Đánh giá toàn diện, sâu sắc việc thực hiện Nghị quyết phát triển giáo dục In trang
24/11/2020 01:47 CH

(ĐHXIII) – Đó là nội dung được đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) cho biết khi góp ý vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh). (Ảnh: TL)

Đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn Hà Tĩnh). Ảnh: TL

Đại biểu Trần Đình Gia nêu rõ: Lĩnh vực giáo dục đã được đề cập chi tiết tại dự thảo Văn kiện trình Đại hội. Tuy nhiên, cũng cần phải đánh giá thêm về nền giáo dục hiện nay; đánh giá về hệ thống trường lớp, các cấp học và việc phát huy hiệu quả giáo dục ở các vùng miền khác nhau, để có những giải pháp có các cơ chế, chính sách phù hợp; đặc biệt là việc giáo dục đại học.

Đại biểu lý giải: Hiện nay có một thực tế là con em cứ nghe đâu có đại học là phấn khởi. Bởi ở đâu cũng có đại học, cũng cần tuyển, thậm chí hết cấp 3 có trường tuyển vào đại học, nhưng học xong không giải quyết được vấn đề gì. “Bởi vậy, cần phải đánh giá giáo dục đại học, quy mô cơ cấu trường lớp, ngành nghề đào tạo, nhu cầu xã hội; cần phải tổng kết, xác định những vùng miền nào có những lợi về mặt gì để phát triển ngành học tại trường đó cho phù hợp. Đặc biệt, trong Báo cáo Chính trị cần đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc hơn việc thực hiện Nghị quyết về phát triển giáo dục”, đại biểu đề xuất.

Góp ý ở nội dung phát huy văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, đại biểu cho biết: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm lĩnh vực này. Tuy nhiên, cần phải làm rõ hơn những đóng góp, tác động của văn hóa đối với phát triển kinh tế và việc xây dựng hình ảnh, vị thế đất nước Việt Nam.

Cho rằng văn hóa là sức mạnh nội sinh, đại biểu khẳng định: Trong diễn đàn Quốc hội vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đôi lúc người ta chỉ thấy một vài biểu hiện về tình trạng suy thoái đạo đức trong một bộ phận giới trẻ hoặc là đạo đức xã hội, gia đình nhưng cả thành tích, thành quả to lớn trong lĩnh vực này đã không được đề cập, dẫn đến nhìn nhận lệch lạc. Bởi vậy, cần phải tập trung vào việc phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, bồi dưỡng lòng yêu nước, "đoàn kết, tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách" và khơi dậy lòng tự tôn dân tộc trong tất cả các tầng lớp nhân dân, mọi giai tầng tôn giáo.

“Chúng ta phải làm mạnh nội dung này để nhân dân Việt Nam đồng lòng cùng chí hướng vì mục tiêu chung của Đảng, của đất nước. Đảng, Nhà nước cần phải quan tâm hơn trong việc bồi dưỡng tinh thần đoàn kết, tự tôn dân tộc cho bộ phận này”, đại biểu góp ý.

Về lĩnh vực kinh tế, đại biểu cũng đề xuất cần đặc biệt quan tâm đến việc quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. “Việc khai thác tiềm năng, lợi thế trên lĩnh vực quản lý về tài nguyên môi trường, phát huy tài nguyên của quốc gia như: đất đai, rừng, khoáng sản, đất cát …đang là vấn đề nhức nhối. Gần như các lĩnh vực khiếu kiện trong nhân dân đa phần liên quan đến việc này. Nếu không liên quan đến đất đai thì cũng liên quan đến vệ sinh môi trường, biến đổi khí hậu làm cho cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn”, đại biểu phân tích.

Ở lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đại biểu cho rằng, thời gian qua Nghị quyết của Đảng ban hành đi vào cuộc sống, có thể áp dụng luôn và rất cụ thể. Tuy nhiên, việc ban hành nghị quyết của các tổ chức đảng, ban chấp hành cấp ủy đảng từ tỉnh đến các cấp còn hạn chế. Hơn nữa, năng lực cụ thể hóa nghị quyết vào thực tiễn còn gặp khó khăn mà gần như là sao chép. “Bởi vậy, cần làm sâu sắc hơn các giải pháp để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng ban hành Nghị quyết của Đảng”, đại biểu đề nghị.

Lượt xem: 1.294
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003986913
  •  Đang online: 84
  •  Trong tuần: 4.286
  •  Trong tháng: 66.137
  •  Trong năm: 1.288.288