Góp ý Văn kiện Đại hội XIII : Thận trọng giữa “xây” và “chống“ In trang
21/04/2020 02:04 CH

"Không thể chủ quan, bởi những thông tin đó có thể gây hoang mang, làm giảm niềm tin của nhân dân, gây nhiễu loạn xã hội".

Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, xây dựng và trí tuệ vào các Văn kiện của Đại hội Đảng. Chủ trương của Đảng ta là luôn mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ, tâm huyết, sự sáng tạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, các tầng lớp nhân dân góp ý xây dựng dự thảo các Văn kiện của Đảng.

Đó cũng là việc làm cụ thể khẳng định bản chất của chế độ ta.

Thực tiễn của nhiều nhiệm kỳ Đại hội cho thấy, các phần tử cơ hội chính trị đã lợi dụng việc làm này, đưa ra những ý kiến, luận điệu xuyên tạc sự thật nhằm chia rẽ nội bộ Đảng, chống phá chế độ, làm giảm sút lòng tin của dân với Đảng.

Về vấn đề này, phóng viên phỏng vấn GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương.

gop y van kien dai hoi xiii than trong giua xay va chong

GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương. (ảnh: Quangngai.gov.vn)


GS.TS Tạ Ngọc Tấn:Đúng vậy! Việc thảo luận trong các tổ chức Đảng từ Trung ương đến các địa phương, lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân là một quy trình bắt buộc trong quá trình xây dựng Văn kiện cho Đại hội Đảng toàn quốc.PV: Phải khẳng định ngay rằng, mở rộng dân chủ, lấy ý kiến góp ý xây dựng dự thảo các Văn kiện của Đảng từ các cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên và các tầng lớp nhân dân là chủ trương đúng đắn của Đảng ta, thưa ông?

Để tạo điều kiện cho nhân dân có thể góp ý kiến dân chủ, rộng rãi, trước khi tiến hành Đại hội, Báo cáo Chính trị, Báo cáo về kinh tế xã hội của Ban Chấp hành TW sẽ được đăng phát toàn văn trên các phương tiện báo chí, truyền thông đại chúng. Trung ương Đảng sẽ có kế hoạch cụ thể trong việc giao nhiệm vụ cho Ban Tuyên giáo Trung ương, cho Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tiếp nhận, tổng hợp các ý kiến gop ý của nhân dân.

Tiểu ban Văn kiện sẽ tiếp thu các nội dung góp ý để sửa chữa các Văn kiện và Trung ương sẽ cho ý kiến lần cuối trước khi trình các văn kiện ra Đại hội.Thực ra, quy trình thảo luận trong các tổ chức của Đảng và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân góp ý cho các Văn kiện Đại hội là xuất phát từ nguyên tắc hoạt động của Đảng và đã được thực hiện từ nhiều lần Đại hội Đảng trước đây.

Điều lệ của Đảng xác định, Đảng chịu sự giám sát của nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Lấy ý kiến của nhân dân góp ý cho các Văn kiện Đại hội, chính là Đảng dựa vào dân để làm công việc xây dựng Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đó là hoạch định đường lối của Đảng.

PV: Đến nay dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã hoàn thiện sau 17 lần sửa và 7 lần sửa đối với dự thảo Báo cáo tóm tắt Văn kiện. Đại hội Đảng bộ cơ sở cũng đang đóng góp ý kiến vào Báo cáo tóm tắt Văn kiện. Những ý kiến đóng góp đó cần tập trung vào vấn đề gì thưa ông?

GS.TS Tạ Ngọc Tấn:Trong bản in dự thảo các Văn kiện để gửi tới các tổ chức Đảng các cấp có kèm theo gợi ý về các vấn đề cần tập trung thảo luận. Ví dụ đối với Báo cáo Chính trị, Trung ương gợi ý thảo luận 3 nhóm vấn đề. Thứ nhất là vấn đề đánh giá những thành tựu, hạn chế, nguyên nhân dẫn đến những thành tựu đó trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và 35 năm công cuộc Đổi mới.

Thứ hai là các vấn đề về tầm nhìn, định hướng phát triển trong 5 năm, 10 năm tới và hướng đến năm 2045 – 100 năm thành lập nước. Thứ ba là các vấn đề về nhiệm vụ, giải pháp phát triển các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

PV: Theo ông, những ý kiến góp ý từ các Đảng bộ cơ sở với những vấn đề như ông vừa trao đổi sẽ tác động tích cực như thế nào trong việc hoàn thiện Văn kiện của Đại hội?

GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Theo tôi, các ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên từ tất cả các tổ chức Đảng trong cả nước có tác động tích cực đến quá trình xây dựng, hoàn thiện Văn kiện Đại hội Đảng, thể hiện ở ba ý nghĩa sau.

