Chào mừng đại hội Đảng bộ Viện Nghiên Cứu Hạt Nhân lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025: Đưa khoa học công nghệ hạt nhân trở thành động lực phát triển đất nước In trang
22/07/2020 07:39 SA

Được thành lập năm 1976, Viện Nghiên cứu Hạt nhân thuộc Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) mang trên vai trọng trách lớn lao “là cơ quan nghiên cứu khoa học và tham gia đào tạo cán bộ khoa học - kỹ thuật hạt nhân, vừa nghiên cứu cơ bản, vừa nghiên cứu ứng dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật hạt nhân, nhằm phục vụ phát triển kinh tế và phục vụ đời sống Nhân dân”. Gần 45 năm đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, đội ngũ các nhà khoa học của Viện đã hăng say lao động, sáng tạo, có nhiều đóng góp ấn tượng đưa kỹ thuật hạt nhân phục vụ hữu hiệu và thiết thực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

TS.Phan Sơn Hải - Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân

Nhân Đại hội Đảng bộ Viện lần thứ XII, cùng nhìn lại những thành tựu nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân của tập thể cán bộ, đảng viên, các nhà khoa học trong 5 năm qua và những định hướng phát triển của Viện 5 năm tới qua cuộc trò chuyện của phóng viên Báo Lâm Đồng với TS.Phan Sơn Hải - Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân. 

 

PV: Xin Bí thư - Viện trưởng cho biết một số kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Đảng bộ Viện nhiệm kỳ 2015 - 2020?

 

Bí thư, Viện trưởng PHAN SƠN HẢI: 5 năm qua, bám sát nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ giao, Đảng bộ Viện Nghiên cứu Hạt nhân đã lãnh đạo đội ngũ cán bộ khoa học, người lao động hăng hái hưởng ứng các phong trào thi đua. Từ đó, đạt được nhiều kết quả trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn: vận hành lò phản ứng, nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, đào tạo nhân lực, hợp tác quốc tế.

 

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt luôn được vận hành, kiểm tra, bảo dưỡng, duy tu và nâng cấp hệ thống công nghệ theo đúng quy trình, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về an toàn bức xạ, hạt nhân. Đã tăng thời gian hoạt động của lò để phục vụ nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc phóng xạ và đào tạo nhân lực đạt 2.200 giờ/năm. Công tác nghiên cứu khoa học đạt được nhiều thành tựu, 12 hướng nghiên cứu truyền thống của Viện (gồm: vật lý và động học lò phản ứng, vật lý hạt nhân, phân tích kích hoạt nơtron, điện tử hạt nhân, đo lường và điều khiển lò phản ứng, sản xuất đồng vị phóng xạ và dược chất đánh dấu, quan trắc và đánh giá tác động phóng xạ môi trường, nghiên cứu các quá trình môi trường, an toàn bức xạ, quản lý và xử lý thải phóng xạ, công nghệ sinh học, công nghệ bức xạ, phát triển các kỹ thuật phân tích lý hóa) đều có nhiều đề tài nghiên cứu với 20 đề tài khoa học các cấp/năm. Nhiều sản phẩm khoa học mới được tạo ra phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, nhiều tập thể được vinh danh, trong đó 1 công trình đoạt giải A, 1 công trình đoạt giải B Giải thưởng Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng lần thứ I, 1 công trình được ghi vào Sách Vàng sáng tạo Việt Nam 2018. 

 

Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phục vụ đời sống, hàng năm Viện sản xuất và cung cấp 664 Ci các loại thuốc phóng xạ cho các bệnh viện trong nước. Dịch vụ phân tích mẫu, VietGAP, nông nghiệp, công trình thủy điện, môi trường đã trực tiếp hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho hàng trăm doanh nghiệp, hộ cá thể, góp phần đẩy mạnh nông nghiệp sạch tại Việt Nam. Từ đó mang lại doanh thu đạt 40 tỷ đồng/năm, đạt mức tăng trưởng 20%/năm, tăng gần gấp đôi nhiệm kỳ trước. Công tác đào tạo nhân lực khoa học công nghệ hạt nhân được đẩy mạnh, mỗi năm Viện tổ chức 2 - 3 khóa đào tạo về lò phản ứng và ứng dụng năng lượng nguyên tử, hàng chục khóa đào tạo về an toàn bức xạ; 25 cán bộ của Viện được học nâng cao trình độ trên đại học, 70 lượt cán bộ tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn, học tập, dự hội thảo nước ngoài. Công tác hợp tác quốc tế được coi trọng, Viện đã cung cấp chuyên gia cho IAEA (Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế), đóng góp có hiệu quả cho các chương trình hợp tác vùng Châu Á - Thái Bình Dương, nâng cao vị thế của Việt Nam; đẩy mạnh hợp tác với Lào, Campuchia, giúp hai nước bạn phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì hòa bình. Hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước về quản lý an toàn bức xạ, hạt nhân, hỗ trợ 10 tỉnh, thành xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân, tổ chức diễn tập ứng phó, kiểm soát liều chiếu cho khoảng 5.500 nhân viên bức xạ tại hơn 500 cơ sở; hỗ trợ các đơn vị thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn bức xạ.

