khá phức tạp nhưng người đứng đầu vẫn “bình chân như vại”, chưa chịu liên đới trách nhiệm, chưa tự giác đứng lên nhận khuyết điểm trước tổ chức, trước Đảng và nhân dân.

Cũng vì căn bệnh né tránh trách nhiệm mà quá trình thực hiện NQTƯ 4, khóa XII ở nhiều nơi được vận hành một cách hình thức. Đấu tranh với các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ chưa quyết liệt, triệt để: Trong sinh hoạt, một số cấp ủy, tổ chức đảng thường có biểu hiện xuôi chiều, phụ họa theo ý kiến của người đứng đầu; ngại thể hiện chính kiến, sợ mất lòng, sợ va chạm, sợ bị đánh giá là không ủng hộ cấp trên. Một số cán bộ thì bàng quan, trung dung, nhất quán “tránh voi chẳng xấu mặt nào” cả trong công việc và đời tư. Số khác thì bức xúc thái quá, sinh ra chán nản, phát ngôn tiêu cực, không an yên, gắn bó với đơn vị, không còn tâm huyết với công việc... Thực tế đó là môi trường lý tưởng cho sự đâm nở các mầm mống tiêu cực, suy thoái, biến chất.

Có một điều kỳ lạ là gần như các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra khá phổ biến ngay trong chính nội bộ tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương, nhưng các cấp ủy, tổ chức đảng không dám phát giác, tố giác hoặc “không đủ năng lực” tự phát hiện ra những yếu kém, khuyết điểm nhãn tiền. Ở một số nơi, qua nhiều năm, tổ chức đảng vẫn được đánh giá trong sạch vững mạnh, người rơi vào “tự diễn biến”, tự chuyển hóa” vẫn được khen thưởng, thăng tiến, bổ nhiệm lên các vị trí cao hơn. Đến khi báo chí, quần chúng nhân dân phản ánh, tố giác thì nơi ấy mới bị cơ quan chức năng vào cuộc phanh phui, xử lý, trừng trị thích đáng. Chính điều đó cho thấy: Sức chiến đấu của tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở hiện nay đang là vấn đề đáng báo động; tinh thần chiến đấu, dũng khí đối diện với tiêu cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng đang bị “lũng đoạn”, bị nhấn chìm vào tầng đáy của nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Trong khi ấy, cơ chế bảo vệ, khuyến khích những người tích cực đấu tranh chống tiêu cực và các biểu hiện suy thoái chưa được hoàn thiện; chưa có nhiều hoạt động vinh danh, khen thưởng đối với những “anh hùng” trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”...

Bởi thế, sẽ thật không quá lời khi khẳng định: Chỉ trong câu chuyện về sức chiến đấu của tổ chức đảng yếu kém; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ chưa triệt để; nền nếp, chất lượng tự phê bình và phê bình còn nhiều hạn chế... thì tổ chức ở đấy, người chủ trì ở đấy và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở đấy đã vi phạm hàng chục biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong chính nội bộ, tổ chức của mình. Do vậy, hơn lúc nào hết, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” phải làm quyết liệt, mạnh mẽ trong chính nội bộ của từng tổ chức nhỏ nhất và trong từng cán bộ, con người cụ thể.

Trong 5 năm qua, ủy ban kiểm tra các cấp nhận được hơn 104.400 đơn, thư tố cáo phản ánh tổ chức đảng và đảng viên. Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương giải quyết tố cáo đối với 36 đảng viên, qua giải quyết tố cáo đã thi hành kỷ luật và đề nghị thi hành kỷ luật 6 đảng viên có vi phạm; ủy ban kiểm tra các địa phương, đơn vị giải quyết tố cáo đối với 319 tổ chức đảng và 8.441 đảng viên, qua giải quyết tố cáo đã thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng và 1.606 đảng viên.

Bài 5: Mệnh lệnh hành động chống "giặc nội xâm"                   

Đại hội XIII của Đảng xác định phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương (NQTƯ) 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ hơn trước. Đây cũng là mệnh lệnh hành động của toàn Đảng, toàn dân!

Đồng thuận cao, quyết tâm lớn

Đã rất nhiều lần, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, việc đấu tranh phòng chống tiêu cực nói chung, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ nói riêng là một cuộc trường chinh gian khó, không thể hoàn thành một sớm, một chiều. Cũng không được “thỏa mãn dừng lại” mà phải tiến hành thường xuyên, liên tục ở mọi lúc, mọi nơi, vì đó là cuộc chiến trong chính hàng ngũ chúng ta, là sự đấu tranh giữa “tốt-kém”, “hay-xấu” trong mỗi con người.

