Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII In trang
12/10/2020 07:50 CH

* Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật góp phần hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong tình hình mới

(LĐ online) - Chủ đề xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã được Đảng ta xác định trong văn kiện của nhiều kỳ đại hội. Trong đó, Đại hội XII của Đảng coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị; xác định và thực hiện cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực Nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước; hoàn thiện tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Tinh thần đó đã được hiện thực hóa thông qua công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian vừa qua. 

Sau 05 năm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, công tác lập pháp đã có những tiến bộ vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Tính từ tháng 01/2014 đến nay (tính cả kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIV), đã có 125 luật, pháp lệnh được thông qua đáp ứng yêu cầu của cuộc sống và tiêu chí của hệ thống pháp luật về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch. Đáng chú ý là các luật, pháp lệnh, nghị quyết trong các lĩnh vực bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, hội nhập quốc tế… đã tiếp tục luật định các nguyên tắc quan trọng điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong cuộc sống; cụ thể hóa nội dung và cơ chế thực hiện cũng như bảo vệ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được hiến định; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng thành công và vận hành đồng bộ, thông suốt nền kinh tế, góp phần huy động và phân bổ, sử dụng có hiệu quả nhất mọi nguồn lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững vì “mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; rà soát, sửa đổi các văn bản, hoàn thiện hành lang pháp lý để bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA)… đảm bảo tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, quy định rõ các yêu cầu đặt ra để củng cố mối quan hệ gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh, cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, công tác xây dựng pháp luật cũng còn những hạn chế, bất cập như:

- Tính đến nay, còn hơn 20 dự án luật, pháp lệnh trong kế hoạch chưa được ban hành (chiếm 16,7%) Trong đó, có cả các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước (Luật Chủ tịch nước), về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Luật về Hội, Luật Biểu tình, Luật Hiến máu); một số nội dung của Hiến pháp đến nay vẫn chưa được cụ thể hóa hoặc cụ thể hóa chưa đầy đủ (ví dụ cơ chế để Quốc hội kiểm soát quyền hành pháp, quyền tư pháp theo quy định hiện hành còn có điểm chưa thật hợp lý); có những dự án luật, pháp lệnh đã đưa vào Chương trình, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nhưng cần tiếp tục chuẩn bị nên chưa được ban hành (Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Luật về Hội, Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp, Luật Đất đai (sửa đổi)... 

- Chưa có biện pháp thực sự hiệu quả, quyết liệt trong việc yêu cầu các cơ quan thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nên sau khi được thông qua vẫn phải điều chỉnh nhiều; chất lượng một số dự án luật khi đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa bảo đảm, dẫn đến có dự án phải chuyển từ quy trình 02 kỳ thành 03 kỳ họp như Luật Tố cáo (sửa đổi), Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), có những dự án quá hạn 4 - 5 năm so với thời hạn dự kiến, trong số các bộ luật, luật, pháp lệnh đã ban hành thì có những luật chậm ban hành so với dự kiến tiến độ đề ra 02 năm.

- Một số đạo luật chưa phản ánh đầy đủ, sát thực nhu cầu cuộc sống nên tính khả thi chưa cao (như Luật Bảo hiểm xã hội); một số quy định vẫn còn mang tính nguyên tắc chung nên khi triển khai thực hiện còn phải phụ thuộc vào văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành (như Luật Quy hoạch); một số văn bản pháp luật được ban hành còn thiếu tính thống nhất, thiếu tính ổn định, thay đổi liên tục, có những luật trong thời gian ngắn đã phải sửa đến 02 lần như Bộ luật Hình sự, Luật Công an nhân dân, Luật Đầu tư công, các luật về thuế sửa 04 lần…, cá biệt có trường hợp chưa có hiệu lực đã phải sửa (như Bộ luật Hình sự năm 2015); một số luật đã ban hành chưa quán triệt, thực hiện đúng quy định của Hiến pháp là quyền cơ bản của con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật.

Nguyên nhân của hạn chế, vướng mắc chủ yếu là Hiến pháp có nhiều nội dung mới, nhiều quy định rất tiến bộ (nhất là các quy định về cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, các quy định về ghi nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, các quy định về nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân…), do đó, việc thể chế hoá đầy đủ các quy định của Hiến pháp trong thời gian ngắn là một thách thức lớn đối với cơ quan chủ trì soạn thảo và Quốc hội. Bên cạnh đó, một số quy định trong Hiến pháp còn dẫn đến cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan soạn thảo, cơ quan trình, thẩm tra dẫn đến khó khăn nhất định trong việc cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp trong luật, pháp lệnh (như quy định của khoản 2 Điều 14 Hiến pháp về giới hạn quyền con người, quyền công dân; quy định tại khoản 2 Điều 111 Hiến pháp về cấp chính quyền địa phương... Một số nội dung, khái niệm cần được giải thích thống nhất trong quá trình cụ thể hóa bằng luật, như “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, “kinh tế nhà nước là chủ đạo”, “tài sản công thuộc sở hữu toàn dân”... Trong quá trình soạn thảo, trình, phối hợp chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, các cơ quan chưa lường trước được những khó khăn, vướng mắc trong việc quy định chi tiết các nội dung được luật giao; sự phối hợp giữa một số Bộ, ngành trong quá trình ban hành văn bản chưa cao; một số Bộ, ngành khi đề xuất xây dựng dự án luật chỉ quan tâm đến những vấn đề thuận lợi cho công tác quản lý, điều hành, chỉ đạo của Bộ, ngành mình mà chưa bao quát được các vấn đề khác.

