Những Điểm mới cơ bản trong dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng In trang
11/11/2020 11:00 SA

(LĐ online) - Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng; Thông báo Kết luận số 159-TB của Bộ Chính trị về việc thảo luận các văn kiện Đại hội XIII của Đảng tại Đại hội Đảng bộ các cấp, gửi lấy ý kiến nhân dân và tổng hợp các ý kiến đóng góp vào văn kiện Đại hội XIII của Đảng, dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã được công bố, gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội và nhân dân từ ngày 20/10 đến ngày 10/11/2020.

Dự thảo các văn kiện công bố lấy ý kiến Nhân dân gồm: Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

Việc lấy ý kiến của Nhân dân vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng nhằm tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của Nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 

Tại cuộc họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh văn kiện Đại hội là một văn kiện rất quan trọng, vừa mang tính lý luận cao, tính thực tiễn sâu sắc và tính chính trị chỉ đạo lâu dài, là một văn kiện tồn tại mãi mãi trong lịch sử của Đảng, của đất nước"… Các tầng lớp nhân dân, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học còn có nhiều ý kiến đóng góp, do đó cần tiếp tục tiếp thu, chọn lọc, tìm tiếng nói chung để trình ra Đại hội thông qua mới thành văn kiện chính thức".

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng có một số điểm mới cơ bản, thể hiện sự phát triển tư duy lý luận, định hướng chiến lược của Đảng, đưa đất nước vào một giai đoạn phát triển mới.

Mở đầu, ngoài phần giới thiệu khái quát bối cảnh, dự thảo Báo cáo chính trị xác định phương châm đại hội: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển; như vậy phương châm được thêm thành tố “sáng tạo – phát triển” cho “đổi mới” so với Đại hội XII. Chủ đề đại hội được kết cấu bởi 5 thành tố: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN”. Chủ đề Đại hội XIII có một số điểm mới cơ bản là: Bổ sung xây dựng hệ thống chính trị vào nội dung, thành tố xây dựng Đảng. Đưa khát vọng phát triển đất nước và xác định mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN. 

Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú cho biết: "Dự thảo Văn kiện lần này có nhiều điểm mới. Đó là đòi hỏi khách quan, những gì kế thừa được từ sáng tạo của chính chúng ta bao nhiêu năm qua, cũng như từ những kinh nghiệm thành công của các nước. Điểm mới đáng chú ý là chủ đề Đại hội lần này. Trước đây, chúng ta mới chỉ ghi là “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh”, lần này chủ đề Đại hội được đề xuất “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Như vậy, đã bổ sung thêm cả “hệ thống chính trị” bao gồm Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội. Đảng vừa là thành viên, vừa là lãnh đạo cao nhất. Việc bổ sung này đã nhấn mạnh đến vai trò của Đảng trong hệ thống chính trị."

Báo cáo chính trị trình ra Đại hội XIII đề ra mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của Việt Nam, như sau:

Mục tiêu tổng quát là:

Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; phát huy sức sáng tạo, ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Mục tiêu cụ thể:

Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

cách tiếp cận mới: trình độ phát triển, trình độ công nghiệp và thu nhập phù hợp với cách tiếp cận của thế giới. Theo tính toán của Ngân hàng thế giới (WB) thu nhập bình quân thấp là dưới mức 4.045 USD/người/năm; thu nhập trung bình là từ 4.045 đến 12.535 USD/người/năm; thu nhập cao là trên 12.535 USD/người/năm (số liệu ngày 1/7/2020). Dự kiến, đến 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD. Như vậy, đến 2045, nước ta vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Dự kiến đến năm 2030, GDP bình quân đầu người khoảng 7.500 USD. Như vậy, đến năm 2030, nước ta có thu nhập trung bình cao. Và đến năm 2045 có thu nhập cao là hoàn toàn khả thi.  

