Bài 1: Xóa đói giảm nghèo: Thành quả luôn song hành cùng khó khăn và thách thức In trang
07/05/2021 07:16 SA

(ĐHXIII) - Ngay từ khi mới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một trong 6 nhiệm vụ đầu tiên của Chính phủ mới là “Diệt giặc đói”. Từ đó đến nay, công tác xóa đói giảm nghèo luôn là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước ta. Tuy nhiên, thành quả của công tác xóa đói giảm nghèo luôn song hành cùng khó khăn và thách thức, đặc biệt đối với vùng dân tộc và miền núi

Xóa đói giảm nghèo đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi luôn là khó khăn nhất

Năm 2006, Việt Nam đã tuyên bố hoàn thành “Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) về xóa nghèo”, về đích trước 10 năm so với thời hạn (thời hạn là năm 2015).

Tuy nhiên, không vì thế mà Việt Nam thỏa mãn với những thành quả đã đạt được. Công tác xóa đói giảm nghèo vẫn luôn là một nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước ta. Không những vậy, cách thức tính toán và xác định tiêu chí về hộ nghèo luôn được thay đổi, cập nhật với tình hình thực tế, phù hợp với cách tính chung của quốc tế nhằm làm cho công tác xóa đói giảm nghèo được đa chiều và bền vững.

Nhờ tích cực giảm nghèo, nhiều hộ gia đình người dân tộc thiểu số ở vùng cao có điều kiện đầu tư nông cụ hiện đại giúp nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị sản xuất, cải thiện đời sống (ảnh: Trần Quỳnh)

Năm 2016, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, đã đánh giá, công tác xóa đói giảm nghèo có những chuyển biến tích cực, tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm, từ 14,2% cuối năm 2010 xuống dưới 4,5% năm 2015; riêng các huyện nghèo giảm khoảng 6%/năm, từ 58,3% xuống còn 28%...

Để xác nhận về điều này, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho hay, quốc tế nhìn nhận rất tích cực những thành quả Việt Nam đạt được trong công cuộc xóa đói giảm nghèo trong vài thập kỷ vừa qua.

Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, những thành quả của công tác xóa đói giảm nghèo luôn song hành cùng khó khăn và thách thức. Những khó khăn và thách thức càng tăng thêm đối với những nhóm yếu thế, trong đó có vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Năm 2019, kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê tiến hành đã cho thấy bức tranh còn nhiều gam màu xám trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Sinh kế của đồng bào phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông - lâm nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, thiên tai khó lường gây thiệt hại nặng cho sản xuất và đời sống. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu đất sản xuất còn phổ biến và là một bài toán rất khó giải quyết ở cơ sở do quỹ đất có khả năng canh tác không nhiều... Tổng hợp những yếu tố đó đang trở thành mối thách thức cho công tác xóa đói giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Thực tế cuộc sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang đòi hỏi cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp để giúp đồng bào biến thách thức thành cơ hội thông qua việc nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động chuyển đổi cơ cấu lao động, đa dạng hóa các loại hình sinh kế nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Tỉ lệ nghèo chia theo khu vực địa lý (nguồn: "Báo cáo điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019" do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê phối hợp thực hiện) - Thiết kế bảng: Trần Quỳnh

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi bao gồm 52/63 tỉnh (chiếm 82,5% số tỉnh), với 457/713 huyện, thị xã (chiếm 64,1% số huyện), 5.266/11.162 xã, phường, thị trấn (chiếm 47,2% số xã), trải rộng từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, với diện tích gần 250 nghìn km2, chiếm ¾ diện tích cả nước.

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi giàu tiềm năng, lợi thế về kinh tế nông - lâm nghiệp, khoáng sản, thủy điện, du lịch, kinh tế biên mậu… nhưng đã, đang và sẽ tiếp tục là “lõi nghèo” của cả nước.

Kết quả điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện đã cung cấp thực trạng tình hình đói nghèo trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam tính đến thời điểm 01/10/2019 như sau:

- Tỷ lệ hộ nghèo trong tổng số hộ dân tộc thiểu số: 22,2%

- 13 dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% gồm: Mông 52,7%, Bru Vân Kiều 56,1%, Khơ Mú 51,5%, Co 57,1%, Kháng 51,5%, Xinh Mun 65,3%, La Hủ 74,4%, Lô Lô 53,9%, Chứt 60,6%, Mảng 66,3%, Pà Thẻn 50,2%, Cống 54%, Ơ Đu 56,7%.

