Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cải cách hành chính phải tiếp tục làm cho đất nước hùng mạnh In trang
19/03/2021 07:30 SA

(ĐHXIII) - Công tác cải cách hành chính phải tiếp tục làm cho đất nước hùng mạnh, người dân, mọi tổ chức có khát vọng phát triển Việt Nam hùng cường.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Chiều 18/3. Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020 và xây dựng Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì có Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Chỉ đạo. Đại diện lãnh đạo các ban của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ dự Hội nghị tại đầu cầu Trung ương và lãnh đạo các địa phương tham dự tại 63 điểm cầu.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ nhấn mạnh, kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, cải cách hành chính luôn là một nội dung quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng ta, trong chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Cải cách hành chính xuất phát từ đòi hỏi bức bách khi đất nước chuyển mạnh sang thời kỳ phát triển mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với những cơ hội và thách thức mới, trong bối cảnh hội nhập và hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 kèm theo Nghị quyết 30c/NQ-CP với hệ thống các giải pháp và bước đi phù hợp, nhằm xây dựng nền hành chính nhà nước Việt Nam dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cải cách hành chính được xác định là một trong ba giải pháp quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, với mục tiêu và giải pháp đúng đắn, có cơ sở, phù hợp với thực tế, đã tạo ra sự thay đổi căn bản nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn bộ hệ thống cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương.

Mười năm qua, cải cách hành chính đã được triển khai đồng bộ trên tất cả 6 nội dung: cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính. Qua đó, thúc đẩy quá trình đổi mới kinh tế; dân chủ hóa đời sống xã hội; hội nhập kinh tế quốc tế; củng cố và duy trì ổn định chính trị; phòng chống tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ phát biểu khai mạc hội nghị,

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ phát biểu khai mạc hội nghị,

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, công tác cải cách thể chế được các cơ quan nhà nước trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao. Thể chế về tổ chức bộ máy của hệ thống hành chính, mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tiếp tục được hoàn thiện, đổi mới, đã đề cao các quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân tại các đạo luật trên các lĩnh vực từ dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Tổng số văn bản quy phạm pháp luật mà các bộ đã ban hành từ năm 2012 đến nay là hơn 8.600 văn bản.

Cải cách thủ tục hành chính được xác định là một khâu đột phá và đã được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp hành chính theo hướng đơn giản hóa, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của nhân dân. Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến tháng 11/2020, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 thủ tục hành chính, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền. Việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông đạt được kết quả tích cực, việc giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện, giảm thiểu tình trạng chậm muộn, nhũng nhiễu, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 97,37%.

 Trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, việc xây dựng và ban hành các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các bộ, ngành Trung ương về cơ bản khắc phục được những tồn tại, hạn chế của các giai đoạn trước, bổ khuyết những thiếu sót thể chế về tổ chức và bộ máy, bảo đảm bao quát đầy đủ chức năng quản lý nhà nước của Chính phủ. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập ở các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương các cấp đã được thực hiện có kết quả.

 Ở Trung ương đã giảm 12 tổ chức cấp vụ và tương đương, giảm 4 tổng cục; 10 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ. Ở địa phương, tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Đà Nẵng; tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; đã giảm 5 cơ quan chuyên môn, gần 1.000 tổ chức cấp phòng, gần 130 tổ chức cấp chi cục, gần 1.200 tổ chức cấp phòng thuộc chi cục; cấp huyện giảm gần 300 tổ chức; giảm biên chế 8,7% so với năm 2015.

 Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đặc biệt, công tác hiện đại hóa nền hành chính, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số là điểm sáng thúc đẩy thay đổi lề lối, phương thức làm việc của các cơ quan nhà nước. Cơ chế, thể chế, chính sách về khung pháp lý về xây dựng Chính phủ điện tử dần được hoàn thiện. Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia tạo lập nền tảng Chính phủ điện tử được xây dựng, vận hành, tạo sự thay đổi rõ rệt về phương thức làm việc trong các cơ quan nhà nước cũng như giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, giúp tiết kiệm hàng chục ngàn tỷ đồng.

 Những kết quả đạt được cho thấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, linh hoạt và sáng tạo để nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính.

 Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung đẩy mạnh cải cách nền hành chính, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần các nghị quyết của Đảng; Quốc hội, đặc biệt là đã kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi bằng được tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; tập trung chỉ đạo cải cách tốt thủ tục hành chính, phân cấp mạnh và làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, khắc phục tình trạng chậm trễ, phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương công vụ, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để huy động mọi nguồn lực bảo đảm cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và thực hiện tốt tiến bộ công bằng xã hội.

 Tại hội nghị, các ý kiến đã đi sâu phân tích, đánh giá và chỉ rõ những kết quả tích cực, nổi trội, những hạn chế cần khắc phục trong 10 năm triển khai chương trình tổng thể. Các đại biểu cũng đã khuyến nghị, hiến kế nhiều ý tưởng cải cách thiết thực, có tính chất gợi mở, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, áp dụng nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, rào cản, hướng tới xây dựng một nền hành chính dân chủ, kỷ cương, chuyên nghiệp, hiện đại và có trách nhiệm giải trình cao trong thời gian tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, kết luận hội nghị,

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, kết luận hội nghị,

Bày tỏ ấn tượng về các ý kiến phát biểu, kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chúng ta có 4 cuộc cải cách lớn, đó là cải cách giáo dục, cải cách tiền lương, cải cách hành chính (CCHC) và cải cách tư pháp. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng 4 việc khó này chúng ta đã cố gắng triển khai trong suốt 10 năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ này. Trong đó, CCHC liên quan nhiều đến bộ máy, thể chế, đội ngũ, sự nghiệp công, tài chính công với nhiều nội dung liên quan đến con người và bộ máy, do đó, càng phức tạp.

Khái quát kết quả CCHC, Thủ tướng nêu rõ, công tác này đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển đất nước. Theo Thủ tướng, chúng ta hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và “chính các FTA này đã thúc đẩy chúng ta phải cải cách, nhất là CCHC”. Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số, tăng hạng tốt nhất toàn cầu. Một loạt chỉ số của Việt Nam được các cơ quan, tổ chức quốc tế đánh giá có sự cải thiện cả về điểm số và vị trí xếp hạng so với năm 2011.

Ví dụ, Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam duy trì xếp hạng cao, năm 2020 xếp thứ 42/131. Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019, Việt Nam xếp thứ 67/141 quốc gia và nền kinh tế, tăng 10 bậc so với năm 2018, mức tăng cao nhất trên thế giới. Chỉ số Chính phủ điện tử năm 2020, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 86/193 quốc gia, tăng 2 bậc so với 2018, duy trì tăng hạng liên tục từ năm 2014 đến nay.

Dẫn lại bài viết trên trang Sputnik về câu chuyện thành công của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam đã chứng minh cho thế giới thấy bản lĩnh và sức mạnh quốc gia, dân tộc khi thoát khỏi danh sách nước nghèo nhanh hơn bất kỳ nước nào trong lịch sử hiện đại và tạo nên kỳ tích tăng trưởng kinh tế, GDP khiến chính các nước láng giềng phải “ghen tị”. Bài viết đã phân tích yếu tố tạo nên câu chuyện thành công của Việt Nam và khẳng định thành công của Việt Nam không xuất phát từ yếu tố may mắn, không phải từ trên trời rơi xuống mà nhờ Chính phủ nhanh chóng thực hiện các biện pháp cải cách, phòng, chống dịch một cách quyết liệt ngay từ đầu.

Tóm tắt một số kết quả nổi bật về CCHC, Thủ tướng nêu rõ, trong 10 năm qua, công tác cải cách thể chế được quan tâm chỉ đạo sát sao, hướng vào phục vụ người dân, doanh nghiệp, phục vụ sự phát triển, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Trong giai đoạn 2011-2020, Chính phủ trình Quốc hội thông qua khoảng 200 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, trong đó có nhiều văn bản mang tính nền tảng như Hiến pháp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Điều ước quốc tế, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… Chính  phủ, Thủ tướng ban hành khoảng 2050 văn bản quy phạm pháp luật; chính quyền địa phương ban hành gần 9.000 văn bản…

