Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc In trang
24/04/2020 07:31 SA

Trong quan điểm của Bác Hồ, đại đoàn kết dân tộc được xác định là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, phải được quán triệt trong các lĩnh vực, từ đường lối, chủ trương, chính sách đến thực tiễn.

 

Đại đoàn kết toàn dân tộc là tư tưởng cơ bản, nhất quán và xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi theo Bác, đoàn kết là lực lượng vô địch để khắc phục mọi khó khăn, giành lấy thắng lợi.

 

Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh toàn dân tộc làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức tại Hà Nội, tháng 9/1955

Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức tại Hà Nội, tháng 9/1955

 

Đại đoàn kết toàn dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng

 

Đại đoàn kết dân tộc là truyền thống cực kỳ quý báu của nhân dân Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Kế thừa truyền thống quý báu đó, trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc là tư tưởng cơ bản, nhất quán và xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.

 

Về vai trò của đại đoàn kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đại đoàn kết toàn dân tộc là một chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài, là vấn đề sống còn, quyết định thành công của cách mạng. Đoàn kết làm nên sức mạnh và là cội nguồn của mọi thành công: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi."

 

Để đánh bại các thế lực đế quốc, thực dân giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, nếu chỉ có tinh thần yêu nước thôi là chưa đủ, cách mạng muốn thành công và “thành công đến nơi," phải tập hợp tất cả các lực lượng, xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc bền vững.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định, cuộc đấu tranh cứu nước của nhân dân ta cuối thế kỷ 19 bị thất bại có một nguyên nhân sâu xa là cả nước không đoàn kết được thành một khối thống nhất. Muốn cách mạng thành công phải có lực lượng cách mạng, muốn có lực lượng cách mạng phải thực hiện đoàn kết.

 

Bác viết: “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết chặt chẽ, thì chúng ta nhất định có thể khắc phục mọi khó khăn, phát triển mọi thuận lợi và làm trọn nhiệm vụ nhân dân giao phó cho chúng ta."

 

Không dừng lại ở việc xác định đại đoàn kết là mục tiêu, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định nhiệm vụ của toàn Đảng là giữ gìn sự đoàn kết. Trong Di chúc, Bác dặn lại rằng "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình."

 

Như vậy, trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc được xác định là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, phải được quán triệt trong tất cả các lĩnh vực, từ đường lối, chủ trương, chính sách đến hoạt động thực tiễn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc các buôn, thôn của xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, ngày 11/11/2018.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc các buôn, thôn của xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk, ngày 11/11/2018.

 

Đại đoàn kết toàn dân tộc là sức mạnh của cách mạng Việt Nam

 

Để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân và nhân nguồn sức mạnh đó lên, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc giác ngộ, tập hợp nhân dân vào hàng ngũ cách mạng, bổ sung và phát huy vai trò của họ, làm cho họ trở thành một động lực cách mạng quan trọng; đồng thời khẳng định liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân.

 

Người chỉ rõ “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, gốc của cây."

 

Thực tế cho thấy, liên minh công-nông-trí (trí thức) không những là yêu cầu khách quan về chính trị, làm nền tảng vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước mà còn là yêu cầu khách quan để phát triển bền vững kinh tế, vǎn hóa, xã hội của đất nước.

 

Đây cũng chính là cơ sở để Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập và lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trải qua các thời kỳ cách mạng với những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không ngừng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, trở thành một nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

 

Với chức năng tập hợp, đoàn kết các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo và các thành phần trong xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hiệu triệu, quy tụ nhân dân thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc, chung sức, chung lòng làm nên những thắng lợi vĩ đại, viết nên những trang sử hào hùng của cả dân tộc, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ, trở thành chủ nhân của đất nước; mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.

 

Tại Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 10/9/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Lịch sử trong những năm qua đã tỏ rõ lực lượng đoàn kết của nhân dân là vô địch. Mặt trận Việt Minh đã giúp Cách mạng Tháng Tám thành công. Mặt trận Thống nhất Việt Minh-Liên Việt đã giúp kháng chiến thắng lợi. Chúng ta có thể tin chắc rằng: với sự cố gắng của mỗi người và sự ủng hộ của toàn dân, Mặt trận Tổ quốc sẽ làm tròn nhiệm vụ vẻ vang là giúp xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh."

 

Thực hiện xuyên suốt và nhất quán chiến lược đại đoàn kết dân tộc, trong chín thập kỷ qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tập hợp, đoàn kết và phát huy sức mạnh toàn dân tộc làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, rồi cùng nhau xây dựng “đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quà cho đồng bào các dân tộc sống và sinh hoạt tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam năm 2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quà cho đồng bào các dân tộc sống và sinh hoạt tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam năm 2019.

 

Tiếp tục củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc

 

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của đại đoàn kết, Đảng ta luôn xác định xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ chiến lược trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.

 

Từ năm 1986 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhiều nghị quyết nhằm tăng cường, củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc trong tình hình mới, tiêu biểu là các Nghị quyết Đại hội lần thứ VI, VII, VIII, IX, X, XI và XII của Đảng; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung và phát triển năm 2011); Nghị quyết số 08B-NQ/HNTW, ngày 27/3/1990 Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân; Nghị quyết 07-NQ/TW, ngày 17/11/1993 của Bộ Chính trị về đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất; Nghị quyết 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vì "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh;" Kết luận số 62-KL/TW ngày 8/12/2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị, xã hội.

 

Đại hội lần thứ XII của Đảng đánh giá trong những năm qua khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được mở rộng, củng cố và tăng cường trong bối cảnh đất nước có nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân đã đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động; phát huy ngày càng tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cùng Đảng, Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, quản lý xã hội; thường xuyên tổ chức các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần tích cực vào những thành tựu chung của đất nước.

 

Trên thực tế, trong nhiều năm qua, các cuộc vận động xã hội, các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động và triển khai thực hiện đã ngày càng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng.

 

Trong đó, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế; xóa đói, giảm nghèo; lá lành đùm lá rách; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống tội phạm… cùng các phong trào “Uống nước nhớ nguồn," “Đền ơn đáp nghĩa," “Ngày vì người nghèo," “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa," “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh," “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”… không chỉ có tác dụng thiết thực, tạo nên sự gắn kết cộng đồng mà còn góp phần làm cho tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, cần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo. Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

 

Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân.

Lượt xem: 1.851
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 003902167
  •  Đang online: 65
  •  Trong tuần: 2.734
  •  Trong tháng: 116.886
  •  Trong năm: 1.203.542