Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác TTĐN đã có nhiều nỗ lực đổi mới, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tiễn, đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc triển khai đường lối đối ngoại. Các thành tựu của công tác đối ngoại và TTĐN đã góp phần quan trọng giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thu hút các nguồn lực to lớn để phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Ảnh minh họa
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp. Đặc biệt, trong năm cuối nhiệm kỳ, cuộc khủng hoảng do COVID-19 đã tác động toàn diện, sâu sắc đến tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Những biến động của tình hình thế giới và khu vực đã tác động trực tiếp đến môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của Việt Nam, đặt ra nhiều thách thức đối với công tác đối ngoại và thông tin đối ngoại (TTĐN) trong cả nhiệm kỳ Đại hội XII và nhất là trong năm 2020. Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại đã được triển khai tích cực, chủ động, sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu to lớn. Quan hệ đối ngoại cả trên bình diện song phương và đa phương được mở rộng, đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững hơn. Hoạt động hội nhập quốc tế được triển khai tích cực, chủ động, tạo không gian quan hệ rộng mở, tranh thủ được sự ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. “Vị thế, uy tín, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao”(1).
Góp phần tích cực vào thành công của công tác đối ngoại, công tác TTĐN đã có những bước chuyển mạnh mẽ, nỗ lực đổi mới cả về nội dung, phương thức, lực lượng triển khai. Đáng chú ý, nhận thức sâu sắc về tác động của cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 và những biến đổi của truyền thông quốc tế, công tác TTĐN đã ngày càng vận dụng hiệu quả các hình thức tuyên truyền mới trên nền tảng công nghệ số. Theo đó, công tác TTĐN nhiệm kỳ Đại hội XII đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, tăng cường đồng thuận xã hội, sự ủng hộ của nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng; tích cực tuyên truyền các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, các sự kiện trọng đại của đất nước, góp phần nêu bật chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta; theo dõi sát dư luận về Việt Nam, kịp thời định hướng và cung cấp thông tin đầy đủ cho báo chí, chú trọng công tác tuyên truyền thành quả phân giới cắm mốc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; chủ động, sáng tạo trong tranh thủ phóng viên nước ngoài, truyền thông quốc tế; chủ động đổi mới, sáng tạo triển khai các hình thức thông tin phong phú, đa dạng, tận dụng tối đa công nghệ truyền thông hiện đại trên nền tảng Internet, kỹ thuật số; các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chủ động triển khai hiệu quả công tác TTĐN tại các địa bàn trên toàn thế giới.
Ban Tuyên giáo Trung ương đã tặng Bằng khen cho 30 tập thể đạt thành tích xuất sắc trong công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo, phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới trên đất liền trong năm 2020.
Có thể khẳng định, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác TTĐN đã có nhiều nỗ lực đổi mới, sáng tạo phù hợp với tình hình thực tiễn, đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc triển khai đường lối đối ngoại. Các thành tựu của công tác đối ngoại và TTĐN đã góp phần quan trọng giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, củng cố môi trường hòa bình, ổn định, thu hút các nguồn lực to lớn để phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
Bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường. Hòa bình, hợp tác, và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng đang gặp nhiều trở ngại, thách thức. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, các vấn đề an ninh phi truyền thống là những thách thức lớn đe dọa sự ổn định và phát triển ở nhiều quốc gia, khu vực, trong đó có Việt Nam.
Ngay từ những tháng đầu của năm 2021 - năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, thế giới và khu vực tiếp tục có những biến động sâu sắc. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, đặc biệt là quan hệ Mỹ - Trung có những căng thẳng mới. Các nước lớn cũng như nhiều quốc gia ở khu vực tiếp tục điều chỉnh chiến lược, triển khai tập hợp lực lượng ngày càng linh hoạt, phức tạp. Mặc dù vẫn là đầu tàu tăng trưởng kinh tế của thế giới, là sự kỳ vọng phục hồi hậu đại dịch COVID-19, song châu Á - Thái Bình Dương cũng có những điểm nóng tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Tại Đông Nam Á, bên cạnh những thách thức mà ASEAN phải đối mặt lâu nay, bất ổn ở Myanmar đang tạo ra những hệ lụy tác động đến hình ảnh, sự đoàn kết, mối quan hệ giữa Hiệp hội và các đối tác lớn. Tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp.
Ở trong nước, “sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Những thành tựu quan trọng của công cuộc đổi mới và nhiệm kỳ Đại hội XII đã tạo nền tảng quan trọng để định vị Việt Nam trong một thế giới đang có nhiều biến động to lớn. Đặc biệt, những thành công bước đầu trong công tác phòng chống dịch của Việt Nam tạo cơ hội hiếm có cho công tác tuyên truyền, quảng bá đất nước. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới và ở Việt Nam. Công cuộc phòng chống dịch trên thế giới đã bước sang giai đoạn mới với nỗ lực nghiên cứu, triển khai tiêm phòng vắc-xin. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Công nghệ thông tin phát triển nhanh, đặc biệt truyền thông mạng xã hội ngày càng chiếm ưu thế với lợi thế về tốc độ, hàm lượng thông tin, khả năng tiếp cận và thu hút công chúng. Lợi dụng bối cảnh không gian mạng phát triển mạnh mẽ, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tiếp tục gia tăng xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có công tác đối ngoại.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT và đồng chí Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội
trao giải Nhì cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải Giải thưởng Thông tin đối ngoại lần thứ VI
Nhận thức sâu sắc về tình hình thế giới, khu vực, căn cứ vào thế và lực của đất nước sau 35 năm đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa với nhiều điểm mới đáng chú ý.
Về mục tiêu, Báo cáo chính trị Đại hội XIII xác định rõ “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”(2). Theo đó, mọi hoạt động đối ngoại đều phải lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm mục tiêu tối cao. Tuy nhiên, trong một thế giới mà sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng, các quốc gia trong cộng đồng quốc tế đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Việc theo đuổi lợi ích quốc gia vị kỷ sẽ chỉ mang lại căng thẳng, đối đầu. Hơn thế nữa, với thế và lực của nước ta, việc coi trọng luật pháp quốc tế, xét đến cùng cũng là phục vụ tốt nhất cho lợi ích quốc gia - dân tộc.
Về nhiệm vụ đối ngoại, Báo cáo chính trị Đại hội XIII nhấn mạnh “Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”(3). Theo đó, nhiệm vụ trọng yếu của đối ngoại là đi tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, từ khi nước còn chưa nguy; đồng thời, đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, huy động mọi nguồn lực về vốn đầu tư, thị trường, khoa học công nghệ để phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
(Mic.gov.vn)