Công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải là một nội dung quan trọng trong chủ đề Báo cáo chính trị In trang
10/11/2020 11:09 SA

(ĐHXIII) - Trên cơ sở nhận thức đầy đủ sâu sắc quan niệm hiện đại, vị trí, tầm quan trọng của nhiệm vụ trung tâm đẩy mạnh CNH, HĐH của thời kỳ phát triển mới của nước ta từ 2020 đến 2045 để đưa nội dung này vào chủ đề của Báo cáo chính trị và trong phần: Tầm nhìn và Định hướng phát triển.

Ảnh có tính chất minh họa. Nguồn: A.N

Ảnh có tính chất minh họa. Nguồn: A.N


Trong phần: “Quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) viết: Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại hóa, theo định hướng XHCN. Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, toàn Đảng toàn dân ta cần nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, ý chí tự lực tự cường, phát huy mọi tiềm năng và trí tuệ, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, quán triệt và thực hiện tốt các phương hướng cơ bản sau đây:

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường…Vì sao, trong Cương lĩnh (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta xác định một trong tám phương hướng cơ bản từ 2011 đến 2050, thì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải là phương hướng cơ bản quan trọng thứ nhất. Bởi vì, xã hội xã hội chủ nghĩa mà dân ta xây dựng có một đặc trưng rất quan trọng là: Có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp. 

Năm 1996, Đại hội VIII nhận định: Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành cho phép chuyển sang thời kỳ mới. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tại Đại hội VIII, Đảng ta xác định: Nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta trong thời kỳ mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc mà nhiệm vụ trung tâm là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ở đây công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo quan niệm hiện đại mà Đảng ta xác định là: Quá trình chuyển đổi một cách căn bản và toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế xã hội từ sử dụng lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với phương tiện, phương pháp tiên tiến, hiện đại dựa trên sự phát triển của công nghiệp và khoa học công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao.

Từ quan niệm trên, Đảng ta xác định mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa là xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng an ninh vững chắc, dân giàu nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh. Đồng thời, Đại hội VIII của Đảng xác định mục tiêu đến năm 2020 là ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp với các tiêu chí chủ yếu sau:

1. Lực lượng sản xuất đạt trình độ tương đối hiện đại, phần lớn lao động thủ công được thay thế bằng lao động sử dụng máy móc, điện khí hóa cơ bản được thực hiện trong cả nước. Năng suất lao động xã hội và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với hiện nay. GDP tăng từ 8-10 lần so với năm 1990. Trong cơ cấu kinh tế tuy nông nghiệp phát triển mạnh song công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng rất lớn trong GDP và trong lao động xã hội.

2. Khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ có khả năng nắm bắt và vận dụng được nhiều thành tựu mới nhất của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ. Khoa học xã hội và nhân văn có khả năng làm cơ sở cho việc xây dựng hình thái ý thức xã hội mới. Sự phát triển của khoa học đủ sức cung cấp luận cứ cho việc hoạch định các chính sách chiến lược và quy hoạch phát triển.

3. Về quan hệ sản xuất và chế độ quản lý và chế độ phân phối gắn kết với nhau phát huy được các nguồn lực tạo ra động lực mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện công bằng xã hội. Kinh tế nhà nước thực hiện tốt vai trò chủ đạo và cùng với kinh tế hợp tác xã trở thành nền tảng trong nền kinh tế. Kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân chiếm tỷ trọng đáng kể. Kinh tế tư bản Nhà nước dưới các hình thức khác nhau tồn tại phổ biến.

4. Về đời sống vật chất và văn hóa nhân dân có cuộc sống no đủ, có nhà ở tương đối tốt, có điều kiện thuận lợi để đi lại, học hành, chữa bệnh, có mức hưởng thụ văn hóa khá. Quan hệ xã hội lành mạnh, có lối sống văn minh, gia đình hạnh phúc.

Năm nay là năm 2020, theo quyết định của Đại hội VIII, chúng ta phải ra sức phấn đấu để cơ bản trở thành một nước công nghiệp với 4 tiêu chí cơ bản trên. Rất tiếc trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII, trong mục đánh giá chung 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, chưa tập trung tổng kết 30 năm hiện thực hóa đặc trưng cơ bản của CNXH mà nhân dân ta dây dựng. Một phương hướng cơ bản hàng đầu là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo 4 tiêu chí trên. Tuy nhiên, đánh giá chung về 30 năm thực hiện cương lĩnh 1991, 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Dự thảo viết: Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả vật chất và tinh thần được cải thiện rõ.

Bên cạnh những thành tựu trên, Dự thảo báo cáo chính trị nhận định: Chúng ta cũng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm: Hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm chưa tạo được chuyển biến căn bản về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Đổi mới giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Năng lực trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp. Lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường chưa có nhiều đột phá, hiệu quả chưa cao. Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị. Chưa thực sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững. Môi trường văn hóa xã hội tiếp tục bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng còn lớn. Sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hóa, đạo đức, lối sống, gây bức xúc xã hội.

Nhìn tổng thể chúng ta chưa đạt mục tiêu: Đến năm 2020 nước ta chưa cơ bản trở thành nước công nghiệp. Do đó, cần phải tổng kết sâu sắc 25 năm thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa - nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ lên CNXH của nước ta. Trên cơ sở nhận thức đầy đủ sâu sắc quan niệm hiện đại, vị trí, tầm quan trọng của nhiệm vụ trung tâm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thời kỳ phát triển mới của nước ta từ 2020 đến 2045 để đưa nội dung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào chủ đề của Báo cáo chính trị và trong phần: Tầm nhìn và Định hướng phát triển.

Trong mục quan điểm chỉ đạo, cần trình bày quan niệm hiện đại của Đảng ta về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong mục định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 cần xác định mục tiêu, nội dung công nghiệp hóa hiện đại hóa trong Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm./.

PGS.TS Đào Duy Quát, Nguyên Phó trưởng ban Thường trực, Ban Tư Tưởng –Văn hóa Trung ương

(daihoi13.dangcongsan.vn)

Lượt xem: 16.658
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003910976
  •  Đang online: 57
  •  Trong tuần: 11.543
  •  Trong tháng: 125.695
  •  Trong năm: 1.212.351