Tiếp tục xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả In trang
24/04/2021 10:37 SA

(ĐHXIII) - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”. Để thực hiện thành công nhiệm vụ trọng tâm này, đòi hỏi ngành Nội vụ, Bộ Nội vụ cần chủ động nghiên cứu, đánh giá những kết quả và hạn chế trong tổ chức, hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước thời gian qua; trên cơ sở đó tham mưu cho Đảng và Nhà nước những giải pháp tiếp tục xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: BNV)

Nhìn lại kết quả xây dựng bộ máy hành chính nhà nước thời gian qua

5 năm qua (2016-2021), “Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ XII là việc đổi mới hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị được làm rất mạnh mẽ, có thể nói như một “cuộc đổi mới” về tổ chức”(1), “… bảo đảm hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả”(2).

Có thể khái quát những kết quả chính đã đạt được như sau:

Về xây dựng thể chế: việc xây dựng, hoàn thiện thể chế hành chính nhà nước đã đạt những kết quả có ý nghĩa rất quan trọng. Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành 71 luật, 745 nghị định, 232 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 2.242 thông tư và nhiều văn bản khác. Qua đó, thể chế của nền hành chính được cải cách và hoàn thiện phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ bản đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Cần nhấn mạnh rằng, kết quả xây dựng, hoàn thiện thể chế hành chính nhà nước không chỉ thể hiện ở số lượng văn bản, mà ý nghĩa quan trọng nhất là đã kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng để tạo lập cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Về kết quả thực hiện sắp xếp: bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương đã từng bước phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý; cơ cấu bên trong đã có sự phân định rõ hơn giữa cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Việc triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã đạt nhiều kết quả tích cực, tạo được nhận thức mới, tư duy mới và hành động quyết liệt trong toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và đến nay đã giảm được nhiều đầu mối bên trong các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt giảm trên 25% đơn vị sự nghiệp, nhất là ở các địa phương đã giảm 3.980 đơn vị sự nghiệp; thực hiện tích cực việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã (đã giảm 08/713 đơn vị hành chính cấp huyện và 557/11.160 đơn vị hành chính cấp xã; 38.369/98.455 thôn, bản, tổ dân phố, tương ứng giảm 39%). Qua sắp xếp, bước đầu đảm bảo tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả(3).

Về tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy: đã giảm trên 27.500 biên chế công chức (tương ứng giảm 10,01% so với năm 2015); giảm gần 243.000 biên chế viên chức (tương ứng giảm 11,98% so với năm 2015), và vượt so với mục tiêu giảm 10% mà Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra đến năm 2021. Công chức từ cấp huyện trở lên giảm 40.000 người; giảm gần 148.000 cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố; hợp đồng lao động giảm gần 7.000 người.

Về hiệu quả kinh tế: theo tính toán của Bộ Tài chính, năm 2019 so với năm 2017 giảm 0,85% tỉ trọng chi thường xuyên, tương đương 10.000 tỷ đồng. Lũy kế từ năm 2017 đến năm 2019, chi ngân sách nhà nước đã giảm trên 15.000 tỷ đồng từ tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới lĩnh vực sự nghiệp công(4). Tính từ đầu nhiệm kỳ đến giữa năm 2020, Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Tổng chi phí tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ khi Cổng Dịch vụ công Quốc gia được khai trương cuối năm 2019 đến cuối năm 2020 là 8.000 tỷ đồng. Đây không chỉ là một khoản tiền tiết kiệm rất lớn, mà còn đem lại nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc: tiết kiệm thời gian, công sức của cả xã hội, minh bạch hóa quy trình, thủ tục, đẩy mạnh thực hành dân chủ, tăng cường niềm tin của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phòng, chống tham nhũng (5).

