Nghị quyết 68 của Chính phủ, một quyết sách kịp thời, hợp lòng dân In trang
20/07/2021 06:38 CH

(LĐ online) - Đại dịch Covid-19 thời gian qua đã tác động tiêu cực đến sản xuất và thị trường lao động nước ta. Hàng trăm ngàn lao động bị mất việc làm, hàng triệu lao động phải tạm nghỉ giãn việc và giảm thu nhập. Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã buộc phải ngưng hoạt động.  

Trước tình thế đó, Nghị quyết 68/NQ-CP đã được Chính phủ ban hành kịp thời, góp phần hạn chế những tác động tiêu cực của đại dịch, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định lao động, việc làm, bảo đảm đời sống cho người lao động, duy trì mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế của Chính phủ.

Nghị quyết 68 của Chính phủ được xem là quyết sách kịp thời, nhân văn, thiết thực, hợp lòng dân. Ảnh minh hoạ. Ảnh: C.THÀNH

Nghị quyết 68 của Chính phủ được xem là quyết sách kịp thời, nhân văn, thiết thực, hợp lòng dân. Ảnh minh hoạ. Ảnh: C.THÀNH

Từ đầu năm 2021 đến nay, Việt Nam đã phải đương đầu với đợt dịch Covid-19 lần thứ 3 và lần thứ 4 diễn ra liên tiếp. Đặc biệt, đợt dịch lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 đã và đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống không chỉ của các doanh nghiệp mà còn của cả người dân. 

Dịch bệnh khiến sức chống chịu của các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn và có thương hiệu trên thị trường giảm sút do dịch bệnh kéo dài. Đời sống của phần lớn người lao động bị ảnh hưởng do thu nhập giảm sút và mất việc làm. 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê về tình hình lao động việc làm trong quý II và 6 tháng đầu năm 2021: Cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, so với quý I, dịch bệnh đã làm tăng thêm 3 triệu lao động rơi vào tình trạng này. Cũng chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm đã có gần 60.000 doanh nghiệp trên cả nước phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động, hoặc giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020. 

Có thể khẳng định đây là một quyết sách bao hàm đầy đủ sự kịp thời, tính nhân văn và tạo dựng được niềm tin từ người dân. Bởi đây là gói hỗ trợ của Chính phủ đối với người lao động và người sử dụng lao động. Chính vì lẽ đó, Nghị quyết như một “cánh cửa” mở ra đúng thời lúc, đúng thời điểm để người lao động và người sử dụng lao động có được những cơ hội trong khó khăn do đại dịch gây ra. 

So với gói hỗ trợ lần thứ I/2020, gói hỗ trợ lần này theo quan điểm của Nghị quyết 68 đã được mở rộng trên phạm vi, hình thức và đối tượng được hỗ trợ. Theo đó, 12 chính sách hỗ trợ, bao gồm: Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng; hỗ trợ bổ sung và trẻ em; hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19; hỗ trợ một lần đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV, hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề bị ảnh hưởng bởi đại dịch; hỗ trợ kinh doanh; cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ đối với lao động tự do và một số đối tượng khác.

Công nhân đang làm việc tại công trường xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: C.THÀNH

Công nhân đang làm việc tại công trường xây dựng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: C.THÀNH

Việc mở rộng phạm vi, hình thức, đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 đã là minh chứng cụ thể nhất cho quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước, đó là “Không để ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ trong đại dịch mà còn trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào. 

Nghị quyết 68 được ban hành không chỉ đơn thuần là giải pháp hỗ trợ cấp thiết trong hiện tại mà còn giúp cho người lao động và doanh nghiệp có sự chuẩn bị cần thiết để tiếp tục tham gia thị trường lao động. Bởi Chính phủ đã ban hành chính sách cho vay trả lương ngừng việc và cho vay trả lương phục hồi sản xuất. Đây là biện pháp góp phần giúp doanh nghiệp được vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi để trả lương cho người phải ngừng việc và hỗ trợ vốn tín dụng khi quay lại sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, Nghị quyết 68 cũng đưa ra chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động với mức hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu /người lao động/tháng với thời gian hỗ trợ tối đa là 06 tháng. 

