Đối ngoại đảng góp phần nâng cao vị thế và tiềm lực mới của đất nước In trang
28/01/2022 08:51 SA

TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết "Đối ngoại đảng năm 2021 phát huy hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII, góp phần nâng cao vị thế và tiềm lực mới của đất nước" của Trưởng ban Đối ngoại TW.

Các đại biểu biểu quyết, thông qua Nghị quyết Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

 

Trong năm đầu tiên triển khai thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, tình hình khu vực và quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp cùng với tác động mạnh mẽ của dịch COVID-19.

Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại đảng được triển khai đồng bộ, toàn diện trên cả bình diện song phương và đa phương, giúp củng cố nền tảng chính trị, góp phần thúc đẩy quan hệ của Việt Nam với các nước, huy động các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển đất nước, nâng cao vị thế của Đảng và đất nước trên trường quốc tế.

Các hoạt động đối ngoại trực tiếp và trực tuyến của lãnh đạo Đảng ta đã giúp tăng cường sự tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác toàn diện trong quan hệ của Việt Nam với các nước láng giềng, bạn bè truyền thống, các nước đối tác quan trọng.

Nhân dịp này, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung đã có bài viết "Đối ngoại đảng năm 2021 phát huy hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII, góp phần nâng cao vị thế và tiềm lực mới của đất nước."

TTXVN trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết:

"Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; bám sát tinh thần Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về “tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại đảng trong tình hình mới” (Chỉ thị 32), đối ngoại đảng năm 2021 đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, phát huy vai trò thúc đẩy nền tảng chính trị cho quan hệ song phương với các nước, góp phần nâng cao vị thế của Đảng và đất nước trên trường quốc tế.

Vai trò của đối ngoại đảng

Đối ngoại đảng là hình thức đối ngoại sớm nhất của cách mạng nước ta. Từ năm 1919, Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đó với tên gọi là Nguyễn Ái Quốc, đã tham gia Đảng Xã hội Pháp vì lý do “Chỉ vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi” và một năm sau đó, tại Đại hội XVIII của Đảng Xã hội, Người bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản) vì như Người nói “Quốc tế III rất chú ý đến giải phóng thuộc địa.”

Những sự kiện đó đánh dấu những hoạt động đối ngoại quan trọng đầu tiên của đối ngoại Đảng trong thời đại Hồ Chí Minh. Ở từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam, công tác đối ngoại đảng luôn có một vị trí, vai trò đặc biệt và có những đóng góp quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chiến lược của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đảng ta đã có nhiều văn bản quan trọng nhằm đề ra định hướng và các biện pháp cụ thể liên quan đến công tác đối ngoại đảng.

Mới đây nhất, năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về "Tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại đảng trong tình hình mới," là dấu mốc quan trọng thể hiện sự phát triển về tư duy, lý luận, khẳng định vai trò rất quan trọng của đối ngoại đảng. Chỉ thị nhấn mạnh “tăng cường đối ngoại đảng là định hướng chiến lược đối ngoại quan trọng hàng đầu” và “là nhiệm vụ của của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng làm công tác đối ngoại là nòng cốt”; đề ra nhiệm vụ mở rộng và đưa các mối quan hệ đối ngoại đảng đi vào chiều sâu, tạo nền tảng chính trị vững chắc cho quan hệ song phương, tranh thủ sự ủng hộ về mặt chính trị, tạo thêm sự hỗ trợ về mặt chính trị cho quan hệ nhà nước cũng như đối ngoại nhân dân...

Trong tình hình mới, Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ đối ngoại phải giữ vai trò tiên phong trong tạo dựng và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, trong huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao uy tín, vị thế của đất nước. Đây không chỉ là nhận thức mới, mà còn là yêu cầu cao hơn đối với đối ngoại nói chung và đối ngoại đảng nói riêng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Doi ngoai dang gop phan nang cao vi the va tiem luc moi cua dat nuoc hinh anh 1

Tổng Bí thư BCHTW khóa XIII Nguyễn Phú Trọng đọc Diễn văn bế mạc Đại hội. (Ảnh: TTXVN)

Tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII lần đầu tiên được Trung ương Đảng ta tổ chức (tháng 12/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo đối ngoại đảng cùng với ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, cần triển khai sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, kiên định về nguyên tắc, chiến lược, linh hoạt về phương pháp, sách lược, song cần vượt ra khỏi khuôn khổ những tư duy cũ, những lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế.

Nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí và nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước, bám sát tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII và Chỉ thị 32, công tác đối ngoại đảng năm 2021 đã được triển khai tích cực, chủ động có trọng tâm, trọng điểm, đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp vào thành tựu chung của công tác đối ngoại nước nhà.

Một số kết quả nổi bật của đối ngoại đảng năm 2021

Năm 2021, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp. Đại dịch COVID-19 tiếp tục gây ra khủng hoảng toàn cầu, tác động sâu rộng về y tế, kinh tế, chính trị, an ninh, xã hội và tạo thách thức lớn đối với năng lực ứng phó của các nước. Các nước lớn đẩy mạnh các biện pháp thực hiện các mục tiêu chiến lược khiến cạnh tranh giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, toàn diện trên các lĩnh vực với địa bàn cạnh tranh trọng tâm là khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Cục diện trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm được đẩy nhanh hơn. Tập hợp lực lượng diễn biến đan xen, đa dạng, phức tạp. Kinh tế thế giới duy trì xu thế phục hồi, song chưa bền vững, không đồng đều, tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro. Các vấn đề an ninh phi truyền thống diễn biến ngày càng phức tạp. Các nhân tố đó tác động sâu sắc đến môi trường an ninh, phát triển của nước ta, đặt ra nhiều vấn đề mới đòi hỏi công tác đối ngoại phải thích ứng nhanh chóng, ứng phó hiệu quả với các thách thức, đồng thời tranh thủ các cơ hội mang lại, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc.

Trong bối cảnh đó, Đảng ta đã ứng phó linh hoạt, kịp thời với diễn biến của môi trường đối ngoại, triển khai tích cực, chủ động các hoạt động đối ngoại, đạt được nhiều kết quả nổi bật:

Một là, đối ngoại đảng chủ động triển khai nhiều biện pháp, đóng góp thiết thực vào thành công của Đại hội XIII và củng cố quan hệ với các đảng, các nước. Ta đã triển khai linh hoạt nhiều biện pháp thông tin tới các đảng, các đối tác về Đại hội XIII, góp phần truyền tải kịp thời các chủ trương, đường lối và tầm nhìn phát triển của đất nước. Qua đó, tạo sự hiểu biết và ủng hộ đối với đường lối, chính sách của ta, đồng thời trao đổi, thống nhất nhiều biện pháp thúc đẩy quan hệ với các chính đảng.

Đại hội XIII của Đảng ta nhận được số lượng thư, điện chúc mừng cao kỷ lục với 401 thư chúc mừng Đại hội và 118 thư, điện chúc mừng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, thể hiện sự coi trọng, đánh giá cao vai trò lãnh đạo, công cuộc đổi mới, vị thế và uy tín của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩ xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” được thông tin kịp thời đến các chính đảng và bạn bè quốc tế, góp phần tạo sự hiểu biết sâu sắc, đầy đủ hơn, qua đó tăng cường sự ủng hộ của các chính đảng, bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.

Ngoài ra, với việc tổ chức 9 Hội nghị trực tuyến thông báo kết quả Đại hội XIII cho các chính đảng và đối tác quốc tế, Đảng ta đã truyền tải kịp thời các chủ trương, đường lối và tầm nhìn phát triển của đất nước thời gian tới; qua đó, tạo sự hiểu biết và ủng hộ đối với đường lối, chính sách của ta; đồng thời kết hợp trao đổi, thống nhất nhiều biện pháp thúc đẩy quan hệ với các chính đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiến hành 9 cuộc điện đàm với lãnh đạo một số chính đảng và nguyên thủ quốc gia chúc mừng thành công của Đại hội. Các đồng chí Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng ta đã tiến hành 40 hoạt động đối ngoại trực tuyến và 7 hoạt động đối ngoại bằng các hình thức ghi hình, đăng bài… Qua đó, góp phần quan trọng tăng cường lòng tin, gia tăng nền tảng chính trị cho quan hệ song phương với các nước, đồng thời nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Đảng ta trên trường quốc tế.