Có thể khái quát kết quả thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW là đã giúp “6 giảm” và “6 tăng”. Cụ thể, “6 giảm” là: giảm đầu mối; giảm cấp trung gian; giảm số lượng lãnh đạo; giảm biên chế; giảm thủ tục hành chính; giảm chi cho bộ máy hệ thống chính trị. “6 tăng” bao gồm: tăng về tính khoa học tổ chức; tăng về chất lượng cán bộ; tăng về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tăng chi cho đầu tư phát triển và tăng sự đồng thuận xã hội. Trong quá trình tổ chức sắp xếp bộ máy, đã có nhiều bộ, ngành và địa phương đã triển khai thực hiện một cách sáng tạo, năng động và hiệu quả, như Bộ Công an đã triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy ngành Công an tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; điều chỉnh, bố trí lực lượng theo hướng tăng cường cho cơ sở, không tổ chức cấp trung gian, nâng cao chất lượng của các cục trực thuộc bộ. Hoặc cách triển khai sắp xếp của Bộ Tài chính cho thấy tư tưởng của công chức toàn ngành rất ổn định, thể hiện qua kết quả công việc cụ thể, triển khai các kế hoạch, nhiệm vụ chuyên môn hàng năm đều đồng bộ và đạt kết quả tốt.

Ở khối địa phương, Yên Bái là tỉnh có những cách làm hay, có tính điển hình. Ngay từ đầu, Tỉnh ủy Yên Bái nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng là một cuộc cách mạng về tư tưởng, nhận thức và hành động, phải được chuẩn bị công phu, khoa học, kỹ lưỡng, sáng tạo, gắn chặt giữa lý luận với thực tiễn; quá trình thực hiện vừa quyết tâm, quyết liệt, vừa bảo đảm đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, vừa có tính kế thừa, vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo. Kết quả đã giảm được 405 cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện, bằng 25,52% so với tổng số đầu mối tổ chức, cơ quan, đơn vị năm 2015 (trong đó có 363 cơ quan, đơn vị khối Nhà nước). Đã giảm được 3.780 biên chế, trong đó giảm trực tiếp 2.270 biên chế (tính chung đã giảm 11% so với năm 2015)...(6). Tỉnh Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương đi tiên phong, gương mẫu, điển hình trong việc thực hiện sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị cấp tỉnh, huyện và xã. Kết quả là đã giảm bớt các tầng nấc trung gian, bảo đảm hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành gắn kết chặt chẽ với xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Qua đó, đã đem lại tinh thần đổi mới sáng tạo, khơi thông và giải phóng tối đa các nguồn lực để đưa Quảng Ninh trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc nước ta.

Có thể khẳng định, cải cách hành chính nhà nước trong những năm qua cơ bản đã đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín của đất nước ta trên trường quốc tế. Với những kết quả thành công bước đầu có ý nghĩa rất quan trọng nêu trên, tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã nhấn mạnh “Kết quả về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế là một trong những dấu ấn trong công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII”.

Tuy nhiên, việc thực hiện cũng cho thấy vẫn còn có những hạn chế. Một số văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện các văn bản quy định về tổ chức bộ máy chưa ban hành kịp thời. Tổ chức bộ máy vẫn chưa khắc phục triệt để những chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính chưa được phát huy mạnh mẽ. Chức năng, nhiệm vụ và mô hình tổ chức của chính quyền địa phương tuy đã được xác định và kiện toàn nhưng chưa đồng bộ và triệt để; việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn thiếu quyết liệt ở một số địa phương. Việc sắp xếp cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện chưa thật phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Trung ương; một số địa phương chưa thực hiện đúng quy định về sắp xếp tổ chức bộ máy; việc rà soát, tinh giản biên chế chưa thực sự gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chưa chủ động đề xuất, kiến nghị với Trung ương sửa đổi, bổ sung các văn bản, các quy định không phù hợp với thực tế.

Những hạn chế này đã được Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Cải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước. Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương chưa đổi mới mạnh mẽ; chức năng, nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền chưa thật rõ ràng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Số lượng cán bộ cấp xã và đội ngũ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công vẫn còn quá lớn; phẩm chất, năng lực, uy tín còn hạn chế, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”(7). Chính phủ cũng đánh giá “... bộ máy hành chính nhà nước chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả. Việc đổi mới lề lối làm việc, kỷ cương, kỷ luật, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh” (8).

Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, tiếp tục xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Tiếp tục xây dựng nền hành chính nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân là quyết tâm chính trị đã được Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng khẳng định, cần được quán triệt đầy đủ từ nhận thức đến hành động trong thời gian tới. Trong đó, trọng tâm là xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân. Theo tinh thần đó, cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và cơ bản sau đây:

Thứ nhất, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, bảo đảm công khai, minh bạch, quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Khẩn trương trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 theo hướng toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Thứ hai, đẩy mạnh đổi mới bộ máy Chính phủ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực, khắc phục triệt để những chồng chéo, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, cơ quan ngang bộ; đảm bảo nguyên tắc một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Phát huy đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ tập trung vào xây dựng thể chế kiến tạo phát triển, quản trị quốc gia và tổ chức thi hành pháp luật theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Chính phủ có đủ năng lực, đủ khả năng giải trình; tạo ra tầm nhìn tốt và chính sách tốt; sự tương tác thân thiện với xã hội, người dân, với thị trường và doanh nghiệp; tạo ra và chia sẻ sự phát triển. Tích cực đổi mới phương thức hoạt động của Chính phủ theo hướng tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch để kiến tạo phát triển và phục vụ nhân dân; tăng cường năng lực dự báo, phân tích và đề xuất chính sách dựa trên luận cứ khoa học và thực tiễn trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Triển khai mạnh mẽ việc xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số nhằm ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ để đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng lực quản lý, điều hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của cơ quan hành chính các cấp, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Trong đó, Cổng Dịch vụ công Quốc gia phải là điểm khởi đầu quan trọng nhất của Chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, đảm bảo đến năm 2023, toàn bộ các dịch vụ hành chính công sẽ được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Thứ ba, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành và giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương; khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Đồng thời, phân định rõ trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân, bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất, thông suốt và hiệu quả; phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị và từng cá nhân người đứng đầu bộ, ngành, địa phương và đơn vị. Nghiên cứu, triển khai các biện pháp đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và nghiên cứu thí điểm tổ chức ở cấp tỉnh phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng “... khuyến khích sáp nhập, tăng quy mô các đơn vị hành chính các cấp ở những nơi có đủ điều kiện để nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng cường các nguồn lực của địa phương”(9) và quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính các cấp. Chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động phối hợp với Trung ương tổng kết việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và đề xuất nội dung xây dựng kế hoạch, lộ trình sắp xếp đơn vị hành chính các cấp trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030 để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Hoàn thiện hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao. Đẩy mạnh việc chuyển giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các loại hình kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công; rà soát, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện sang công ty cổ phần.

Thứ năm, tập trung đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, có cơ chế khuyến khích, khơi dậy tinh thần cống hiến vì đất nước, tạo động lực và áp lực để mọi cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, tận tụy phục vụ nhân dân; có cơ chế bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đây là yêu cầu có tính cốt lõi, quyết định thành công cho sự phát triển nhanh, bền vững đất nước. Chú trọng tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu và của đội ngũ công chức, viên chức để có thể áp dụng được thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho những cố gắng thực hiện cải cách hành chính. Trong giai đoạn tới, cần thúc đẩy những cải cách cần thiết để có được đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, tâm huyết và tài năng hơn. Tất cả phải bắt đầu từ cơ chế, nhất là cơ chế, chính sách tuyển chọn đầu vào cán bộ, công chức, viên chức; cơ chế lựa chọn, thu hút, trọng dụng nhân tài; cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.v.v. Bảo đảm cơ hội thăng tiến của công chức theo thành tích, sản phẩm công việc thực tế và phẩm chất đạo đức, uy tín của công chức.

Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đó phải gắn với chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội ĐBTQ lần thứ XIII của Đảng; với việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Qua đó, thiết thực góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.

(Daihoi13.dangcongsan.vn)

Lượt xem: 2.163
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003902246
  •  Đang online: 48
  •  Trong tuần: 2.813
  •  Trong tháng: 116.965
  •  Trong năm: 1.203.621