Kiến nghị xem xét, điều chỉnh mục tiêu xây dựng nông thôn mới In trang
26/11/2020 09:12 SA

(ĐHXIII) - Trên tinh thần nghiêm túc, dân chủ, thẳng thắn, các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp thiết thực cho dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Người dân cùng tham gia triển khai xây dựng Nông thôn mới tại Hà Tĩnh (Ảnh: DC)

Dự thảo đánh giá đúng, trúng những kết quả đạt được từ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII

Cụ thể, về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới, đa số ý kiến đồng ý với đánh giá tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Dự thảo báo cáo chính trị đã đánh giá đúng, trúng, khách quan, trung thực những kết quả đạt được, thẳng thắn nêu rõ những ưu điểm, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm nổi bật.

Đặc biệt là nhận định tổng quát: “Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, mặc dù phải đối phó với nhiều khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Đất nước phát triển nhanh, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật”. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta cũng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm đòi hỏi toàn Đảng phải nghiêm túc nhìn nhận, nỗ lực phấn đấu để khắc phục, tiếp tục lãnh đạo đất nước phát triển nhanh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Về triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, các ý kiến đều thống nhất với nguyên tắc, mục tiêu, phương châm, phương hướng hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Thống nhất với các nhận định quan trọng trong dự thảo báo cáo.

Bên cạnh đó, về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các ý kiến đều nhất trí với nội dung trong dự thảo báo cáo. Thống nhất nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ công chức nhà nước, đổi mới hoạt động lập pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Đồng thời, nhất trí với các định hướng mới: Xây dựng và hoàn thiện nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; thực hành dân chủ đi đôi với tăng cường pháp chế, kỷ luật, kỷ cương; phân định rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương, bảo đảm quản lý thống nhất, kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ, đồng thời đề cao vai trò chủ động, tinh thần trách nhiệm, nâng cao năng lực của từng cấp, từng ngành,…

Về các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, các ý kiến đều nhất trí với các nội dung và cách sắp xếp thứ tự của 6 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong 5 năm tới. Các nhiệm vụ trọng tâm này phù hợp và có tính khả thi cao. Thống nhất việc khẳng định 3 đột phá chiến lược do Đại hội XI, XII của Đảng xác định vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa lâu dài, cần tiếp tục được cụ thể hóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Các ý kiến cũng thống nhất cao với một số khâu đột phá cần ưu tiên trong từng đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Kiến nghị xem xét, điều chỉnh mục tiêu xây dựng nông thôn mới

Cùng với những quan điểm trên, các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ NN&PTNT đã có nhiều ý kiến thiết thực đóng góp cho Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và diện mạo đất nước sau 35 năm đổi mới, các ý kiến đồng ý với đánh giá kết quả công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ qua, nhất trí với  phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong 5 năm tiếp theo. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nên có số liệu so sánh kết quả đạt được so với chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, bổ sung các số liệu cho mỗi thành quả đạt được trong nhiệm kỳ qua. Đồng thời, cần bổ sung, đánh giá thành tựu “Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; nông nghiệp phát triển, nông thôn đổi mới” do đây là một thực tế khách quan.

Bên cạnh các ý kiến thống nhất đánh giá nguyên nhân của những ưu điểm, nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm và những kinh nghiệm rút ra sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, cũng có ý kiến cho rằng, dự thảo báo cáo cần làm rõ “nguyên nhân khâu tiêu thụ nông sản chưa được chú trọng nhiều vào lĩnh vực công nghiệp chế biến sau thu hoạch, chưa có chính sách mở cửa các thị trường mới cho xuất khẩu nông sản”.

Đồng thời, cũng có ý kiến cho rằng, đề nghị cân nhắc nội dung: “kinh tế vĩ mô ổn định tăng trưởng liên tục và cao hơn nhiệm kỳ trước, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực” trong đánh giá tổng quát nhiệm kỳ Đại hội XII, vì nước ta cũng có những biến động về tăng trưởng, đặc biệt năm 2020 chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình hạn, mặn xâm nhập khu vực Đồng bằng sông Cửu Long,…

Về tầm nhìn và định hướng phát triển, với vấn đề các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, có một số ý kiến kiến nghị xem xét, điều chỉnh mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Cụ thể: “Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 80%, trong đó có ít nhất 40% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu”.

Ngoài ra, về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đa số các ý kiến đều nhất trí với dự thảo báo cáo, nhất là vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng và định hướng chiến lược phát triển khoa học công nghệ phù hợp với điều kiện đất nước, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, tạo ra bước đột phá, cần nghiên cứu công tác hỗ trợ phát triển các ý tưởng sáng tạo. Mặt khác, có ý kiến cho rằng, cần quan tâm đến cơ chế, chính sách, đãi ngộ nhân tài sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực,…/.

(Daihoi13.dangcongsan.vn)

Lượt xem: 1.641
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003910971
  •  Đang online: 52
  •  Trong tuần: 11.538
  •  Trong tháng: 125.690
  •  Trong năm: 1.212.346