Góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng: Ý Đảng, lòng dân là một In trang
24/10/2020 08:13 SA

(ĐHXIII) – Dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng lần này có nhiều điểm mới. Vì vậy, việc thảo luận, lấy ý kiến nhân dân có vai trò hết sức quan trọng, không những góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện mà qua đó, thực hiện phương châm hướng đến “ý Đảng, lòng dân là một”.
 

GS.TS Phùng Hữu Phú

GS.TS Phùng Hữu Phú

Dự thảo có rất nhiều điểm mới

Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, thành viên Ban soạn thảo văn kiện, lần này các dự thảo văn kiện Đại hội XIII là lần lấy ý kiến trực tiếp và rộng rãi nhất trong nhân dân. Trước đó, Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến các tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên, các chuyên gia… cho hoàn thiện một bước và công bố rộng rãi để xin ý kiến của toàn dân. “Như thế, chúng ta thấy là quá trình xây dựng nghị quyết của Đại hội, các văn kiện Đại hội XIII từ đầu đến cuối đều tôn trọng nguyên tắc lắng nghe, tiếp thu, xin ý kiến, sáng kiến, nguyện vọng của nhân dân. Suy cho cùng, đường lối của Đảng chỉ có ý nghĩa khi được quần chúng nhân dân ủng hộ, biến đường lối thành hiện thực” – GS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.

Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, Dự thảo Văn kiện lần này có nhiều điểm mới. Đó là đòi hỏi khách quan, những gì kế thừa được từ sáng tạo của chính chúng ta bao nhiêu năm qua, cũng như từ những kinh nghiệm thành công của các nước. Điểm mới đáng chú ý chính là chủ đề Đại hội lần này. Trước đây, chúng ta mới chỉ ghi là “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh”, lần này, chủ đề Đại hội được đề xuất “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Như vậy, đã bổ sung thêm cả “hệ thống chính trị” bao gồm Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội. Đảng vừa là thành viên, vừa là lãnh đạo cao nhất. Như vậy đã nhấn mạnh đến vai trò của Đảng trong hệ thống chính trị.

Về yếu tố dân tộc, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, bổ sung thêm yếu tố dân chủ; xây dựng XHCN có bổ sung thêm những nhân tố mới là khơi dậy khát vọng phát triển dân tộc, phát huy ý chí. “Trước hết là nhấn mạnh vấn đề khát vọng phát triển đất nước. Dự thảo nhấn mạnh đến vấn đề khơi dậy phát triển, xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc, có ý chí vươn lên. Khát vọng và ý chí là trạng thái tinh thần nhưng mà có sức mạnh chuyển hóa thành hành động. Đất nước ta đã trải qua những giờ phút khó khăn, đã vượt qua nghèo đói lạc hậu, chúng ta chiến thắng và vượt lên bằng khát vọng dân tộc. Như vậy, lần này chúng ta nhấn mạnh đến nội dung phải khơi dậy ý chí khát vọng dân tộc”- GS.TS Phùng Hữu Phú nói.

Về mục tiêu phát triển, phấn đấu đến thế kỷ XXI đưa nước ta phát triển thành nước XHCN. Trước đây, đã phấn đấu để nước ta trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Lần này, tiếp thu xu hướng chung, kinh nghiệm của thế giới, đưa nước ta thành quốc gia phát triển theo chuẩn mực chung.

Một điểm mới nữa được Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh nhiều lần là xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng Nhà nước. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là quan trọng nhưng cũng không lơ là việc xây dựng, chỉnh đốn cơ quan nhà nước vì đây là cơ quan giải quyết các vấn đề liên quan đến tồn vong của đất nước, đến cuộc sống của Nhân dân.

Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, trong chiến lược phát triển đất nước, vấn đề quan trọng là xác định đúng các nhiệm vụ trọng tâm, toàn diện, đặc biệt phải chỉ ra các đột phá chiến lược. Từ Đại hội XI, XII, chúng ta đã xác định đúng ba khâu đột phá chiến lược. Đột phá vào thể chế, đột phá vào nguồn nhân lực và đột phá vào hệ thống kết cấu hạ tầng. 10 năm qua, chúng ta đang phấn đấu để thực hiện các khâu đột phá này đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên, so với yêu cầu thì chưa đáp ứng đầy đủ. Lần này, Dự thảo Văn kiện tiếp tục khẳng định thể chế chính là hành lang pháp lý; nguồn nhân lực vẫn là yếu tố quyết định trong quá trình phát triển và gắn với đó thì hạ tầng, kết cấu hạ tầng. Nhưng vấn đề là trong từng giai đoạn phát triển phải xác định được nội hàm của từng khâu đột phá chiến lược đó…

Đột phá xây dựng đội ngũ cán bộ và đề cao giám sát quyền lực

Đồng quan điểm GS Phùng Hữu Phú, PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cũng chỉ ra điểm mới của Đại hội XIII là có một báo cáo riêng về công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ khóa XII. "Hồn cốt của báo cáo Chính trị - báo cáo trung tâm của Đại hội là 10 nhiệm vụ về xây dựng đảng. Xuất phát từ tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng, Ban Chấp hành Trung ương quyết định tại Đại hội XIII, ngoài báo cáo trung tâm, có báo cáo chuyên đề về công tác xây dựng Đảng, thi hành Điều lệ Đảng", PGS Nguyễn Viết Thông lý giải, điều này thể hiện Đại hội XIII đặt đúng vai trò công tác xây dựng Đảng là then chốt.