- 19 dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo từ 20% - dưới 50%.

- Chỉ có 4 dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%: Hoa 1,5%, Ngái 4,7%, Chơ Ro 4,2%, Chu Ru 4,1%.

Bản đồ tỉ lệ nghèo (nguồn: “Báo cáo nghèo đa chiều” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học và xã hội Việt Nam; Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp thực hiện) -  Infographic: Trần Quỳnh

Nhìn vào Bản đồ tỉ lệ nghèo bên trên thấy rằng: Nếu như tỷ lệ nghèo của dân tộc Kinh rất thấp (màu xanh lá cây - dưới 10%) và chỉ có một số rất nhỏ (màu vàng) ở khu vực miền núi phía Bắc. Nhưng tỉ lệ nghèo của dân tộc thiểu số hoàn toàn ngược lại với màu sắc chủ yếu là màu vàng (20 - 40%) và màu đỏ (40 - 70%) và thậm chí một số vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có màu nâu đỏ (tỷ lệ nghèo trên 70%).

Như vậy, có thể nhận thấy từ bức tranh kết quả giảm nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số nước ta thì gam màu xám vẫn đang là chủ đạo với 32/53 dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo từ 20% trở lên, cao gấp 3,73 lần tỷ lệ hộ nghèo chung toàn quốc, tính đến thời điểm cuối năm 2018. Hộ dân tộc thiểu số nghèo tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Đặc biệt, so với 5 năm trước, có 06 dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo tăng lên, cụ thể: dân tộc Xinh Mun tăng 13,3%, dân tộc Bru Vân Kiều tăng 12,6%, dân tộc Kháng tăng 5,4%, dân tộc Lô Lô tăng 14,1%, dân tộc Cống tăng 17,8%, dân tộc Pà Thẻn tăng 23,4%.

Những con số trên là minh chứng cho nhận định của Bộ Chính trị tại Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới: “So với sự phát triển chung của cả nước và từng địa phương, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách giàu - nghèo có xu hướng gia tăng”.

Những thách thức từ thực tế, đáng chú ý nhất là tác động của biến đổi khí hậu

Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đánh giá: Tình trạng giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh còn cao (bằng 17,82% tổng số hộ thoát nghèo) chủ yếu do thiên tai, tách hộ.

Theo chỉ số rủi ro về khí hậu dài hạn do Liên hợp quốc công bố, Việt Nam là một trong 10 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thiên tai. Một trong những tác động rõ nét nhất của thiên tai chính là đối với công tác xóa đói giảm nghèo. Chỉ cần một cơn bão tàn phá là cũng có thể làm tăng tỉ lệ đói nghèo lên vài %. Cơn bão số 12 (tháng 11 năm 2017) là một ví dụ. Cơn bão này khi vào bờ đã tàn phá Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, rồi suy yếu thành vùng áp thấp gây mưa to nhiều ngày, sạt lở đất đá ở Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái... gây thiệt hại rất nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của người dân, đau buồn hơn là nhiều hộ gia đình vừa thoát nghèo, nhưng sau bão đã quay trở lại thành hộ nghèo, thậm chí còn trắng tay… Điều này đã làm gia tăng trở lại tỉ lệ hộ nghèo của năm đó.

Trong Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18/6/2018 về công tác phòng, chống thiên tai, Chính phủ nhận định: “Thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, là một trong những thách thức lớn đối với phát triển bền vững của đất nước. Trong 20 năm gần đây, nước ta đã phải hứng chịu hầu hết các loại thiên tai (trừ sóng thần), gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, tác động xấu đến môi trường sống, sản xuất của nhân dân (ước tính thiệt hại hàng năm từ 1,0 - 1,5% GDP).

