Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển In trang
26/01/2021 04:42 CH

(LĐ online) - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, là dấu mốc rất quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng và đất nước chính thức được khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Thủ đô Hà Nội) vào lúc 8 giờ ngày 26/1.

Description: Các đại biểu dự phiên khai mạc đại hội

Các đại biểu dự phiên khai mạc Đại hội

Đại hội diễn ra từ ngày 25/1 đến 2/2/2021 với phương châm: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc Hội điều hành phiên khai mạc Đại hội.

Description: Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc Hội điều hành phiên khai mạc Đại hội

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc Hội điều hành phiên khai mạc Đại hội

Đoàn Chủ tịch Đại hội có các Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình... 

Description: Nghi thức chào cờ khai mạc Đại hội

Nghi thức chào cờ khai mạc Đại hội

Tham dự lễ khai mạc Đại hội có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các đồng chí nguyên Chủ tịch nước: Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An và Nguyễn Sinh Hùng; các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; đại diện Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo, thanh niên tiêu biểu; các đại sứ, đại biệu các nước và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam cùng đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và nước ngoài tới đưa tin về Đại hội...

Description: Quang cảnh phiên khai mạc đại hội

Quang cảnh phiên khai mạc Đại hội

Tham dự Đại hội có 1.587 đại biểu chính thức, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong cả nước đến từ 67 Đảng bộ trực thuộc Trung ương. Đoàn tỉnh Lâm Đồng có 18 đại biểu; trong đó, có 1 đại biểu đương nhiên và 17 đại biểu được bầu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Description: Đồng chí Trần Quốc Vượng -  Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Đoàn Chủ tịch tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu và khách mời của Đại hội

Đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Đoàn Chủ tịch tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu và khách mời của Đại hội

Mở đầu phiên khai mạc, thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Trần Quốc Vượng - Thường trực Ban Bí thư, cho biết: Đại hội có nhiệm vụ tập trung kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng gắn với đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045; đánh giá công tác xây dựng Đảng và kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ mới; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XII; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: “Đây là những nhiệm vụ trọng đại và hết sức vẻ vang mà toàn Đảng, toàn dân đã giao cho Đại hội”. 

Đại hội XIII xác định tầm nhìn xa hơn đến giữa thế kỷ XXI, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đặt ra mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể phải hoàn thành cho mỗi chặng đường; thể hiện rõ tính kế thừa và phát triển, tính liên tục và hoàn chỉnh trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Description: Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ thay mặt Đoàn Chủ tịch đọc diễn văn khai mạc Đại hội

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ thay mặt Đoàn Chủ tịch đọc diễn văn khai mạc Đại hội

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Đoàn Chủ tịch tuyên bố khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và khẳng định: Đại hội được tổ chức vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đạt được nhiều thanh quả rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn tốt đẹp.  

Thủ tướng cho biết, với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đổi mới hội nhập và phát triển, phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức, đồng lòng, kiên định niềm tin vào chủ nghĩa mác Lê nin - Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn, Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm sâu sắc, toàn diện công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong thời kỳ mới; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng; đặc biệt là bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII gồm những đồng chí thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực lãnh đạo, bản lĩnh trí tuệ đủ sức đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới.

Với phương châm: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm đi tới của cả dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đọc báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và các văn kiện trình Đại hội

Sau bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Đại hội nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Đồng chí khẳng định, việc chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII lần này đã được tiến hành rất công phu, chu đáo, bài bản, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp. Quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi, dự thảo các văn kiện đã thực sự là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện rõ sự thống nhất giữa "ý Đảng, lòng dân", hòa quyện cùng quyết tâm và ý chí phát triển của dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.  

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho biết, năm năm qua, nắm bắt thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, nhất là tác động của dịch bệnh và thiên tai liên tiếp xảy ra, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, đất nước phát triển nhanh và bền vững, củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. 

Kinh tế nước ta duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao (khoảng 5,9%). Nhiều khó khăn, vướng mắc, hạn chế, yếu kém từ các năm trước đã được tập trung giải quyết và đạt những kết quả bước đầu. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện; kinh tế vĩ mô ổn định khá vững chắc; lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp; kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước được tăng cường. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện ba đột phá chiến lược đạt được những kết quả quan trọng. Chính trị, xã hội ổn định, đời sống của Nhân dân được cải thiện rõ rệt. Các lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam... có nhiều chuyển biến tích cực, có mặt khá nổi bật. 

