Đẩy mạnh các kênh trao đổi giữa trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài In trang
08/12/2020 08:51 SA

(ĐHXIII) – Các ý kiến cho rằng, việc triển khai các kênh trao đổi thường xuyên giữa các đại sứ quán/thương vụ/tổng lãnh sự quán cũng như các tổ chức chính phủ khác tại Việt Nam với các tổ chức kinh tế phù hợp của người Việt Nam ở nước ngoài là điều rất cần thiết.

Theo Bộ Ngoại giao, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã gửi nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020:

Đa số các ý kiến đồng ý với nội dung Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng dự thảo cũng cần tập trung nêu bật yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ, thống nhất trong việc xây dựng nguồn nhân lực cho tương lai, vừa hồng, vừa chuyên, có thể lực tốt, có trí tuệ cao để bảo đảm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước, đưa đất nước phát triển, tránh nguy cơ tụt hậu trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Về đánh giá bối cảnh trước và sau Đại hội XII (2016): đa số các ý kiến cho rằng dự thảo đã nêu đầy đủ, phản ánh đúng thực tiễn. Song cũng còn có ý kiến cho rằng báo cáo chưa khái quát tình hình kinh tế - xã hội của các nước trong khu vực và các đối tác kinh tế, thương mại chính có nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; đề nghị bổ sung yếu tố tiêu cực khác là: sự suy giảm giá dầu lửa thế giới và suy thoái kinh tế thế giới khi đại dịch COVID-19 đang diễn ra.

Một số ý kiến đề nghị cần bổ sung nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Muốn thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế trước hết phải có hệ thống tư pháp, pháp luật trong sạch, vững mạnh để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Bổ sung nội dung: (1) Chú trọng phát triển các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân cả trong và ngoài nước. (2) Đẩy mạnh công tác quản lý và giải quyết các vấn đề ngoại giao quốc tế. Quán triệt sâu sắc hơn các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Nâng cao hơn nữa công tác bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài. (3) Phát triển công tác thông tin, báo chí, truyền thông, tranh thủ sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đoàn thể các cấp.

Một số ý kiến đề nghị cần làm rõ những ảnh hưởng của tham nhũng đến kết quả thực hiện kinh tế - xã hội trong 10 năm qua cụ thể như thế nào. Những ảnh hưởng này có thể tạo ra tác động tích cực hay tiêu cực đến phân bổ nguồn lực; đến chính sách kinh tế và thể chế; và đến phân hóa thu nhập và công bằng xã hội.

Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2015:

 Về mục tiêu tổng quát, đa số ý kiến đồng tình với phương án 1 là  “Mục tiêu đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp”.  Có ý kiến cho rằng cần có sự thống nhất trong mục tiêu giữa “nước ta trở thành nước phát triển” với “nước ta sẽ trở thành nước công nghiệp hiện đại”.

Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, có ý kiến đề nghị đánh giá cụ thể hơn về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tác động của đầu tư nước ngoài. Điều này cần thiết vì trong bối cảnh COVID-19 nguồn vốn đầu tư nước ngoài có thể giảm, tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế. Một số ý kiến nhận định hợp tác quốc tế có vai trò ngày càng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, do đó đề nghị các văn kiện nhấn mạnh hơn việc mở rộng và làm sâu sắc hợp tác quốc tế theo luật chơi chung, thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế.

 Về định hướng các chỉ tiêu chủ yếu và phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025, dự thảo văn kiện nêu chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân 6,5 - 7% là hợp lý căn cứ tiềm lực đất nước và mức tăng trưởng kinh tế trước khi xảy ra dịch COVID-19. Mặc dù năm 2021 dự báo kinh tế thế giới còn chịu tác động của COVID-19 nhưng nếu thế giới kiểm soát và giải quyết được COVID-19 thì kinh tế toàn cầu có cơ hội tăng trưởng mạnh trở lại. Vì vậy, chỉ tiêu bình quân tăng trưởng kinh tế bình quân cho cả giai đoạn 2021-2025 là hợp lý và đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Một số ý kiến đề nghị trong phần phương hướng, nhiệm vụ phát triển 5 năm tới cần nhấn mạnh một số nội dung sau: Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội phải luôn gắn liền với bảo vệ môi trường, sức khỏe của nhân dân; cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm ngặt hơn các công ty, doanh nghiệp không bảo đảm đúng quy trình xả thải ra môi trường, các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm; cần đẩy mạnh việc giám sát thi công các công trình, dự án trọng điểm nhằm bảo đảm chất lượng cũng như nguồn vốn đầu tư; việc quản lý các kênh thông tin đại chúng và “môi trường mạng” cần phải chặt chẽ và mang tính răn đe hơn.Về các chỉ tiêu chủ yếu, có ý kiến đề nghị cân nhắc điều chỉnh chỉ tiêu về tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đến năm 2025 của dân cư thành thị là 95-100% và nông thôn là 93-95% cho phù hợp với thực tế. Mục tiêu này khó khả thi trong 5 năm tới.

Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, một số ý kiến cho rằng: sức mạnh của quân đội là tổng hợp nhiều yếu tố cấu thành trong đó không thể thiếu được tiềm lực mạnh của nền kinh tế quốc dân và đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp quốc phòng (CNQP). CNQP phải trở thành yếu tố cơ sở để tiến hành hiện đại hóa vũ khí trang thiết bị khí tài nhằm dần đưa “Quân đội NDVN trở thành lực lượng vũ trang hùng mạnh, hiện đại được trang bị các vũ khí trang thiết bị tiên tiến do mua sắm từ nước ngoài cũng như CNQP VN cung cấp, trên cơ sở đó QĐNDVN kết hợp với các lực lượng vũ trang khác đảm bảo bền vững, ổn định an ninh đất nước.

Một số ý kiến cho rằng khi đầu tư phát triển các trường đại học chất lượng cao theo chuẩn khu vực và thế giới cần chú trọng đầu tư cả hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong các trường. Trên thế giới nhiệm vụ của các trường đại học (kể cả các trường khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) là không chỉ phục vụ công tác giảng dạy, đào tạo nhân lực chất lượng cao mà còn là nơi nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, và các ứng dụng thực tiễn phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Vì vậy, cần thể hiện rõ sự cân bằng trong cả hai nhiệm vụ trọng tâm này của các trường đại học. Nội dung như trong dự thảo báo cáo hiện nay có thể tạo ra cách hiểu nhiệm vụ của các trường đại học là thiên về giảng dạy và đào tạo hơn, từ đó không phát huy được hết vai trò và năng lực nghiên cứu của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên.

 Nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp cụ thể: (i) tập trung phát triển giáo dục đại học, dạy nghề; Nhà nước đầu tư một số đại học trọng điểm ngang tầm quốc tế; (ii) coi trọng và huy động hơn nữa các tổ chức kinh tế, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài thông qua việc tổ chức thêm nhiều hội thảo, chương trình quảng bá môi trường đầu tư kinh doanh, quảng bá thương hiệu, sản phẩm Việt Nam ở nước ngoài; (iii) tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế thông qua trao đổi chuyến thắm giữa các địa phương, tích cực thúc đẩy xúc tiến thương mại và đầu tư; (iv) tăng cường phối hợp giữa cơ quan nhà nước, địa phương và doanh nghiệp.

 Về  nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước, một số ý kiến đề nghị để cụ thể và chi tiết hơn cách thức triển khai, đề nghị Văn kiện nêu các tổ chức kinh tế (có thể là hiệp hội, câu lạc bộ, hội chuyên gia…) của người Việt ở nước sở tại là những tổ chức phù hợp, quan trọng để đẩy mạnh ngoại giao kinh tế với nước sở tại và là nơi tranh thủ, khai thác nguồn lực của các doanh nhân người Việt cũng như doanh nhân nước sở tại. Bởi vậy, việc triển khai các kênh trao đổi thường xuyên giữa các đại sứ quán/thương vụ/tổng lãnh sự quán cũng như các tổ chức chính phủ khác tại Việt Nam với các tổ chức kinh tế nêu trên thông qua các nền tảng điện tử hay gặp mặt trực tiếp về các chính sách, các thông tin kinh tế của Đảng và chính phủ như chính sách kêu gọi FDI, các thông tin về FTA, thị trường…, là rất cần thiết.

Bên cạnh các kênh trao đổi như trên thì việc đồng tổ chức các chương trình hội thảo, các chương trình quảng bá môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam cũng như cùng xây dựng các chương trình quảng bá thương hiệu, sản phẩm của Việt Nam với cộng đồng doanh nhân nước sở tại cũng rất quan trọng.

Thêm vào đó, các chuyến thăm của lãnh đạo các cơ quan của chính phủ, tỉnh, thành phố tới nước sở tại cũng là cơ hội tốt để phối hợp với các tổ chức kinh tế nêu trên để quảng bá mạnh mẽ hơn nữa các lợi thế địa phương, vùng miền tới cộng đồng doanh nhân nước sở tại.

Ở chiều ngược lại, đại sứ quán/thương vụ/tổng lãnh sự quán cũng như các cơ quan của chính phủ Việt Nam có thể cùng hiệp hội xây dựng các chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư nhằm chào mời, giới thiệu cho các doanh nhân nước sở tại về môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các cơ quan chính phủ cùng phối hợp với các hội doanh nghiệp của người Việt cùng xây dựng các chương trình hợp tác để cùng xây dựng các mối quan hệ gần gũi, vững chắc với các tổ chức kinh tế, hội doanh nhân, hiệp hội ngành nghề tại nước sở tại./.

Lượt xem: 1.282
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003904185
  •  Đang online: 65
  •  Trong tuần: 4.752
  •  Trong tháng: 118.904
  •  Trong năm: 1.205.560