Đại hội XIII: Hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế In trang
28/01/2021 02:21 CH

Đại biểu Cần Thơ, Quảng Ninh, Kon Tum nhấn mạnh cần hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý... nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Dai hoi XIII: Hien ke hoan thien co che, chinh sach phat trien kinh te hinh anh 1

Đồng chí Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ trình bày tham luận. (Ảnh: TTXVN)

Tại phiên làm việc sáng 28/1 của Đại hội XIII của Đảng, đại biểu các tỉnh, thành phố Cần Thơ, Quảng Ninh, Kon Tum nhấn mạnh cần hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý... nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Đột phá về tư duy, thể chế

Trong tham luận “Xây dựng Cần Thơ trở thành trung tâm khoa học-công nghệ về nông nghiệp của quốc gia và khu vực,” Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh nhận định Đồng bằng sông Cửu Long được dự đoán sẽ trở thành một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp quan trọng của châu Á để cung cấp nông sản cho thế giới.

Ngành thủy sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang có ưu thế cạnh tranh so với các khu vực khác.

Để hiện thực hóa được tương lai này, cách tiếp cận là phải lấy bối cảnh thực tiễn của vùng và sự tiến bộ của khoa học-công nghệ làm nền tảng cho sự phát triển, cần có sự đột phá về tư duy, thể chế, tăng cường liên kết trong và ngoài vùng, lấy mục tiêu phát triển vùng làm định hướng.

Theo đại biểu Lê Quang Mạnh, thành phố Cần Thơ dù không phải là địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn nhất vùng, nhưng Cần Thơ là nơi hội tụ nhiều tiềm năng, lợi thế và đang có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm khoa học-công nghệ về nông nghiệp của quốc gia, khu vực.

Điều này nổi bật trên một số mặt như thành phố bước đầu đã thực hiện được vai trò trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long về thương mại, dịch vụ, giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ.

Với gần 92% tỷ trọng GRDP trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, thời gian qua, thành phố giữ vai trò quan trọng trong khâu sản xuất-chế biến, thương mại của các chuỗi giá trị nông sản chủ lực vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, Cần Thơ là địa phương có điều kiện tốt nhất vùng về tiềm năng khoa học-công nghệ cả nguồn nhân lực và cơ sở vật chất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao.

Thành phố đã xác định rõ mục tiêu và quyết liệt triển khai chủ trương “làm cho khoa học-công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu” của Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 1/8/2016 của Thành ủy Cần Thơ về phát triển, ứng dụng khoa học-công nghệ.

Kết quả là bước đầu hình thành hệ sinh thái khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy sự phát triển, ứng dụng khoa học-công nghệ vào nông nghiệp với hệ thống các trường, viện, các quỹ đầu tư khởi nghiệp, mạng lưới liên kết các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, sàn giao dịch công nghệ (Catex.vn), các sàn giao dịch nông sản...

Đặc biệt, các sản phẩm, dịch vụ khoa học-công nghệ của Cần Thơ đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của thị trường vùng Đồng bằng sông Cửu Long, của cả nước và một số sản phẩm có thể cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài...

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho rằng điểm đáng mừng là xu hướng công nghệ toàn cầu và bối cảnh kinh tế-xã hội của vùng đang xuất hiện những cơ hội mới để khoa học-công nghệ về nông nghiệp tại Cần Thơ có thể vượt qua những nút thắt trước đây để bước sang một giai đoạn phát triển cao hơn.

“Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Cần Thơ quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã định hướng phát triển Cần Thơ phải trở thành một trung tâm khoa học-công nghệ về nông nghiệp của quốc gia và khu vực.

Vì sự phát triển của thành phố Cần Thơ không chỉ cho Cần Thơ mà còn phải “thể hiện vai trò trung tâm vùng, dẫn dắt và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương khác trong vùng,” Bí thư Thành ủy Lê Quang Mạnh khẳng định.

Để làm được điều này, thành phố Cần Thơ tập trung chuyển đổi mạnh mẽ các hoạt động khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo sang cơ chế thị trường với hệ thống các giải pháp thúc đẩy cả về phía cung - tức là tiềm lực nghiên cứu, phát triển khoa học-công nghệ của Thành phố và phía cầu khoa học-công nghệ từ doanh nghiệp nông nghiệp và người nông dân, đồng bộ với các giải pháp liên kết cung-cầu, phát triển thị trường khoa học-công nghệ hoạt động hiệu quả.

Cùng với đó, thành phố tập trung hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, ứng dụng khoa học-công nghệ; tăng cường đầu tư nâng cao tiềm lực khoa học-công nghệ (bên cung) với sự gia tăng vai trò của khu vực doanh nghiệp.