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới, Dự thảo đánh giá trên 7 phương diện, lĩnh vực về xây dựng Kinh tế thị trường định hướng XHCN; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; các lĩnh vực văn hoá, xã hội, phát triển con người, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hội nhập quốc tế; xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói: "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Từ một nước nhỏ bé, nghèo nàn, lạc hậu, trình độ rất thấp, hầu như không có tên trên bản đồ thế giới, ngày nay Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có quy mô dân số gần 100 triệu người, đang phát triển, có thu nhập trung bình, có quan hệ với hầu hết các nước trên thế giới, tham gia hầu hết các tổ chức quốc tế và là thành viên, đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.".

Bên cạnh những thành tựu đạt được, dự thảo báo cáo chính trị xác định những hạn chế, khuyết điểm và chỉ rõ 4 nguyên nhân cơ bản, đúc kết, rút ra 5 bài học kinh nghiệm. Dự thảo đánh giá chung về 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, 30 năm thực hiện cương lĩnh 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Nhìn lại quá trình này, nhận thức lý luận về mục tiêu, đặc trưng, đường lối, phương hướng cơ bản và những quan hệ lớn mang tính quy luật, CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng được bổ sung, nhận thức, xác định rõ, cụ thể hóa và từng bước được hiện thực hóa trong đời sống xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn.

Dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước:

Về tình hình thế giới, so với Đại hội XII, Dự thảo Báo cáo chính trị nêu những dự báo mới: Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và gay gắt hơn, làm gia tăng rủi ro đối với môi trường an ninh quốc tế. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn.

Cục diện thế giới tiếp tục biến đổi theo xu hướng đa cực, đa trung tâm; các nước lớn vẫn hợp tác, thỏa hiệp, nhưng đấu tranh, kiềm chế lẫn nhau quyết liệt hơn. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa dân túy trong quan hệ quốc tế gia tăng. Các nước đang phát triển, nhất là các nước nhỏ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới.

Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo dài do tác động của đại dịch COVID-19. Các quốc gia, nhất là các nước lớn điều chỉnh lại chiến lược phát triển, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài, làm thay đổi các chuỗi cung ứng. Cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại, tranh giành thị trường, các nguồn tài nguyên, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng quyết liệt, tác động mạnh đến chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu. 

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc. 

Về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, Dự thảo Báo cáo chính trị có những dự báo mới: Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. ASEAN có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác khu vực nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn.

Dự thảo Báo cáo chính trị có những dự báo mới về tình hình trong nước: Sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.. 

Năm năm tới, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn sẽ phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra. Xu hướng già hóa dân số nhanh; tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng mạnh; biến đổi khí hậu gay gắt, phức tạp... ngày càng tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước.

Trong bối cảnh đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Tư tưởng xuyên suốt và nhất quán của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.” Trong đó, nếu chỉ "kiên định" một cách máy móc thì dễ dẫn đến giáo điều, cứng nhắc, bảo thủ, nhưng nếu không kiên định mà "đổi mới" một cách vô nguyên tắc thì cũng rất dễ rơi vào chủ nghĩa xét lại, chệch hướng, "đổi màu". Cho nên, kiên định phải gắn liền với sáng tạo và sáng tạo phải trên cơ sở kiên định phù hợp với thực tiễn, với yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.

“Phát triển nhanh và bền vững” được xác định là mục tiêu chiến lược của đất nước ta trong giai đoạn tới. Để đạt mục tiêu đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Cần huy động cả nguồn lực vật chất và tinh thần để tiếp tục bứt phá, vươn lên; phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phấn đấu đưa nước ta trở thành một nước phát triển theo định hướng XHCN. Đó là tâm huyết, trí tuệ và niềm tin, là "ý Đảng, lòng Dân" hòa quyện cùng mong muốn, khát vọng và ý chí vươn tới một tương lai rạng rỡ của đất nước và toàn dân tộc.

Dự thảo xác định 5 quan điểm chỉ đạo phải được quán triệt trong nhận thức, hành động trong giai đoạn tới. Đây là những tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt, chủ đạo về chiến lược, xác định động lực phát triển, định hướng huy động, phát huy mọi nguồn lực phát triển đất nước, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ. 