Từ những hạn chế, bất cập nêu trên, một trong những nội dung được đề cập trong dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được kỳ vọng tạo ra một bước ngoặc trong công tác lập pháp trong thời gian tới, đó là “tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính”. Để nội dung này đi vào cuộc sống, từ thực tiễn công tác, tôi thiết nghĩ công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới cần quan tâm đến các yêu cầu: 

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hoàn thiện thể chế nhằm cụ thể hóa đầy đủ quy định, nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 2013, gắn kết việc xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo việc tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức trong cán bộ, nhân dân đối với Hiến pháp và pháp luật. Tăng cường chỉ đạo, định hướng trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, chỉ đạo, cho ý kiến đối với việc xây dựng, ban hành và nội dung của một số dự án luật, pháp lệnh quan trọng, trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Bổ sung hoạt động giám sát, kiểm tra các cấp ủy Đảng trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, định hướng tại các văn bản của Đảng về triển khai thi hành Hiến pháp trong công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật, đặc biệt là các chủ trương, định hướng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy nhà nước, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Thứ hai, phải đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, xây dựng được hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp. Tiếp tục tăng cường công tác rà soát các luật, pháp lệnh và văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện vướng mắc, khó khăn, hạn chế trong các đạo luật, nhất là các nội dung chưa phù hợp với Hiến pháp; tập trung nguồn lực để nhanh chóng xây dựng, ban hành các dự án luật, pháp lệnh nhằm triển khai thi hành Hiến pháp đã được xác định trong danh mục; xây dựng, hoàn thiện các dự án phải sửa đổi, bổ sung, ban hành mới đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Thứ ba, tiếp tục xem xét, ban hành các dự án luật trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp, trong đó ưu tiên các dự án luật cụ thể hóa trực tiếp các quy định của Hiến pháp về quyền con người, bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ nội dung phân cấp, phân quyền trong các đạo luật theo tinh thần của Hiến pháp và các nguyên tắc phân cấp, phân quyền đã được quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, đề nghị Quốc hội sớm chỉ đạo việc đề xuất xây dựng văn bản ở tầm luật để điều chỉnh đầy đủ, thống nhất về công tác tổ chức thi hành pháp luật, tạo sự chuyển hướng chiến lược, gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật với công tác thi hành pháp luật, làm cho pháp luật được thi hành hiệu quả trên thực tế và thực sự đi vào cuộc sống.

Thứ tư, cần phải nâng cao năng lực tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống pháp luật, thể chế và các chính sách phát triển kinh tế, xã hội. Tập trung xây dựng nền hành chính nhà nước trong sạch vững mạnh, bảo đảm công khai, minh bạch, quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa thông qua việc thống nhất nguyên tắc áp dụng pháp luật; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt là trong quản lý điều hành, hạn chế những bất cập trong thời gian qua, trong đó có nguyên tắc về hồi tố...

Thứ năm, tăng cường, đổi mới hoạt động giám sát đối với các hoạt động triển khai thi hành Hiến pháp và pháp luật, nhất là giám sát theo chuyên đề đối với các lĩnh vực có nhiều vướng mắc trong thể chế cũng như trong tổ chức thi hành pháp luật; kịp thời phát hiện và ngăn ngừa, loại trừ những quy định không phù hợp với nội dung và tinh thần Hiến pháp để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Thứ sáu, phải xây dựng và từng bước hoàn thiện các thiết chế tư pháp hiện đại, trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo vệ pháp luật, công lý.

Thứ bảy, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội có chiều sâu và thực chất hơn, lưu ý đến việc bảo đảm số lượng và tăng cường chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách (trong nhiệm kỳ 2021 – 2026) từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển mọi mặt của đất nước theo tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của các văn kiện Đại hội Đảng đã đề ra.

 

Nguyễn Tạo, Tỉnh ủy viên khóa X

Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

(Baolamdong.vn)

Lượt xem: 1.480
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003982866
  •  Đang online: 59
  •  Trong tuần: 239
  •  Trong tháng: 62.090
  •  Trong năm: 1.284.241