 

Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, nơi duy nhất của Việt Nam nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm từ phóng xạ

 

PV: Thưa Bí thư - Viện trưởng, còn những kết quả trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng cơ quan Viện?

 

Bí thư, Viện trưởng PHAN SƠN HẢI: Đảng ủy Viện đã đặc biệt quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực uy tín để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Viện đã cử 15 đồng chí học các lớp bồi dưỡng nâng cao lý luận chính trị, trong đó 4 đồng chí học cao cấp, 2 đồng chí học cử nhân chính trị chuyên ngành xây dựng Đảng, 9 đồng chí học trung cấp hệ tập trung. Tuyển chọn, bổ nhiệm 30 vị trí cán bộ lãnh đạo quản lý theo đúng quy trình, đảm bảo tiêu chuẩn phẩm chất đạo đức, chính trị, trình độ, năng lực; trong đó 1 Viện trưởng, 2 Viện phó, 12 cấp trưởng, 15 cấp phó các đơn vị trực thuộc. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, trong 5 năm các nhà khoa học trẻ là đoàn viên thanh niên đã có 7 công trình quốc tế. Trong nhiệm kỳ đã kết nạp được 23 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên của Đảng bộ Viện hiện nay là 71 đảng viên sinh hoạt ở 4 chi bộ. Các cấp ủy đảng thực hiện sinh hoạt đúng định kỳ, chú trọng sinh hoạt chuyên đề, công tác kiểm tra, giám sát được tiến hành chặt chẽ. Hàng năm, 12,8% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 86% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, 1,2% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ. 

 

Đảng bộ đã lãnh đạo tiến hành sắp xếp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy một cách hợp lý, giảm đầu mối từ 11 đơn vị trực thuộc còn 10 đơn vị; thực hiện tốt cơ chế tự chủ, tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách từ 185 người xuống còn 155 người, 30 người chuyển qua hưởng lương từ nguồn thu của đơn vị. Các hoạt động quản lý, nghiên cứu khoa học, ứng dụng năng lượng nguyên tử của Viện ngày càng đáp ứng các chuẩn mực quốc gia và quốc tế. Công tác quản lý của Viện đạt chuẩn ISO 9001:2015, các phòng thí nghiệm phân tích đạt tiêu chuẩn ISO/IEC, công tác quan trắc môi trường đạt chứng nhận VIMCERTS, các sản phẩm thuốc phóng xạ của Viện đạt tiêu chuẩn WHO-GMP. Viện đủ năng lực chứng nhận VietGAP cho các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ. 

 

Đảng bộ Viện đã hoàn thành tất cả 11 chỉ tiêu mà Đại hội nhiệm kỳ trước đề ra, trong đó 8 chỉ tiêu vượt mức, cụ thể 4 chỉ tiêu quan trọng nhất là: tổng thời gian hoạt động của lò phản ứng vượt 46%, tổng hoạt độ thuốc phóng xạ cung cấp cho các bệnh viện vượt 32%, số lượng công trình khoa học công bố trên tạp chí quốc tế vượt 200%, mức tăng trưởng doanh thu hàng năm từ dịch vụ khoa học kỹ thuật vượt 100%. Đảng bộ Viện được công nhận là Tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh tiêu biểu liên tục 5 năm, từ 2015 - 2019; được Tỉnh ủy Lâm Đồng tặng Cờ thi đua vào tháng 6/2020. Viện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền, được nhận Cờ thi đua của Bộ Khoa học và Công nghệ trong 4 năm liên tục từ 2016 đến 2019, nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ năm 2018. 

 

PV: Trong 5 năm tới, định hướng mục tiêu phát triển của Viện là gì, thưa Bí thư - Viện trưởng?

 

Bí thư, Viện trưởng PHAN SƠN HẢI: Trong 5 năm tới, Đảng bộ Viện tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng Viện Nghiên cứu Hạt nhân trở thành một tổ chức khoa học công nghệ đa ngành, đạt trình độ cao sánh ngang với các tổ chức KHCN cùng lĩnh vực trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; là đơn vị chủ lực của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam về nghiên cứu, thiết kế, vận hành và sử dụng lò phản ứng. Phát triển đa dạng ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế, an sinh xã hội; đảm bảo đủ nguồn lực để Viện phát triển bền vững theo hướng tự chủ một phần kinh phí. Tiếp tục nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền; tăng cường tiềm lực nghiên cứu, nâng cao năng lực làm chủ các thiết bị khoa học công nghệ chủ lực. Đặc biệt, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả Lò phản ứng Đà Lạt (đã ở tuổi 60) để phục vụ nghiên cứu, sản xuất dược chất phóng xạ ít nhất trong 10 - 15 năm tới; tất cả vì mục tiêu “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo; xây dựng Viện Nghiên cứu Hạt nhân phát triển toàn diện, bền vững; từng bước đưa khoa học công nghệ hạt nhân trở thành động lực quan trọng để phát triển đất nước”.

 

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bí thư - Viện trưởng, chúc Đại hội Đảng bộ Viện thành công!

Lượt xem: 1.788
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003994200
  •  Đang online: 44
  •  Trong tuần: 11.573
  •  Trong tháng: 73.424
  •  Trong năm: 1.295.575