Sau 5 năm thực hiện NQTƯ 4, khóa XII, kết quả thu được ở các cấp và trong toàn Đảng là rất to lớn, đưa công cuộc phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bước sang một trang mới. Thế nhưng cách đây chưa lâu (ngày 10-9-2021), hội nghị của Bộ Chính trị, khóa XIII vẫn thẳng thắn chỉ rõ: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ vẫn còn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân cơ bản là do công tác phòng, chống tiêu cực tuy đã được quan tâm chỉ đạo nhưng còn phân tán, thiếu tính tập trung; chưa gắn kết chặt chẽ giữa phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Thông tin đó không chỉ có tính chất cảnh tỉnh, nhắc nhở mà còn phát đi thông điệp kêu gọi toàn Đảng, toàn dân phải tiếp tục nhận thức rõ hơn yêu cầu rất cao trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; giúp cấp ủy, chính quyền các cấp nhận thức rõ sứ mệnh, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo đương đầu với loại “giặc nội xâm” đặc biệt nguy hại này.

Trước đòi hỏi của thực tiễn, các đồng chí bí thư cấp ủy của các địa phương: Cần Thơ, Đồng Tháp, Yên Bái, Quảng Ngãi, Gia Lai, Bạc Liêu... có chung quan điểm, cho rằng: Sắp tới, các cơ quan chức năng Trung ương cần sớm nghiên cứu, tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ban hành NQTƯ mới về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hoặc giao Bộ Chính trị có kết luận tiếp tục chỉ đạo mặt công tác này sao cho thật sát với diễn biến mau lẹ của thực tiễn. Thế nhưng dù phương án tham mưu thế nào chăng nữa, thì rõ ràng cần phải tiếp tục khẳng định, thể hiện tinh thần tiến công không ngừng, quyết tâm, quyết liệt đẩy lùi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; xem đó là vấn đề có tính quy luật, là đòi hỏi tất yếu, cấp thiết đối với mặt công tác ảnh hưởng quyết định đến sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Nhiều chuyên gia xây dựng Đảng rất tâm huyết lý giải vì sao trước đây, Đảng đã ban hành NQTƯ 4, khóa XI, nhưng chỉ sau đó một thời gian rất ngắn lại tiếp tục bổ sung, phát triển để ban hành NQTƯ 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng... Các ý kiến này cho rằng, đó là sự trung thực, dũng cảm, vượt qua chính mình của Trung ương, tạo ra những bước tiến rất lớn, rất dài, thay đổi về chất trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng chỉ trong một nhiệm kỳ đại hội. Cuộc sống luôn vận động. Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng luôn cần nghiên cứu, tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ sung, điều chỉnh, tạo sức sống mới, là rất cần thiết.

Sau công tác sơ kết ở các đảng bộ trực thuộc Trung ương, các địa phương tự tin cho rằng kết quả và kinh nghiệm triển khai NQTƯ 4, khóa XII ở các cấp sẽ là nền tảng quan trọng để Trung ương có những nhận định, đánh giá toàn diện, góp phần cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn sinh động cho việc đề ra chủ trương, đường lối sáng đúng, tiếp tục dẫn dắt, soi rọi công cuộc xây dựng Đảng sắp tới đây. 

Để làm được điều đó, từng cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương bám sát thực tiễn cơ sở, nắm chắc thực trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ từng lĩnh vực, ngành, địa phương để có phương án đấu tranh phù hợp, hiệu quả. Cơ quan chức năng cần phát động, đẩy mạnh các đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp, tạo cao trào cách mạng sục sôi trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội. Kiên quyết nhận diện, tầm soát, truy quét, khắc phục dứt điểm từng biểu hiện cụ thể.

Theo kết quả điều tra bằng phiếu test đối với 85 bí thư đảng ủy, cấp ủy viên cấp xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP Cần Thơ và tỉnh Điện Biên, các ý kiến đều cho rằng, nên có yêu cầu bắt buộc từng tổ chức đảng khi xây dựng, ban hành nghị quyết lãnh đạo từng tháng, quý, năm phải xác định cụ thể mục tiêu đẩy lùi các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Ở những nơi nhạy cảm, có nguy cơ cao, hoặc thực trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có xu hướng phức tạp thì cấp ủy nơi đó phải có nghị quyết chuyên đề; tổ chức Đảng trên một cấp cùng dồn sức lãnh đạo, chỉ đạo, từng bước đẩy lùi, giải quyết triệt để. Những nơi để xảy ra “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cán bộ đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới, gắn kỷ luật Đảng với kỷ luật chính quyền, buộc cách chức, giáng chức, luân chuyển cán bộ chủ trì, chủ chốt để “nêu gương” trong toàn Đảng.