Hai là, quan hệ giữa Đảng ta với các đảng cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng có chung biên giới tiếp tục được tăng cường, có những bước phát triển mới, góp phần quan trọng củng cố nền tảng chính trị, lòng tin chiến lược, tạo động lực cho quan hệ song phương giữa nước ta và các nước bạn.

Cuộc gặp cấp cao giữa ba đồng chí lãnh đạo cao nhất ba Đảng (tháng 9/2021), gồm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Hun Xen, khẳng định ý nghĩa, truyền thống đặc biệt của quan hệ ba Đảng, ba nước, góp phần gia tăng tin cậy chính trị và củng cố quan hệ gắn bó giữa ba Đảng, ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Đảng ta tiếp tục thúc đẩy quan hệ gắn bó, đi vào chiều sâu với Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Sự tin cậy chính trị và đoàn kết đặc biệt giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam, Lào ngày càng được thắt chặt thông qua điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và các chuyến thăm cấp cao của hai Đảng, hai nước, nổi bật là các chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith (tháng 6/2021); Chủ tịch Quốc hội Lào  Xaysomphone Phomvihane (tháng 12/2021); Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm hữu nghị chính thức Lào (tháng 8/2021). Các chuyến thăm và điện đàm cấp cao thể hiện lòng tin chiến lược, sự gắn bó giữa hai Đảng, đóng góp quan trọng củng cố mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam-Lào. Các cơ chế hợp tác giữa hai Đảng, trong đó có cấp ủy ở địa phương, tiếp tục được duy trì và thúc đẩy, ngày càng được đổi mới, đi vào chiều sâu, thực chất, chú trọng vào những vấn đề chiến lược.

Doi ngoai dang gop phan nang cao vi the va tiem luc moi cua dat nuoc hinh anh 2

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Ta duy trì đà phát triển tích cực của quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trao đổi đoàn cấp cao diễn ra sôi động với nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã có 2 lần điện đàm; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới, qua đó góp phần củng cố tin cậy chính trị và thúc đẩy hợp tác thực chất giữa hai nước nhân các sự kiện quan trọng của mỗi Đảng, nhất là vào dịp Đại hội XIII của Đảng ta và kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Bên cạnh đó, giao lưu hợp tác giữa các cấp ủy địa phương hai nước được thúc đẩy tích cực, trong đó có Gặp gỡ đầu Xuân giữa Bí thư 4 tỉnh Đông Bắc của ta với Bí thư Khu ủy Quảng Tây, Trung Quốc và lần đầu tiên tổ chức Hội nghị trực tuyến giữa Bí thư 4 tỉnh Tây Bắc của ta với Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam, góp phần thúc đẩy hợp tác song phương giữa các địa phương biên giới hai bên, giải quyết những vấn đề tồn tại.

Quan hệ với Đảng Nhân dân Campuchia phát triển ổn định. Lãnh đạo cấp cao và các cấp hai Đảng, hai nước thường xuyên điện đàm, hội đàm trực tuyến, gửi thư thăm hỏi lẫn nhau trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là sự kiện Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Hun Xen sang Việt Nam dự Cuộc gặp cấp cao giữa ba đồng chí lãnh đạo cao nhất ba Đảng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm cấp nhà nước Campuchia (tháng 12/2021), mở đầu cho chuỗi các hoạt động chào mừng “Năm hữu nghị Việt Nam-Campuchia, Campuchia-Việt Nam” và kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (24/6/1967-24/6/2022).

