Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII: Đề cao sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân In trang
30/10/2020 10:23 SA

Ngày 28/10, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các Hội đồng Tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (Đại hội XIII).

Ngày 28/10, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các Hội đồng Tư vấn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (Đại hội XIII).

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương và đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

 

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó trưởng bộ phận Thường trực chuyên trách Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII Hoàng Trung Hải; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực đồng chủ trì Hội nghị.

Thể hiện rõ nét đóng góp của Mặt trận vào thành tựu chung của đất nước

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 7 Hội đồng Tư vấn về các lĩnh vực: Dân chủ - Pháp luật; Văn hóa - Xã hội; Khoa học, Giáo dục và Môi trường; Kinh tế; Dân tộc; Tôn giáo; Đối ngoại và Kiều bào. Các hội đồng đã giúp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp ý kiến với Đảng, Nhà nước những vấn đề quan trọng liên quan đến xây dựng Đảng, Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, những vấn đề về đời sống nhân dân; tham gia phản biện nhiều dự thảo văn bản luật mang lại hiệu quả thiết thực.

Ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc tham gia ý kiến của đại diện các hội đồng trong việc đóng góp với Đảng để hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước sẽ góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; làm cho ý Đảng hợp với lòng dân; tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động, ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Cùng với việc góp ý chung vào dự thảo các văn kiện, ông Trần Thanh Mẫn hy vọng các đại biểu góp ý sâu hơn vào những đánh giá, nhận định và nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để thể hiện rõ nét sự đổi mới, những kết quả của Mặt trận trong việc góp phần vào thành tựu chung của đất nước; nêu những mặt hạn chế cần khắc phục; khái quát nhiệm vụ, giải pháp đổi mới công tác Mặt trận nhằm đáp ứng với yêu cầu phát triển.

"Làm thế nào để Mặt trận tiếp tục thực hiện tốt vai trò là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; là một bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của các tầng lớp nhân dân", Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh.

Để văn kiện của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống

Ông Trần Hậu, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường của UBTW MTTQ Việt Nam góp ý dự thảo. Ảnh: Dương Giang/TTXVN 

 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hậu, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Khoa học, Giáo dục và Môi trường cho rằng, các dự thảo báo cáo đã đánh dấu bước phát triển, trưởng thành của Đảng trên nhiều mặt tư tưởng, chính trị, tổ chức, phong cách lãnh đạo...

"Với vai trò lịch sử đặc biệt quan trọng của Đại hội XIII của Đảng, các báo cáo đã đề cập đến những vấn đề cơ bản, then chốt nhất liên quan đến vận mệnh, tiền đồ phát triển của đất nước, của dân tộc. Điều đó một lần nữa khẳng định chân lý Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài chăm lo, bảo vệ lợi ích của nhân dân, của toàn dân tộc. Toàn bộ các dự thảo văn kiện của Đại hội XIII đã toát lên tinh thần cao đẹp đó, thể hiện bản chất của Đảng là trí tuệ, lương tâm của thời đại", ông Trần Hậu khẳng định.

Bày tỏ nhất trí cao với cơ bản nội dung của các dự thảo báo cáo, song ông Trần Hậu cũng đề xuất nên nghiên cứu thêm một số vấn đề trong dự thảo Báo cáo Chính trị. Theo ông Trần Hậu, nội dung dự thảo Báo cáo Chính trị nên thể hiện rõ hơn sự so sánh toàn diện giữa thực trạng đất nước hiện nay với quá khứ đất nước trước khi đổi mới để thấy sự thay đổi vượt bậc, để tăng thêm niềm tin, hy vọng; đồng thời so sánh thực trạng nước ta với các nước trong khu vực và thế giới để đề phòng tư tưởng chủ quan, thỏa mãn, qua đó cổ vũ tinh thần hăng hái vươn lên, đề phòng nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa.

Đồng thời, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hậu góp ý dự thảo Báo cáo Chính trị cần đánh giá sâu hơn về quá trình đổi mới, xem xét mức độ đạt được tính toàn diện, đồng bộ theo yêu cầu Đảng đã đề ra. "Phải chăng giữa các lĩnh vực của đời sống xã hội sự đổi mới chưa thật toàn diện, thiếu đồng bộ, còn sự khác biệt, chênh lệch về tốc độ và trình độ, chất lượng đổi mới, tạo nên độ chênh lệch, đôi khi dẫn đến sự giãn cách giữa đổi mới chính trị với đổi mới kinh tế, giữa đổi mới kinh tế với đổi mới văn hóa, xã hội, khoa học, giáo dục, đổi mới ở cấp trung ương với các địa phương...", ông Trần Hậu nêu vấn đề.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội đánh giá cao nội dung đầy đủ, toàn diện, với cách thức trình bày bài bản theo thể thức truyền thống của các dự thảo báo cáo, tuy nhiên, ông Nguyễn Viết Chức cho rằng, các dự thảo báo cáo vẫn còn quá dài và dàn trải, không làm nổi bật được nội dung quan trọng nhất trong nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Với cách trình bày này, ông Chức bày tỏ sự lo lắng rằng sau Đại hội các đại biểu sẽ khó nhớ hết những nội dung cần phải triển khai. Để các văn kiện của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống, ông cho rằng nên có cách tiếp cận mới trong việc xây dựng các văn kiện, nêu cụ thể, sâu đậm hơn những vấn đề trọng tâm nhất, cần thiết nhất phải giải quyết trong nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Đánh giá thêm thực tiễn để nghiên cứu hoàn thiện các dự thảo văn kiện 