PGS.TS Nguyễn Viết Thông

PGS.TS Nguyễn Viết Thông

PGS Nguyễn Viết Thông cũng cho rằng, các vấn đề về văn hóa – xã hội trong dự thảo các văn kiện cũng có nhiều điểm mới. Theo đó, các vấn đề về phát triển văn hóa được coi trọng hơn so với các kỳ Đại hội trước đây. Điểm đầu tiên trong khi nói về xã hội, dự thảo văn kiện nhận thức đầy đủ và bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội. Dự thảo cũng nhấn mạnh đến xã hội và phúc lợi xã hội. Cái này phải nói rõ là chúng ta làm chưa tốt, chừng mực nào đã ảnh hưởng đến định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó quan điểm đầu tiên khi nói đến vấn đề xã hội là phải nhận thức đầy đủ và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội. Đây là cái mới và nhấn mạnh đến an sinh xã hội, phúc lợi xã hội thì sẽ thấy được tính ưu việt của CNXH. Điều này đã được thể hiện qua việc ứng phó với đại dịch COVID-19. Một trong những nguyên nhân mà chúng ta ứng phó thành công là tính ưu việt của CNXH. Những ưu việt này chúng ta phải nhân rộng hơn, phát huy thành công hơn so với các kỳ trước đây.

TS Cao Viết Sinh, Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, “cán bộ là nguồn gốc của mọi thành công”, cho nên trong phương hướng, nhiệm vụ của văn kiện Đại hội XIII đề cập tới yếu tố đột phá về nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực của cán bộ quản lý, lãnh đạo là rất quan trọng. “Tôi rất đồng tình với quan điểm này, đặc biệt tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược để đạt được phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ được giao. Tôi cho đấy điều rất quan trọng” - Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói đồng thời cho rằng cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu dám chịu trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo.

Đáng chú ý, trong văn kiện cũng đưa ra các cơ chế để tạo điều kiện cho cán bộ dám làm, dám vì công việc, vì dân. Cùng với đó cũng đưa ra việc cần có cơ chế để bảo vệ cán bộ tốt, cán bộ vì việc chung chứ không phải vì cá nhân của mình. Điều này sẽ tạo tiền đề rất tốt cho cán bộ chúng ta trong thời gian tới sẽ làm hết mình, vì nhân dân phục vụ. TS Cao Viết Sinh cho rằng điều này sẽ tạo tiền đề rất tốt cho cán bộ trong thời gian tới, sẽ làm hết mình, vì nhân dân phục vụ.

Ở góc nhìn là chuyên gia của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng chí Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá cao về những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội đặt ra giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Như vậy giám sát quyền lực kỳ này đặt ra mạnh hơn so với những kỳ trước.

Đồng chí Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Đồng chí Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Theo đồng chí Nguyễn Túc, chính giám sát quyền lực, nhất là giám sát quyền lực do nhân dân tiến hành đã giúp cho Đảng và Nhà nước ta ngăn chặn được một bước thoái hoá, biến chất. “Chúng ta biết rằng Đại hội VI đổi mới, Đại hội VII trong Báo cáo chính trị có câu: “một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền thoái hoá, biến chất”, đến Đại hội VIII không còn “một số” nữa mà “một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn thoái hoá, biến chất”. Đến Đại hội IX là “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn thoái hoá, biến chất”. Đến Đại hội X dự thảo định bỏ chữ “không nhỏ”, nhưng trong tổ biên tập có một số đồng chí cho rằng, trong tình hình hiện nay chưa thể bỏ được chữ “không nhỏ”.  Ngay trong buổi chiều hôm đó, báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho thấy số đảng viên bị kỷ luật từ Đại hội IX đến Đại hội X tăng hơn rất nhiều. Lần đầu tiên, 2 đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng bị phạt tù vì tội tham nhũng” – đồng chí Nguyễn Túc nói.

Từ dẫn chứng nêu ra, đồng chí Nguyễn Túc cũng lưu ý, nhiệm kỳ tới cần quan tâm, đẩy mạnh giám sát quyền lực, mà giám sát quan trọng nhất chính là giám sát của nhân dân. Hầu hết các vụ án điểm vừa rồi đều do dân phát hiện, báo chí đưa tin, các cơ quan chức năng mới vào cuộc.

Đồng chí Nguyễn Túc mong rằng, dân phải giám sát quyền lực mạnh hơn nữa. Giám sát của MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội đối với đại biểu Quốc hội và HĐND cần có quy chế mạnh mẽ hơn hiện nay. Bên cạnh đó, giám sát phải thực hiện từ đồng chí cao nhất, phải gương mẫu./.
 

(Daihoi13.dangcongsan.vn)

Lượt xem: 1.652
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003903599
  •  Đang online: 65
  •  Trong tuần: 4.166
  •  Trong tháng: 118.318
  •  Trong năm: 1.204.974