Thiết thực và phù hợp, các chính sách trên thực sự đã trở thành điểm tựa để người dân và doanh nghiệp có thêm nguồn lực chống đỡ dịch bệnh; đồng thời, đủ sức tự đứng vững để vượt qua khó khăn. 

Đặc biệt, việc ban hành một quyết sách không chỉ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn mà còn tạo điều kiện, tiền đề để chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống sao cho hiệu quả nhất. Có thể nói, đây cũng là mối quan tâm lớn của người dân và doanh nghiệp, bởi vấn đề này thường được quy vào phạm vi “nhạy cảm” và thường gây ra nhiều tiêu cực trong quá trình triển khai. 

Chính vì điều này, nên khi ban hành, Nghị quyết 68 cũng đã quy định rõ các nguyên tắc trong quá trình thực hiện. Đó là, bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; xây dựng tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của chính sách và nguồn lực để thực hiện; phân cấp trách nhiệm hỗ trợ giữ ngân sách nhà nước Trung ương và ngân sách nhà nước địa phương. 

Trong cuộc họp gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã từng khẳng định: “Người dân đang rất mong ngóng từng ngày gói hỗ trợ này. Vì vậy, cơ quan nào chậm triển khai hỗ trợ là có lỗi với dân, địa phương nào để tiêu cực, dẫn đến trục lợi là có tội với dân”. 

Đây là điều không thể khác, bởi trong 12 chính sách trong gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 có 07 nội dung liên quan đến hỗ trợ trực tiếp tiền mặt cho các đối tượng là lao động mất việc, ngừng việc, F0, F1, trẻ em, viên chức hoạt động nghệ thuật, hướng dẫn viên du lịch và hộ kinh doanh. Đây là khoản hỗ trợ cần được thực hiện ngay, hoàn thành sớm nhất nhằm kịp thời hỗ trợ các đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi dịch bệnh. Đặc biệt, trong các đối tượng được nhận gói hỗ trợ thì những người nghèo mà phần lớn là người lao động tự do, là đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương nhất, nhưng lại khó tiếp cận kịp thời và đầy đủ gói cứu trợ (do họ luôn di chuyển ở các địa phương). Chính vì vậy các địa phương cần phải có những kế hoạch kịp thời, chủ động, sát sao với thực tế để đưa ra những bước triển khai cụ thể, từ đó gói hỗ trợ mới có thể đến tay người lao động sớm nhất. 

Có thể nói, Nghị quyết 68 là thông điệp của một quyết sách hợp lòng dân, không chỉ ở khía cạnh nguồn lực vật chất; đồng thời, còn  tạo ra những giá trị to lớn về mặt tinh thần để tất cả người dân có thể cùng chung vai vượt qua dịch bệnh. Nhưng để Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, phải thực sự cần đến sự minh bạch, sự hy sinh không vì lợi ích cá nhân, sự tận tâm của những người thực thi. Chỉ khi nào, tất cả người lao động thuộc phạm vi được hỗ trợ theo quan điểm của Nghị quyết 68 được hưởng đầy đủ tất cả những quyền lợi của mình, chỉ khi nào Nghị quyết 68 tạo ra được sự lan tỏa thực sự, đó mới chính là thước đo của thành công. 

Ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Khoản trợ cấp 26.000 tỷ hy vọng sẽ góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động. 

Ngày 14/7, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Văn bản số 4848 về kế hoạch thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ.  

Ngày 20/7, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 1900 về việc phê duyệt chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch covid-19 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng theo khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ.

 (Baolamdong.vn)

Lượt xem: 3.774
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003977866
  •  Đang online: 51
  •  Trong tuần: 13.547
  •  Trong tháng: 57.090
  •  Trong năm: 1.279.241