Trước yêu cầu mới, việc phát huy sức dân tham gia vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cần được quan tâm lãnh đạo sát sao, thiết thực trên cơ sở trọng dân, lắng nghe dân. Đảng, Nhà nước, cơ quan chức năng cần tiếp tục đa dạng hóa các kênh tiếp nhận thông tin phản hồi, tố giác tội phạm từ quần chúng và dư luận xã hội; coi trọng công tác khen thưởng, tôn vinh những cán bộ, quần chúng dũng cảm, can trường đấu tranh với tiêu cực; từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích và bảo vệ người dân để họ toàn tâm, toàn ý dấn thân vào cuộc chiến chống “giặc nội xâm”.

“Điểm mặt” rõ hơn các biểu hiện

Có một điểm nhấn ấn tượng là khi đánh giá kết quả thực hiện NQTƯ 4, khóa XII, các đảng bộ địa phương (trực thuộc Trung ương) đều chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, điểm mặt một cách trung thực về thực trạng, tầm mức diễn tiến của các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Ví như, Tỉnh ủy Đồng Tháp chỉ rõ, 5 năm qua có 144 trường hợp biểu hiện suy thoái về tư tưởng; 206 trường hợp biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 2 trường hợp biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa". Thành ủy Cần Thơ cũng điểm mặt 11 trường hợp biểu hiện suy thoái về tư tưởng; 297 trường hợp biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống (khiển trách: 61, cảnh cáo: 148, cách chức: 17, khai trừ đảng: 71)... Cái hay là nhiều địa phương đã chỉ rõ được cả nội dung, phương thức, các dấu hiệu nhận diện của từng biểu hiện và cách thức xử lý, hình thức kỷ luật cụ thể.

Nhất trí với cách đánh giá ấy, lãnh đạo Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, các cấp ủy, chính quyền cần đánh giá việc đấu tranh với 27 biểu hiện suy thoái như thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết đại hội các cấp tại mỗi kỳ đại hội đảng. Có nghĩa là phải chỉ rõ, biểu hiện nào đã được đẩy lùi, biểu hiện nào còn diễn biến phức tạp, biểu hiện nào khó đẩy lùi... Trên cơ sở đó, các cấp ủy xác định “loại bỏ” dần một số biểu hiện suy thoái (đã được đẩy lùi) ra khỏi danh sách 27 biểu hiện; đồng thời xác định rõ quyết tâm, giải pháp đẩy lùi những biểu hiện “cứng đầu” trong thời gian tới với lộ trình, bước đi phù hợp. Nếu biểu hiện suy thoái đã ở mức nguy hại, khó xử lý, hoặc gặp khó, vướng thì đề xuất, kiến nghị với Trung ương và cơ quan chức năng hỗ trợ, đồng hành thông qua việc tập trung sức lãnh đạo, hỗ trợ về mặt cơ chế, huy động nguồn lực, tạo sức mạnh tổng hợp để đẩy lùi bằng nỗ lực, quyết tâm cao nhất.

Đặc biệt, trong điều kiện mới, dù chỉ là sau 5 năm nhưng sự diễn tiến của thời cuộc rất mau lẹ, nhiều biểu hiện tiêu cực mới trong cán bộ, đảng viên đã xuất hiện, hoặc manh nha hình thành. Do vậy, Trung ương và các cấp ủy cần chủ động phát hiện, nhận định hình hài, đánh giá đúng thực trạng; có thể bổ sung thêm biểu hiện mới vào danh sách các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để ngăn chặn, đẩy lùi.

Cùng với việc phân rõ các nhóm “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo 3 lĩnh vực (9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ), thì trong quá trình đánh giá kết quả thực hiện cần xác định rõ các nhóm diễn biến theo lĩnh vực, ngành, địa phương thường có nhiều cán bộ phạm phải, hoặc diễn tiến tiêu cực hơn. Trên cơ sở đó mà có các chủ trương, giải pháp đấu tranh linh hoạt, sáng tạo.

Một vấn đề cũng rất cần được quan tâm là việc đánh giá kết quả thực hiện NQTƯ 4, khóa XII của cán bộ, đảng viên (cá nhân) được thực hiện khá bài bản hằng tháng, quý, năm, nhưng các cấp chưa thật sự quan tâm đến đánh giá kết quả phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; nhất là ở chi bộ, đảng bộ (cấp xã, phường, thị trấn, thôn, bản...) một cách nền nếp, nghiêm túc. Nhiều nơi vẫn chưa thật thấm, ngấm, thậm chí còn “bỏ ngỏ” nhiều nội dung của NQTƯ 4, khóa XII, mà thường gặp là ở các tổ chức đảng trong doanh nghiệp, chi bộ ở khu dân cư, chi bộ nông thôn... Các cơ quan chính quyền, hội đồng nhân dân, tổ chức đoàn thể... cũng chưa phát huy hết trách nhiệm trong công tác triển khai và đánh giá kết quả “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, còn tâm lý phó thác, xem đó là việc của tổ chức đảng.