Thứ nhất, ý kiến của hàng triệu cán bộ, đảng viên đang học tập, công tác, lao động sản xuất, hay làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an ninh trên mọi miền đất nước sẽ góp phần xác định chính xác hơn, rõ ràng hơn các luận điểm cơ bản, bổ sung để làm phong phú, chặt chẽ hơn những nhận định, đánh giá về tình hình thực tế; đóng góp những ý tưởng, cách nghĩ, cách làm mới để hoàn thiện các nội dung, giải pháp phát triển cho từng lĩnh vực. Đó chính là sự tập trung trí tuệ của toàn Đảng trong xây dựng đường lối.

Thứ hai, các ý kiến thảo luận của cán bộ, đảng viên khi bày tỏ quan điểm đồng ý với từng nội dung, vấn đề cũng có ý nghĩa như sự xác quyết, đồng tình của cán bộ, đảng viên với những nội dung đường lối trong các Văn kiện. Điều đó thể hiện rất tập trung, thống nhất ý chí trong toàn Đảng.

Thứ ba, quá trình nghiên cứu các Văn kiện để đóng góp ý kiến sẽ giúp đảng viên nắm bắt được nội dung đường lối của Đảng, quá trình thảo luận hoạch định đường lối, đồng thời cũng là quá trình học tập, quán triệt Nghi quyết Đại hội.

PV: Yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặt ra cho việc tiếp thu ý kiến góp ý vào Văn kiện Đại hội là phải có quan điểm, lập trường, lý lẽ. Với phương châm bình tĩnh, lắng nghe, trân trọng tất cả các ý kiến, cân nhắc thật kỹ, rồi tiếp thu tối đa. Theo ông, tới thời điểm hiện nay, chúng ta đã làm tốt yêu cầu này của người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta hay chưa?

GS.TS Tạ Ngọc Tấn:

Ngay sau Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (tháng 10/2018), Tiểu ban Văn kiện và các bộ phận phụ trách chuẩn bị các báo cáo đã bắt tay vào xây dựng kế hoạch làm việc rất chi tiết, bài bản. Các khâu công việc từ chuẩn bị đề cương, xây dựng bản thảo, nghiên cứu, khảo sát thực tế, hội thảo, tọa đàm khoa học, lấy ý kiến các chuyên gia, cán bộ lão thành, các nhà khoa học... được lên kế hoạch chặt chẽ.

Riêng Tiểu ban Văn kiện và Tổ biên tập của Tiểu ban có hàng trăm cuộc làm việc với các tỉnh, thành phố, các cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị -xã hội, nghề nghiệp hay hội thảo, tọa đàm khoa học. Các đoàn làm việc xuống đến từng cơ sở, xã phường, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị vũ trang để trao đổi, lắng nghe ý liến. Từ đề cương ban đầu, bản thảo được thảo luận nhiều lần ở Tổ biên tập, ở Tiểu ban Văn kiện, được Bộ Chính trị cho ý kiến trước khi đưa ra thảo luận ở Ban Chấp hành Trung ương.

Có thể nói là từng câu, từng chữ trong Văn kiện đều được trao đổi, cân nhắc. Nhiều vấn đề được chỉnh sửa sau mỗi bản thảo. Có những vấn đề vẫn được giữ theo các phương án khác nhau để tiếp tục lựa chọn.

Có thể nói rằng, toàn bộ những hoạt động ấy, những công việc ấy chính là thực hiện theo quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, người trực tiếp phụ trách Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII.

PV: Thưa ông, dưới những dạng “Thư góp ý”, “Thư ngỏ”; dưới cái vỏ bọc “tâm huyết”, “trách nhiệm”, một số phần tử cơ hội chính trị lợi dụng dân chủ góp ý xây dựng Văn kiện Đại hội đã làm nhiễu loạn các nguồn thông tin về thể chế chính trị, về vai trò lãnh đạo của Đảng, về công tác nhân sự và nhiều vấn đề liên quan đến Đại hội. Quan sát từ nhiều kỳ Đại hội, ông có bình luận gì về những hành vi xuyên tạc sự thật này?

GS.TS Tạ Ngọc Tấn:Tập trung dân chủ là một nguyên tắc hoạt động của Đảng. Dân chủ là điều kiện cho sự tồn tại, cho sự phát triển vững mạnh của Đảng. Tại sao thế? Vì nhân dân là cơ sở chính trị của Đảng, niềm tin của nhân dân mang lại quyền lực cho Đảng. Đảng chỉ có một lợi ích duy nhất là đấu tranh cho độc lập tự do của đất nước, cho ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Đảng dựa vào dân để xây dựng, dựa vào dân để hoạch định đường lối xây dựng đất nước cường thịnh, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân. Đó là nhận thức nhất quán trong Cương lĩnh và đường lối của Đảng ta. Đó cũng là thực tế sinh động trong đời sống chính trị - xã hội nước ta.