Quan hệ với Đảng Cộng sản Cuba tiếp tục được thúc đẩy thông qua các cuộc điện đàm cấp cao, hội nghị trực tuyến giữa hai Đảng. Nổi bật là các cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba Raul Castro Ruz (tháng 2/2021), Chủ tịch nước Cuba Miguel Díaz-Canel (tháng 5/2021), Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cuba Miguel Díaz-Canel (tháng 7/2021); chuyến thăm chính thức Cuba của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Bên cạnh đó, ta triển khai nhiều hoạt động ủng hộ, hỗ trợ kịp thời cho Cuba trong bối cảnh khó khăn, thúc đẩy hợp đồng vaccine với Bạn. Các hoạt động này góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai Đảng, hai nước; thể hiện tình cảm thủy chung, trước sau như một của Việt Nam đối với Cuba trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Ta duy trì quan hệ ổn định với Đảng Lao động Triều Tiên với nhiều hình thức linh hoạt, hai bên trao đổi thư, điện thăm hỏi và chúc mừng, chia sẻ nhân các sự kiện lớn của hai Đảng, hai nước.

Ba là, ta tiếp tục duy trì và thúc đẩy quan hệ với nhiều đảng cầm quyền, tham chính và các đảng có vai trò quan trọng tại các nước lớn, đối tác quan trọng, các nước trong khu vực và các đảng cộng sản, công nhân, bạn bè truyền thống thông qua điện đàm, hội đàm trực tuyến, trao đổi cấp cao, góp phần tạo nền tảng thuận lợi cho quan hệ song phương.

Ta duy trì đà phát triển quan hệ tốt đẹp với Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF), nổi bật là sự kiện Đoàn Đảng KPRF do đồng chí Phó Chủ tịch Đảng L. Kalasnhikov sang thăm làm việc, trao tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Giải thưởng Lenin, phần thưởng cao quý nhất, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga, thể hiện sự trân trọng, đánh giá cao của Đảng Cộng sản Liên bang Nga đối với đồng chí Tổng Bí thư, những đóng góp của Đảng ta và đồng chí Tổng Bí thư đối với sự phát triển của Chủ nghĩa Marx-Lenin, vì quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc, cuộc sống tốt đẹp của nhân dân thế giới và sự gắn bó giữa hai Đảng, hai nước.

Quan hệ với Đảng Nước Nga thống nhất (ER) phát triển tích cực thông qua các cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Nga Putin; Chủ tịch ER, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev. Ta thúc đẩy đi vào chiều sâu quan hệ với Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) thông qua các cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong với Chủ tịch LDP, Thủ tướng Nhật Bản...

Với các đảng cầm quyền, tham chính, các đảng cộng sản và công nhân khác, nhất là với các đảng ở Singapore, Ấn Độ, Pháp, Đức, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Nam Phi, Chile, Venezuela, Brazil, Algeria, Italy... Đảng ta duy trì và củng cố quan hệ thông qua nhiều biện pháp linh hoạt, như trao đổi thư, điện mừng, điện đàm trực tuyến, gửi video chúc mừng và trao đổi trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung.

Bốn là, Đảng ta tiếp tục tham gia chủ động và tích cực các cơ chế đa phương chính đảng, duy trì gắn kết với các đảng đối tác trong bối cảnh đại dịch COVID-19; tích cực phát huy vai trò và trách nhiệm thành viên tại các diễn đàn đa phương, trong đó có Hội nghị quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP), Cuộc gặp quốc tế các đảng cộng sản và công nhân (IMCWP); các cơ chế định kỳ do các đảng cánh tả khu vực Mỹ Latinh khởi xướng như Hội thảo “Các đảng và một xã hội mới,” Diễn đàn Sao Paulo.

Thường trực Ban Bí thư Đảng ta tham dự một số hội nghị trực tuyến quan trọng do Nga tổ chức, như Hội nghị bàn tròn các chính đảng Nga-ASEAN với chủ đề “Vai trò của các lực lượng chính trị có trách nhiệm của các nước Nga và ASEAN trong việc củng cố các cấu trúc an ninh và hợp tác tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương” (tháng 6/2021), Hội nghị trực tuyến liên đảng quốc tế với chủ đề “Các thách thức toàn cầu của thế kỷ XXI: Đánh giá của các đảng” (tháng 12/2021) do Đảng Nước Nga thống nhất (ER) tổ chức..., qua đó tăng cường quan hệ đảng, tranh thủ được sự ủng hộ ngày càng rộng rãi của các đảng đối với chủ trương, quan điểm của ta trên nhiều vấn đề.