Đồng chí Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

 

Khẳng định quá trình chuẩn bị dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII đã được chủ động triển khai từ rất sớm, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhắc lại yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, nhấn mạnh về việc tiếp tục nghiên cứu chuẩn bị các dự thảo văn kiện có đổi mới, song cần dựa trên các nguyên tắc và đảm bảo phát huy tinh thần dân chủ, lắng nghe, thống nhất giữa Đảng và nhân dân. "Đây là Báo cáo Chính trị của Đảng nhưng phải được sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân trong quá trình đóng góp, từ nội dung đánh giá đến phương hướng sắp tới. Vì vậy quá trình lấy ý kiến nhân dân này rất quan trọng.", bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Thực hiện yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các đoàn công tác của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII đã trực tiếp đi khảo sát tại nhiều địa phương và các tổ chức Đảng lớn, đánh giá thêm thực tiễn trong việc thực hiện những quan điểm, chủ trương lớn của Đảng như vấn đề kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác... để nghiên cứu hoàn thiện nội dung các dự thảo văn kiện

Về quá trình chuẩn bị cho nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII, Trưởng ban Dân vận Trung ương cho biết: Hiện Bộ Chính trị đã chỉ đạo và chia làm hai nhánh tiếp nhận góp ý: Một nhánh do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân góp ý cho Đảng thông qua thư góp ý, góp ý trên Cổng thông tin điện tử của Ban Tuyên giáo Trung ương và góp ý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhánh thứ hai do Ban Dân vận Trung ương phối hợp với hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức nhiều cuộc đóng góp ý kiến trực tiếp. Do đó, bà Trương Thị Mai đề nghị Mặt trận rút kinh nghiệm từ các hội nghị lấy ý kiến đã diễn ra để công tác tổ chức các hội nghị lấy ý kiến sắp tới đạt hiệu quả tốt hơn.

Bà Trương Thị Mai cho rằng, các ý kiến đa chiều tại Hội nghị lần này hầu hết tập trung vào nội dung dự thảo Báo cáo Chính trị, thể hiện sự tiếp cận sâu sắc, quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, chuẩn bị nghiêm túc của các đại biểu. Theo Trưởng ban Dân vận Trung ương, nhìn chung các ý kiến đều đánh giá cao công tác chuẩn bị các dự thảo báo cáo, nhất là Báo cáo Chính trị; cho rằng các dự thảo đã được chuẩn bị công phu, có những vấn đề mới, đáp ứng cơ bản yêu cầu chất lượng trình Đại hội XIII.

Các ý kiến tập trung làm sâu sắc hơn một số nhóm vấn đề như: Cần thể hiện rõ hơn vai trò của văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội; đánh giá kết quả đạt được trước và sau đổi mới; phòng chống tham nhũng; thực thi quyền làm chủ của nhân dân; nhấn mạnh vai trò cầu nối giữa Đảng với nhân dân của hệ thống Mặt trận; vấn đề tổ chức thực thi pháp luật chưa đồng bộ với quá trình xây dựng hệ thống pháp luật; y tế; kinh tế hợp tác; đối ngoại; yếu tố con người và phát triển con người Việt Nam; môi trường; dự báo tình hình sắp tới...

Ghi nhận tất cả ý kiến đóng góp của các đại biểu, bà Trương Thị Mai khẳng định, với trách nhiệm của mình, Ban Dân vận Trung ương sẽ tiếp tục lắng nghe, tổng hợp các ý kiến đóng góp, chuyển cho Tiểu ban Văn kiện để tiếp tục hoàn thiện dự thảo các báo cáo trình Đại hội XIII. 

(baothaibinh.com.vn)

Lượt xem: 1.589
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003984712
  •  Đang online: 49
  •  Trong tuần: 2.085
  •  Trong tháng: 63.936
  •  Trong năm: 1.286.087