Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/1 đến ngày 1/2/2021 tại Hà Nội và đã thành công tốt đẹp. Đại hội XIII của Đảng là sự kết tinh trí tuệ và bản lĩnh của một chính đảng có lịch sử 91 năm và đầy bản lĩnh với hơn 5 triệu đảng viên của một đất nước gần 100 triệu dân. Vì vậy, những quyết sách chiến lược của đại hội có tầm ảnh hưởng to lớn đối với phương hướng phát triển của Việt Nam trong những năm tiếp theo. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng (ở đây chỉ nói về phần Báo cáo chính trị và Nghị quyết được Đại hội thông qua) có rất nhiều những điểm mới cơ bản so với Đại hội XII của Đảng.
Quang cảnh Đại hội XIII của Đảng
1. Mới trong cách tiếp cận vấn đề, tư duy lý luận
So với Đại hội XII, Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng có một số điểm mới cơ bản, thể hiện sự phát triển tư duy lý luận, định hướng chiến lược của Đảng, đưa đất nước vào một giai đoạn phát triển mới. Sau phần giới thiệu khái quát bối cảnh, mở đầu dự thảo Báo cáo chính trị xác định phương châm Đại hội: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển. Như vậy phương châm được thêm thành tố “sáng tạo - phát triển” so với Đại hội XII.
Chủ đề Đại hội được kết cấu bởi 5 thành tố: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Như vậy, chủ đề Đại hội XIII có một số điểm mới cơ bản là: Bổ sung xây dựng hệ thống chính trị cùng với xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; Nêu khát vọng phát triển đất nước; Xác định mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN.
Lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội, Đảng ta đề cập đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhận định cuộc công nghiệp này, “nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc”. Văn kiện cũng đánh giá những thách thức và cạnh tranh gay gắt trên thế giới hiện nay, đó là: “Cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại, tranh giành thị trường, các nguồn tài nguyên, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng quyết liệt, tác động mạnh đến chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu”.
2. Những điểm mới về đánh giá kết quả và hạn chế
Đại hội XIII của Đảng không chỉ đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng mà còn đánh giá cơ đồ, tiềm lực, vị thế đất nước sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới được vạch ra từ Đại hội lần thứ VI năm 1986. Báo cáo chính trị tại Đại hội đánh giá trên 7 phương diện, lĩnh vực về xây dựng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, phát triển con người, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hội nhập quốc tế; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Đặc biệt, Đại hội XIII đã bổ sung, nhấn mạnh một đánh giá mới, rất quan trọng về đất nước sau 35 năm đổi mới: “Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Đây là đánh giá mới nhất và lần đầu tiên được đưa vào Văn kiện Đại hội. Đánh giá này chắc chắn đã được kiểm nghiệm, chứng minh qua thực tiễn phát triển vượt bậc của đất nước những năm qua.
Báo cáo chính trị đánh giá chung về 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, 30 năm thực hiện cương lĩnh 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Đối với tình hình trong nước, sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 5 năm tới, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, sẽ phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Đánh giá về những hạn chế, khuyết điểm với nhiều điểm mới là: Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra. Xu hướng già hóa dân số nhanh; tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng mạnh; biến đổi khí hậu gay gắt, phức tạp... là những yếu tố tác động đến phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng cũng đã chỉ rõ 4 nguyên nhân cơ bản của những hạn chế, khuyết điểm, rút ra 5 bài học kinh nghiệm.
3. Những điểm mới trong cách tiếp cận xác định mục tiêu và tầm nhìn phát triển
Tại phiên bế mạc Đại hội XIII của Đảng sáng 1/2/2021, ông Lê Minh Hưng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn Thư ký đọc toàn văn dự thảo Nghị quyết Đại hội. Đại hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó đã nhất trí thông qua tầm nhìn, định hướng phát triển, quan điểm chỉ đạo.
Nghị quyết nhấn mạnh mục tiêu tổng quát là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
4. Mới trong xác định nhiệm vụ trọng tâm
Đại hội XII của Đảng xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, Đại hội XIII của Đảng cũng xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, so với Đại hội XII, nội dung từng nhiệm vụ trọng tâm có những điểm mới. Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Báo cáo chính trị bổ sung yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nhấn mạnh củng cố lòng tin, sự gắn bó của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Về phát triển kinh tế, bổ sung, nhấn mạnh xây dựng hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số… Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Báo cáo chính trị nhấn mạnh: Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Về văn hóa, xã hội, bổ sung, nhấn mạnh: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của Nhân dân. Về dân chủ xã hội chủ nghĩa, đại đoàn kết toàn dân tộc, bổ sung và nhấn mạnh: Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là sự gương mẫu tuân theo pháp luật, kỷ cương, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên. Về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu, Báo cáo chính trị nêu: Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đại hội cũng xác định và chỉ ra những thách thức cần vượt qua như tham nhũng vẫn là nguy cơ đối với sự tồn vong chế độ; một bộ phận đảng viên phai nhạt lý tưởng, tính tiền phong, gương mẫu giảm sút. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với hệ thống chính trị, trọng tâm là Nhà nước chậm, có mặt lúng túng. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều vướng mắc, bất cập. Luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực còn chồng chéo. Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp. Năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Tăng trưởng xuất khẩu và xuất siêu chủ yếu ở nhóm hàng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; già hóa dân số; sự chống phá của các thế lực thù địch, sự gia tăng căng thẳng tranh chấp biển đảo, biến đổi khí hậu nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long…
Đại hội XIII của Đảng đã thông qua rất nhiều những quyết sách lớn mang tầm chiến lược, xác định mục tiêu phát triển đất nước không chỉ cho nhiệm kỳ mà tầm nhìn đến năm 2030, 2045 với nhiều điểm mới. Trong buổi họp báo ngay sau phiên bế mạc Đại hội vào trưa ngày 1/2/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đại hội XIII của Đảng thành công rất tốt đẹp… Nhưng quan trọng hơn, sắp tới đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống thế nào…”. Tổng Bí thư cũng chỉ rõ: “Phải thể chế hóa, phải chỉ đạo quyết liệt từ trên xuống dưới, phải ra của cải vật chất. Nước phải giàu, dân phải mạnh, đời sống của Nhân dân sung sướng hơn, thế mới gọi là thành công. Chứ không phải thông qua nghị quyết, vỗ tay là đại hội thành công”. Vì vậy, những quyết sách mới của Đại hội đang được người dân mong chờ sẽ được cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch cụ thể và đi vào đời sống mang lại lợi ích cho đất nước và hạnh phúc thật sự cho Nhân dân.
(Baolamdong.vn)