Các hoạt động của Đảng ta tại các diễn đàn đa phương chính đảng cũng góp phần làm cho bạn bè quốc tế hiểu thêm về thành tựu phát triển đất nước và kết quả phòng, chống đại dịch COVID-19, tranh thủ được sự ủng hộ ngày càng rộng rãi của các đảng đối với những vấn đề về lợi ích quốc gia-dân tộc của ta.

Năm là, đối ngoại đảng đóng góp tích cực cho công tác “ngoại giao vaccine”. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong nước và trên thế giới, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã xác định ngoại giao vaccine là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu hiện nay. Đối ngoại đảng, với vai trò là một trong ba trụ cột đối ngoại trong nền ngoại giao toàn diện của đất nước, đã phát huy vai trò tham mưu, đề xuất kịp thời cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thông tin đến các cơ quan có liên quan về các đối tác mà ta có thể tranh thủ hợp tác, đặt vấn đề nhằm tranh thủ sự hỗ trợ và mở rộng khả năng tiếp cận vaccine của ta; chủ động lồng ghép nội dung ngoại giao vaccine vào các cuộc trao đổi của các lãnh đạo Đảng với các đối tác quốc tế; đồng thời phối hợp và hỗ trợ các cơ quan khác; nghiên cứu và báo cáo, chia sẻ những thông tin liên quan.

Nổi bật là, sau cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cuba Miguel Díaz-Canel, hai bên đã thúc đẩy chia sẻ và hợp tác sản xuất vaccine, theo đó, Cuba cung cấp cho Việt Nam khoảng 10 triệu liều vaccine Abdala với giá ưu đãi, đồng thời nhận chuyển giao công nghệ của Cuba.

Doi ngoai dang gop phan nang cao vi the va tiem luc moi cua dat nuoc hinh anh 3

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điện đàm với Bí thư Thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Diaz-Canel. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Sáu là, tiếp tục tăng cường trao đổi lý luận và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn với các chính đảng, nhất là với các đảng cộng sản cầm quyền tại các nước xã hội chủ nghĩa. Đảng ta đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo Lý luận lần thứ 16 với Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hội thảo Lý luận lần thứ 8 với Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Các hội thảo trao đổi lý luận có ý nghĩa quan trọng để các bên tổng kết và chia sẻ những thành tựu về lý luận và thực tiễn, cũng như kinh nghiệm trong quá trình Đảng lãnh đạo, tìm tòi xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước. Qua đó, đóng góp thiết thực đối với nhiệm vụ phát triển lý luận phục vụ sự nghiệp xây dựng Đảng, quản lý đất nước, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước; đồng thời, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương phát triển ổn định.

Có thể nói trong năm 2021, quan hệ đối ngoại của Đảng ta đã không ngừng được thúc đẩy và tăng cường, nhất là với các đảng cộng sản, cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng có chung biên giới và các đảng cầm quyền, tham chính trong khu vực và ở các nước đối tác quan trọng, góp phần tạo nền tảng chính trị vững chắc cho quan hệ của Việt Nam với các nước; tạo lập, củng cố sự đồng thuận và hậu thuẫn chính trị của các chính đảng và các lực lượng chính trị đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; nâng cao vị thế, uy tín của Đảng, đất nước ta trên trường quốc tế.

Một số trọng tâm của công tác đối ngoại đảng trong thời gian tới

Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo sẽ tiếp tục biến động hết sức phức tạp, tác động sâu sắc đến môi trường an ninh, phát triển của nước ta. Hòa bình, hợp tác và phát triển tuy vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, thách thức. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn sẽ ngày càng quyết liệt hơn về tính chất, mở rộng hơn về phạm vi nhằm định hình các nguyên tắc, “luật chơi” mới phù hợp với lợi ích của mỗi nước.

Đại dịch COVID-19 vẫn là thách thức lớn cho phát triển kinh tế, an ninh y tế và hệ thống an sinh, phúc lợi và ổn định xã hội ở các nước, nhất là các nước đang phát triển. Kinh tế thế giới tuy đang trên đà phục hồi những vẫn tiềm ẩn nguy cơ suy giảm và tăng trưởng thấp do nợ toàn cầu cao, làm phát tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu và dịch bệnh chưa thể sớm kiểm soát.