Cải cách thủ tục hành chính được xác định là một khâu đột phá, đã được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp hành chính. Thủ tướng nhắc lại câu chuyện trước đây sản xuất 1 thanh sô cô la “tốn” 13 loại giấy phép, thì hiện nay đã cải cách, loại bỏ hết các giấy phép này, nhưng sô cô la vẫn được sản xuất nhiều hơn. Chúng ta đã cắt giảm, đơn giản hóa 63% điều kiện kinh doanh, 68% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã đạt được những kết quả rất tích cực, việc giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện, giảm thiểu tình trạng chậm muộn, nhũng nhiễu, tỉ lệ giải quyết đúng hạn đạt 97,37%.

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước được đẩy mạnh; khắc phục về cơ bản những tồn tại, hạn chế trong giai đoạn trước. Ở Trung ương đã giảm 12 tổ chức cấp vụ và tương đương, giảm 4 tổng cục, 10 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, thủ tục hành chính còn rườm rà, tình trạng gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp vẫn còn. Còn sự chậm trễ, “đá bóng qua lại” giữa các cơ quan. Vẫn còn những hiện tượng vòi vĩnh, đòi hối lộ khi làm các thủ tục. Tổ chức bộ máy nhiều nơi vẫn cồng kềnh.

Về định hướng CCHC thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thực hiện chiến lược số hóa với cơ sở dữ liệu dân cư tốt hơn.

Tăng cường kiểm tra giám sát xử lý nghiêm tổ chức cá nhân vi phạm, tăng cường tính công khai minh bạch để CCHC sát cơ sở, sát người dân, phục vụ người dân tốt hơn, “làm sao tiếng kêu của người dân, của doanh nghiệp ít đi”. Chính sách của chúng ta là dù công nghệ hiện đại thế nào nhưng vẫn hướng về người dân và doanh nghiệp, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Công tác CCHC phải tiếp tục làm cho đất nước hùng mạnh, người dân, mọi tổ chức có khát vọng phát triển Việt Nam hùng cường vào năm 2045.

Yêu cầu quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng nhấn mạnh nội dung: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo…”.

Xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 một cách toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021-2030 trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.

Đề nghị tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc luật dễ hiểu, dễ vận dụng, 1 luật cố gắng có 2 nghị định là nhiều nhất, 1 nghị định có không quá 1 thông tư và ban hành 1 văn bản thì phải hủy văn bản cũ; không để nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật.

Những thể chế này tận dụng tối đa, hiệu quả những tri thức mới, công nghệ mới, kích thích mọi công dân và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế - xã hội cùng tham gia khởi nghiệp, làm giàu chính đáng và đóng góp cho sự thịnh vượng chung của đất nước.

Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các quy định thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp, “làm sao việc giải quyết thủ tục của cơ quan Nhà nước ít tiếp xúc với người được giải quyết công việc để chống tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu”.

Tăng cường thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm, “không phải việc gì các bộ, ngành cũng ôm hết”, khiến bộ máy phình ra. Cần xem lại mô hình tổng cục hiện nay.

Chúng ta có 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập với hàng triệu biên chế, Thủ tướng yêu cầu, đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động để tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập; rà soát, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện sang công ty cổ phần, đơn vị tự chủ. Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho cơ quan, đơn vị gắn với nhiệm vụ được giao và sản phẩm đầu ra.

Đổi mới mạnh mẽ lề lối, phương thức làm việc, thay đổi căn bản phương thức chỉ đạo điều hành, quản lý sang điện tử và dựa trên dữ liệu số; thực hiện chuyển đổi số quốc gia và xây dựng bộ máy hành chính nhà nước các cấp có đủ năng lực vận hành chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

“Cải cách đã là khó, CCHC đụng chạm đến bộ máy, đến con người thì càng khó hơn. Và chúng ta đặt vấn đề phải cải cách mạnh mẽ hơn”, Thủ tướng nói. Cải cách để đưa đất nước tiến lên./.

(Daihoi13.dangcongsan.vn)

Lượt xem: 2.289
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003902693
  •  Đang online: 95
  •  Trong tuần: 3.260
  •  Trong tháng: 117.412
  •  Trong năm: 1.204.068