Nghị quyết Đại hội XIII và những yêu cầu mới cao hơn đối với cán bộ cấp chiến lược In trang
17/06/2021 11:25 SA

(ĐHXIII) - Ngoài các tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn chức danh cụ thể đã nêu trong Quy định số 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề cập tới một số tiêu chuẩn có yêu cầu cao hơn.

Lúc sinh thời Bác Hồ đã có cái nhìn chiến lược về việc lựa chọn, đào tạo và trọng dụng người tài (Ảnh tư liệu)

Về chính trị, tư tưởng, các cán bộ cấp chiến lược phải không ngừng nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trí tuệ và tính chiến đấu; luôn tiên phong, gương mẫu; có khát vọng góp phần cùng từng ngành, từng địa phương và cả nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa nước ta vươn lên trở thành nước phát triển vào năm 2045; có ý chí, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung; kiên quyết đấu tranh phòng, chống có hiệu quả chủ nghĩa cơ hội, xét lại, giáo điều, bảo thủ, bè phái, những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.  

Về đạo đức, lối sống, cán bộ cấp chiến lược phải thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình; luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng; tự mình phòng, tránh và đấu tranh có hiệu quả với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, cơ hội, cục bộ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ; nêu cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời; tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày; thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người cán bộ lãnh đạo. Đặc biệt, cán bộ cấp chiến lược phải nêu cao tinh thần vì nhân dân phục vụ; thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu; thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình; nghiêm túc tiếp thu ý kiến giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của bản thân.

Về năng lực và uy tín, cán bộ cấp chiến lược cần có năng lực nổi bật trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; có năng lực dự báo và ứng phó với các thách thức, diễn biến rất nhanh, khó lường của tình hình trong nước, thế giới, trên cơ sở bám sát và xuất phát từ thực tiễn; có năng lực thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chủ trương của Đảng; kiên quyết khắc phục những yếu kém, trì trệ, không né tránh trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện. Các cán bộ cấp chiến lược là người đứng đầu có năng lực phát hiện, lựa chọn, thu hút, trọng dụng nhân tài; lựa chọn, giới thiệu với cấp có thẩm quyền để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình. Cán bộ cấp chiến lược xác lập uy tín bằng hiệu quả công tác thực tiễn, bằng việc thực hiện nghiêm, có hiệu quả các quy định về dân chủ ở cơ sở, công tác tiếp dân, đối thoại với nhân dân; thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”, nắm bắt và giải quyết thỏa đáng, kịp thời tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân./.

(Daihoi13.dangcongsan.vn)

Lượt xem: 2.283
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003888408
  •  Đang online: 140
  •  Trong tuần: 20.885
  •  Trong tháng: 103.127
  •  Trong năm: 1.189.783