Bối cảnh đó đòi hỏi công tác đối ngoại nói chung, đối ngoại đảng nói riêng phải thích ứng nhanh chóng, phát huy mạnh mẽ vị thế, uy tín của Đảng và tiềm lực của đất nước, tận dụng cơ hội, giảm thiểu thách thức từ bên ngoài, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc với mục tiêu bao trùm và hàng đầu là giữ vững môi trường hòa bình, ổn đinh; bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, khai thác có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài cho phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế.

Trên tinh thần đó, nhằm phát huy vai trò trụ cột và vai trò tiên phong của đối ngoại, công tác đối ngoại đảng thời gian tới cần tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, coi trọng và nâng cao chất lượng nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược, nắm bắt kịp thời những xu thế, đặc điểm lớn của tình hình thế giới, khu vực; các vấn đề quốc tế lớn liên quan đến an ninh và phát triển của đất nước; các xu thế chính trị và trào lưu tư tưởng, các phong trào chính trị-xã hội trên thế giới, kịp thời đề ra các chủ trương, đường lối, tranh thủ các cơ hội, xử lý các thách thức đặt ra, không để bị động, bất ngờ.

Thứ hai, triển khai hiệu quả công tác đối ngoại đảng theo tinh thần Chỉ thị số 32-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại đảng trong tình hình mới; phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại đảng, không ngừng mở rộng và phát triển về chiều sâu các mối quan hệ đối ngoại của Đảng, tăng cường sự tin cậy, tạo nền tảng chính trị vững chắc cho quan hệ song phương; tạo lập, củng cố sự đồng thuận chính trị và hậu thuẫn chính trị của các chính đảng và các lực lượng chính trị đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển.

Trong đó, đặc biệt coi trọng và tiếp tục tăng cường đoàn kết, hợp tác toàn diện và tin cậy với các đảng cộng sản cầm quyền và các đảng cầm quyền ở các nước láng giềng, đưa quan hệ vào chiều sâu, thực chất, thiết thực; củng cố sự tin cậy chính trị, giữ vai trò định hướng chiến lược tổng thể cho quan hệ song phương; đẩy mạnh quan hệ với các đảng cầm quyền, đảng tham chính, đảng có vị trí và vai trò quan trọng trong việc hình thành và triển khai chính sách của các nước đối với Việt Nam; tăng cường quan hệ với các đảng cộng sản và công nhân, tiếp tục tranh thủ sự hậu thuẫn chính trị; chủ động và tích cực phát huy vai trò tại các diễn đàn đa phương chính đảng.

Thứ ba, tăng cường trao đổi lý luận và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn với các chính đảng nhằm tiếp thu, tích lũy kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng đảng, về lãnh đạo, quản lý đất nước và giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển; góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Thứ tư, phát huy mạnh mẽ vai trò đầu mối trong quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại, bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với hoạt động đối ngoại của toàn bộ hệ thống chính trị, nâng cao tính thiết thực, hiệu quả của các hoạt động đối ngoại; đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các kênh đối ngoại, tạo sự gắn bó thống nhất, chặt chẽ, đồng bộ và toàn diện giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, phát huy lợi thế và “phân vai” hiệu quả giữa các binh chủng đối ngoại, tạo sức mạnh tổng hợp của mặt trận đối ngoại.

Thứ năm, chú trọng công tác xây dựng tổ chức, bộ máy và đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại đảng.

Những kết quả tích cực của đối ngoại đảng năm 2021, năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII, có ý nghĩa quan trọng, tạo cơ sở để đối ngoại đảng cùng với ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, cũng như các tầm nhìn và mục tiêu chiến lược của đất nước tới các năm 2025, 2030 và 2045"./.

Doi ngoai dang gop phan nang cao vi the va tiem luc moi cua dat nuoc hinh anh 4

Các đại biểu biểu quyết, thông qua Nghị quyết Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

(Daihoidang.vn)

Lượt xem: 2.099
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003900549
  •  Đang online: 74
  •  Trong tuần: 1.116
  •  Trong tháng: 115.268
  •  Trong năm: 1.201.924