Đặc biệt, thúc đẩy bên cầu đối với khoa học-công nghệ, coi doanh nghiệp và người nông dân là trung tâm của các hoạt động khoa học-công nghệ; đẩy mạnh các giải pháp kết nối cung cầu thị trường khoa học-công nghệ thông qua các chương trình phát triển các sàn giao dịch, các tổ chức trung gian như Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Cần Thơ... nhằm kết nối sản phẩm cung của các viện nghiên cứu với cầu của doanh nghiệp, của người nông dân đồng bằng sông Cửu Long.

Kiện toàn tổ chức theo hướng tinh gọn

Tham luận chủ đề “Phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền trong tỉnh,” Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định 5 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu trên mọi phương diện xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; củng cố, tăng cường niềm tin, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đưa Quảng Ninh trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc.

Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 10,7%.

Dai hoi XIII: Hien ke hoan thien co che, chinh sach phat trien kinh te hinh anh 2

Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh trình bày tham luận. (Ảnh: TTXVN)

Chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể; quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt, đến năm 2020 đạt khoảng 220.000 tỷ đồng, gấp 1,86 lần năm 2015; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững.

Môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, luôn nằm trong nhóm đứng đầu cả nước; cải cách hành chính có bước đột phá. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 6.700 USD, gấp hơn 2 lần bình quân chung cả nước...

Từ thực tiễn, bước đầu, Quảng Ninh đã rút ra một số kinh nghiệm quan trọng. Theo đó, tỉnh bám sát, nắm chắc, chủ động tiếp thu, hiện thực hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương, sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành và các địa phương nhằm phát huy có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh, huy động sức mạnh tổng hợp với phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là chủ yếu.

Bên cạnh đó, đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, bám sát thực tiễn, hành động theo quy luật khách quan; xác định tầm nhìn chiến lược, dài hạn; thực hiện phương châm “Quy hoạch tổng thể; xây dựng từng phần;” năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện.

Một bài học kinh nghiệm nữa là đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, ý chí tự lực, tự cường, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân; củng cố khối đại đoàn kết, tạo sự đồng thuận xã hội.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho rằng để triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cần tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, hợp lý giữa Chính phủ và các bộ, ngành; giữa Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương gắn với ràng buộc trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Thí điểm áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, tăng quyền chủ động về quản lý ngân sách, đầu tư phát triển, cơ chế huy động nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển, quản lý quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng đô thị, tổ chức bộ máy, biên chế... đối với một số địa phương trọng điểm để tạo đột phá về tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy liên kết vùng và nhân rộng mô hình có hiệu quả.

Ngoài ra, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp với tinh thần các Nghị quyết TW6 (khóa XII); kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm ở nông thôn, đô thị, hải đảo theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc

Làm rõ thêm vấn đề về phát triển kinh tế-xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Kon Tum A Pớt nêu rõ trong những năm qua, tỉnh Kon Tum đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn và đã đạt được những kết quả quan trọng.

Hạ tầng kinh tế-xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ngày càng hoàn thiện.

Dai hoi XIII: Hien ke hoan thien co che, chinh sach phat trien kinh te hinh anh 3

Đồng chí A Pớt Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum trình bày tham luận. (Ảnh: TTXVN)

Việc thực hiện các chính sách đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng toàn diện, có hiệu quả, đã từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được chú trọng. Tình hình an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là an ninh biên giới, an ninh nông thôn cơ bản được giữ vững; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường, niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nhằm thúc đẩy phát triển mọi mặt đời sống, kinh tế-xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Kon Tum đề xuất một số giải pháp trọng tâm.

Cụ thể là tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung triển khai đồng bộ và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030...

Giải quyết tốt vấn đề về đất đai và môi trường, đảm bảo 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường; có giải pháp thu hút đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

Tỉnh Kon Tum đề xuất tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất về giáo dục; triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách về giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số; tiếp tục đầu tư, củng cố mạng lưới y tế cấp xã; đào tạo đội ngũ cán bộ y tế thôn, làng đạt chuẩn; đẩy mạnh phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”...

Đặc biệt, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; xây dựng khối đại đoàn kết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ động ngăn chặn các hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, kích động đồng bào các dân tộc thiểu số, phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc.../.

(Daihoidang.vn)

Lượt xem: 1.264
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003903624
  •  Đang online: 70
  •  Trong tuần: 4.191
  •  Trong tháng: 118.343
  •  Trong năm: 1.204.999