Chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng Bộ huyện Di Linh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Bước chuyển biến mạnh mẽ In trang
12/08/2020 07:44 SA

Nhờ chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp thành công, huyện Di Linh đã xây dựng được một nền sản xuất hiện đại, bức tranh nông thôn ngày càng khởi sắc, nông dân giàu có hơn.

Cơ giới hóa trong thu hoạch lúa. Ảnh: Ndong Brừm

Cơ giới hóa trong thu hoạch lúa. Ảnh: Ndong Brừm

 

Hiệu ứng lan tỏa

 

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Di Linh đến năm 2020 với mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới được huyện chú trọng thực hiện và đạt hiệu quả trên cả 3 lĩnh vực: nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thông qua đó, từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao thu nhập trên diện tích canh tác. 

 

Trên nhiều vùng sản xuất, việc ứng dụng công nghệ cao đã dần được hình thành, gắn với xây dựng phát triển các liên kết, tham gia chương trình OCOP của địa phương. Cà phê vẫn là loại cây trồng chủ lực của huyện, với diện tích hơn 44.500 ha, những năm qua ngành nông nghiệp huyện đã tập trung chuyển đổi được 27.619 ha, tăng 12.445 ha, đạt 62% với các giống có năng suất và chất lượng cao như: TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9, TR11, TR13, TS1, TS2, TS4, Thiện Trường … 

 

Đồng thời, từng bước thực hiện xây dựng, hình thành vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Bắc với diện tích 471,85 ha và xã Đinh Lạc với diện tích 371,61 ha làm mô hình điểm để đầu tư phát triển mở rộng. Nhờ đó, kết thúc niên vụ cà phê 2019-2020, năng suất cà phê trên địa bàn huyện bình quân đạt 32 tạ/ha, tăng 3 tạ/ha và đạt sản lượng 140.000 tấn nhân, tăng 20.000 tấn so với năm 2015.

 

Đối với cây chè, huyện cũng đã thực hiện chuyển đổi 100% diện tích chè tại địa phương sang trồng những giống chè cành, chè hạt cao sản có giá trị kinh tế cao như Olong, Tứ Qúy, Kim Tuyến, TB14, LD97…; đồng thời khuyến cáo cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất chè tại địa phương áp dụng sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

 

Đặc biệt, phong trào chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang những loại cây ăn trái được người dân tích cực hưởng ứng. Điều này không chỉ góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng trong sản xuất mà còn giúp nông dân nâng cao thu nhập, phát huy tối đa hiệu quả sản xuất. 

 

Toàn huyện Di Linh hiện có 2.450 ha bơ, tăng 1.286,9 ha so với năm 2016, diện tích cho sản phẩm là 600 ha, năng suất ước đạt 120 tạ/ha, sản lượng 7.200 tấn. Sầu riêng có 2.350 ha, tăng 1.497 ha so với năm 2016, diện tích cho sản phẩm 620 ha, năng suất ước đạt 200 tạ/ha, sản lượng đạt 12.400 tấn. Định hướng của ngành nông nghiệp là khuyến khích người dân tiếp tục chuyển đổi, thực hiện trồng xen các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Bơ 034; Booth, Binkerton, sầu riêng monthong, Dona, Ri6,... trong vườn cà phê vối. 

 

Các loại cây trồng khác như mắc ca cũng được huyện khuyến khích đưa vào trồng xen và hiện có khoảng 1.100 ha mắc ca, diện tích cho thu hoạch 110 ha, năng suất đạt 1,6 tấn/ha. Bên cạnh đó là 600 ha cây dâu tằm, năng suất 283 tạ/ha, sản lượng 17.234 tấn; cùng với 3.160 ha lúa, năng suất đạt 55 tạ/ha và các cây trồng ngắn ngày khác. 

 

Ngành chăn nuôi được chú trọng phát triển, đến nay tổng đàn bò sữa đạt 881 con với sản lượng sữa ước đạt 3.500 - 3.600 lít sữa/ngày. Đề án phát triển chăn nuôi bò thịt cao sản cũng đã dần thay thế cho đàn bò vàng của địa phương, với tổng đàn bò thịt đạt 7.000 con. 

 

Chú trọng liên kết, xúc tiến thương mại

 

 Hiện tại ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế chung của huyện. Vì vậy, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với trọng tâm chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất theo hướng nông nghiệp chất lượng cao, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi gắn với xây dựng và mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản cho người dân, giảm khâu trung gian, đáp ứng yêu cầu hội nhập thị trường luôn được huyện chú trọng.

 

Trong những năm qua, trên địa bàn huyện đã dần hình thành một số hình thức liên kết sản xuất nông nghiệp, như: sản xuất cà phê, hoa, chăn nuôi bò sữa, mắc ca… tạo nền tảng phát triển theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, chế biến sản phẩm… góp phần phát triển nông nghiệp trên địa bàn một cách toàn diện và bền vững. Ông Vũ Hồng Long - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Di Linh chia sẻ: Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhằm phát triển kinh tế tập thể của huyện gắn với liên kết 4 nhà; đồng thời, phát huy mạnh mẽ vai trò kinh tế hợp tác trong sản xuất lớn, bền vững và là chủ thể quan trọng trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, triển khai chính sách phát triển nông nghiệp - nông thôn.

 

Để thực hiện được mục tiêu này, trong những năm tới, huyện Di Linh sẽ triển khai thực hiện công tác quy hoạch, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, tổ chức lại sản xuất; đảm bảo lộ trình đầu tư, quy trình sản xuất và đẩy mạnh liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Nhất là tạo điều kiện thuận lợi để các công ty, doanh nghiệp đủ điều kiện vào đầu tư trên địa bàn; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. 

 

Khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp, phát triển liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại với 32 hợp tác xã nông nghiệp, cùng với đó là 230 trang trại sản xuất nông lâm, chăn nuôi, thủy sản hiện có, các hợp tác xã và trang trại đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao vào phát triển sản xuất, tạo tiền đề cho công nghiệp chế biến và dịch vụ nông thôn phát triển.

 

Dễ thấy nhất là tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện những năm qua có nhiều biến đổi khởi sắc. Mức độ cơ giới hóa trong một số khâu đạt tỷ lệ khá cao như: khâu làm đất đạt 90%, máy gặt lúa 100%, xay xát gạo 100%, sử dụng máy phun thuốc bảo vệ thực vật 80%, vận chuyển 60%... Đây là cầu nối giữa nhà khoa học, nông dân và người tiêu thụ sản phẩm, là chỗ dựa cho kinh tế hộ gia đình phát triển, đồng thời tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. 

 

Với việc duy trì diện tích sản xuất nông nghiệp trên 75.000 ha và giá trị sản xuất bình quân đạt 132 triệu đồng/ha/năm như hiện nay, Di Linh còn có thể cải thiện hơn nữa năng suất, chất lượng cho nông sản, mang lại sức bật mới cho nông thôn và sự giàu có cho nông dân thông qua tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương. 

 

KHẢI NHIÊN - HOÀNG SA

Lượt xem: 1.279
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003986081
  •  Đang online: 65
  •  Trong tuần: 3.454
  •  Trong tháng: 65.305
  •  Trong năm: 1.287.456