Điểm đúng huyệt “giặc nội xâm”

Có một lợi thế khá lớn là sau 5 năm thực hiện NQTƯ 4, khóa XII, Đảng ta đã có bước tiến về tư duy, thấy rõ mối nguy hại của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và tiêu cực. Chính vì vậy, mới đây, Bộ Chính trị đã cho ý kiến vào Đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”, thống nhất tên gọi là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (bổ sung từ “tiêu cực”) và khẳng định: Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đều là những biểu hiện tiêu cực, nên Ban chỉ đạo phải có trách nhiệm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý triệt để.

Như vậy, khác với trước, Ban chỉ đạo không những tập trung chỉ đạo các vụ án tham nhũng, mà nay sẽ trực tiếp điều hành việc chống tiêu cực nói chung, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nói riêng. Đó là cơ sở cho những kỳ vọng về hiệu quả, hiệu lực phòng, chống suy thoái đạt nhiều kết quả, có sự chuyển biến về chất trong thời gian tới.

Đáng mừng là hệ thống ban chỉ đạo các cấp đã được kiện toàn từ trước ở mọi cấp, mọi ngành, nay chỉ bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ, nên sắp tới các cơ quan này có điều kiện chuyển trọng tâm phòng, chống tiêu cực vào phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” như định hướng của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị. Sở dĩ như vậy là vì chính “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là gốc rễ và là “cha đẻ” của tham nhũng, tiêu cực. Triệt tiêu được các biểu hiện suy thoái sẽ giúp phòng ngừa từ sớm, từ xa nguy cơ dẫn đến các vụ đại án tham nhũng. Đây là một chân lý mà toàn Đảng, hệ thống chính trị và cả xã hội cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc.

Để đẩy mạnh cuộc chiến phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,  từng cán bộ phải nêu cao lòng tự trọng, tự ái của bản thân. Biết trân trọng, lắng nghe những ý kiến góp ý của đồng đội, đồng nghiệp trong cơ quan, đơn vị. Tuyệt đối không nên phiền lòng về sự giám sát của tổ chức và nhân dân; không nên “phản ứng” trước sự ràng buộc của khuôn phép đạo đức và hệ thống các dấu hiệu nhận diện "tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Mỗi người phải thật sự cầu tiến, vì chính nhờ “tai, mắt” của quần chúng mới giúp mỗi cán bộ đi đúng đường, thường xuyên tự soi lại mình, tự gột rửa những yếu kém, triệt tiêu mầm mống của chủ nghĩa cá nhân ngay từ lúc sơ khai.

Một giải pháp rất quan trọng nữa là từ từng cấp ủy, chính quyền, đến mỗi cán bộ, đảng viên phải ý thức được mối quan hệ giữa đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với đấu tranh làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”; tránh việc bị lực lượng thù địch lôi kéo, mua chuộc để bị rơi vào “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Khi trong nội bộ có những ý kiến trái chiều, chưa thống nhất quan điểm, chính kiến... thì nhất thiết phải xử lý hài hòa, tranh luận thẳng thắn trên cơ sở khoa học, tránh việc mạt sát, cô lập, đẩy đồng chí, đồng đội về phía “bên kia chiến tuyến”. Cùng với đó, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng cần sớm cung cấp thông tin chính thống, làm tốt việc định hướng dư luận trước những vấn đề mới, nảy sinh từ thực tiễn liên quan đến thực trạng chất lượng đội ngũ cán bộ, để dân biết, dân giám sát và hỗ trợ, giúp đỡ cán bộ rèn giũa, tiến bộ, trưởng thành. Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng cần hết sức coi trọng việc nhận diện, đẩy mạnh đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn bịa đặt, quy chụp về tình hình đội ngũ cán bộ; nhất là những vu cáo, xuyên tạc, bôi nhọ đời tư, hạ bệ danh dự, uy tín của cán bộ.

Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ; cấp ủy cấp trên chủ động gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân ở những nơi có vấn đề phức tạp, có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; coi trọng kiểm tra việc khắc phục hạn chế, khuyết điểm (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng).

(xaydungdang.org.vn)

Lượt xem: 2.582
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003900513
  •  Đang online: 61
  •  Trong tuần: 1.080
  •  Trong tháng: 115.232
  •  Trong năm: 1.201.888