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, năm 2019, thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường, với 16/21 loại hình. Do tác động của biến đổi khí hậu, mức độ thiên tai diễn ra khốc liệt, gây ra thiệt hại nghiêm trọng hơn. Năm 2019, đã có 133 người chết và mất tích; 1.319 nhà bị đổ, trôi; 40.276 nhà bị hư hỏng và phải di dời; trên 100.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 24.000 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị gãy, đổ. Tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2020, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường. Trên cả nước đã xảy ra 7 đợt dông lốc, mưa đá diện rộng; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long; 11 trận động đất; sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt diễn biến phức tạp tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đến hết tháng 4/2020, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích; trên 44.000 nhà bị sập đổ, hư hỏng, tốc mái; trên 100.000ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, thiên tai hiện nay diễn biến dị thường, trái quy luật, xảy ra khắp vùng miền cả nước, suốt cả năm, ngày càng trầm trọng. Thiệt hại do thiên tai lấy đi thành quả phát triển, tác động sâu sắc đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi có địa hình phức tạp, hiểm trở, chia cắt, cơ sở hạ tầng thấp kém, giao thông đi lại rất khó khăn, thiên tai thường hay xảy ra, với các loại hình phổ biến là hạn hán, bão, lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, lốc xoáy, mưa đá, rét hại, xâm nhập mặn... Thực tế cho thấy dường như có một mối liên hệ nhất định giữa tình trạng đói nghèo với hậu quả của thiên tai và biến đổi khí hậu ở vùng dân tộc thiểu số miền núi.  

So sánh giữa tỉ trọng lao động làm việc trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản với tỉ lệ hộ nghèo của top 5 dân tộc đầu bảng và 5 dân tộc cuối bảng (nguồn: "Báo cáo điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019" do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê phối hợp thực hiện) - Thiết kế bảng: Trần Quỳnh

Hiện nay, sinh kế chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số nước ta là sản xuất nông, lâm nghiệp, trong đó 16 dân tộc thiểu số có tỷ lệ lao động trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản cao trên 90%, gồm: Mông 94,8%, Gia Rai 94,6%, Ba Na 95,4%, Xơ Đăng 95,2%, Cơ Ho 91,2%, M’Nông 93,9%, Bru - Vân Kiều 91,6%, Mạ 91,2%, Khơ Mú 91,7%, Xinh Mun 97,7%, Chu Ru 95,2%, La Hủ 97%, Chứt 91,6%, Cống 93,2%, Brâu 98,5%, Rơ Măm 96,3%. 25 dân tộc thiểu số có tỷ lệ lao động trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản từ 70 - 90%.

Phân tích số liệu thì thấy có sự trùng khớp nhất định giữa những dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo cao với những dân tộc có tỷ lệ lao động trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản cao. Vấn đề là ở chỗ tại hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc, có đông đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống, tỷ lệ đất được tưới tiêu rất thấp: Cao Bằng 5,4%, Lai Châu 3,3%, Sơn La 4,1%, Yên Bái 5%, Hà Giang 4%...

Vùng Bắc Trung bộ, tỷ lệ đất được tưới tiêu đặc biệt thấp: Thanh Hóa 6,3%, Nghệ An 4,5%, Quảng Bình 1%, Quảng Trị 0,9%, Thừa Thiên Huế 1,5%. Tỉ lệ này ở vùng Duyên hải miền Trung: Quảng Nam 1,8%, Quảng Ngãi 5,2%, Bình Định 4,1%, Khánh Hòa 6,3%...

Như vậy, đồng bào dân tộc thiểu số phải vật lộn với công cuộc thoát nghèo trong điều kiện rất nhiều bất lợi: Một là, sinh kế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp vốn là lĩnh vực sinh lời chậm. Hai là, biến đổi khí hậu ngày càng gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan khiến sản xuất nông lâm nghiệp càng chịu nhiều rủi ro trong bối cảnh đất canh tác không chủ động về tưới tiêu, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào “ông trời”.

Bên cạnh đó, mặc dù sinh kế gắn với sản xuất nông lâm nghiệp là chủ yếu nhưng tình trạng không có hoặc thiếu đất sản xuất đang diễn ra phổ biến đối với người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói chung, cộng đồng các dân tộc thiểu số nói riêng. Theo điều tra, nhiều nhóm dân tộc ở Tây Nguyên có trên 80% số hộ thiếu đất sản xuất và 68,5% hộ dân tộc thiểu số có nhu cầu cần thêm đất sản xuất.

Những vấn đề nêu trên đang thực sự trở thành thách thức đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Nếu không có cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời để biến thách thức thành cơ hội, tức là giúp đồng bào chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi cơ cấu lao động, đa dạng hóa các loại hình sinh kế thì rất khó có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi./.

(Daihoi13.dangcongsan.vn)

Lượt xem: 11.390
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003902150
  •  Đang online: 80
  •  Trong tuần: 2.717
  •  Trong tháng: 116.869
  •  Trong năm: 1.203.525