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, được tiến hành toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Nhiều vấn đề phức tạp được đặt ra và thực hiện từ những năm trước, nhưng hiệu quả còn thấp, trong nhiệm kỳ này đã có chuyển biến tích cực. Công tác kiểm tra, giám sát và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được triển khai quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá và đạt những kết quả cụ thể, rõ rệt. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được phát hiện, điều tra, khởi tố, xét xử nghiêm minh, tạo sức răn đe, cảnh tỉnh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao và đồng tình ủng hộ. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong Đảng và hệ thống chính trị từng bước được kiềm chế, ngăn chặn.  

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đồng thời nhấn mạnh: “Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. 

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại, đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. 

Tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới trong giai đoạn tới, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần quán triệt trong cả nhận thức và hành động thực tiễn 5 quan điểm chỉ đạo cơ bản. Trong đó, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: Chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước, bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng - an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Trong nhiệm kỳ 2021-2025 và những năm tiếp theo, mục tiêu phát triển tổng quát của chúng ta là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Trên nguyên tắc bảo đảm tính khoa học và thực tiễn, kế thừa và bổ sung phù hợp với những thay đổi trong từng giai đoạn phát triển của đất nước; đồng thời, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước và những chuẩn mực phát triển chung của thế giới, chúng ta xác định các mục tiêu cụ thể không chỉ trong nhiệm kỳ khóa XIII mà hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta trong những thập niên sắp tới, đó là: Đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Nhiệm kỳ Đại hội XIII là một dấu mốc, một bước chuyển hết sức quan trọng, làm tiền đề cho các nhiệm kỳ tiếp theo để thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phát huy ý chí, sức mạnh của toàn dân tộc, sự thống nhất của "ý Đảng, lòng dân", chúng ta quyết tâm thực hiện thật tốt hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp mà các văn kiện trình Đại hội XIII đã đề ra để đưa đất nước ta bước vào một giai đoạn phát triển mới”. 

Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu nêu trên, chúng ta cần tập trung đầu tư nguồn lực và đặc biệt chú trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tạo sự chuyển biến về chất trong việc thực hiện ba đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ XI, XII đã đề ra và được Đại hội lần này bổ sung, cụ thể hóa cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới, cụ thể là: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. 

Với phương châm: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị, Đại hội cần thảo luận kỹ lưỡng để đạt được sự thống nhất cao và biểu quyết thông qua các văn kiện của Đại hội, bảo đảm cho sự thành công của Đại hội, tạo cơ sở cho việc quán triệt, triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ, thực tiễn sinh động, phong phú, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cùng những bài học kinh nghiệm sâu sắc qua 35 năm đổi mới, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, tinh thần đoàn kết và sự thống nhất của toàn hệ thống chính trị, sự tin tưởng và ủng hộ của Nhân dân là cơ sở vững chắc để Đảng ta đưa ra những thông điệp mạnh mẽ, những quyết sách sáng suốt, đúng đắn, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước trong giai đoạn mới. 

“Chúng ta hãy khắc sâu lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Đại hội Đảng rất quan hệ đến tương lai cách mạng của Đảng ta và của Nhân dân ta. Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa". Với hướng đi đúng đắn, hợp quy luật, ý Đảng hợp với lòng dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khát vọng vươn lên mãnh liệt và ý chí, quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nhất định sẽ lập nên những kỳ tích phát triển mới, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Description: Đoàn Lâm Đồng và các đại biểu tham dự Đại hội

Đoàn Lâm Đồng và các đại biểu tham dự Đại hội

Tiếp đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã trình bày báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình Đại hội. Từ những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, cho thấy Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, năng động, thể hiện đúng quy chế, thể hiện rõ vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên các mặt, các lĩnh vực công tác.

Description: Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chụp hình lưu niệm với Thủ tướng Chính phủ tại Đại hội

Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chụp hình lưu niệm với Thủ tướng Chính phủ tại Đại hội

Buổi chiều cùng ngày, Đại hội làm việc tại đoàn, các đại biểu tập trung thảo luận các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Báo Lâm Đồng tiếp tục cập nhật về sự kiện đặc biệt quan trọng này, để thông tin kịp thời tới bạn đọc.  

Tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, thay mặt Đoàn Thư ký Đại hội cho biết, trong những ngày chuẩn bị diễn ra Đại hội, Đảng ta liên tục nhận được thư, điện chúc mừng của bạn bè quốc tế bày tỏ tình cảm hữu nghị, hợp tác với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với Đại hội. Tính đến ngày 22/1/2021, Đại hội đã nhận được 215 điện mừng từ 105 đảng, 4 tổ chức khu vực và quốc tế, 76 tổ chức hữu nghị, 15 đoàn ngoại giao, 15 cá nhân đến từ 79 nước.

(Baolamdong.vn)

Lượt xem: 1.782
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003979769
  •  Đang online: 71
  •  Trong tuần: 71
  •  Trong tháng: 58.993
  •  Trong năm: 1.281.144