Cụ thể về kết cấu có sự sắp xếp thứ tự lần lượt về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đảm bảo quốc phòng, an ninh và đối ngoại; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người; hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ XHCN, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội; quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ cải thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. 

Trong 5 năm tới, để phù hợp với điều kiện, yêu cầu mới cần tập trung vào các đột phá cụ thể sau đây: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.

Theo PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Thường trực Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XIII : Ba đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ XI, XII của Đảng xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được cụ thể hóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển. So với Đại hội XII, Dự thảo Báo cáo chính trị bổ sung, nhấn mạnh những nội dung sau:

Về thể chế, Dự thảo Báo cáo chính trị mở rộng phạm vi thành thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh theo pháp luật; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài Club thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.

Về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, Dự thảo Báo cáo chính trị bổ sung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở chú trọng nâng cao, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Về hệ thống kết cấu hạ tầng, Dự thảo Báo cáo chính trị nhấn mạnh yêu cầu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội theo hai hướng ưu tiên: Một là, đẩy nhanh phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hai là, chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số.

Sự cụ thể hóa 3 đột phá chiến lược của Đại hội XI, XII vào giai đoạn 5 năm 2021-2025 là một điểm mới của Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng.

Về những nhiệm vụ trọng tâm: Đại hội XII xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII cũng nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm. So với Đại hội XII, Dự thảo Báo cáo chính trị có 2 điểm mới: Một là, về cơ cấu: Đại hội XII dành nhiệm vụ 1 và 2 về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ; Dự thảo trình Đại hội XIII dành nhiệm vụ thứ nhất về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, thêm nhiệm vụ về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu. Hai là, nội dung từng nhiệm vụ trọng tâm có những nội dung mới. Cụ thể như sau:

Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Dự thảo Báo cáo chính trị bổ sung yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; nhấn mạnh củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Về phát triển kinh tế, Dự thảo Báo cáo chính trị bổ sung, nhấn mạnh xây dựng hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập; phát triển đồng bộ và tạo ra sự liên kết giữa các khu vực, các vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. 

Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Dự thảo Báo cáo chính trị nhấn mạnh: Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. 

Về văn hóa, xã hội, Dự thảo Báo cáo chính trị bổ sung, nhân mạnh: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân.

GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết: Khát vọng phát triển đất nước là một yếu tố rất là mới, thực sự là nhân tố thể hiện sức mạnh nội địa, tìm tòi của dân tộc ta. Vấn đề đặt ra là khát vọng phát triển thế nào thì lúc đầu nhiều người nghĩ là “xây dựng một nước Việt Nam hùng cường”. Việc này cũng đúng.. Nhưng sau qua cân nhắc toàn diện, gần đây nhất,  Tiểu ban Văn kiện báo cáo Bộ Chính trị đưa vào dự thảo “khát vọng triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đặc biệt là nhấn mạnh đến yếu tố "hạnh phúc" của nhân dân.Cho nên, yếu tố “hạnh phúc” là một điểm nhấn trong dự thảo lần này, tính con người, tính nhân văn được thể hiện đậm nét.

Về dân chủ xã hội chủ nghĩa, đại đoàn kết toàn dân tộc, Dự thảo Báo cáo chính trị bổ sung và nhấn mạnh: Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, trước hết là sự gương mẫu tuân theo pháp luật, kỷ cương, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của cán bộ, đảng viên.

Về tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu, Dự thảo Báo cáo chính trị nêu: Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trên đây là một số tư tưởng, điểm mới cốt lõi được nêu trong dự thảo. Góp ý vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là đợt sinh hoạt chính trị lớn để tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045. Điều này góp phần nâng cao chất lượng Dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm cho ý Đảng hợp với lòng dân. 

(Baolamdong.vn)

Lượt xem: 1.444
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003910922
  •  Đang online: 67
  •  Trong tuần: 11.489
  •  Trong tháng: 125.641
  •  Trong năm: 1.212.297