Giới thiệu nội dung cơ bản của Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng In trang
10/09/2020 07:33 SA

(Danvan.vn) Sáng 04/9, Đảng ủy Cơ quan Ban Dân vận Trung ương tổ chức hội nghị chuyên đề về những nội dung cơ bản của Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, chủ trì và trực tiếp giới thiệu nội dung chuyên đề.

Đồng chí Trương Thị Mai giới thiệu những nội dung cơ bản của Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng


Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh: Đại hội XIII có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; trải qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, trong đó có 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.Hội nghị triệu tập 100% cán bộ, đảng viên cơ quan tại Hà Nội và trực tuyến với cơ quan thường trực Ban Dân vận Trung ương tại thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. 

Đại hội diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó dự báo; đất nước đứng trước nhiều thuận lợi, thời cơ đan xen với những khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề mới đặt ra phải giải quyết; cán bộ, đảng viên và nhân dân đặt kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ của Đảng để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Đại hội có phương châm là: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, với chủ đề là: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII gắn với đánh giá tổng quát tiến trình đổi mới, quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XII; Kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Đồng chí Trương Thị Mai đã trình bày các nội dung cốt lõi, những điểm mới trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; đồng thời đi sâu giới thiệu phần Dự thảo về Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ XHCN, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, với nội dung cụ thể:

Về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc: Mọi hoạt động phải xuất phát từ lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích trong xã hội; Phát triển giai cấp công nhân; đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn; định hướng, quản lý tốt hoạt động của các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; Xây dựng đội ngũ trí thức, phát triển đội ngũ doanh nhân, bồi dưỡng thế hệ trẻ, phát triển toàn diện phụ nữ, phát huy cựu chiến binh, cán bộ công an hưu trí, người cao tuổi; Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển; đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời đẹp đạo, đóng góp tích cực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Hỗ trợ để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hội nhập xã hội nước sở tại; Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Về phát huy dân chủ XHCN, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân: Hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo Cương lĩnh, Hiến pháp 2013, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ. Vai trò của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nhà nước pháp quyền; Xử lý kịp thời, nghiêm minh lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân.

Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng nêu rõ, cán bộ, đảng viên Ban Dân vận Trung ương Đảng cần tập trung nghiên cứu 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII nêu trong Dự thảo Báo cáo Chính trị:

6 nhiệm vụ trọng tâm:

(1) Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng.

(2)  Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập.

(3) Giữ vững độc lập, tự chủ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biển, đảo; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

(4) Khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam cường thịnh, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người; thực hiện tốt chính sách xã hội, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

(5) Hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ XHCN, quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội.

(6) Quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ, cải thiện môi trường; ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

3 đột phá chiến lược:

(1) Hoàn thiện thể chế phát triển, trước hết là thể chế nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; ưu tiên hoàn thiện luật pháp, chính sách tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh; huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là đất đai, tài chính; phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

(2) Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực ở lĩnh vực then chốt, tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng phát triển.

(3) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, ưu tiên công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng năng lượng, công trình ứng phó biến đổi khí hậu; hạ tầng thông tin, viễn thông, phát triển kinh tế số.

Đồng chí Trưởng Ban Dân vận Trung ương giới thiệu nội dung bài viết mới nhất của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới".

Kết thúc hội nghị, đồng chí Nguyễn Phước Lộc, Phó Trưởng Ban, Bí thư Đảng ủy Cơ quan yêu cầu cán bộ, đảng viên của Đảng bộ tiếp tục tập trung nghiên cứu các nội dung được đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai trực tiếp giới thiệu, quán triệt tại hội nghị; tiếp tục đóng góp vào Dự thảo các văn kiện, đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Ban Dân vận Trung ương trong quá trình theo dõi, tổng hợp ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng./.

Hoàng Phong

Lượt xem: 1.676
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003994028
  •  Đang online: 21
  •  Trong tuần: 11.401
  •  Trong tháng: 73.252
  •  Trong năm: 1.295.403