Trẻ em phải được đặt vào vị trí trung tâm của chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực In trang
08/12/2020 07:20 SA

(ĐHXIII) – "Trẻ em phải được đặt vào vị trí trung tâm của chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực để đất nước phát triển và hội nhập, góp phần đạt các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030" - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Để xác định các định hướng lớn cho công tác bảo vệ trẻ em nhằm tăng cường triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới” và góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng, chiều 1/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Định hướng công tác bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”.

Kiến nghị với Đảng những định hướng lớn về công tác trẻ em

Trong phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của dân tộc, là nhân tố tạo nên sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai, do vậy công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu để bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài của đất nước. Quán triệt tinh thần ấy, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 20-CT/TW “về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em ở Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương đã kịp thời thể chế hóa và triển khai tổ chức thực hiện khá tích cực, hiệu quả. 

 Ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội thảo (Ảnh: KT)

Theo ông Nguyễn Hồng Diên, năm 2017, khi tiến hành sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị đã chỉ rõ những kết quả nổi bật của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Đó là, nhận thức, trách nhiệm và hành động cụ thể của các cấp, các ngành, đoàn thể, của gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đã có chuyển biến rõ nét; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã giảm còn 5% (năm 2011 là 6%, năm 2016 là 5,5%); 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quản lý theo dõi và 80% trong số đó được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển; các vụ xâm hại trẻ em tuy vẫn giảm chậm nhưng các vụ việc được phát hiện và xử lý tăng cao; tai nạn, thương tích, (đặc biệt là đuối nước trẻ em và tai nạn giao thông), tổng số lao động trẻ em từ 5 đến 17 tuổi có chiều hướng giảm rõ rệt; tỷ lệ trẻ em được đăng ký khai sinh đúng hạn tăng cao; hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em được hình thành và phát triển…
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là xu thế hội nhập với khu vực và thế giới ngày càng gia tăng; đại dịch COVID-19 và hậu quả của biến đổi khí hậu đã tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta và tác động trực tiếp đến công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại trên môi trường mạng do được tiếp cận, sử dụng phổ biến các thiết bị công nghệ, các trường học chuyển sang dạy học trực tuyến. Một bộ phận trẻ em thiếu về dinh dưỡng, thiếu sự chăm sóc chu đáo của người lớn do hoàn cảnh mưu sinh của cha mẹ và người đỡ đầu. Ngoài ra, Việt Nam vẫn có khoảng trên 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trên 2 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Một số vụ việc vi phạm quyền trẻ em, đặc biệt là bạo lực, xâm hại trẻ em trong các cơ sở giáo dục, trẻ em bị xâm hại thân thể và xâm hại tình dục vẫn diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn hiệu quả. Tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, bị lạm dụng sức lao động, trẻ em vi phạm pháp luật vẫn có xu hướng gia tăng....
Ông Nguyễn Hồng Diên mong muốn, các đại biểu tham dự hội thảo đề xuất được các nhiệm vụ, giải pháp cần phải tập trung cao trong thời gian tới để công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đạt kết quả thiết thực, bền vững; kiến nghị với Đảng những định hướng lớn về công tác trẻ em trong Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Tại hội thảo, nhắc lại công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: “Chúng ta đang ở rong thời điểm rất quan trọng chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, thúc đẩy nhanh tiến trình phát triển và hội nhập sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Trong tiến trình này, chúng ta phải tiếp tục quán triệt quan điểm trong Chỉ thị 20 của Bộ Chính trị ”Phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ cần xác định các mục tiêu chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em là một trong những nội dung trọng tâm của mục tiêu xã hội”. Như vậy, trẻ em phải được đặt vào vị trí trung tâm của chiến lược nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực để đất nước phát triển và hội nhập, góp phần đạt các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030”.
Theo Thứ trưởng, công tác bảo vệ trẻ em thời kỳ tiếp theo cần tạo môi trường sống an toàn cho mọi trẻ em; lưới an sinh xã hội phải ưu tiên cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em trong gia đình hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em di cư, trẻ em con em công nhân các khu công nghiệp, trẻ em bị ảnh hưởng thiên tai, thảm họa và phòng ngừa mọi nguy cơ trẻ em bị tổn hại. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và nhân lực làm công tác bảo vệ trẻ em trong bối cảnh tinh gọn, tăng cường hiệu lực hiệu quả của bộ máy chính trị, tăng cường quản lý nhà nước; cần thiết có sự phối hợp liên ngành; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức, viên chức làm việc trong các lĩnh vực bảo vệ trẻ em.
Mặt khác, theo Thứ trưởng, công tác bảo vệ trẻ em thời kỳ tiếp theo cần đầu tư phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ đáp ứng việc thực hiện quyền trẻ em; ưu tiên hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, lồng ghép và phối hợp giữa các dịch vụ y tế, giáo dục, tư pháp và các dịch vụ an sinh xã hội khác.

Nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác trẻ em

 Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Ảnh: KT)

Đề cập đến công tác tổ chức và nhân lực làm công tác trẻ em, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết: Hiện nay toàn quốc có 280 người làm công tác trẻ em cấp tỉnh; 1.229 người là thành viên của các tổ chức phối hợp liên ngành cấp tỉnh. Cấp huyện có 956 người làm công tác trẻ em; 8.015 người là thành viên của các tổ chức phối hợp liên ngành cấp huyện. Cấp xã có 12.983 người; cộng tác viên thôn bản có 83.216 người; có 30 tỉnh, thành phố có chính sách hỗ trợ cho đội ngũ cộng tác viên làm công tác trẻ em.

Ông chỉ ra, đối với cấp xã, người làm công tác bảo vệ trẻ em còn kiêm nhiệm nhiều đầu việc nên thời gian dành cho công tác trẻ em hạn chế. Phần lớn cán bộ kiêm nhiệm công tác trẻ em lại chưa được đào tạo cơ bản về quyền trẻ em và công tác xã hội nên chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác trẻ em chưa cao.
Còn với vị trí công chức chuyên trách theo dõi về LĐ-TB&XH thì thực hiện 11 nhiệm vụ của ngành gồm 3 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. “Để thực hiện nhiệm vụ được giao cho các vị trí này tại các Điều 53 và Điều 72 của Luật Trẻ em thì công chức này bị quá tải, do đó khó thực hiện và tham ưu cho Chủ tịch UBND cấp xã chỉ đạo việc hỗ trợ, can thiệp đầy đủ cho trẻ em bị xâm hại theo quy trình” – ông Đặng Hoa Nam nói.
Từ những phân tích trên, theo ông Đặng Hoa Nam, một trong những giải pháp quan trọng thời gian tới là tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức làm công tác trẻ em, bảo vệ trẻ em theo hướng tinh gọn, hiệu quả, bảo đảm có nhân lực phụ trách công tác  trẻ em ở các cơ quan, đơn vị có chức năng thực hiện quyền trẻ em và các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt cấp xã.
Đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em và tham gia thực hiện các quyền của trẻ em ở các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, cơ sở giáo dục, cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em và địa phương, cộng đồng dân cư. Chú trọng nhận thức, kiến thức về quyền trẻ em, trách nhiệm, năng lực phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp trong thực hiện công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em...
Bên cạnh đó, ông Đặng Hoa Nam đề nghị tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện luật pháp, chính sách, chương trình về trẻ em; phân bổ hợp lý ngân sách thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề trẻ em; đổi mới, tăng cường phối hợp trong công tác truyền thông, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng về thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em cho trẻ em, gia đình giáo viên...

Quang cảnh hội thảo (Ảnh: KT)

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về bảo vệ trẻ em, bà Lê Hồng Loan, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam chỉ ra, các quốc gia trên thế giới tập trung vào phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em thay vì giải quyết các vấn đề trẻ em đơn lẻ như trẻ em lang thang đường phố, lao động trẻ em để giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến bạo hành, xâm hại, sao nhãng trẻ em...
Đáng chú ý, theo bà, ở các nước nhân viên công tác xã hội đóng vai trò xương sống của hệ thống bảo vệ trẻ em. Trên thế giới và khu vực ngày càng coi trọng việc tăng cường nhân lực công tác xã hội trong công tác bảo vệ trẻ em. “Tại Philippines thì tỷ lệ nhân viên công tác xã hội của Chính phủ là 13,8 người/100.000 trẻ và có nhân viên công tác làm việc toàn thời gian đến cấp quận” – bà ví dụ.
Nhân viên công tác xã hội trong bảo vệ trẻ em sẽ giúp tiếp nhận, đánh giá nguy cơ xâm hại, bóc lột, sao nhãng trẻ em; quản lý trường hợp các ca xâm hại, bóc lột, sao nhãng trẻ em; tham vấn, tư vấn hỗ trợ tâm lý xã hội cho trẻ em và gia đình; quản lý, hỗ trợ các dịch vụ chăm sóc thay thế...
Từ kinh nghiệm quốc tế, bà khuyến nghị Việt Nam cần tăng cường nguồn nhân lực bảo vệ trẻ em để tăng cường trách nhiệm giải trình về xâm hại trẻ em. Trong đó, xác định rõ vai trò và hoạt động của nhân viên công tác xã hội và cộng tác viên cần hình thành mạng lưới nhân viên công tác xã hội trong ngành LĐ-TB&XH cấp tỉnh, huyện cung cấp các dịch vụ chuyên nghiệp như: Quản lý trường hợp các ca xâm hại trẻ em vừa – nghiêm trọng; hỗ trợ kỹ thuật, giám sát chuyên môn cho cán bộ cấp xã.
Cơ cấu cung cấp dịch vụ trong ngành LĐ-TB&XH gồm: Trung tâm/phòng công tác xã hội ở cấp tỉnh; phòng/tổ công tác cấp huyện; nhân viên bảo vệ trẻ em cấp xã: bán chuyên nghiệp, được tập huấn. Xây dựng tiêu chuẩn năng lực nghiệp vụ cho nhân viên công tác xã hội và cộng tác viên bảo vệ trẻ em.../.

Lượt xem: 1.519
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003910473
  •  Đang online: 91
  •  Trong tuần: 11.040
  •  Trong tháng: 125.192
  •  Trong năm: 1.211.848