Những người lặp đi, lặp lại cái luận điệu đã quá cũ ấy bởi vì họ cố tình khư khư ôm lấy cách nghĩ sai trái, nhắm mắt làm ngơ trước thực tế đất nước. Họ muốn dân chủ kiểu gì? Dân chủ kiểu những người giàu vung tiền ra mua phiếu bầu cử chăng? Dân chủ kiểu đảo chính quân sự hay bắn giết không cần luật pháp chăng? Dân chủ kiểu đa đảng hình thức để dân đói khát, vô phương cứu chữa khi dịch giã chăng? Dân chủ đâu phải phụ thuộc vào 1 Đảng hay 10 Đảng. Dân chủ là ở chỗ mang lại được cái gì cho người dân, cuộc sống người dân có tốt hơn lên, người dân có tin tưởng, ủng hộ không.

PV: Thưa ông, nhiều lúc không dễ nhận diện được những hành vi với dụng ý xấu, chống phá Đảng ta, bởi họ núp dưới vỏ bọc là “chuyên gia”, từng giữ vị trí này, vị trí khác. Vậy thì mỗi đảng viên và người dân cần làm gì để không rơi cái “bẫy” của những âm mưu, thủ đoạn ấy?

Gs.TS Tạ Ngọc Tấn:Trong điều kiện truyền thông xã hội, mạng internet phát triển như vũ bão hiện nay, nguồn thông tin vô cùng phức tạp, rất khó có thể kiểm soát chặt chẽ, người dân quả là không dễ nhận diện được đúng, sai, phải, trái.

Với các thông tin về các vấn đề chính trị lại càng phức tạp hơn, càng khó nhận diện hơn.

Trong điều kiện ấy, hàng rào bảo vệ tốt nhất, quan trọng nhất cho mỗi người dân, trước hết và quan trọng nhất là nhận thức và tri thức. Nên có cách lắng nghe bình tĩnh, suy xét cẩn thận, cân nhắc kỹ càng và phản ứng hết sức thận trọng.

Từ thực tế truyền thông trong dịch Covid-19 cho thấy, nhiều người đã mắc bẫy tin giả, tham gia vào reo rắc những thông tin không có thực, gây hoang mang cho nhân dân, khó khăn cho các cơ quan có trách nhiệm. Tôi nghĩ, đó cũng là một kinh nghiệm để mỗi người tự điều chỉnh khi tiếp cận với những nội dung thông tin chính trị không chính thức có nội dung đáng ngờ.

PV: Đối với các tổ chức Đảng và các cơ quan chức năng, theo ông cần làm gì để chặn đứng những thông tin xấu độc, những hành vi lợi dụng dân chủ, lợi dụng việc góp ý cho Văn kiện Đại hội nhằm mục đích gây nguy hại cho Đảng, cho dân?

GS.TS Tạ Ngọc Tấn:Tôi nghĩ rằng, việc ngăn chặn, vô hiệu hóa luồng thông tin xấu độc là trách nhiệm và là công việc thường xuyên của các cơ quan chức năng, của cả hệ thống chính trị và của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong quá trình Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc XIII, trách nhiệm và công việc ấy càng phải được quan tâm, càng phải có những biện pháp, cách làm kịp thời, hiệu quả hơn.

Theo tôi, phải cập nhật thông tin nhanh, thường xuyên; giải thích, phê phán kịp thời, rõ ràng. Đồng thời huy động được đông đảo người tham gia hoạt động truyền thông, nhất là tham gia mạng, truyền thông xã hội.

Cách tốt nhất là bình tĩnh lắng nghe như phương châm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Và theo nguyên tắc của Bác Hồ, cái gì có lợi cho dân, cho nước thì ta nghe, tiếp thu, cố mà làm, cái gì có hại cho dân, cho nước thì ta suy xét thật kỹ để bỏ ra, cố mà tránh. Cứ lấy lợi ích của dân tộc, lợi ích của nhân dân làm cơ sở, căn cứ, làm lửa thử vàng thì đâu ngại gì mấy sự xuyên tạc, chống phá đó.

Tuy nhiên, cũng phải cảnh giác, không thể chủ quan, bởi những thông tin đó có thể gây hoang mang, làm giảm niềm tin của nhân dân, gây nhiễu loạn xã hội. Phải làm sao cho từng cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị trở thành đội quân làm công tác tư tưởng, nắm bắt tình hình, hướng dẫn, giải thích cho người thân, gia đình, bạn bè và cộng đồng hiểu được sự sai trái của những luận điệu đó. Đặc biệt, ta có hàng trăm cơ quan báo chí truyền thông, cần huy động tất cả vào cuộc để cập nhật thông tin, kịp thời vạch mặt phê phán những luận điệu sai trái, thù địch.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Lượt xem: 1.722
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004001048
  •  Đang online: 77
  •  Trong tuần: 77
  •  Trong tháng: 80.272
  •  Trong năm: 1.302.423